Hoài niệm ngưỡng cửa

ĐỖ HOÀNG CHINH ĐỨC 11/10/2009 19:10 GMT+7

TTCT - Mỗi lần có dịp đi công tác về các vùng quê, đến đâu tôi cũng hay nhìn xem nhà nào còn ngưỡng cửa.

Hoài niệm ngưỡng cửa

TTCT - Mỗi lần có dịp đi công tác về các vùng quê, đến đâu tôi cũng hay nhìn xem nhà nào còn ngưỡng cửa.

Ảnh tư liệu

Ngưỡng cửa trong các ngôi nhà người Việt bây giờ rất hiếm. Nó như một sản phẩm xa xỉ đối với đời sống hiện đại. Bởi ngưỡng cửa chỉ có ở nhà gỗ, mà nông thôn hiện nay còn rất ít nhà gỗ.

Hồi nhỏ, tôi lớn lên bên nhà ông ngoại. Nhà năm gian, sáu hàng chân nên ngưỡng cửa rất cao. Nhà càng rộng, ngưỡng cửa càng lớn.

Nhà gỗ, ngưỡng cửa bằng gỗ, nối hàng cột chính, chạy suốt phía trước ngôi nhà. Nó chính là chỗ để đặt đố, làm then cửa, là nơi để đỡ những cánh cửa bằng gỗ dày và chắc chắn mà khi bình thường để làm cánh cửa. Khi có giỗ chạp, đám cưới, đám xin nó được dỡ ra kê làm phản, làm mâm sắp cỗ. Ngưỡng cửa để phân biệt trong và ngoài nhà. Nó cũng buộc người ta trước khi bước vào nhà phải nhìn xuống, nhấc chân cao và bước thận trọng hơn. Cũng nhắc khách đến nhà phải chầm chậm lại, nhìn trước nhìn sau trước khi đặt chân từ hè vào nhà.

Ngưỡng cửa còn là nơi để bà ngoại tôi ngồi khâu vá, đám trẻ con ngồi ngóng bố mẹ đi làm về muộn, là chỗ để cô hàng xóm ngồi dựa lưng khi đi làm nương ghé vào uống nhờ ngụm nước và vớ lấy cái nón quạt lấy quạt để cho ráo mồ hôi. Nó còn là ghế ngồi mỗi khi họp gia đình, họp họ.

Ngưỡng cửa còn là chỗ để những anh chị em mới tập đi của chúng tôi bám vào mà đứng lên. Rồi cứ lần theo đấy mà đi từ đầu nhà bên này sang đầu nhà bên kia. Mỗi đứa trẻ đi vài lượt như thế là có thể tự đứng lên đi được. Bởi trẻ con xưa chẳng ai bế bồng, cũng chẳng có xe vòng để tập đi.

Ngưỡng cửa còn là cả một thế giới đầy bí ẩn và hấp dẫn của trẻ thơ.

Dưới ngưỡng cửa, gần chân mỗi cột nhà bao giờ cũng có rất nhiều đất bột, đám khoay khoáy thường khoáy đất bột làm thành những lỗ hình chóp nón. Bọn trẻ con cứ việc nhìn vào lỗ hình chóp ấy mà đoán biết con khoay khoáy ấy to hay bé rồi thò ngón tay trỏ vào bới, chỉ vài giây là bắt được chú khoay khoáy bỏ vào lòng bàn tay. Nó dũi đầu vào các kẽ tay, đám trẻ cười như nắc nẻ...

Ngưỡng cửa nơi gian giữa - gian thờ phụng - phụ nữ ít khi được đi qua. Nhà có nếp thường mở toang cửa chính, đồng thời mở một cánh cửa gian phụ. Khách khứa, đàn ông trong nhà được đi cửa chính. Bà, mẹ tôi và các mợ hay đi cửa phụ. Buồng của ai ở bên nào thì đi cửa phụ bên ấy.

Trên ngưỡng cửa còn có bậu để làm then cài cánh cửa. Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi - đứa trẻ lớn nhất - thường được phân công đi cài then cửa. Then cài xong, mẹ thường đi kiểm tra lần cuối cùng xem các then đã khít chưa, có bị lỏng lẻo chỗ nào không, cánh cửa có bị hở tí nào không...

Và thường then cửa cuối cùng bao giờ cũng ở ngay phía trên lỗ ngạch, nơi để trẻ con quét rác đẩy ra ngoài. Lỗ ngạch ấy để cậu út đi chơi về muộn mà không dám gọi mẹ dậy bởi sợ ồn, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người già thì thò tay qua tháo then, mở một cánh cửa mà vào.

***

Rồi chúng tôi, lũ trẻ lớn lên, đi làm ăn tứ tán muôn phương. Căn nhà năm gian của ông đã được dỡ bỏ. Nhà xây mới, cửa trệt, lát gạch tàu. Cửa lại sử dụng chốt chân trực tiếp xuống nền, không còn ngưỡng cửa. Đám trẻ tập đi được thả vào cái xe vòng phi từ đầu nhà đến cuối nhà. Khách khứa đến nhà cũng xồng xộc đi vào từ cửa chính, chẳng còn phải ngó nghiêng câu nệ mỗi khi vào nhà, bởi bờ hè và nền trong nhà chẳng còn gì ngăn cách. Đối với đám trẻ nhỏ thì ngưỡng cửa là một khái niệm mơ hồ, không tồn tại. Bóng dáng của bà ngồi ở ngưỡng cửa tay phe phẩy quạt mo, đám trẻ lê la bên ngưỡng cửa đã không còn cả chục năm nay rồi.

Theo nhịp sống đô thị, khi văn hóa ximăng tràn về các vùng thôn dã thì ngưỡng cửa cũng dần biến mất. Không chỉ là mất đi một chi tiết kiến trúc đậm tính Việt trong ngôi nhà cũ, cùng với nó là sự phôi pha và lụi tàn một quan niệm sống mang tính văn hóa Việt trong nếp nhà xưa.

ĐỖ HOÀNG CHINH ĐỨC

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận