TTCT - Nhiều tổ chức quốc tế và khoảng 100 quốc gia ủng hộ lời kêu gọi các nước giàu, các hãng dược bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bằng sáng chế, để cho phép nhiều nước cùng tham gia sản xuất vaccine phòng COVID-19. Chú thích ảnh: Một nhân viên y tế ở Seoul, Hàn Quốc được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer BioNTech - Ảnh: REUTERSTừ biểu tình đến kêu gọiNgày 4-3, Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã tổ chức một cuộc biểu tình tại trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để phản đối việc các nước giàu chần chừ trong việc bỏ bằng sáng chế và cho phép sản xuất nhiều vaccine phòng COVID-19 hơn cho các nước nghèo. Tại công viên bên cạnh trụ sở của WTO ở Thụy Sĩ, các nhà hoạt động trưng tấm bảng lớn với nội dung: “Nói không độc quyền, yêu cầu các nước giàu ngừng chặn hiệp định TRIPS”. TRIPS là hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO, cho phép tạm đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ với việc sản xuất vaccine và vật tư y tế liên quan theo từng trường hợp khẩn cấp cụ thể. Mặc dù TRIPS yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm bảo vệ bằng sáng chế thuốc và các công ty dược nhưng điều khoản số 6, 30 và 31 cho phép linh động trong trường hợp nhạy cảm về sức khỏe cộng đồng bằng một số hình thức khác nhau.Stephen Cornish, tổng giám đốc của MSF Thụy Sĩ, cho biết: Nếu bỏ bằng sáng chế, chúng ta có thể có nhiều nước đủ khả năng sản xuất vaccine tham gia và có thể mở rộng quy mô sản xuất ngay bây giờ. Việc này cho phép số lượng loại thuốc, bộ xét nghiệm và vaccine liên quan đến bệnh COVID-19 dồi dào hơn để cung cấp cho các nơi cần nhất”.Kêu gọi kích hoạt hiệp định TRIPS do Ấn Độ và Nam Phi nêu ra vào đầu tháng 10-2020, thay mặt cho các quốc gia có ít hoặc không có vaccine. Những người ủng hộ cho rằng phần còn lại của thế giới không thể tiếp tục chờ đợi vaccine.Ngày 5-3, giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa kêu gọi bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng virus corona chủng mới SARS-CoV-2, nhằm mở rộng quyền tiếp cận của nhiều người trên thế giới với các phương pháp an toàn và hiệu quả có thể đẩy lùi dịch bệnh.Theo ông Tedros, hành động này là cần thiết để thúc đẩy nguồn cung vaccine toàn cầu và đảm bảo các nước nghèo có thể tiếp cận nhiều hơn với vaccine - điều kiện cần thiết để chấm dứt đại dịch COVID-19. Chuẩn bị các lọ vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca để tiêm cho nhân viên y tế tại Hải Dương ngày 8-3-2021. Ảnh: REUTERS Các quy tắc thương mại có cơ chế linh động cho trường hợp khẩn cấp và đại dịch đã buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp lớn cũng như nhỏ, đủ điều kiện để nhận cơ chế linh động. Ông xem đó là lời kêu gọi nặng ký và thống thiết nhất mà giám đốc WHO đưa ra. Ông viết trên Twitter: “Nếu chúng ta không thống nhất lúc này - một thời điểm chưa có tiền lệ - về việc tạm bỏ một số bằng sáng chế, khi nào mới là lúc thích hợp? Chỉ có đoàn kết là con đường duy nhất thoát ra khỏi tình cảnh này”.Hơn nữa, càng kéo dài thời gian, càng có khả năng xuất hiện những biến chủng mới khó lường hơn của virus gây bệnh. Trong khi với những gì xảy ra, theo ông Tedros, đại dịch COVID-19 đã để lại những tác động tới cuộc sống và gây chấn thương tâm lý lớn hơn cả Thế chiến thứ II. “Gần như toàn bộ thế giới bị ảnh hưởng, mỗi cá nhân trên thế giới đều bị tác động, ảnh hưởng kéo dài “trong nhiều năm tới”, cảnh báo này là minh chứng cho tính khẩn cấp của việc càng sớm khống chế được dịch bệnh càng tốt.Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và nhà quan sát, khả năng thành hiện thực của lời kêu gọi này rất mong manh. Kể cả khi “hành động một cách nghĩa hiệp” vì nhân loại, các nhà sản xuất vẫn sẽ nhận được một khoản tiền bồi hoàn. Andrew Widger, người phát ngôn của Pfizer, một trong những nhà sản xuất vaccine phòng virus corona của Mỹ, phát biểu khá nhã nhặn: công ty “sẽ xem xét tất cả các phương án khả thi” để đảm bảo cung cấp thuốc chống COVID-19, nhưng cho rằng lời kêu gọi bỏ bằng sáng chế hiện nay là không quan tâm đến “hoàn cảnh cụ thể của từng tình huống, từng sản phẩm và từng quốc gia”. Nói trắng ra, công ty cho rằng lời kêu gọi nhân danh sức khỏe cộng đồng hiện nay không nghĩ cho hoàn cảnh của công ty họ.Dịch bệnh COVID-19 đã làm hơn 2,6 triệu người chết trên thế giới, ai mà không sốt ruột, nhưng bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế là động đến vấn đề tiền bạc, cũng là vấn đề nhạy cảm bởi “đồng tiền liền khúc ruột”. Nên nhìn chung, lời kêu gọi phổ biến vaccine, thuốc men, xét nghiệm… dễ được ủng hộ về mặt đạo đức vì với nhiều người trên thế giới, thuốc men nên là “hàng hóa công”, không có gì đáng ưu tiên hơn sức khỏe và tính mạng con người, nhất là khi thế giới đã chống dịch COVID-19 sang năm thứ hai. Một nhóm chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc còn khẳng định: “Không có chỗ cho vấn đề lợi nhuận trong việc ra quyết định về việc tiếp cận với vaccine, thuốc và xét nghiệm COVID-19”.Vaccine COVID-19 được tiêm trong đợt này được sản xuất bởi hãng dược AstraZeneca. Ảnh: DUYÊN PHANKhông vội được đâuJames Bacchus, một học giả nổi tiếng, thành viên Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel, giáo sư về các vấn đề toàn cầu và giám đốc Trung tâm Cơ hội kinh tế và môi trường toàn cầu (ĐH Central Florida, Mỹ) cho rằng lập luận này là thiển cận vì chỉ xem xét vấn đề một chiều. Kiểm soát đại dịch toàn cầu là một chuyện nhưng lại không đếm xỉa đến lợi nhuận trong các quyết định liên quan. Học giả này cho rằng đề nghị bỏ các quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 là không cần thiết và thảo luận về nó chỉ làm phí thời gian của WTO. Trong bài viết đăng trên website của Viện nghiên cứu chính sách công CATO, ông nhận định những người ủng hộ việc bỏ các quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 chưa chứng minh được vì sao họ kêu gọi và ủng hộ giải pháp này mà không phải là giải pháp khác theo các quy định hiện tại của WTO. Do đó, chừng nào không chứng minh được bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ là duy nhất cần thiết, các nước giàu, các công ty dược có cơ sở để phản đối. James khuyên WTO “vấn đề nào, giải pháp đó”, không cần dùng dao mổ trâu để giết gà.Nhiều chuyên gia, như Krishna Udayakumar, phó giám đốc phụ trách đổi mới tại Viện Y tế toàn cầu Duke, cũng dự đoán chính quyền Tổng thống Joe Biden có lẽ sẽ không ủng hộ kêu gọi của WHO vì từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề rất nhạy cảm với Mỹ. Cũng theo chuyên gia này, việc từ bỏ quyền bằng sáng chế đang được thảo luận hiện nay không có khả năng tạo ra khác biệt quan trọng trong tiếp cận vaccine trong 6-12 tháng tới. Vì vậy, thay vì tranh luận về nó, những gì chúng ta thực sự cần là một nỗ lực mạnh mẽ hơn để phát triển sản xuất vaccine, chuyển giao kiến thức và cách làm.Ngày 8 và 9-3, WTO - với 164 thành viên - đã có cuộc họp trực tuyến về vấn đề này. Giám đốc mới của WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, người Nigeria, thúc giục các quốc gia thành viên làm việc cùng các công ty dược để cấp phép sản xuất thêm vaccine COVID-19 ở các nước đang phát triển nhằm tăng gấp ba lần sản lượng toàn cầu. “Mọi người đang chết dần ở các nước nghèo. Khả năng sản xuất bình thường của thế giới là 3,5 tỉ liều vaccine và chúng tôi muốn nâng lên mức 10 tỉ liều”. Bà Ngozi nói và cho rằng trong lúc này, các công ty dược cần tạo điều kiện và cấp phép cho những địa điểm sản xuất khả thi tại các nước đang phát triển.WTO làm việc dựa trên sự đồng thuận, nghĩa là tất cả các thành viên phải đồng thuận với đề xuất. Tuy nhiên phép mầu làm tất cả các nước cùng ủng hộ cho sáng kiến trên có thể sẽ vô cùng khó khăn.■Đã có tiền lệMustaqeem De Gama, chuyên gia về sở hữu trí tuệ và là đại diện của Nam Phi tại WTO, cho biết trên tờ The Washington Post: ông ủng hộ lời kêu gọi các nước phát triển và viện dẫn tiền lệ từ cuộc khủng hoảng HIV/AIDS tại Nam Phi. Năm 2001, WTO đã đồng ý về một mô hình cấp phép để mở rộng khả năng tiếp cận thuốc điều trị HIV là ARV với giá cả phải chăng cho các bệnh nhân, đặc biệt là ở các nước châu Phi cận Sahara và có cơ chế bồi thường cho các công ty.Việc phát triển vaccine phòng COVID-19 với tốc độ nhanh chóng của các hãng dược cũng được hỗ trợ tài chính từ các chính phủ như Mỹ, Anh. WTO ghi nhận việc hãng dược AstraZeneca cho phép vaccine của công ty được sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới, như tại Viện Serum Ấn Độ, nhưng cho rằng cơ chế này còn thiếu minh bạch.Trước đó, những năm 1950, từng có Jonas Salk, người phát triển vaccine phòng bệnh bại liệt, cũng đã từ chối việc đăng ký bằng sáng chế để vaccine này được phổ biến rộng rãi. Tags: WHOCOVID-19Vắc xinWTOBỏ quyền sở hữu vắc xinBỏ quyền sáng chế vắc xin
Giám đốc Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Sáng 25-11, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.