In và phát hành sách

THUYMINH 21/03/2004 19:03 GMT+7

TTCN - Trước năm 1 Công nguyên, Người Ai Cập cổ đầu tiên tạo ra chất liệu để viết từ một loại sậy Syperus papyrus, được tìm thấy tại thung lũng sông Nile. Người Trung Hoa đã có sách từ năm 1300 trước Công nguyên (CN) nhưng sách đó được làm bằng những thanh gỗ hoặc tre bó lại với nhau bằng dây.

Thư viện Alexandria ở Ai Cập được Ptolemy II (308 - 246 trước CN) thành lập. Thư viện này là trung tâm nghiên cứu nổi tiếng nhất của thế giới cổ đại. Thư viện có từ 200.000 - 700.000 cuộn sách dài tới 30,5m.

Người Hi Lạp cổ cũng viết sách có dạng cuộn giấy. Các cuộn giấy của họ ngắn hơn, dài chừng 10,5m, khi cuộn lại cao khoảng 23cm có đường kính từ 2,5 - 3,8cm.

Người La Mã chế tạo sách để bán bằng cách một người đọc lên nhiều thư ký cùng chép một lúc.

Năm 1 sau CN

Khoảng từ năm 100-150 sau CN, sách bắt đầu được làm dưới dạng các tấm da bê ghép lại với nhau và sau đó cắt mép, thay vì cuộn lại thành từng cuộn.

Thời kỳ đầu CN, các thư ký được tuyển để chép sách thánh. Trong các tu viện và nhà dòng, các thư ký chép, trang trí và ghép các thủ bản.

Năm 1000 sau CN

Năm 1455 Johannes Gutenberg (người Đức, 1400-1468) in cuốn sách đầu tiên bằng cách dùng con chữ có thể di chuyển được. Có 31 bản in hoàn chỉnh và 18 bản in không hoàn chỉnh của cuốn Thánh kinh bằng tiếng Latin của ông hiện còn tồn tại. Một bản được bán đấu giá tại New York năm 1987 với giá 5,39 triệu USD.

William Caxton người Anh (1422 - 1491) đã đưa kỹ thuật in ấn của Đức vào Anh. Cuốn sách in đầu tiên tại Anh là cuốn Dictes or Sayengis of the Philosophres năm 1477. Caxton in tổng cộng khoảng 100 cuốn sách, trong đó có một quyển từ điển Pháp - Anh.

Bìa vải dành cho sách được đưa vào sử dụng thay vì da bê mắc tiền hơn năm 1820. Nhờ có vật liệu rẻ hơn, các nhà xuât bản bắt đầu làm bìa sách; trước đó việc bao sách bằng da được người bán sách hoặc người mua sách tự làm lấy.

Những phương pháp sản xuất rẻ hơn và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu xã hội đã khuyến khích việc xuât bản sách. Tại Anh, 600 đầu sách mới được phát hành năm 1825, so với chỉ có 100 đầu sách một năm trong thế kỷ trước đó.

Vào thời đó, tác giả không có quyền bảo hộ đối với tác phẩm của mình. Ngay khi ra đời sách đó có thể bị “luộc”. Đan Mạch đã đề ra biện pháp đầu tiên tiến đến bản quyền quốc tế năm 1828.
Trong thập niên 1850, các nhà xuất bản bắt đầu thực hiện việc tái bản sách với giá rẻ. Một trong những bộ sưu tập lớn nhất gồm 1.060 quyển là Railway Library của George Routledge (1812 -1888).

Các sách được bán tại những cửa hàng ở ga xe lửa với giá 1 shilling (5 bảng)/quyển.
Qui ước Berne đưa ra môt hệ thống quốc tế thống nhất về bản quyền năm 1885. Tác phẩm của các tác giả là sở hữu của họ hoặc của người thừa kế họ trong suốt cuộc đời của họ và 50 năm sau khi họ qua đời.

Năm 1887, Đức trở thành nước đầu tiên chấp nhận một thỏa thuận về giá bìa giữa các nhà xuất bản và các nhà bán sách. Các nhà xuất bản đồng ý cho các nhà bán sách một khoản tiền trừ (hoa hồng), miễn là nhà bán sách bán đúng giá đã ân định.

Những quyển sách bìa mềm đầu tiên dành cho thị trường rộng rãi được Allen Lane (1902-1970) của Penguin làm ra năm 1935 được bán với giá 6 penny cổ (2,5 bảng).

Năm 2000 sau CN

Các nhà xuất bản bắt đầu xuât bản sách dưới dạng đĩa CD - rom năm 1994. Năm 1995, phần lớn các từ điển bách khoa đã được làm ra dưới dạng này.

Cuối thập niên 1990, những nhà sách lớn được mở ra tại Anh theo kiểu nhà sách New York của Barner and Noble với mặt bằng rộng 6.000m2.

Món tiền tạm ứng lớn cho tác giả phải kể đến hợp đồng ba quyển sách 21 triệu USD dành cho Jeffrey Archer người Anh (sinh 1940) do Nhà xuất bản Harper Collins trả năm 1995.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận