TTCT - Khi cuộc thi Vietnam Idol tái khởi động lần hai (vòng thử giọng bắt đầu cuối tháng 8-2008), cuộc thi American Idol cũng chuẩn bị mùa thứ tám (vòng thử giọng tổ chức ngày 17-7-2008 bắt đầu từ San Francisco). Phóng to Carrie Underwood - ca sĩ thành danh từ American Idol Đến nay, có thể nói chắc không chương trình giải trí truyền hình nào “hốt bạc” nhiều bằng các cuộc thi Idol (Thần tượng âm nhạc). Phiên bản Idol có mặt gần như khắp thế giới. Năm 2006, số người bình chọn cho các cuộc thi Idol tổ chức tại nhiều quốc gia đã vượt quá 2 tỉ, dù cuộc chơi ngày càng rôm rả này bị đánh giá thấp về mặt nghệ thuật và hầu như giống nhau xét về trình độ chuyên môn cũng như cách tổ chức tại các quốc gia... Sau khi xem format Pop Idol tại Anh, nhà sản xuất chương trình truyền hình Simon Fuller, một nhà sản xuất công nghiệp giải trí xuất sắc của Anh, đã biến nó thành một phiên bản hấp dẫn hơn tại Mỹ bằng tên gọi American Idol (sau đó bán bản quyền cho nhiều nước khác), với mùa đầu tiên bắt đầu ngày 11-6-2002. Đến nay, American Idol (được phát trên Đài Fox) đã trở thành chương trình truyền hình hấp dẫn giới trẻ số 1 tại Mỹ. Sau bảy mùa tổ chức, American Idol đã tạo ra nhiều ngôi sao ca nhạc thành danh trong đó có Kelly Clarkson, Fantasia Barrino, Carrie Underwood... Tháng 2-2008, Walt Disney thậm chí còn tuyên bố sẽ xây dựng khu giải trí chủ đề “The American Idol Experience” tại Walt Disney World Resort thuộc bang Florida, với màn thi ca hát tổ chức mỗi ngày và người chiến thắng có cơ hội lọt vào cuộc thi American Idol phiên bản truyền hình. Bất chấp không ít “lời ong tiếng ve” từ khi được tổ chức lần đầu tiên đến nay, American Idol thật ra đã mang lại cho thị trường âm nhạc Mỹ nhiều gương mặt trẻ xứng đáng. Sau khi thắng American Idol, Kelly Clarkson đã trở thành ca sĩ tên tuổi. Đĩa đơn A moment like this của cô từng đứng hạng nhất bảng xếp hạng Billboard hot 100, hai album sau Thankful và Breakaway cũng thành công về mặt thương mại. Ông bầu Simon Fuller còn đưa Kelly Clarkson vào điện ảnh với bộ phim tuổi teen From Justin to Kelly (đóng cặp cùng Justin Guarini, một thí sinh American Idol lọt vào vòng chung kết). Gương mặt thứ hai được nhắc nhiều là Jennifer Hudson (mùa American Idol thứ ba). Dù không chiến thắng giải cao nhất nhưng tên tuổi Hudson nhanh chóng nổi như cồn khi cô được trao Oscar giải nữ diễn viên phụ nhờ vai diễn trong phim Dreamgirls. Hẳn Jennifer Hudson sẽ không được Hollywood biết đến nếu không nhờ bệ lăngxê từ American Idol. Gương mặt được tỏa sáng nữa nhờ American Idol là Carrie Underwood. Là một trong những ca sĩ country hiện sáng giá nhất ở Mỹ, Underwood đã được Viện hàn lâm Nghệ thuật ghi âm Hoa Kỳ trao Grammy 2008 hạng mục gương mặt mới xuất sắc và album Some hearts của cô nhận được bốn đề cử Grammy (đây là album country bán chạy nhất lịch sử Nielsen SoundScan, nơi chuyên thống kê dữ liệu công nghiệp giải trí Mỹ). Phóng to Ban giám khảo American Idol (từ trái sang): Randy Jackson, Paula Abdul và Simon Cowell Tuy nhiên, nói đến American Idol, người ta còn đề cập những hoạt động hậu trường nhộn nhịp khác, ở đó các cuộc bàn bạc đều xoay quanh vấn đề doanh thu và lợi nhuận. Với tư cách nhà tổ chức tìm kiếm tài năng âm nhạc, Công ty 19 Management của Simon Fuller cũng “kinh doanh” tài năng của các thí sinh thành công, khi gần như không “thả” họ một cách tự do, bởi những ràng buộc chẳng hạn cam kết chỉ ký hợp đồng sản xuất đĩa với những công ty thuộc sở hữu hoặc có liên kết với nhà tổ chức (Hãng sản xuất RCA Records của Kelly Clarkson là một trong những nơi hợp tác với 19 Management)... Cá nhân Simon Fuller cũng được chia phần trăm trên mỗi sản phẩm liên quan American Idol, từ CD, truyền hình, điện ảnh, tour lưu diễn (“American Idols live tour” đạt doanh thu trung bình 400.000 USD/show, tức khoảng 80 triệu USD trong năm năm) đến quần áo (mang logo American Idol). Trong khi giới quản lý thường “ăn” 15% giá trị hợp đồng ca sĩ, Hãng 19 Entertainment của Fuller “cắn” đến 50%. Ngoài tiền bản quyền Idol mà 19 Management (cùng nhà đồng sản xuất FremantleMedia) bán cho khoảng 100 quốc gia, lợi nhuận từ các cuộc thi Idol nói chung có thể nói là khổng lồ. Theo TNS Media Intelligence (nơi theo dõi công nghiệp quảng cáo truyền hình), American Idol mùa 2007 đã mang lại cho Fox 810 triệu USD, tăng 39% so với năm 2006. Một số nhà phân tích tin rằng doanh thu quảng cáo của Fox (nhờ American Idol) có thể tăng 20% năm 2008. Cần biết, Fox tính biểu quảng cáo cho American Idol với giá cắt cổ (750.000-780.000 USD cho một spot 30 giây, so với 250.000-450.000 USD/spot của một số chương trình truyền hình ăn khách tại Mỹ chẳng hạn Survivor của Hãng CBS hoặc Grey’s Anatomy của ABC). Nếu nhẩm tính 49 giờ phát sóng American Idol năm 2007 của Fox (hai lần/tuần), có thể biết được lợi nhuận mà nhà đài này (thuộc Tập đoàn News Corp của ông trùm Rupert Murdoch) đạt được so với việc họ đầu tư 20-35 triệu USD/năm cho chương trình Idol. Brad Adgate - giám đốc nghiên cứu của Hãng quảng cáo Horizon Media (New York) - cho biết mỗi đợt phát sóng American Idol có thể mang lại 19 triệu USD doanh thu quảng cáo chỉ trong một giờ! Phóng to David Cook - thí sinh chiến thắng American Idol mùa thứ bảy (chung kết ngày 21-5-2008) - với 56% trong 97,5 triệu phiếu bầu Ai nữa ngoài Fox hốt bạc nhờ American Idol? Đó chính là Tập đoàn viễn thông AT&T, nơi độc quyền kinh doanh tin nhắn bầu chọn của khán giả cho các cuộc thi American Idol. Express-News Business cho biết hợp đồng năm năm tài trợ cho American Idol của AT&T đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho hãng. Công ty điện thoại di động Cingular Wireless thuộc AT&T đã “xử lý” 64,5 triệu tin nhắn di động từ khán giả American Idol mùa 2007. Với mức phí 0,15 USD/tin nhắn, Cingular đã hốt hàng triệu đôla dễ như trở bàn tay và chẳng mất giọt mồ hôi đầu tư nào. Cần nói thêm, tại Mỹ khán giả sử dụng bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ di động nào cũng có thể gọi để bầu chọn thí sinh, nhưng chỉ khách hàng đăng ký mạng Cingular Wireless (AT&T) mới có thể nhắn tin. Chỉ cần một tỉ lệ nhỏ trong 33 triệu lượt khán giả xem American Idol mỗi tuần (mùa 2007) chịu khó sử dụng kỹ năng ngón cái để gõ tin nhắn bầu chọn cũng đủ để AT&T vớ được hàng triệu đôla. AT&T còn hốt bạc từ dịch vụ truy xuất nhạc chuông (“Live Idol”), video và các nội dung liên quan American Idol (cho điện thoại di động). Gần đây, AT&T còn tung ra dịch vụ cho phép 70 triệu thành viên trang web cộng đồng MySpace bán nhạc chuông tự chế dựa theo phiên bản cuộc thi American Idol... Quả là cuộc thi này có nhiều kỷ lục liên quan đến doanh thu. Thử xem khảo sát của Công ty Nielsen (công bố tháng 5-2008): trung bình một khán giả American Idol nhắn 38 tin vào tháng 4-2008. Cuối cùng, ít ai biết rằng thậm chí một giám khảo American Idol như Simon Cowell chẳng hạn cũng trở thành triệu phú nhờ chương trình ca nhạc này. Trong chuyên đề “Celebrity 100” (100 nhân vật nổi tiếng nhất thế giới giải trí) do chuyên san Forbes (số ra ngày 30-6-2008) xếp hạng, Cowell nằm ở vị trí 22. Năm 2007, Cowell bỏ túi 72 triệu USD, trong đó có 45 triệu từ American Idol và 12 triệu USD doanh thu từ việc sản xuất đĩa hát cho các thí sinh chiến thắng American Idol. Kiếm được bộn tiền nhờ American Idol nhưng sức hấp dẫn American Idol cũng có được là nhờ Cowell, với những nhận xét dí dỏm có phần chua cay của ông. Trong American Idol đầu tiên, Cowell ký hợp đồng với Fox với thù lao vỏn vẹn 100.000 USD cho toàn bộ mùa thi. Tuy nhiên, khi American Idol thành công ngoài sức tưởng tượng, Cowell bắt đầu “làm giá” khi đòi 50.000 USD/vòng thi cho toàn bộ mùa thi thứ hai (tổng cộng 1,8 triệu USD). Tuy nhiên, khi 33,7 triệu lượt khán giả dán mắt vào truyền hình để xem thí sinh nào (Ruben Studdard hay Clay Aiken) là người chiến thắng ở mùa thi thứ hai, Fox đã phải “nhịn nhục” trả cho Cowell đến 8 triệu USD! Tiếp đó, Fox đồng ý chi 36 triệu USD/năm cho 90 phút xuất hiện trên sóng truyền hình mỗi tuần của Cowell (mùa thứ tám năm nay, thù lao Cowell được tăng thêm 25%). Với mức thù lao “kinh khủng” như vậy, Simon Cowell chắc chắn là vị giám khảo Idol được trả cao nhất trong tất cả cuộc thi Idol được tổ chức khắp thế giới.
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Nông dân hỏi giải pháp kiểm soát đấu giá đất cao bất thường, bộ trưởng nói gì? QUANG THẾ 24/11/2024 Nông dân đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giải pháp kiểm soát đấu giá đất cao bất thường trong thời gian qua diễn ra nhiều nơi ở ngoại thành Hà Nội.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.