Israel và thế giới Hồi giáo: Một lịch sử những vụ ám sát

SÁNG ÁNH 07/12/2020 21:12 GMT+7

TTCT - Khoa học gia hạt nhân người Iran vừa bị ám sát không phải là vụ đầu tiên Israel bị nghi ngờ đứng đằng sau âm mưu trừ khử một nhân vật then chốt của các quốc gia đối địch, và có lẽ cũng chẳng phải vụ cuối cùng.

Mohsen
Mohsen

Từ California tới Paris

Bấy giờ là mùa hè ở Bắc California, năm 1952, tại thị trấn Berkeley, Sameera Moussa - một phụ nữ Ai Cập 35 tuổi, sang Mỹ theo diện học bổng Fulbright. Berkeley dạo đó - hay dạo này, đi đâu cũng phải có xe có pháo.

Sameera không phải người Mỹ, không biết lái xe, không có bằng lái và không có xe. Bằng mà cô có là tiến sĩ vật lý nguyên tử: cô là phó giáo sư Đại học Cairo ở Ai Cập và là người phụ nữ đầu tiên ở trong nước đạt tới học hàm đấy.

Sameera được mời sang Hoa Kỳ và việc cô được thăm trung tâm nghiên cứu nguyên tử tại đây gây ra nhiều tranh cãi. Năm 1952, chuyện nguyên tử còn rất mới, và cô Sameera là người da màu đầu tiên được đặt chân đến nơi này, với tư cách chuyên gia nghiên cứu phóng xạ để điều trị bệnh ung thư.

Được mời ở lại Mỹ làm việc và vào quốc tịch, cô từ chối, nhưng chiều ngày 5-8-1952, cô không từ chối lời mời đi chơi. Cô sẽ có xe đến tận nhà rước.

California, Bắc cũng như Nam, hay có những con đường dài quanh co uốn éo những lưng đồi. Chiếc xe chở cô rơi xuống vực cao 12 thước. Người lái đã nhanh chân nhảy khỏi xe trước khi xe lao xuống như trong phim… Hollywood, chỉ có Sameera bỏ mạng.

Một người Ai Cập khác, nữ diễn viên Raqya Ibrahim, lúc đó 33 tuổi và sống tại Bắc California. Bà mất năm 1978, nhưng cháu bà sau đó nhờ lục kho mới phát hiện và đọc được sổ tay nhật ký của bà mình để lại. Hóa ra trong thời đó, Raqya và Sameera có qua lại.

Cũng là chuyện tự nhiên thôi, hai phụ nữ Ai Cập nổi tiếng, đang ở nước ngoài cùng một nơi và cùng lứa tuổi. Cô Raqya là người Ai Cập đạo Do Thái và ủng hộ Israel. Cô có lén lấy chìa khóa nhà Sameera in dấu trên một cục xà bông và trao cho tình báo Israel.

Họ dùng chìa khóa giả này để vào nhà sục sạo và chụp hình tài liệu, nhưng nhật ký không đề cập chuyện mời đi chơi và chuyện rơi xe xuống núi.

Năm 1962, tình báo Israel phát hiện một nhóm 35 chuyên gia người Đức đang làm việc tại Cairo cho chương trình tên lửa của Ai Cập. Tại Đức, nhóm này được đại diện bởi một công ty do tiến sĩ Hans Krug đứng đầu.

Ông này bị bắt cóc, đưa sang Pháp và bí mật mang về Israel giam giữ, khai thác, rồi thủ tiêu, trước khi xác ông bị ném bằng máy bay xuống biển. Đồng thời, tin được phao kín là ông ta giật tiền của Ai Cập bỏ trốn sang Nam Mỹ. Chương trình tên lửa của Ai Cập, vì thiếu phần điều khiển, sau đó không thể hoàn tất.

Năm 1980, Yahya El Mashad, khoa học gia nguyên tử người Ai Cập làm việc cho Iraq, bị đập vỡ đầu trong một phòng ở khách sạn Meridien tại Paris. Ông này sang đó để nhận kiểm hàng từ Chính phủ Pháp - nước bán trung tâm nguyên tử Osisris cho chế độ Saddam Hussein.

Kẻ cuối cùng ông gặp khi còn sống đêm hôm đó là một cô gái bán dâm Pháp nghệ danh Marie Express (Marie “Tốc hành”). Cảnh sát Pháp đã tìm và gặp được cô, xui sao, vừa thẩm vấn song, khi Marie đang băng qua đường thì bị xe con đâm chết - kẻ gây ra tai nạn tẩu thoát. Những chuyện dao gậy kiểu đó nhiều kể không hết, và dễ hơn là viện tới máy bay ném bom.

 

Những toan tính đằng sau

40 năm sau vụ Marie “Tốc hành”, hôm 27-11, Mohsen Fakhrizadeh, lãnh đạo Tổ chức Đổi mới và nghiên cứu phòng thủ Iran, đang đi trên đường ở ngoại ô Tehran cùng vợ thì bị ám sát. Mohsen ít được quần chúng biết đến, nhưng mang hàm thiếu tướng Vệ binh Cách mạng và được coi là nhà khoa học đứng đầu nỗ lực nguyên tử quân sự của Iran.

Chuyện ám sát này xảy ra thế nào thì chưa rõ. Tin ban đầu cho biết 3-4 sát thủ đã tấn công xe ông và đoàn ba xe hộ tống, rồi cả 3-4 sát thủ đều bỏ mạng sau đó. Sau đó lại có tin nói ông bị một súng máy điều khiển từ vệ tinh đặt trên một xe con Nissan giết.

Chuyện điều khiển từ xa qua vệ tinh như máy bay không người lái thì chẳng có gì lạ. Súng máy cũng thế thôi, biên giới Gaza - Israel đầy những ụ súng máy kiểu này.

Tại Iran, tình báo Israel - nếu họ là thủ phạm - hẳn dựa vào tổ chức chống đối chế độ thần quyền MEK (Tổ chức Mujahedin Nhân dân Iran), vốn có mấy nghìn người nằm vùng ngay tại Iran.

Với Iran, chuyện này chẳng mới mẻ gì. Năm 2010, ba nhà khoa học dính dáng đến nguyên tử của nước này bị ám sát; năm 2011, một giáo sư bị giết chỉ vì giỏi toán khi đang leo lên xe máy đi làm; năm 2012, thêm một nhà khoa học khác bị đánh bom.

Như vậy đây là lần ám sát thứ 6 tình nghi là do Israel gây ra tại Iran. Chuyện này hồi hộp hơn những lần trước vì nó xảy ra vào giao thời giữa hai tổng thống Mỹ, 8 tuần trước khi ông Donald Trump ra đi và ông Joe Biden (dự kiến) nhậm chức vào ngày 20-1-2021.

Trong 4 năm nhiệm kỳ vừa qua, ông Trump đã có chính sách thân thiện và o bế chưa từng thấy với Israel trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ. Đã đành nhà nước Do Thái vốn là đồng minh cật ruột, được Mỹ yêu quý như tròng con ngươi, mọi người đều biết thế, nhưng yêu mấy thì yêu, trên danh nghĩa thì cưng mấy là cưng vẫn không phải là tiểu bang thứ 51.

Chính quyền Trump yêu chiều quá lộ liễu - công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức và ủng hộ giành thêm đất, vốn là chuyện đã bị mấy chục nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án suốt từ năm 1948. Lý do là ông Trump phải dựa vào thành phần cử tri Kitô Phúc âm (Evangelical) vốn cực kỳ sùng đạo ở Mỹ.

Thành phần này có nhiều người tin rằng Chúa Giêsu sẽ hạ phàm ở Israel để cứu rỗi họ, rồi sau đó là 7 năm hỗn loạn và người Do Thái sẽ bỏ đạo họ để theo Chúa. Số cử tri này hết sức cần thiết cho ứng viên Trump. Nó là lý do Phó tổng thống Mike Pence, một nhân vật cốt cán đại diện cho thành phần này, được lựa chọn từ đầu.

Mặt khác, cả nhiệm kỳ của ông Trump là để đảo ngược và đả phá các thành quả của chính quyền Barack Obama tiền nhiệm. Ông Trump thật ra lần đầu gây tiếng vang trên chính trường Mỹ chính với tuyên bố (sai sự thật) rằng ông Obama sanh ở nước ngoài và là người đạo Hồi.

Để rồi năm 2016, ông Trump hứa hẹn nếu lên làm tổng thống sẽ rút khỏi hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, hiệp định thương mại TPP, xóa sổ bảo hiểm y tế Obamacare và thỏa thuận hạt nhân với Iran… 4 năm qua, ông Trump đã làm gần đủ những việc đó.

Ông chỉ còn thiếu nước đánh Iran, vì lý do Iran… sẽ đánh lại, cũng đau chứ! Giờ thì có vẻ đã gần như chắc chắn thất cử, ông Trump hình như đang muốn gây chuyện, hậu quả đã có chính quyền tới “đổ vỏ”.

Phần Iran, sau khi nghiến răng và nín thở qua sông được 4 năm qua, đành phải nín thở thêm 2 tháng nữa. Thỏa thuận 6 bên năm 2015 giữa Iran, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, và Pháp, chỉ mình Hoa Kỳ của chính quyền Trump đơn phương rút lui.

Cấm vận kéo dài ước tính khiến Iran thiệt hại khoảng 160 tỉ đôla! Nhịn vài tuần nữa thôi, Iran sẽ có hi vọng giải tỏa được khoản tài sản 100 tỉ đôla đang bị Tây phương phong tỏa sau cách mạng thần quyền, được quyền thoải mái bán tài nguyên dầu khí, được vui vẻ nhập hàng quốc tế để tân trang nhà máy và thiết bị, để phục hồi một nền kinh tế rất tiềm năng, nhưng cũng đang điêu đứng vì COVID-19.

Israel, nếu đúng họ đứng sau vụ ám sát vừa rồi, chắc nhận định “cửa sổ cơ hội” để họ ra tay không còn nhiều, bởi Iran sẽ vẫn nín nhịn đợi cho qua cảnh tranh tối tranh sáng lúc này, để chờ chính quyền Mỹ sang trang mới. Iran thề rửa hận, nhưng hiện mới dừng lại ở mức ghi sổ nợ bằng mực đỏ và tuyên bố tăng quỹ của phòng nghiên cứu lên gấp hai.

Tăng quỹ thì nào có chết ai, nhưng phản ứng “dịu dàng” được cũng một phần là bởi hành động ám sát - dẫu nhiều người tin là do Israel đạo diễn - chính thức vẫn là trò “ném đá giấu tay”. Nó khác hẳn, thí dụ, công khai mang máy bay ném bom nhà máy hạt nhân, hay lấy tên lửa “made in USA” bắn vào tướng lĩnh nước khác. ■

Trớ trêu ở chỗ, Iran và Israel cũng chẳng phải đời đời kiếp kiếp “bất cộng đái thiên” như nhiều người vẫn tưởng. Còn nhớ, tháng 9-1980, 8 ngày sau khi Iraq tuyên chiến với Iran và đánh bom các sân bay của nước này, Iran trả đũa bằng cách tấn công trung tâm nguyên tử Tammuz ở Osiris.

Vụ tấn công cần phải đổ xăng trên không, lừa phòng không địch bằng cách đánh cùng lúc nhà máy phát điện của thành phố Baghdad. 40 năm sau, có thể gọi đó là một phi vụ thành công, nhưng lúc bấy giờ, truyền thông quốc tế còn đồn đãi các máy bay Iran thực ra là do phi công Israel lái.

Năm 1981, các không ảnh do Iran chụp được với cơ sở hạt nhân Tammuz của Iraq lại tạo điều kiện cho Israel đánh sập cơ sở này.

Thời đó, Iraq là kẻ thù chung của Israel và Iran. Sau khi Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq, rồi lại rút quân ra, nước này từ từ rơi vào quỹ đạo của… Iran, thì Iran trở thành kẻ thù số 1 của Israel và Saudi Arabia.

Tức là, không thể loại trừ khả năng Saudi trong tương lai sẽ trở thành cường quốc nguyên tử và tình báo Israel sẽ lại phải tìm kiếm những mục tiêu mới. Gần đây nhất, tháng 7-2019, nhà khoa học Ai Cập Abu Bakr Abdel Moneim đi dự một hội nghị tại Marrakech (Morocco), rồi vì uống nước trái cây mà ngộ độc qua đời, gây ra nghi vấn là có bàn tay vắt cam vắt chanh gì đây của tình báo Israel.

Chu đáo nhất là trường hợp tự sát của tiến sĩ Ai Cập Said Bedair năm 1989. Ông ra lan can ngắm cảnh và té lầu chết tươi, nhưng trước đó đã cẩn thận cắt hai cổ tay của mình và vặn hơi ga trong căn hộ ông tạm trú.

Khoa học gia làm việc phương pháp chặt chẽ có khác: đã vặn hơi ga tự sát, lại cắt cổ tay cho chắc ăn, rồi cuối cùng nhảy lầu là bảo đảm nhất. Theo lời vợ ông thì Said Bedair không có lý do gì để tự sát - bà đổ cho tình báo Israel. Ta không biết được, dù rằng lý do để một ông chồng tự sát, thì bà vợ thường là người cuối cùng đoán ra!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận