Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và dân nghèo

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 06/03/2010 23:03 GMT+7

TTCT - Đánh giá về các đợt tăng giá vừa qua, TS LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên thành viên ban nghiên cứu của thủ tướng) cho biết:

-Theo tôi, các vụ tăng giá vừa qua là khá dồn dập. Trong một thời gian ngắn, chúng ta đã hai lần điều chỉnh tỉ giá làm tất cả mặt hàng nhập khẩu về VN đều tăng lên. Điều này có lợi cho xuất khẩu nhưng VN là nước nhập siêu, phải nhập về rất nhiều mặt hàng rồi mới sản xuất, gia công để xuất khẩu nên ảnh hưởng của nâng tỉ giá là rất rộng. Rồi ngay đầu năm âm lịch, giá xăng, điện... được nâng gần như đồng thời. Sau đó sẽ là giá nước.

Giống cách đây hai năm, chúng ta lại đang đứng trước thực tế phải chứng kiến một đợt tăng giá trên tất cả sản phẩm, dịch vụ. Đợt tăng giá này đang diễn ra ngay trong những ngày này và sẽ thể hiện rõ rệt trong tháng 3.

Theo tôi, nó sẽ không phải là đợt tăng cuối cùng mà chỉ là đợt đầu tiên, khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá điện, giá xăng như sắt, ximăng, nhựa, sản xuất hàng tiêu dùng... tính toán xong tác động đầu vào và phải tăng giá. Và sau khi tăng giá như vậy thì các cái khác cũng tăng. Thường khoảng sau ba tháng tính từ đợt tăng giá xăng và điện, chúng ta sẽ thấy một mặt bằng giá mới. Vì vậy, theo tôi, thực tế cho thấy cần có ngay chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nông dân, người nghèo.

Giúp dân...

* Thưa ông, các cơ quan chức năng khẳng định tăng giá tác động không đáng kể. Chúng ta mới tính được tác động của giá mới với số tiền phải bỏ thêm của người dân chỉ 7.000-35.000đ/tháng. Nhưng các nhà máy với những cỗ máy ngốn hàng chục ngàn kWh/tháng thì lại chưa tính toán cụ thể được?

- Doanh nghiệp và người dân đang phải cảm nhận hằng ngày và theo khảo sát của tôi, không ít trong số họ phải gồng mình vì tăng giá. Trong thời gian tương đối ngắn, chúng ta điều chỉnh nhiều thứ, dù mỗi thứ chỉ một ít nhưng tác động cộng hưởng là không nhỏ. Vấn đề là nó làm nâng giá thành từ khoảng 0,9-3,3%, trước đó doanh nghiệp đã phải âm thầm chịu đựng một số chi phí tăng do mức lạm phát năm trước, lần này lại tăng giá thành thì khả năng phải điều chỉnh khoảng 5-10% giá là thực tế. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi họ sẽ phải tăng giá 10% (cao hơn nhiều mức tăng giá mà một số quan chức nói) dù biết sẽ mất rất nhiều khách hàng.

* Thường sau mỗi chính sách, nhất là tăng giá, người ta thường thiết kế bộ giải pháp tiếp theo nhằm “giảm chấn” cho đối tượng nhạy cảm?

- Lần tăng giá này các đại gia, doanh nghiệp lớn điều chỉnh được giá mà không gặp khó khăn lắm. Khó khăn lớn là người dân, doanh nghiệp nhỏ, bởi họ không đủ khả năng áp đặt giá cho thị trường mà ngược lại họ bị áp đặt. Các làng nghề, doanh nghiệp đang khó khăn sẽ phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn hoặc sức cạnh tranh thấp hơn, lượng hàng được đặt bị giảm đi. Áp lực tăng lương, thu nhập của người dân rất lớn.

Chính phủ đã “che chắn” 50kWh đầu tiên cho hộ nghèo. Nhưng không có nghĩa họ không chịu tác động của giá điện. Họ không chịu giá điện tăng nhưng các mặt hàng khác tăng thì họ vẫn phải tiêu dùng. Họ sẽ bị ảnh hưởng, nên đúng là phải có chính sách tiếp theo quyết định tăng giá để hỗ trợ cụ thể và hiệu quả cho người nghèo, đối tượng sản xuất nhạy cảm, vừa ra khỏi khó khăn do suy giảm.

Và giảm chi phí cho doanh nghiệp

* Như vậy theo ông, cần có chính sách cụ thể nào để hỗ trợ?

- Trước tiên, Chính phủ phải triệt để tiết kiệm, tính toán điều chỉnh phương án thu chi, tính lại đầu vào cho doanh nghiệp. Chúng ta có thể thay đổi các phương án, yêu cầu về vận tải, lưu kho - hai chi phí khá lớn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng cải thiện. Đặc biệt, Chính phủ giảm được chi phí cho thủ tục hành chính được đồng nào, dân và doanh nghiệp sẽ cảm thấy rõ. Những chi phí đã bị nhắc đến rất nhiều với những tiêu cực khi doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan, đối diện với cảnh sát giao thông... cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn để có giải pháp diệt tận gốc. Những chi phí như “làm luật” mà tăng do lạm phát thì nó sẽ trở nên hết sức nguy hiểm với doanh nghiệp.

Ngoài ra, quan trọng không kém, theo tôi đã đến lúc VN cần có bộ chính sách mạnh mẽ, cụ thể, giúp doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ. Nó không thể làm một sớm một chiều nhưng phải làm. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện sức cạnh tranh về lâu dài, giảm được những tác động do tăng giá sau này.

* Với nông dân, theo ông, cần giúp họ điều gì?

- Trước hết hãy đảm bảo việc tiêu thụ những thành quả của nông dân với giá tốt. Giá đầu ra tốt thì sau đó cần bảo đảm thức ăn gia súc, phân bón... đầu vào ở giá hợp lý. Tiếp nữa là giao thông, giảm những chi phí không tên và không cần thiết cho họ. Những việc có thể giúp họ như kho cất giữ hàng, cơ chế cho vay khi cất thóc vào kho để có tiền sản xuất vụ mới... chúng ta cần nhanh chóng áp dụng. Có rất nhiều chính sách hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích, quy mô sản xuất... cần được tiến hành ngay. Theo tôi, cần ngồi lại với các hiệp hội của nông dân, những đối tượng doanh nghiệp nhạy cảm để bàn việc dùng khoa học công nghệ thế nào và giảm chi phí ra sao.

* Theo ông, Chính phủ có nên tiết giảm đầu tư công để giảm nguồn gây lạm phát?

- Theo tôi, nên ưu tiên giảm các mất cân đối vĩ mô, đặc biệt trong thời điểm này cần tránh khởi công ào ạt các công trình phải mất thời gian dài, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ví dụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đến nay vẫn chưa bàn giao, kéo dài như thế là tạo thêm chi phí xã hội. Chính phủ cần thực hiện chính sách cơ cấu lại nền kinh tế. Các biện pháp hiện nay, theo tôi đánh giá, chủ yếu là ngắn hạn. Phải có chính sách dài hạn mới giải quyết được vấn đề.

Bây giờ phải ưu tiên ổn định vĩ mô, giảm mất cân đối của nền kinh tế, tập trung cải cách.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận