TTCT - Nếu ngày nào đó được hỏi rằng: “Bạn thích học môn nào nhất?”, tôi sẽ không chần chừ gì mà hét lên: Lịch sử!

Lịch sử - Đôi chuyện viết và học

Đã khá rõ tình cảnh đi xuống của việc dạy sử - học sử qua nhiều kiểu phản ứng của học trò và xã hội, TTCT mở diễn đàn bàn về câu chuyện này với mong muốn đưa thêm một vài góc nhìn khác cho chuyện viết sử, dạy sử, học sử thời nay. Từ đây, cùng nhau đi tìm và chắt lọc những điều cốt tủy ngõ hầu đưa “lịch sử” trở lại không chỉ như một môn học căn bản, thiết yếu mà còn giúp khôi phục những giá trị đặc biệt của nó đối với con người. Trước hết, ta hãy bắt đầu với hai tâm sự có vẻ trái ngược của người học sử...

Minh họa: Vũ Đình Giang

Và tôi biết khi tôi trả lời như thế sẽ có rất nhiều đôi mắt nhìn tôi ngạc nhiên và nghi ngờ. Nhưng tôi có câu chuyện riêng của mình, bắt đầu từ ông nội tôi. 

Ông không phải là một nhà sử học mà là một người lính từng thấy hết, trải qua hết những cực nhọc, bi ai, những éo le, giằng xé của một thời máu lửa, nên những gì ông nhớ, những đau đớn mà ông từng chịu, qua những câu chuyện ông kể lại cho tôi thật chân thật, sâu đậm mà không có sách vở nào có thể truyền đạt được.

Những ngày được ở dưới quê với ông, tôi như lạc vào quá khứ, như được đứng ở pháp trường năm xưa, tận mắt nhìn thấy bao chiến sĩ cách mạng ngã xuống, đau đớn mà hiên ngang. Rồi những ngày nạn đói hoành hành như thế nào, gia đình tôi đã phải đào từng củ sắn để có cái ăn ra sao... 

Tất cả đều được kể lại bằng ký ức, con tim chứ không phải là kiến thức. Từ đó, tôi đã yêu lịch sử và rút ra bài học đầu tiên: học lịch sử trước hết phải đón nhận nó bằng trái tim mình, rồi mới đến lý trí.

2. Lý do thứ hai đến từ ngoại cảnh. Bạn đã bao giờ để ý rằng xung quanh ta, mọi thứ đều là lịch sử? Từ lúc còn nhỏ, tôi đã thắc mắc rất nhiều về điều ấy. Tại sao thành phố tôi đang ở lại có tên Hồ Chí Minh? Hay những ngày tôi còn bé, ba mẹ cũng hay nói với tôi: “Ráng ăn nhiều mà lớn như Thánh Gióng nhé!” hay “Ăn đi con, dưa hấu của Mai An Tiêm nè”...

Thậm chí khi ra đường, bạn cũng sẽ toàn gặp lịch sử: đường Mai Hắc Đế, đường Hùng Vương... Qua tìm hiểu tôi đã biết được nhiều điều, chẳng hạn như biết được “Hùng Vương” là niên hiệu của cả 18 đời vua của nước Văn Lang... Và cũng chính từ đây, vốn kiến thức của tôi không ngừng mở rộng.

Tại sao lại như vậy? Vì lịch sử là một chuỗi các sự kiện nối liền nhau, có quan hệ mật thiết với nhau. Nhân vật này có liên quan tới nhân vật khác, triều đại này đi liền với triều đại khác, tạo thành một đường vẽ liền nét. Giả sử nếu bạn biết ông Nguyễn Phi Khanh thì sẽ không thể nào không biết tới con của ông: Nguyễn Trãi... Và cứ thế, vốn hiểu biết của bạn sẽ ngày một dồi dào hơn, sâu sắc hơn.

3. Lý do cuối cùng đến từ nhà trường. Nếu chúng ta mua một cuốn sách giáo khoa, chỉ đọc suông mà không ai chỉ dạy, ta sẽ vứt cuốn sách đó chỉ sau 45 phút.

Thật vậy, mặc dù môn lịch sử không hề khó tới mức “nghĩ nát óc mà chẳng ra” như toán, kiến thức trong sách lại rõ ràng, rành mạch, không có những công thức “bí hiểm” hay các bài tập khó khăn, nhưng ta vẫn cần có giáo viên giảng dạy. Vì nhờ có lời giảng của thầy cô, những chi tiết, dẫn chứng bên ngoài mà thầy cô mang lại, việc học sử sẽ trở nên dễ dàng, không sợ khô khan tới mức “mắc nghẹn” như khi đọc một mình.

Và phải nói rằng tôi là một người may mắn khi được các thầy cô dạy môn lịch sử trong trường yêu quý, đơn giản là do tôi đam mê lịch sử. Những thầy cô ấy đã truyền cho tôi cảm hứng học môn lịch sử, giúp đỡ tôi mọi lúc tôi cần, tạo điều kiện hơn nữa để tôi có thể phát huy. Sau này khi ra trường, tôi sẽ không bao giờ quên được họ.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, việc học môn lịch sử của học sinh chúng ta bây giờ vẫn còn nhiều hạn chế. Tôi đã không còn lạ gì cảnh các bạn trong lớp than vãn: “Còn có môn sử là chưa học hết” hay “Mấy câu này nhiều sự kiện quá, lạy trời lúc kiểm tra không có”. Thậm chí nhiều bạn còn trổ tài “tiên tri” đoán đề “học tủ”, tới khi bị “tủ đè” thì chỉ có khóc, dù các bạn ấy là học sinh giỏi.

Gần đây, trên mạng lại đưa tin các anh chị lớp 12 xé đề cương môn lịch sử khi biết môn này không phải là môn thi tốt nghiệp. Mặc dù đúng là có một số bạn chưa nỗ lực, còn lười học, nhưng một phần, theo suy nghĩ của tôi, là thiếu sót của ngành giáo dục khi nội dung môn lịch sử quá dài, quá khô khan, các tiết học thì theo nhận định của các bạn là “buồn ngủ, nhàm chán”.

Đến các kỳ thi, đề cương môn lịch sử lại dày đặc, buộc lòng các bạn phải bỏ môn lịch sử để học các môn quan trọng khác, nên điểm số môn học này không cao, ảnh hưởng đến kết quả cả năm.

Theo tôi, học lịch sử không đơn giản chỉ là cầm sách đọc, mà phải học như một môn khoa học tìm tòi, nghiên cứu dưới góc nhìn của học sinh. “Muốn bắt cá thì phải đi câu cá”, những kiến thức lịch sử sẽ được truyền tải tới chúng ta nhanh nhất, hiệu quả nhất khi chính chúng ta tìm hiểu và quan sát thực tế.

Và điều cuối cùng tôi muốn nói chính là: lịch sử không đơn thuần chỉ là một môn học thuộc, mà còn là một phần của mỗi chúng ta.

____________

Nhiều người phán xét rằng học sinh dốt sử, rằng hành động xé đề cương môn sử vừa rồi là “coi thường giáo viên, coi thường lịch sử”, “không yêu nước, mất gốc”. Tôi - một người mới vừa trải qua các kỳ thi gian khổ của đời học sinh - cho rằng các bạn học sinh xé đề cương là sai nhưng lên án gay gắt các bạn như vậy là không đúng.

Những người phán xét, chê bai đó đâu biết cảm giác chán nản, buồn ngủ đến cỡ nào khi cứ vào tiết là chỉ có đọc và chép, thầy cô chỉ nói những điều mà sách giáo khoa đã in, đâu thấy hàng trăm trang giấy kín chữ mà học sinh phải thuộc. Họ cũng đâu biết cảm giác bất lực khi nhồi hoài không thuộc nổi cái nội dung sử chán ngắt với hàng tá ngày tháng năm. Vì thế, họ đương nhiên sẽ không thể hiểu nổi có gì vui khi không phải thi môn sử.

Chỉ riêng chương trình lớp 12 phần lịch sử Việt Nam đã có quá nhiều thứ để học: hàng chục phong trào, chiến dịch, chiến lược; biết bao kỳ đại hội cùng sự hình thành, phát triển của hàng tá tổ chức, đường lối, hoạt động. Nhưng cuối cùng đọng lại những gì?

Câu trả lời là “không gì cả”. Không cần tới một năm sau, chỉ một tháng sau ngày thi thôi, mọi kiến thức gần như tiêu biến. Bởi nội dung nào cũng quan trọng nên rốt cuộc không có nội dung nào là thật sự quan trọng cả.

Có người lại cho rằng “dạy sử là giáo dục lòng yêu nước, các em ghét môn sử là các em không yêu nước”. Hoàn toàn chính xác khi cho rằng “dạy sử là giáo dục lòng yêu nước”. Không chỉ tôi mà có nhiều bạn học sinh khác đã tự hào biết bao khi đọc về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, về những chiến binh khắc trên tay hai chữ “Sát Thát”, tim đã đập thình thịch bao nhiêu lần khi xem những đoạn phim, hình ảnh, thông tin về chiến thắng Điện Biên Phủ rực rỡ...

Nhưng đó là những điều mà tôi được biết nhờ ông bà, cha mẹ kể lại hoặc cho xem các đoạn phim tư liệu trên mạng, trên tivi. Trong các tiết học, chỉ một vài giáo viên đầu tư, cho học sinh xem hình ảnh minh họa, kể cho học sinh những câu chuyện, nhân vật liên quan, còn lại là đọc cho học sinh chép và học chay trong sách giáo khoa.

Ông bà, cha mẹ kể cho tôi nghe bằng một sự tự hào ánh lên trong đáy mắt, còn thầy cô đọc lại những gì có sẵn trong sách giáo khoa - những thứ tôi hoàn toàn có thể tự đọc mà không cần phải lên lớp...

Làm sao có thể khiến học sinh yêu môn sử, truyền cho học sinh lòng tự hào dân tộc khi chính bản thân thầy cô không có lửa? Hơn nữa nếu thật sự muốn giáo dục lòng yêu nước thì đâu cần phải bắt học sinh thuộc lòng, nhồi nhét nhiều đến như vậy? Chỉ trong một tiết mà học sinh phải học về hai, ba phong trào, chiến dịch thì làm sao giáo viên có thể giảng hết được và học sinh có thể cảm hết được?

Khi liệt kê tất cả các cột mốc thời gian, tóm tắt diễn biến ra một xấp giấy A4 và bắt đầu “tụng”; khi rối tung các địa điểm, lẫn lộn các ngày, tháng; khi “viết với tốc độ của ánh sáng” trong tiết kiểm tra mới mong kịp giờ thì học sinh có dấy lên lòng tự hào, yêu nước nho nhỏ nào không hay chỉ toàn thấy chán chường, khổ sở?

Rồi mai đây, khi đất nước kỷ niệm các sự kiện lịch sử, các học sinh đó có cảm thấy phơi phới như sống lại trong không khí hào hùng thuở xưa hay lại nói với nhau rằng: “Cái chiến dịch này nè, hồi đó học muốn chết luôn, mà giờ quên gần hết rồi”?

Đến đây hẳn sẽ có người nói: “Học sử là có ích cho các em thôi chứ cho ai mà đòi hỏi. Từ lịch sử chúng ta rút được bao nhiêu bài học cho ngày nay”. Tôi thấy ý kiến “rút ra bài học cho ngày nay từ câu chuyện lịch sử” là rất hay, không cần bàn cãi.

Tuy nhiên rút ra bài học từ phần lịch sử trong sách giáo khoa và từ cách giảng của thầy cô thì “hơi bị khó”. Bởi vì sách giáo khoa viết rằng chúng ta toàn thắng, từ đầu chương trình đến cuối chương trình sử ta không hề thua trận nào. Chúng tôi từng thắc mắc rằng không lẽ quân địch “thiếu muối iốt” lắm hay sao mà ra chiến lược nào là bị đánh tan chiến lược đó, hình như ta thắng có phần hơi dễ dàng chăng?

Học sử mà học sinh không thấy được chiến tranh khốc liệt như thế nào, quân và dân ta đã mất mát đau thương ra sao để đạt được những chiến thắng vẻ vang ấy, không thấy được rằng chúng ta cũng có lúc lâm vào bế tắc và rồi đã đứng dậy.

Học sinh không biết tại sao địch lại đưa ra những chiến lược như vậy, tại sao quân ta lại có những quyết định như vậy, làm vậy có gì đúng - sai, ta phải đánh đổi những gì... Đó là nội dung học sinh quan tâm, thích thú nhưng không được học, được nghe.

Cho nên tôi vẫn phải nói thẳng rằng tôi chán học sử. Và giả sử nếu thi tốt nghiệp năm nay, tôi cũng sẽ mừng lắm khi trong các môn thi được công bố đã không có môn sử.

 Học sinh phải học, phải thuộc không chỉ nội dung mà còn là những dãy số dài dằng dặc ngày tháng năm, địa điểm, quân ta bao nhiêu, quân địch bao nhiêu, bao nhiêu máy bay bị bắn, bao nhiêu tàu bị chìm, bao nhiêu xe tăng, đại bác bị thu giữ. Ôm một đống kiến thức kinh khủng như vậy học sinh hoàn toàn có thể làm hướng dẫn viên ở các bảo tàng lịch sử.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận