Jon Fosse bên bờ biển

NGUYỄN VŨ HƯNG 22/10/2023 06:57 GMT+7

TTCT - Biết tôi sống cạnh nhà Jon Fosse, người ta hay hỏi tôi về ông. Tôi thú thực là không biết phiên bản Jon Fosse nổi tiếng ... Tôi chỉ biết Jon Fosse, một nhà văn bên trên thời gian.

Sách của nhà văn Na Uy Jon Fosse được trưng bày tại Viện Hàn lâm Thụy Điển, ngay sau khi công bố giải Nobel Văn học 2023. Ảnh: StockholmPontus Lundahl/Pontus Lundahl/TT

Sách của nhà văn Na Uy Jon Fosse được trưng bày tại Viện Hàn lâm Thụy Điển, ngay sau khi công bố giải Nobel Văn học 2023. Ảnh: StockholmPontus Lundahl/Pontus Lundahl/TT

Từ Bergen, phía tây Na Uy, tôi lái xe xuyên qua những núi băng vĩnh cửu trên đỉnh dãy Scandinavie để đến xem một vở kịch của Jon Fosse sắp được biểu diễn ở Det Norske Teateret, Oslo, phía đông Na Uy.

Nhưng cùng lúc ấy, ở hướng ngược lại, Jon Fosse, vốn không thích dự khán buổi diễn đầu tiên những vở kịch của mình, chở theo mấy vali sách vở cồng kềnh rời Oslo về ngôi nhà nhỏ của ông ở Bergen với những thanh âm của vở kịch Nokon kjem til å komme (Ai đó sẽ đến) văng vẳng trong đầu.

Thế là ngẫu nhiên đâu đó trên đường, chúng tôi tình cờ dừng xe lại ở cùng một nơi. Jon Fosse đi vào một con đường rải sỏi, hướng về phía bờ biển và bắt đầu tưởng tượng các tác phẩm của mình. Tôi lẻn đi theo Jon Fosse, chờ cho Jon Fosse ngồi xuống rồi nép mình vào vách đá bên bờ biển, nín thở lắng nghe…

Hãy nhìn những con sóng

Nhìn ôi [Không ! gạch xóa] Nhìn

nhìn những con sóng

Vỡ tan

[Không! Dài hơn! Dài hơn tí nữa !] Vỡ tan trên đầu những chỏm đá bị mài nhẵn thín

Biết tôi sống cạnh nhà Jon Fosse, người ta hay hỏi tôi về ông. Tôi thú thực là không biết phiên bản Jon Fosse nổi tiếng với danh mục dài hơn bảy mươi tác phẩm đã xuất bản, theo trình tự thời gian, dễ dàng tìm thấy trên Wikipedia hay mấy tờ báo online. 

Tôi chỉ biết Jon Fosse nhà văn bên trên thời gian, tác giả của tiểu thuyết Det andre namnet - Septologien I-II (Cái tên khác - Thất thư I-II) gồm chỉ một câu như dòng chảy thời gian bất tận.

Tôi biết Jon Fosse tác giả viết về khoảng cách dị thường giữa ngày sinh ra và ngày chết đi trong truyện vừa Morgon og kveld (Sáng và tối).

Tôi biết một Jon Fosse ngồi trước mắt tôi đây, nhà văn sẽ phóng chiếu hàng loạt các tác phẩm đã, đang và sẽ viết ra trong cuộc đời mình cùng một lúc.

Jon Fosse

Jon Fosse

Ngôn ngữ nguyên thủy và cú pháp của thi ca

Nokon kjem til å komme. Jon Fosse thích cái tựa này. Trên suốt đường đi đến đây, Jon Fosse nghe âm /o/ vang rền qua cả tựa đề, lặp lại giữa Nokon, vẳng lại từ å (phát âm như o), nhấn thêm ở komme. 

Chủ thể Nokon (ai đó) do đó tồn tại trong động từ cũng như hiện diện trên phạm vi toàn câu. Ai đó sẽ đến, một phần của Nokon (ai đó) đã luôn có mặt ở khắp nơi, dưới dạng thanh âm, dù chưa ai thấy đến. 

Jon Fosse nghe ra sự tồn tại ấy, cái tồn tại không thể nói thành lời, chỉ có thể chuyển hóa vào sân khấu bằng một hành động của thi ca, một dấu vết có thể cảm nhận được bởi bất cứ ai thử lắng nghe thứ ngôn ngữ nguyên thủy, trước cả khi ý nghĩa kịp hình thành. Sử dụng cái ngôn ngữ nguyên thủy đó, cái ngôn ngữ khiến ta rung động khi đọc văn chương, tuy vậy, lại là một đặc ân không thuộc về tất cả mọi người. 

