Hỗn loạn ở Hạ viện Mỹ: Ai sẽ thay McCarthy?

THANH TUẤN 13/10/2023 10:18 GMT+7

TTCT - Hạ viện Mỹ im phăng phắc khi nghị sĩ Steve Womack đọc kết quả bỏ phiếu lịch sử hôm 3-10: "Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ chính thức bỏ trống".

Ông McCarthy (phải) và ông Gaetz (trái) đối đầu ở Hạ viện Mỹ. Ảnh: Getty Images

Ông McCarthy (phải) và ông Gaetz (trái) đối đầu ở Hạ viện Mỹ. Ảnh: Getty Images

"Rồi sao?". Đó là câu hỏi mà Washington đang tự hỏi lúc này giữa hỗn loạn của phe Cộng hòa. Cuộc đấu đá nội bộ đảng này dẫn tới cuộc bỏ phiếu 3-10 bãi nhiệm ông Kevin McCarthy khỏi vị trí chủ tịch hạ viện - lần đầu trong lịch sử Mỹ - đẩy cơ quan dân cử này vào cảnh hỗn loạn, không lãnh đạo.

8 thành viên cực hữu phe Cộng hòa cùng bỏ phiếu với phe Dân chủ để loại ông McCarthy. Tỉ lệ phiếu 216-210 cho thấy sự chia rẽ gay gắt ra sao và nêu ra câu hỏi liệu có ai giành được đủ ủng hộ để điều hành Đảng Cộng hòa không. 

Với 221 ghế ở Hạ viện, phe Cộng hòa chiếm đa số chỉ hơn 4 ghế, nên dễ dàng bị nhóm cực hữu 8 nghị sĩ chi phối. Tại nhiệm 269 ngày, McCarthy là chủ tịch hạ viện nắm quyền ngắn nhất trong 140 năm qua. Những tuần sắp tới hứa hẹn còn tiếp tục hỗn loạn ở Washington - điều sẽ tác động vượt ra khỏi chính trường Mỹ.

Bất đồng nội bộ

Trước khi bỏ phiếu, một cảnh tượng hiếm thấy là phe Cộng hòa chỉ trích nhau công khai ngay ở hội trường Hạ viện. Các thành viên cực hữu miệt thị công khai ông McCarthy và cãi nhau với những người đồng chí của họ. 

Còn các nghị sĩ Cộng hòa "trung dung" đáp trả rằng phe cực hữu cố tình gây hỗn loạn để lấy số chính trị và chiếm sóng truyền hình. "Ông ta đặt cổ chính trị của mình vào tròng dù biết ngày này sẽ đến", hạ nghị sĩ Tom Cole của Oklahoma, đồng minh của ông McCarthy, nói. "Hãy nghĩ kỹ trước khi các vị đẩy chúng ta vào hỗn loạn".

Matt Gaetz, nghị sĩ tham vọng từ Florida, đã vài lần dọa đề xuất bãi nhiệm. Và việc ông McCarthy đạt thỏa thuận phút chót với phe Dân chủ để tránh chính phủ đóng cửa đã khiến ông Gaetz chính thức hành động. 

"Các bạn biết Matt Gaetz rồi, chuyện này mang tính cá nhân", ông McCarthy nói với báo chí sau khi bị loại. Ông Gaetz thì nói ông không hề "công tư lẫn lộn", nhưng thực tế ông đang bị Ủy ban Đạo đức Hạ viện điều tra các cáo buộc về quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên và sử dụng sai tiền quỹ - ông Gaetz khó chịu khi ông McCarthy không chặn các điều tra này.

Ngoài ra, ông Gaetz còn có tham vọng khác. "Ông ta là nhân vật rất sắc sảo, tính toán và thông minh: một tay chính trị gia chuyên nghiệp", Economist trích lời Christian Ziegler, chủ tịch Đảng Cộng hòa ở bang Florida. "Đây không phải một người làm điều gì đó bộp chộp. Mọi thứ đều được tính toán cẩn thận khi Matt Gaetz hành động".

Ông Gaetz bị các nghị sĩ phe Cộng hòa khó chịu còn vì quá nghiện xuất hiện trên truyền hình. Ông cũng lợi dụng việc lật đổ McCarthy để gây quỹ cho bản thân - nhiều nghị sĩ Cộng hòa coi ông Gaetz là kẻ đáng ghét nhất lúc này ở Quốc hội. 

Một số thành viên chủ chốt của phe Cộng hòa đã kêu gọi khiển trách ông Gaetz, thậm chí loại ông ra khỏi đảng. "Matt Gaetz đã phá hoại đảng bằng cách cho người Mỹ thấy là chúng ta không nghiêm túc trong điều hành", Dan Eberhart, một nhà tài trợ lớn của phe Cộng hòa, nói với Financial Times.

Trước khi bỏ phiếu, phe Dân chủ cũng cân nhắc việc có nên giúp để McCarthy ở lại hay không. Nhưng cuối cùng thì sự khó chịu với ông McCarthy đã khiến phe này quyết định đứng ngoài trong cuộc chiến nội bộ của phe Cộng hòa. 

Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe thiểu số, chỉ đạo phe Dân chủ không giúp với lý do phe Cộng hòa "không muốn thoát chủ nghĩa cực đoan MAGA (của ông Trump)". "Phe Cộng hòa có trách nhiệm chấm dứt cuộc nội chiến này trong nội bộ họ", ông Jeffries viết trong thư gửi các nghị sĩ Dân chủ.

Viện trợ cho Ukraine sẽ gặp khó

Bất chấp những yếu thế, ông McCarthy cũng kịp lèo lái Quốc hội Mỹ qua một số thử thách. Hồi tháng 5, ông thuyết phục được Quốc hội nâng trần nợ để tránh nước Mỹ rơi vào vỡ nợ lần đầu trong lịch sử. Hôm 30-9, ông đạt thỏa thuận giờ chót với phe Dân chủ để tránh được chính phủ không đóng cửa thêm 45 ngày để hai phe có thể bàn gói ngân sách dài hơi hơn.

Nhưng việc ông McCarthy bị loại khiến thỏa thuận này khó khăn hơn. Ngoài ra, khả năng Chính phủ Mỹ tiếp tục viện trợ cho cuộc chiến ở Ukraine cũng là dấu hỏi lớn khi đã có nhiều thành viên phe Cộng hòa giờ chất vấn về các khoản viện trợ lớn này cho Kyiv.

Chiến lược gia phe Cộng hòa Liam Donovan đoán ông Gaetz có thể đã hài lòng với việc loại bỏ ông McCarthy, nhưng các thành viên khác của nhóm cứng rắn sẽ không dễ dàng chấp nhận thỏa thuận ngân sách dài hạn chỉ vì Hạ viện có lãnh đạo mới. 

Người thay thế ông McCarthy sẽ nhanh chóng đối mặt với nguy cơ chính phủ đóng cửa và không loại trừ khả năng chủ tịch Hạ viện mới sẽ lại tiếp tục bị lật nếu đạt thỏa thuận mới với phe Dân chủ.

Viện trợ cho Ukraine là vấn đề khó khăn nhất lúc này trong ngân sách. Trong họp báo khi tuyên bố rời ghế, ông McCarthy so sánh tình hình hiện tại với thời những năm 1930 và tiếp tục khẳng định sự ủng hộ cho Ukraine. 

Ông đề xuất giải pháp có đi có lại: Phe Cộng hòa phê duyệt viện trợ cho Kyiv nếu phe Dân chủ thông qua chính sách siết chặt biên giới phía Nam. Những người ủng hộ Ukraine ở Quốc hội Mỹ (vẫn đang chiếm đa số ở lưỡng viện) đang vận động để có thể có ngân sách viện trợ kéo dài cho tới sau bầu cử 2024. Nhưng việc thông qua gói viện trợ này giờ sẽ ngày càng khó với khủng hoảng ở Quốc hội Mỹ.

Không có chủ tịch Hạ viện, Quốc hội Mỹ không thể thông qua bất cứ đạo luật hay ngân sách nào. Hạ viện Mỹ nhóm họp lại từ 11-10, nhưng việc ai tiếp quản ghế chủ tịch hiện vẫn chưa rõ. 

Ông Patrick McHendry của North Carolina đang nắm ghế chủ tịch tạm quyền, nhưng chỉ có quyền lựa chọn ngày họp và điều phối cuộc bầu cử. Câu hỏi lớn lúc này là nghị sĩ Cộng hòa nào đủ tinh thần thép để tiếp quản chiếc ghế nóng - thậm chí có người nói "phải điên lắm" mới chịu ngồi vào ghế đó trong bầu không khí chính trị hiện giờ.

Ông Steve Scalise là ứng viên cho ghế chủ tịch Hạ viện của phe Cộng hòa. Ảnh: Reuters

Ông Steve Scalise là ứng viên cho ghế chủ tịch Hạ viện của phe Cộng hòa. Ảnh: Reuters

Có không giữ, mất đừng tìm

Các nghị sĩ Cộng hòa thì lo lắng cuộc nổi loạn lần này có thể đe dọa cơ hội tái cử của họ vào năm 2024, do ông McCarthy là nhân vật gây quỹ rất quan trọng của đảng. Ông từng huy động được hàng trăm triệu USD cho các ứng viên, đồng thời vẫn kiểm soát được phe Cộng hòa về thông điệp chính trị, chiêu mộ thêm đảng viên, và chiến lược về quỹ. 

Trong kỳ bầu cử 2022, hai nhóm gắn với ông McCarthy đã gây quỹ được tổng cộng 550 triệu USD cho các ứng viên Cộng hòa - nhiều hơn tất cả các lãnh đạo trước đó của đảng. Giờ dòng tiền này có nguy cơ biến mất khi ông McCarthy bị bãi nhiệm.

"Đây sẽ là quyết định ngu xuẩn nhất trong lịch sử chính trị", hạ nghị sĩ Mike Lawler, người từng thắng ở một quận New York với số phiếu chênh lệch chỉ là gần 2.000 phiếu, nói về chuyện ông McCarthy buộc phải ra đi. Ngay cả ông Gaetz cũng phải thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với Time năm ngoái: "Kevin McCarthy là người gây quỹ xuất sắc nhất trong lịch sử của phe Cộng hòa".

Nhiều thành viên phe Cộng hòa cảnh báo những đấu đá nội bộ của họ sẽ tác động trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm sau. Hiện đã có hai nghị sĩ Cộng hòa tham gia cuộc đua. 

Một người là Steve Scalise, hạ nghị sĩ từ Lousiana - từng bị bắn cách đây 6 năm và giờ đang điều trị bệnh ung thư máu. Ứng viên thứ hai là Jim Jordan, một nhân vật ủng hộ Trump rất nhiệt tình. Cả hai đều muốn áp đặt kỷ luật với các đảng viên Cộng hòa sau những thất bại của các chủ tịch Hạ viện gần đây.

Hiện chưa có gì chắc chắn là hai ứng viên này có thể thắng (với sự ủng hộ công khai của ông Trump, ông Jordan được coi là có lợi thế hơn). Theo luật của Hạ viện, chủ tịch phải được toàn thể Hạ viện bầu nên với việc chỉ có đa số 4 phiếu, phe Cộng hòa sẽ rất khó thuyết phục những thành viên cực đoan trong đảng mình. Phe Dân chủ thì chắc chắn sẽ chống bất cứ ứng viên nào phe Cộng hòa đưa ra.

Vấn đề với ông Scalise và Jordan là gần như chẳng điều gì họ đưa ra có thể đảm bảo được sự ủng hộ tuyệt đối của nhóm nổi loạn 8 người kia. Ông McCarthy từng trải qua 15 vòng bỏ phiếu mới giành được ghế chủ tịch hồi đầu năm. 

Sau mỗi vòng, ông lại đưa ra thêm một mớ những hứa hẹn mà sau đó ông không thể thực hiện. Ông cũng đồng ý thay đổi luật cho phép chỉ cần một nghị sĩ Cộng hòa đề xuất là có thể bỏ phiếu bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện. Đây là sự nhượng bộ tuyệt vọng, gần như đã định đoạt trước nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông McCarthy. ■

Từ năm 2010 tới nay, nội bộ phe Cộng hòa đã lần lượt hạ bệ 3 chủ tịch Hạ viện: John Boehner năm 2015, Paul Ryan năm 2019 và McCarthy năm 2023. Hai lần trước, các áp lực loại bỏ là nội bộ và các chủ tịch lần lượt tự rút, còn lần này là đề xuất bãi nhiệm công khai ở quốc hội.

Mục tiêu của họ là hỗn loạn - để kéo cả hệ thống sụp đổ

William Galston của Viện Brookings (theo FT).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận