TTCT - Cuốn sổ hộ khẩu hiện đang gây hoang mang, lúng túng, khó hiểu ở nhiều người dân: bỏ - chưa bỏ, thu hồi - chưa thu hồi, hết sử dụng - vẫn còn giá trị đến cuối năm 2022… Cuốn sổ hộ khẩu giấy từng là thứ giấy tờ quan trọng nhất với hầu hết các gia đình Việt Nam. Ảnh: Tự TrungĐể hiểu được lập luận của cơ quan quản lý nhà nước, cần phân biệt sổ hộ khẩu trong quản lý dân cư và sổ hộ khẩu như một giấy tờ cần thiết trong các giao dịch dân sự liên quan đến hộ gia đình.Ở vế đầu, khi Luật cư trú (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1-7-2021, ngành công an xem như không sử dụng sổ hộ khẩu trong quản lý dân cư nữa mà thay bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDL). Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, họ hoàn toàn có thể quản lý dân cư theo cách này, vừa gọn nhẹ vừa chính xác hơn nhiều.Chính vì thế, họ cũng sẽ bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu như tách sổ, cấp đổi sổ, điều chỉnh nhân khẩu… Lúc thảo luận về Luật cư trú, ngành công an muốn bỏ ngay sổ hộ khẩu từ ngày 1-7-2021 nhưng sau đó do có nhiều ý kiến phản bác mà Luật cư trú quy định sổ hộ khẩu vẫn được sử dụng và có giá trị như một tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.Khi người dân đến đăng ký những thay đổi trong sổ hộ khẩu, vì luật không cho cấp sổ mới nữa mà để sổ cũ không còn chính xác thì cũng không được, nên luật quy định cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu có thông tin đã được điều chỉnh. Điều này về lý thuyết là hoàn toàn hợp lý.Hộ khẩu không chỉ là vấn đề cư trúThế nhưng trên thực tế, trong mấy chục năm tồn tại, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí cá nhân, đã sử dụng sổ hộ khẩu làm một loại giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình trong các giao dịch dân sự. Hơn thế nữa, vì hộ gia đình là một khái niệm quan trọng trong điều hành chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế, Nhà nước đôi lúc cũng cần sổ hộ khẩu, không phải cho mục đích quản lý dân cư mà cho các mục đích khác như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh… Trong những trường hợp này, sổ hộ khẩu là một loại giấy tờ quan trọng không thể thiếu và không thể bỏ.Một số ví dụ: Hiện nay việc bán xe ôtô đòi hỏi chữ ký của cả vợ lẫn chồng, dù chỉ một đứng tên trên giấy tờ xe. Khi ra công chứng, công chứng viên sẽ yêu cầu xuất trình hộ khẩu hoặc giấy kết hôn để chứng minh quan hệ vợ chồng. Cũng có những loại giấy tờ nhà đất cấp cho cả hộ gia đình, người đứng tên chỉ là đại diện. Bán loại nhà đất này cần hết thảy mọi người có tên trong sổ hộ khẩu ký đồng thuận. Hay sau một đợt lũ quét, chính quyền tỉnh hỗ trợ ngay cho mỗi hộ gia đình một khoản tiền khắc phục hậu quả, cần sổ hộ khẩu để làm thủ tục nhận tiền.Trong điều kiện lý tưởng, các nơi này đều được kết nối vào CSDL, thì chỉ cần gõ vài chữ là ra đủ thông tin cần thiết y như sổ hộ khẩu, thậm chí còn chi tiết hơn. Thế nhưng, bao giờ toàn quốc đạt được điều kiện lý tưởng này? Liệu các tổ chức tư nhân có thể tiếp cận CSDL không? Các xã vùng sâu bị thiên tai có đủ máy móc để truy cập?... Với rất nhiều câu hỏi trọng yếu như vậy, câu trả lời là không hoặc ít ra là chưa. Vậy thì việc bỏ sổ hộ khẩu, một nguồn tài sản ở dạng cơ sở hạ tầng dữ liệu cực kỳ to lớn, thậm chí là chưa thể thay thế, không khỏi gây ra vướng mắc.Với các hộ gia đình có điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu như cắt bớt nhân khẩu, tách hộ, bổ sung trẻ mới sinh… cũng đâu cần cứng nhắc thu hồi sổ hộ khẩu. Vẫn có thể làm sẵn những con dấu, in lên phần đã thay đổi để thông báo chúng không còn chính xác, cần truy cập CSDL để cập nhật. Người dân vẫn sẽ giữ sổ hộ khẩu vì chúng vẫn còn rất nhiều giá trị khác, bao gồm chứng minh quan hệ trong hộ gia đình với những người còn lại, và phần này sẽ không bị in dấu đè lên để hủy bỏ.Thực tế, Công an TP.HCM đã thu hồi 56.586 sổ hộ khẩu có thay đổi thông tin và cũng phải cấp 32.417 giấy xác nhận cư trú. Vẫn biết người dân có căn cước công dân gắn chip thì không cần hộ khẩu, vì trên đó đã có đầy đủ thông tin cần thiết, nhưng khi thẻ gắn chip chưa phổ cập toàn dân và không phải cơ quan, tổ chức nào cũng có máy và quyền đọc thông tin trên chip, thì giải pháp đơn giản, sẵn có, rẻ tiền là dùng sổ hộ khẩu thì sao lại bỏ đi quá vội vàng?Việc bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy trong quản lý dân cư là bước tiến đáng hoan nghênh, nhưng nên nhớ xã hội vẫn đang dùng sổ hộ khẩu cho nhiều mục đích khác. Đó là điều không ai mong muốn nhưng là một thực tế không thể lẩn tránh, là một yếu tố rất quan trọng để quyết định bỏ hay không bỏ, thu hồi hay không thu hồi cuốn sổ có một lịch sử nhiều thăng trầm này.Khi xã hội nhìn cái hộ khẩu khác nhauNgành công an không cần sổ hộ khẩu giấy nữa vì họ đã có thể quản lý dân cư bằng CSDL. Thế vì sao nhiều nơi khác vẫn đòi hỏi sổ hộ khẩu khi giao dịch với người dân?Lý do muôn hình vạn trạng, như ngành điện nước tính tiền theo quy mô hộ gia đình, ngành ngân hàng cho vay có thế chấp cần sổ hộ khẩu, ngành công chứng thường cần chứng minh các quan hệ nhân thân liên quan tới nhà đất/tài sản, ngành giáo dục phân tuyến tuyển sinh dựa trên nơi cư trú… Có cái chỉ là do quán tính, nhưng cũng có cái là hợp lý, trước giờ suôn sẻ, không cần thay đổi.Câu hỏi đặt ra là những nơi cần sổ hộ khẩu có thể thay đổi cách làm được không? Đương nhiên là được, nếu họ được kết nối với CSDL. Thậm chí Bộ Tài chính đã có dự thảo một thông tư về mức thu phí khai thác và sử dụng thông tin trong CSDL này. Nhưng từ nay đến ít ra là cuối năm 2022, khi sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, không thể trông mong việc kết nối như thế là thông suốt cho mọi tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp chứ đừng nói từng công dân.Vậy tại sao họ không dùng các phương tiện khác để thay sổ hộ khẩu, vì nói cho cùng có nước nào giao dịch dân sự mà cần đến sổ hộ khẩu như nước ta đâu? Ở nước ngoài muốn mở tài khoản ngân hàng, người mở cũng cần chứng minh nơi cư trú. Nhưng họ chứng minh bằng cách cung cấp vài ba hóa đơn điện nước gần nhất có ghi địa chỉ là đủ. Ở nước ta khó lòng trông đợi sự linh động như thế, vì ai nấy đều sợ trách nhiệm, kể cả nhân viên thụ lý hồ sơ vay ở ngân hàng tư nhân. Từ đó mới thấy vì sao nhu cầu xin cấp chứng nhận cư trú lại cao như thế.Cũng từ đó mới thấy mọi chuyện là do góc nhìn. Góc nhìn của ngành công an là quản lý dân cư, một khi đã chuyển sang quản lý bằng CSDL, nhiệm vụ của cuốn sổ hộ khẩu với họ đã chấm dứt, để lưu hành ngoài đời sẽ phát sinh thông tin sai so với CSDL, nên họ có nhu cầu thu hồi. Chỉ nhìn từ góc độ này thì thu hồi hộ khẩu là rất thuận lợi, sau đó chỉ cần bấm vài nút là nắm được thông tin cư dân cả một địa bàn, khỏi mất công rà soát từng sổ hộ khẩu giấy.Nhưng nếu từ góc nhìn của người dân thì việc xin giấy chứng nhận cư trú, dù chỉ cho một việc cỏn con là đăng ký điện nước hay thế chấp chiếc ôtô mua trả góp từ tiền vay ngân hàng, cũng hết sức gian nan. Từ góc độ này, trách nhiệm của ngành công an là chưa xong. Chính quyền cần một giải pháp sử dụng sổ hộ khẩu giấy sau năm 2022 cho đến khi kết nối hết mọi nơi cần thiết với CSDL một cách thông suốt. Vậy mới gọi là đáp ứng nguyện vọng của người dân, làm cho chính sách mới thuận lợi ít nhất là bằng chính sách cũ, không những cho chính ngành mình mà cho toàn xã hội. ■ Tags: Hộ khẩuQuản lý nhà nướcCư trúSổ hộ khẩuChứng minh nhân dân mớiCăn cước công dânCăn cước công dân gắn chíp
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.