20 tuổi, trong khi cặm cụi gõ tạch tạch những dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Raudt, svart (Đỏ, đen) trên chiếc máy đánh chữ Remington khổng lồ và già cỗi của cha mình, Jon Fosse đã học những bài học đầu tiên của thứ cú pháp có tên gọi là cú pháp của thi ca. 

Những phím bấm tròn phát ra những tiếng ồn khủng khiếp khi gõ xuống đã cho Jon Fosse ý nghĩ đầu tiên về vị trí của âm thanh trong ngôn ngữ. Jon Fosse sẽ làm việc trên khía cạnh âm thanh của ngôn ngữ cả đời mình, đến mức văn chương của ông rồi sẽ đầy rẫy các đối thoại, một dàn giao hưởng những giọng người.

Tuy vậy, không có nhiều người trong thứ văn chương đó, chỉ có Tôi, có Cô ấy (như trong vở kịch Nokon kjem til å komme, Ai đó sẽ đến), có Họ, có Cô gái, có Chàng trai (trong vở kịch Namnet, Cái Tên), không có nhiều cái tên, có Mẹ, Cha, Chị (trong tiểu thuyết Septologien, Thất thư). 

Bức tranh Seashore by Moonlight (sơn dầu, vẽ giai đoạn 1835 - 1836) của họa sĩ Caspar David Friedrich.

Bức tranh Seashore by Moonlight (sơn dầu, vẽ giai đoạn 1835 - 1836) của họa sĩ Caspar David Friedrich.

Sân khấu của Jon Fosse không có cảnh trí, tiểu thuyết của Jon Fosse tập trung vào một cảm giác, một sự kiện. Ngôn ngữ của Jon Fosse bị rút gọn, co rúm lại, run rẩy phát ra qua giọng người, như cách một đứa trẻ run rẩy tập đặt từng bước chân qua cuộc đời này. Nhân vật của Jon Fosse lặp đi lặp lại những đối thoại một cách điên rồ và ám ảnh.

Giống như những bản nhạc oratorio (thanh xướng kịch) hay cantata (hợp xướng), các tác phẩm văn chương của Jon Fosse khai thác sâu chất giọng của con người và những giới hạn của nó. 

Ông thấy trong kịch một cơ hội để thể hiện những chất giọng ấy, kịch như là thể loại "con người nhất, cô đặc nhất trong số tất cả các loại hình nghệ thuật". Những khoảnh khắc "giao hòa về cảm xúc, [...] không thể giải thích được, chí ít là trên phương diện lý trí" (Gnostiske essay, Những tiểu luận ngộ đạo).

Trong các tác phẩm ấy, sự lặp lại được sử dụng như kỹ thuật ostinato trong âm nhạc. Có những giai điệu được lặp lại, có những nhịp điệu được lặp lại, và có những hợp âm được lặp lại. Trong văn chương của Jon Fosse, từ ngữ, nhịp điệu, cấu trúc, chủ đề, ý nghĩ, hành động được lặp lại.

Cú pháp của thi ca không chỉ được nghe ra trong kịch mà cả trong văn xuôi hay bất cứ dạng sáng tác ngôn ngữ nào. Nhận ra những thứ người khác không nhận thấy và lặp đi lặp lại cũng chính là những đặc ân của người họa sĩ mà Jon Fosse đã phác họa trong tiểu thuyết Melancholia I (Sầu muộn I). Một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh gần như điên, gặp những con người không tồn tại, sử dụng sự lặp lại cùng các sắc độ màu tinh tế để vẽ đi vẽ lại vịnh và đảo vùng Stavanger nơi ông sinh ra.

Jon Fosse gọi văn xuôi của mình là "văn xuôi chậm". Đọc Jon Fosse do đó là sống giữa hai dòng thời gian: dòng thứ nhất là khi các trang được lật, từ ngữ lướt đi như một con thuyền với cánh buồm căng gió, dòng thứ hai là thứ thời gian chậm hơn rất nhiều, để những hình ảnh, những cảm giác, những xáo động thành hình và ghi dấu vào trí tưởng tượng của người đọc thông qua các lặp lại liên tục.

Cũng như người họa sĩ trong tác phẩm của mình, Jon Fosse dùng ngôn ngữ như cọ đánh đi đánh lại để làm nổi bật nét sáng - tối trong tâm hồn con người hay trong cuộc đời. Ông viết trong tiểu thuyết Det andre namnet - Septologien I-II : "Và tôi nhìn vào hình ảnh để thấy cách thức và những nơi trong hình ảnh có ánh sáng lóe lên, và luôn luôn chính trong tăm tối mà thấy được thứ ánh sáng đó".

Văn chương như là vọng âm

Jon Fosse đơn độc viết bằng tiếng Nynorsk - ngôn ngữ chỉ được sử dụng hiếm hoi ở phía tây nam Na Uy - nhưng các nhân vật của Jon Fosse, dù ít, lại hiếm khi đơn độc. Vở kịch Nokon kjem til å komme tiếp tục:

Hãy tưởng tượng mùa thu đến

Trong bóng tối

Cùng với mưa và bóng tối

Một bờ biển vỡ tan thành trắng và đen

Và chỉ có tôi và em

ở đây trong ngôi nhà này

và xa thật xa khỏi những người khác

Một fjord ở Na Uy. Tranh: Adelsteen Normann

Một fjord ở Na Uy. Tranh: Adelsteen Normann

Một đôi tình nhân đến cư trú trong ngôi nhà nhỏ bên bờ biển để bảo vệ nhau khỏi thế giới tàn khốc. Nhưng rồi, trái với hy vọng của họ, bão tố và thiên nhiên tàn bạo trở thành kẻ thứ ba "đi xuyên qua bức tường", lao vào họ, tạo thành khung cảnh bên trong tâm hồn họ, những fjord (các vịnh hẹp và dài do biển khoét vào núi Scandinavie) sẽ bị xé nát trong cơn bão. Tâm hồn con người cũng sẽ bị xé nát trong cuộc đời.

Những ai sống ở Na Uy đều biết thiên nhiên nơi đây ẩn chứa một sắc đẹp bạo tàn. Và đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho Jon Fosse. Trên bờ biển phía tây Na Uy, một nghệ sĩ cô đơn đã ly hôn tên là Asle sống trong một ngôi làng nhỏ Dylgja. Asle trao đổi với một ngư dân và một chủ phòng trưng bày ở thành phố lớn kế bên. 

Cũng trong thành phố ấy sống một Asle khác, cùng tên, cùng là họa sĩ, nhưng nghiện ngập trong rượu chè. Tiểu thuyết Det andre namnet - Septologien I-II là cuộc đối thoại giữa hai họa sĩ này, hai phiên bản của cùng một bản thể. Asle sẽ phải đối diện với sự tàn bạo của cuộc đời cô độc. Asle sẽ phải vẽ như người ngư dân phải đánh cá, vẽ để thấy rõ hơn cái hình ảnh mình đang vẽ.

"Và tôi chạy về hướng bắc, trong bóng tối, và tôi thấy Asle ngồi trên ghế trường kỷ, và ông ta nhìn cái gì đó, và ông ta không nhìn cái gì đó, và ông ta run lẩy bẩy, ông ta lúc nào cũng run lẩy bẩy và ông ta ăn mặc y hệt như tôi". Hai phiên bản này như một cặp đôi cùng tồn tại, như là vọng âm của nhau, không ai biết ai là phiên bản gốc.

Đối với Jon Fosse, nhân vật và sự nhân đôi của nó cũng là hình ảnh của văn chương, cái tồn tại không cần giải thích, tồn tại như nó là. Văn chương tồn tại như những vọng âm không ai biết từ đâu đến, là ánh sáng lóe lên từ những đau đớn của con người. Văn chương do đó tự nó có tính cách độc lập và thần bí. Văn chương điêu khắc sự im lặng.

Nói khác đi, có thể coi văn chương Jon Fosse như cơn gió ở trạng thái bí hiểm vừa tồn tại vừa không tồn tại. Jon Fosse trích Dante XXXIV trong vở Eg er vinden (Tôi là cơn gió) : "Tôi không chết và cũng không còn sống". 

Nhân vật của Jon Fosse bước vào sân khấu và tuyên bố: "Tôi đã ra đi/ đã ra đi với gió". Nhân vật này sau đó rời sân khấu khi vở kịch kết thúc: "Giờ tôi đã ra đi/ Tôi là cơn gió". Sự tồn tại của nhân vật trong toàn vở kịch như tiếng hát người cá trong thần thoại Hy Lạp: vừa tồn tại ở đâu đó, quyến rũ người nghe, vừa không thể xác định nguồn gốc tồn tại rõ ràng.

Jon Fosse đứng dậy, rời bờ biển khi trời đã tối, dẫn theo con chó của Asle, nhân vật của mình.

Chiếc Volvo mở đèn, tôi ngồi vào vô lăng chưa biết sẽ tiếp tục chạy về phía Oslo hay ngược lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận