Kẻ bề trên

NGUYỄN SON 16/11/2007 20:11 GMT+7

TTCT - Buổi sáng, trong cầu thang, tôi va phải bà hiệu phó: - Dạ, xin lỗi.

- Không sao, cũng tại tôi vô ý.

Tôi cư xử thật lịch sự, nhã nhặn, tự nhiên.

Buổi chiều tôi đang làm thức ăn trong bếp, đứa con gái năm tuổi rón rén đến sau lưng với ý định khoe xem tranh con vẽ. Bất ngờ, tôi quay lại và va phải con, tôi lập tức nạt nộ: “Tránh ra mau”...

Cũng là lỡ va vào nhau mà có đến hai lối cư xử hoàn toàn trái nghịch. Một đằng, tôi là kẻ bề dưới; đằng khác, tôi là kẻ bề trên.

Khi tôi làm việc với sếp trong văn phòng, khi tôi dự họp giao ban trong hội trường... tôi là một phụ tá, một thuộc cấp biết lắng nghe, biết trình bày, biết cư xử, biết tôn trọng, biết nhận trách nhiệm, biết xin lỗi... thậm chí tôi thấy còn cần phải biết mỉm cười và cần phải siêng dùng từ “cảm ơn” nữa. Tôi cư xử thứ văn hóa của vai trò kẻ bề dưới, biết tôn trọng các bề trên của mình.

Cho đến khi tôi làm sếp, làm thủ trưởng, khi tôi thi hành nhiệm vụ tiếp dân... ngoài việc tôi phải tôn trọng mọi người, tôi còn cần phải có cái tầm đối với công việc và cái tâm đối với những người bề dưới của mình. Tôi cư xử thứ văn hóa của vai trò kẻ bề trên.

Bề dưới, cư xử văn hóa trong tinh thần tôn trọng.

Bề trên, cư xử văn hóa trong tinh thần yêu thương.

Văn hóa ứng xử nói riêng có những tài nguyên vô giá, bất tận mà miễn phí, tối cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc trong xã hội - chẳng hạn: những lời khen tặng, những tiếng cảm ơn, những nụ cười, những cái bắt tay, một lời xin lỗi chân thành... - được khuyến khích trao ban cho nhau để kiến tạo nên một gia đình, một tổ dân phố, một nền hành chính công, một dân tộc có văn hóa ứng xử.

Thứ văn hóa của con cái đối với ông bà cha mẹ, học trò đối với thầy cô, dân chúng đối với người thừa hành công vụ... thiết nghĩ đó là thứ văn hóa giáo dục. Trái lại, thứ văn hóa của ông bà cha mẹ đối với con cái, của thầy cô đối với học trò, của quan chức đối với công dân lại là thứ văn hóa văn minh được đặt nền tảng trên tình thương. Vài câu dưới đây làm dẫn chứng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài“, “yêu dân như con” hay “thầy thuốc như mẹ hiền”, “tôn sư trọng đạo”...

Thói thường, chúng ta chỉ yêu cầu kẻ bề dưới “tôn trọng” ông bà cha mẹ, thầy cô, những người đang thừa hành công vụ, mà trái lại, xem nhẹ sự đòi buộc những kẻ bề trên cũng phải biết “yêu thương” như là điều kiện “cần và đủ” để làm nền tảng cho một xã hội có mối liên hệ “trên dưới thuận hòa”!

Có quả thật là những người làm việc nước đã lo, đã nghĩ cho dân như ông bà cha mẹ lo nghĩ và thực hiện cho con cháu hay không? Thì đã nói là thương dân như con mà. Nếu có (được phần nào) thì việc cải cách hành chính đâu có ì ạch mãi cho đến nay. Dân chúng cứ còn bị hành mãi là vì thiếu có mỗi chút “tình” của những người bề trên. Bề trên thiếu chút tình thì bề dưới lại phải bù vào đó chút... “tiền” để bôi trơn, thì còn gì để mà đòi hỏi sự tôn trọng?

Thực hiện sự tôn trọng của kẻ bề dưới tuy khó. Nhưng vẫn lạc quan...

Kiến tạo được một xã hội tình thương của những người bề trên chẳng lẽ là vô vọng? Chắc chắn xã hội sẽ bài trừ ngày càng dữ dội hơn một thứ phi văn hóa: “không ký... vì chẳng lẽ ký... không” vốn không ra thể thống gì cả.

Giàu có chưa đủ để mang đến hạnh phúc cho con người!

Hiện tình đang đòi buộc một thứ văn hóa văn minh của kẻ bề trên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận