Hồi phục tại nhà - “bình thường mới” của điều trị COVID-19?

HỒNG VÂN 21/10/2021 01:05 GMT+7

TTCT - Cho tới giờ, những hiểu biết của thế giới về Covid-19 khiến việc chống dịch bình tĩnh hơn, bớt lãng phí và phiền hà hơn. Quan trọng hơn cả là hướng đi lấy điều trị tại nhà làm chủ lực.

 
 Bộ kit điều trị tại nhà của Bộ Y tế Singapore.

Đã có những quốc gia thực hiện điều trị tại nhà từ sớm và bảo vệ được hệ thống y tế của họ trong những thời điểm căng thẳng nhất vì COVID-19. 

Singapore: mặc định điều trị tại nhà

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 9-10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề nghị người dân Singapore đổi mới tư duy về COVID-19 và không nên sợ hãi đến tê liệt vì căn bệnh này. 

Bộ Y tế Singapore cho biết quy trình y tế sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 11-10, sẽ đánh dấu sự chuyển hướng theo hướng nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân và cá nhân tự quản lý bệnh. Quy trình đơn giản hóa theo hướng để người dân biết ngay cần phải làm gì nếu xét nghiệm dương tính hoặc có tiếp xúc với người bệnh. Đây là bước đi nhất quán với quan điểm xác định COVID-19 đã trở thành một căn bệnh có thể điều trị được và là bệnh nhẹ với phần đông dân số, đặc biệt là với người trẻ và người đã tiêm vắc xin đầy đủ ở Singapore.

Singapore khuyến khích người dân cứ đi khám bệnh nếu không khỏe. Tại các cơ sở y tế, không có chuyện yêu cầu xét nghiệm tràn lan vô tội vạ mà nếu đánh giá thấy người bệnh có thể mắc COVID-19, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, chỉ cần xét nghiệm nhanh mà không cần làm xét nghiệm PCR. Nếu kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ về nhà điều trị và cách ly. 

Bộ Y tế Singapore cho biết chương trình phục hồi tại nhà sẽ là mặc định, trừ trường hợp gia đình đông người, chật chội, có người nhà có rủi ro lây bệnh và bị bệnh nặng cao thì người nhiễm có thể chuyển đến các cơ sở chăm sóc thích hợp. Người đại diện của Bộ Y tế sẽ hỏi bệnh nhân đang sống cùng ai, điều kiện phòng ốc ra sao... để đánh giá. 

 
 Nguồn: Straits Times

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết việc dựa vào điều trị tại nhà sẽ giúp các bệnh viện có nhiều giường trống để chữa cho những người nhiễm COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng cao, đa số là người lớn tuổi. Người đứng đầu Singapore cũng cam kết tất cả người dân đều nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ họ cần trong suốt quá trình tự điều trị COVID-19 tại nhà.

Trong chiến lược này, người dân được kêu gọi thể hiện trách nhiệm của mình để giữ an toàn cho mọi người, đặc biệt là những người dễ nhiễm COVID-19 như người lớn tuổi và những người lớn tuổi chưa tiêm phòng.

Singapore không lảng tránh thực tế là trong những tuần và tháng sắp tới, số ca tử vong do COVID-19 sẽ tăng lên. Do đó, người chưa tiêm cần tiêm vắc xin và người lớn tuổi cần tiêm bổ sung để tăng cường hiệu quả bảo vệ. 

Bảo vệ hệ thống y tế 

Cuối tháng 10-2020, sau khoảng 1 tháng thí điểm giám sát bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao tại nhà, Bộ Y tế Ba Lan quyết định sẽ mở rộng việc giám sát tại nhà với tất cả những người nhiễm COVID-19. Chuyển sang giám sát tại nhà là biện pháp để bảo vệ người bệnh, tránh các ca tử vong do được nhập viện quá trễ. Theo chiến lược mới, tất cả những ai dương tính với COVID-19 đều tham gia chương trình chăm sóc y tế tại nhà để thường xuyên được kiểm tra. 

Ông Trần Trọng Hùng (kiều bào Ba Lan) - trưởng ban hỗ trợ và phòng chống COVID-19 cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan - chia sẻ kinh nghiệm “ba phao hỗ trợ” rất thành công ở Ba Lan: Phòng triệt để, chống ngay lập tức và cấp cứu kịp thời. Phòng dịch gồm rèn luyện sức khỏe, suy nghĩ lạc quan, tăng cường sức khỏe và thực hiện 5K như tại Việt Nam. Trong 5K, quan trọng nhất là không được để tập trung đông người, Ba Lan tiến hành tổ chức lại phương thức làm việc của nhà máy, siêu thị... Những nơi này chia nhóm nhỏ luân phiên làm việc, ca làm việc cách nhau ít nhất 1 giờ để hạn chế tiếp xúc và thời gian đó được dùng để khử trùng. Các siêu thị điều chỉnh lại thời gian mở cửa, có nơi mở từ 5h sáng đến 1h sáng hôm sau, để giảm tải lượng người đến mua cùng lúc và vẫn đảm bảo giãn cách. 

Trường hợp người dân đã nhiễm bệnh thì được cấp thuốc giảm triệu chứng như thuốc hạ sốt, giảm đau... miễn phí để điều trị tại nhà ngay cả khi bệnh nhân không có bảo hiểm sức khỏe. Ba Lan đã mua hàng trăm ngàn máy đo nồng độ oxy máu để phát cho người từ 55 tuổi trở lên để giám sát chỉ số sinh tồn quan trọng này, giúp ra quyết định khi nào cần nhập viện kịp thời. 

Điều trị tại nhà cũng được áp dụng ở Mỹ, quốc gia có số ca bệnh và người tử vong đứng đầu thế giới và bỏ xa các nước khác. Hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nêu rõ phần lớn người nhiễm COVID-19 chỉ mắc bệnh nhẹ và có thể phục hồi tại nhà mà không cần chăm sóc y tế. Nếu bị khó thở, hoặc có các dấu hiệu cảnh báo thì cần gọi 911 hoặc hẹn trước khi đến phòng khám. Biện pháp này nhằm để bảo vệ hệ thống y tế khỏi quá tải nhưng lãnh đạo nhiều bệnh viện đều cho biết nhân viên của họ đã chịu áp lực lớn trong 18 tháng cứu người liên tục. 

 
 MỘt giường điều trị tích cực ở Úc. Ảnh: Reuters

Bệnh viện tại gia

Một mô hình tương tự nhưng có nét riêng là chương trình bệnh viện tại nhà (Hospital at Home) của Úc dành cho người nhiễm COVID-19. Tại bang Victoria, nếu có nguy cơ thấp, người nhiễm COVID-19 điều trị với bác sĩ đa khoa. Bệnh nhân có rủi ro trung bình sẽ theo chương trình bệnh viện tại nhà hoặc nhập viện. 

Trang The Conversation nhận định điều trị tại nhà tốt hơn cho bệnh nhân về nhiều mặt. Bệnh nhân không phải nằm viện khi chưa cần thiết và vẫn nhận được sự theo dõi thường xuyên từ nhà chuyên môn. Môi trường quen thuộc tại gia đình giúp bệnh nhân nghỉ ngơi, ngủ tốt hơn và không phải chung phòng với người lạ. Người nhà và gia đình cũng có thể hỗ trợ bệnh nhân theo những cách thuận tiện hơn với họ.

Với bệnh viện, điều này có nghĩa là giường bệnh sẽ được dùng cho những người mắc bệnh nặng thực sự cần chăm sóc. Y tá sẽ đến nhà bệnh nhân vài giờ mỗi ngày để thay drap giường, đưa thuốc uống, thay dịch truyền... Bác sĩ cũng sẽ đến khám bệnh trực tiếp nhưng không phải mỗi ngày. Tùy tình trạng của bệnh nhân, sẽ có thêm chuyên gia vật lý trị liệu để hỗ trợ. 

Đội ngũ bác sĩ tại nhà của một số bệnh viện còn có bác sĩ nhi, có bác sĩ tâm thần. Bệnh nhân sẽ nhận được sự chăm sóc gần như ở bệnh viện, trừ dịch vụ mổ hoặc chăm sóc đặc biệt. Khi tình trạng trở nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển tới bệnh viện. 

Mô hình bệnh viện tại nhà của Úc với điều dưỡng, bác sĩ đến tận nhà bệnh nhân khác với hình thức hỗ trợ từ xa của các nước khác, đa số là tư vấn trực tuyến và mức độ giám sát ít hơn nhiều. Mặc dù vẫn giảm phần nào viện phí cho bệnh nhân, bệnh viện tại nhà vẫn tốn kém về nhân lực và có nhiều hạn chế khác. 

Trước thời điểm Úc mở cửa lại nền kinh tế, được xác định là ngay khi tỉ lệ tiêm vắc xin 2 liều đạt 70% (dự kiến cuối tháng này), ngành y tế tại tất cả các địa phương đều xin thêm tiền cho chương trình bệnh viện tại nhà để chống đỡ với số ca bệnh mới sẽ gia tăng, bảo vệ các bệnh viện và dịch vụ xe cứu thương không bị quá tải. Ngân sách tăng thêm có thể mua thêm máy đo nồng độ oxy để bệnh nhân tự theo dõi tại nhà, trả cho đội ngũ bổ sung là sinh viên y khoa năm cuối hoặc các y bác sĩ về hưu tham gia hỗ trợ và mua thêm trang thiết bị. 

Việc chỉ chăm sóc người bệnh nặng và nhiều người tử vong khiến các đội ngũ bị kiệt quệ về tinh thần. Để bù đắp cho những giờ làm việc liên tục này, nhiều bệnh viện ở Mỹ đã trả lương xứng đáng hơn cho đội ngũ. 

Southern Illinois Healthcare - mạng lưới bệnh viện gồm hơn 30 bệnh viện ở 11 quận hạt trong tiểu bang Illinois - đã cho tăng lương cơ bản từ 12,14 USD lên 14 USD một giờ, tăng tiền công cho các kỹ thuật viên chăm sóc bệnh nhân lên 15 USD/giờ. Từ y tá, bác sĩ trị liệu hô hấp, bác sĩ trị liệu phục hồi chức năng và vật lý trị liệu, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, chuyên gia chẩn đoán hình ảnh... được tăng định mức theo giờ. 

Lãnh đạo hệ thống bệnh viện này cho biết việc tăng lương là lời tri ân thiết thực đến đội ngũ, giúp giữ nhân lực, thu hút nhân tài và khiến việc ở lại nghề y còn hấp dẫn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận