Huế và Minh

HỒ SĨ BÌNH 27/09/2009 01:09 GMT+7

TTCT - Họa sĩ đất Quảng Phan Ngọc Minh có một mảng tranh về Mỹ Sơn đậm đà trong sự nghiệp hội họa của mình, nhưng anh còn được biết nhiều với các ký họa bút sắt nhuần nhuyễn tay nghề và dạt dào cảm xúc.

Huế và Minh

Họa sĩ Phan Ngọc Minh
TTCT - Họa sĩ đất Quảng Phan Ngọc Minh có một mảng tranh về Mỹ Sơn đậm đà trong sự nghiệp hội họa của mình, nhưng anh còn được biết nhiều với các ký họa bút sắt nhuần nhuyễn tay nghề và dạt dào cảm xúc.

1.Huế với họa sĩ Phan Ngọc Minh không xa lạ nhưng mới đây, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, anh đã có chuyến đi gần một tháng rưỡi sống và vẽ bằng niềm hạnh phúc mà theo anh không ngờ được, bởi chính thời gian này anh mới thật sự khám phá Huế một cách trọn vẹn, thỏa mãn niềm ước mơ từ lâu ủ kín.

Thoạt nhìn gần 50 tranh ký họa của Phan Ngọc Minh sau khi ở Huế về, cứ ngỡ đó chỉ là một cuộc phiếm du trên đường, thích và vui ở đâu thì dừng lại vẽ. Nhưng không phải thế, trước khi lên đường anh đã mất rất nhiều ngày nghiền ngẫm, nghiên cứu về Huế trên nhiều lĩnh vực.

Anh vẽ rất nhiều nhưng đều chọn lựa rất kỹ theo từng chủ đề, đề tài riêng biệt bộc lộ tham vọng rất rõ là khái quát những nét đặc trưng của Huế dưới góc nhìn của một họa sĩ vốn từng trải với những cuộc lãng du không hẹn trước. Trong thời gian lưu trú tại Huế, anh làm việc miệt mài, chăm chỉ, hầu như chỉ biết vẽ và vẽ.

2.Về ký họa chân dung, gần như không thiếu ai trong số những tên tuổi đã có những đóng góp cho đời sống văn hóa Huế thêm phong phú đa dạng: các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Trần Thùy Mai, các nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, các nhà thơ Trần Vàng Sao, Lê Văn Ngăn, Phạm Tấn Hầu, và cả họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận sau cơn tai biến vẫn mong ước tay trái cử động được để vẽ...

Phan Ngọc Minh còn về ngã ba Sình vẽ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người duy nhất còn lại của dòng tranh dân gian làng Sình; lên Phường Đúc ký họa Nguyễn Văn Sính, nghệ nhân nổi tiếng mấy đời với nghề đúc đồng truyền thống; qua Thành Nội, Gia Hội tìm đến nhà cụ La Cháu, nghệ sĩ tuồng cung đình cuối cùng còn sống; đến cụ Trần Kích, một nghệ sĩ nhã nhạc từng biểu diễn trong cung đình triều Nguyễn và cũng là người từng đem tiếng đàn dân tộc giới thiệu khắp năm châu và nghệ sĩ ca Huế Minh Mẫn, người từng biểu diễn cho vua xem...

Anh hiểu có thể đây là cơ hội cuối cùng để vẽ chân dung của các tên tuổi một thời vang bóng trong dòng nhạc cung đình và dân gian đất cố đô.

3.Với mảng tranh phong cảnh, anh cũng lặn lội khắp nơi để chọn đề tài. Ở Vỹ Dạ là phủ Tuy Lý Vương, một nhà thơ hoàng tộc, là đình làng Dương Nổ lâu đời và tiêu biểu cho phong cách kiến trúc đình chùa nhà Nguyễn, là bến đò bên sông Phổ Lợi...

Về Kim Long, anh vẽ từ đường Đức Quốc Công, nhà thờ cổ cũng là đại chủng viện Xuân Bích với mộ phần của Léopold Cadière, một vị thừa sai đã có những công trình đặt nền móng cho những nghiên cứu sau này về Huế, người mà tên tuổi gắn liền tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế - một pho tư liệu mà bất kỳ ai muốn nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật Huế xưa và nay đều cần phải tìm đọc.

Với đề tài Phật giáo tại Huế, Phan Ngọc Minh vẽ tượng La hán, tam quan chùa Diệu Đế, chùa cổ Thế Long (Phú Hiệp), tượng Phật tại Trung tâm Liễu Quán, một tác phẩm của nhà điêu khắc quá cố Lê Thành Nhơn... Anh mất nhiều thời gian để khắc họa phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, cầu ngói Thanh Toàn, cảng Thanh Hà... và những chợ quê, phố xưa, nhà cổ, con sông, bến đò... với âu lo một mai những hình ảnh này sẽ mất dần cùng với tốc độ đô thị hóa.

Rồi mai đây những bức ký họa bằng bút sắt ấy có thể sẽ trở thành một bộ sưu tập về Huế xưa được thể hiện một cách sinh động và ấn tượng.

Bến thuyền Gia Hội

Phố cổ Bao Vinh
Nghệ nhân La Cháu, 99 tuổi (trái) và Tượng thừa sai Léopold Cadière

HỒ SĨ BÌNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận