Hãy nhớ điều này khi đi lễ hội

NGUYỄN THANH LỢI 25/02/2016 04:02 GMT+7

TTCT - Hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa, giá trị của từng lễ hội, có niềm tôn kính và sự say mê nhập cuộc chung là nhu cầu “nhập thân văn hóa” để người tham dự còn là người sáng tạo văn hóa trong các lễ hội.

Hoạt cảnh tại lễ hội Gò Đống Đa 2016 làm tái hiện lại hình ảnh của nghĩa quân Tây Sơn khi đánh đuổi giặc Mãn  Thanh tại Thăng Long. Ảnh Nguyễn Khánh

Lễ hội là một hiện tượng văn hóa dân gian nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần và tâm linh không thể thiếu của con người.

Đây là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp gồm nhiều thành tố: nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, múa, trò diễn sân khấu, thể thao, thi tài, trưng bày hiện vật... chứ không chỉ có những trò vui như nhiều người vẫn nghĩ.

Kho tàng đa dạng kỳ thú

Việt Nam có một kho tàng lễ hội dân gian phong phú, đa dạng, sống động và hấp dẫn với 8.000 lễ hội lớn nhỏ từ cấp làng xã đến quốc gia diễn ra hằng năm. Riêng trong tháng giêng có tới 61 lễ hội vùng miền và quốc gia.

Đó là một bức tranh lễ hội hết sức phong phú: từ lễ hội nông nghiệp (hội đền Phật Tích, hội cấy Cao Thượng, hội thuyền Tam Giang...), lễ hội làng nghề (giỗ tổ thợ bạc, tổ ngành tuồng, tổ nghề rèn Hiền Lương (Huế), nghề gốm Thổ Hà, Bắc Ninh), lễ hội lịch sử (lễ hội Hùng Vương, hội Gióng, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Đức Thánh Trần, lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu)...

Các lễ hội tôn giáo (chùa Dạm, Cùa Dâu (Bắc Ninh), lễ thu tế ở làng Chuồn (Huế), lễ hội điện Hòn Chén), lễ hội giải trí như quan họ (Bắc Ninh), hát xoan (Phú Thọ), hát đúm (Hải Phòng), hát ả đào (Hà Nội)... lễ hội thi tài (kéo co, thi chạy, phóng lao, đấu roi, đấu vật, đánh phết, cướp cầu)...

Hồn của lễ hội

Lễ hội dân gian như một bảo tàng, một “tập thành văn hóa” lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt văn hóa dân gian, ẩn chứa bên trong những “mã văn hóa”, nơi phản ánh rõ nét nhất tâm thức của dân gian trong xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam, trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á.

Những lễ hội dân gian như vậy phản ánh các mặt của đời sống thường nhật, thể hiện khát vọng vừa hướng thượng vừa trần tục của con người mà qua bao đời đã được cố định, tuân theo những quy ước tưởng như bảo thủ, bất biến.

Ta thấy điều này chẳng hạn qua lễ hội Chử Đồng Tử (Hải Dương) vừa thể hiện chuyện tình say đắm, kỳ lạ trong tình sử Việt Nam vừa ghi nhận Chử Đồng Tử như ông tổ nghề đi buôn.

Dù ở quy mô nhỏ nhưng hội làng Đồng Kỵ vẫn nổi tiếng khắp cả nước bởi duy trì được nét truyền thống đặc sắc với nghi lễ rước pháo của người dân làng nghề giàu có nhất vùng Bắc Ninh (mùng 4-6 tháng giêng), tái hiện ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành Hoàng - ra lệnh xuất quân đánh giặc Ân.

Sâu xa trong đó còn là ý nghĩa của tục thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp nguyên thủy. Lễ cúng đình ở Nam bộ từ chỗ “xuân kỳ, thu tế” ở quê cũ được giản lược thành một lễ Kỳ Yên (cầu an) tổ chức đầu mùa khô hằng năm. Lễ hội Nghinh Ông của cư dân ven biển được xem là lễ hội nghề nghiệp của những người làm nghề biển, là “tết biển” của dân đánh bắt.

Âm nhạc trong hát chầu văn gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) là những di sản văn hóa giá trị. Múa cờ lau tập trận trong hội Trường Yên (Ninh Bình) tái diễn việc xây dựng cơ nghiệp nhà Đinh, thu giang san về một mối; cầu thần sông giữ dòng nước mát hiền hòa, phù trợ dân nước Đại Việt tránh mọi điều ác dữ...

Hát bội là loại hình sân khấu không thể thiếu trong lễ cúng Kỳ Yên, cúng cá Ông, Bà Chúa Xứ, Dinh Cô... để dâng lên cho thần linh và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng, trong đó có những bài học đạo lý về đối nhân xử thế qua những tuồng tích ca ngợi sự trung nghĩa...

Sợi dây cố kết cộng đồng

Lễ hội dân gian thường bắt nguồn từ tín ngưỡng của một cộng đồng (tôn giáo, nhân thần, thiên thần) nên yếu tố tâm linh trong lễ hội khá đậm nét. Chất thiêng trong lễ hội chi phối toàn bộ tính chất và hành động hội.

Hòa mình vào lễ hội, con người muốn tái sinh thời gian trong một không gian phi trần tục, những nghi lễ thiêng liêng và hoạt động văn hóa nghệ thuật đem đến cho người tham dự niềm cộng cảm.

Bởi vậy tính cộng đồng và cố kết cộng đồng là nét đặc trưng và giá trị tiêu biểu nhất của lễ hội. Khi cùng nhau hướng đến đối tượng mình suy tôn với thái độ thành kính, người dân mong nhận được “năng lượng thiêng” qua việc tắm mình vào lễ hội, hòa với cộng đồng.

Thực tế của lễ hội những năm gần đây với những biểu hiện tiêu cực, biến tướng với nhiều mức độ khác nhau chính là một ảnh chiếu hiện trạng xã hội nhiều bất ổn.

Nhiều người dự lễ hội với tâm thế vụ lợi, tìm kiếm sự “đổi trao” với thần thánh nên mới có chuyện cầu chức, “cầu ghế” trong lễ hội phát ấn đền Trần ở Nam Định, khác rất xa với ý nghĩa nguyên sơ của lễ hội này: một lễ thức của những viên chức nhà nước ngày xưa nhằm kết thúc công việc hành chính của một năm.

Những trò diễn trong các lễ hội phồn thực giao duyên ngày xưa như tung còn, cầu tằm, cướp kén, cướp bông, đánh phết cướp cầu... là những sinh hoạt dân gian vui nhộn, hồn nhiên, thể hiện tinh thần dân chủ trong lễ hội (Tả tơi như chơi hội), giờ biến thành việc “cướp lộc”, đả thương nhau bởi tính ích kỷ của con người hiện đại.

Lễ hội dân gian kết tinh trong nó những vẻ đẹp thuần phác của cha ông, hướng con người trở về cội nguồn, đề cao những giá trị đạo đức, cố kết cộng đồng, vươn tới cái đẹp thông qua những biểu tượng.

Những giá trị văn hóa lễ hội được trao truyền và thực hành liên tục qua nhiều thế hệ có còn là một nếp văn hóa - tâm linh đẹp đẽ hay không, đầu tiên cần tới những nỗ lực giữ gìn bằng sự hiểu biết của cả người làm công tác quản lý lẫn người tham gia lễ hội.

Hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa, giá trị của từng lễ hội, có niềm tôn kính và sự say mê nhập cuộc chung là nhu cầu “nhập thân văn hóa” để người tham dự còn là người sáng tạo văn hóa trong các lễ hội. Bằng không, ta chỉ là những kẻ hiếu kỳ làm phiền đến một không gian văn hóa - tâm linh của những lễ hội truyền thống tốt lành.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận