TTCT - Nếu năm 2019 chứng kiến nhiều thành tựu mới trong ngành du hành vũ trụ, và 2010 được đánh giá là thập kỷ vàng của các công trình nghiên cứu thế giới bên ngoài Trái đất, thì năm 2020 này cũng được dự báo tiếp tục sôi động với các hoạt động vươn ra ngoài không gian của nhân loại. Phiên bản mẫu tên lửa Starship Mark 1 để phóng tàu vũ trụ Starship của SpaceX. Ảnh: SpaceX “Với các nhiệm vụ mới đến sao Hỏa, một tàu thăm dò quay trở lại Trái đất mang theo mẫu vật chất lấy từ một tiểu hành tinh, và thêm nhiều đợt phóng vệ tinh Starlink của Elon Musk vào quỹ đạo, (2020) sẽ là một năm lý thú nữa (của khoa học vũ trụ)” - trang Gizmodo mở đầu trong bài viết “Những tin tức về vũ trụ khiến chúng ta phấn khích trong năm 2020”. Trang Quartz ngày 30-12-2019 cũng giật tít “2020 sẽ là năm của nền kinh tế vũ trụ trị giá 1 ngàn tỉ USD”. Kinh tế vũ trụ - chủ yếu là việc chế tạo và vận hành tên lửa và vệ tinh, phóng lên vũ trụ rồi dùng chúng để cung cấp dịch vụ ngược trở lại Trái đất - hiện trị giá khoảng 400 tỉ USD. Quartz cho biết tất cả mọi người, “từ quan chức chính phủ, doanh nhân trong ngành hàng không vũ trụ đến các giám đốc điều hành trong danh sách Fortune 500 và nhà băng ở Phố Wall” đều đang nhắc đến giấc mơ ngành công nghiệp này đạt trị giá 1 ngàn tỉ USD, và họ có lý do để lạc quan khi các chính phủ và công tư tư nhân đều sẽ đẩy mạnh hoạt động khám phá vũ trụ trong năm nay. Phác thảo tàu thăm dò ExoMars Rover.-Ảnh: ESA Sao Hỏa đón thêm tàu thăm dò Năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA phải tăng tốc dự án đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng (sứ mệnh Artemis) trước năm 2024. Để có thể đạt được mục tiêu, NASA cho biết cần thêm ngân sách hoạt động khoảng 25 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. Chính phủ Mỹ sẽ phải thông qua chi tiêu cho năm tài khóa 2021 vào tháng 3 năm nay, và cho đến lúc đó chúng ta mới biết được liệu Artemis có thành hiện thực đúng tiến độ mà ông Trump đặt ra hay không. Theo Gizmodo, ngay cả khi quốc hội phê chuẩn ngân sách thấp hơn những gì NASA cần, dự án Artemis chỉ không thể đến đích vào năm 2024 chứ không phải bị cất lại. “Cả tổng thống và Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện đều đánh giá nhiệm vụ quay lại Mặt trăng là bước quan trọng cần thiết cho việc đưa con người lên sao Hỏa” - Gizmodo nhận định. Nhân nhắc đến sao Hỏa, hành tinh đỏ dự kiến chào đón thêm ba thiết bị thăm dò nữa trong năm 2020, sau khi NASA chính thức tuyên bố chấm dứt hoạt động của robot tự hành Opportunity hồi tháng 2 năm ngoái. Opportunity hoạt động trên Hỏa tinh từ năm 2004 và bắt đầu mất liên lạc với Trái đất sau khi bị một cơn bão bụi tháng 6-2018 che phủ, khiến ánh sáng mặt trời không thể tiếp xúc với các tấm pin năng lượng mặt trời trên thiết bị. Sau “cái chết” của Opportunity, trên sao Hỏa chỉ còn một tàu thăm dò là Curiosity (cũng của NASA). Nhưng con robot có tên là “tò mò” này sẽ sớm có thêm bầu bạn với ba tàu thăm dò dự kiến được đưa lên Hỏa tinh: Mars 2020 (chưa phải tên chính thức) của Mỹ, Rosalind Franklin của ExoMars (liên minh giữa Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu và Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga - Roscosmos), và một tàu nữa của Trung Quốc. Cả ba tàu thăm dò này sẽ được phóng vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 và dự kiến đến sao Hỏa vào năm 2021. Rosalind Franklin đến sao Hỏa với sứ mệnh tìm kiếm bằng chứng của “sự sống cổ xưa”, song nơi thiết bị này đáp xuống hành tinh đỏ vẫn chưa được quyết định. Trong khi đó, Mars 2020 sẽ đáp xuống hố Jezero, nơi vốn là một hồ sâu khoảng 457m và rộng 45km, được cho là từng được kết nối với một mạng lưới sông ngòi cách đây 3,5-3,9 tỉ năm. Điều đặc biệt thú vị là tàu thăm dò này sẽ chở theo một thiết bị bay không người lái, đồng nghĩa với việc nhân loại sẽ lần đầu tiên quan sát được bề mặt Hỏa tinh với góc nhìn từ trên cao. Trong thông cáo chính thức khi công bố thông tin về Mars 2020 hôm 28-12-2019, NASA cho biết thiết bị thăm dò này không chỉ “tìm kiếm dấu vết của sự sống cổ xưa mà còn đặt nền móng cho các nhiệm vụ đưa con người vào không gian trong tương lai”. Các nhà khoa học kỳ vọng Mars 2020 sẽ phát hiện được dấu vết của phân tử hữu cơ - bằng chứng cho thấy nơi đây có sự sống từ cách đây hàng tỉ năm. Mars 2020 cũng có “nhiệm vụ” thu thập các mẫu vật chất tại hố trũng này và gom thành đống, chờ các chuyến đến sao Hỏa kế tiếp mang về Trái đất để phân tích. Tàu thăm dò Mars 2020 của NASA trong chuyến chạy thử ngày 17-12-2019. Ảnh: NASA Không chỉ mình nước Mỹ Chuyến đi sắp tới của các tàu thăm dò sao Hỏa nói trên cho thấy cuộc chinh phục vũ trụ hiện nay không phải của riêng người Mỹ. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng tham gia với Hope (Hi vọng) - sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên trong lịch sử quốc gia Ả Rập - Hồi giáo, dự kiến bắt đầu với việc nghiên cứu khí quyển Hỏa tinh bằng cách phóng một tàu quỹ đạo (orbiter) vào tháng 7 năm nay. Ấn Độ cũng lên kế hoạch thực hiện một loạt các vụ phóng vệ tinh vào không gian trong năm nay. Theo Tân Hoa xã, Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ phóng khoảng 12 vệ tinh, tiến hành Aditya - sứ mệnh đến Mặt trời vào giữa năm 2020, và Gaganyaan - dự án bay thử nghiệm không người lái đầu tiên đến Mặt trăng vào cuối năm. Trước khi khép lại năm 2019, Bắc Kinh cũng kịp cho thế giới thấy các thành quả mới sau nhiều năm chi nhiều tỉ đôla cho chương trình vũ trụ của mình với mục đích vừa cạnh tranh với Mỹ vừa củng cố vị thế cường quốc. Tháng 11-2019, Trung Quốc cũng hoàn tất thử nghiệm thiết bị đổ bộ (lander) được thiết kế cho việc khám phá Hỏa tinh, và đến ngày 27-12-2019 tiếp tục loan báo phóng thành công tên lửa Trường Chinh-5 mang theo vệ tinh thí nghiệm Thực tiễn-20 nặng hơn 8 tấn vào quỹ đạo, đánh dấu một bước tiến quan trọng cho kế hoạch đến sao Hỏa trong năm 2020 của Trung Quốc. “Trường Chinh-5 sẽ được trao các nhiệm vụ quan trọng như đưa tàu thăm dò đầu tiên của Trung Quốc lên sao Hỏa, đưa tàu thăm dò Thường Nga-5 lên Mặt trăng và một môđun cốt lõi cho trạm không gian có người ở” - Phó cục trưởng Cục Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) Ngô Diễm Hoa tuyên bố trên Đài CCTV. SpaceX vẫn đầy tham vọng Năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều công ty tư nhân tham gia sâu hơn vào hoạt động khám phá không gian. Boeing và Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos đang là ứng cử viên hàng đầu cho hợp đồng thiết kế và chế tạo thiết bị đổ bộ cho dự án Artemis. Công ty SpaceX của tỉ phú công nghệ Elon Musk được cho là cũng quan tâm đến hợp đồng này. Nhưng dẫu không thắng được quyền tham gia Artemis, SpaceX cũng đã đủ bận rộn trong năm 2020 này. Đến hết năm 2019, SpaceX đã phóng tổng cộng 120 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo Trái đất thấp. Con số này chẳng là gì so với 42.000 vệ tinh cần có cho dự án đầy tham vọng xây dựng mạng lưới cung cấp kết nối Internet vệ tinh băng rộng từ không gian đến khách hàng của SpaceX. Công ty của Elon Musk dự kiến tiếp tục 24 lần phóng vệ tinh Starlink vào quỹ đạo bằng tên lửa tái sử dụng được Falcon 9, mỗi lần mang theo 60 vệ tinh, trong năm nay, theo trang SpaceNews. Cũng trong năm nay, SpaceX sẽ bắt đầu thử nghiệm thế hệ kế tiếp của tàu vũ trụ Starship, với tham vọng tạo ra “phương tiện mạnh mẽ nhất từng được phát triển, có thể đưa con người và hàng hóa vào quỹ đạo Trái đất và cả lên Mặt trăng, sao Hỏa”.■ Phác thảo tàu thăm dò Artemis của NASA. Ảnh: NASA Hôm 11-12-2019, Blue Origin có chuyến phóng thử thành công lần thứ 6 với tên lửa tái sử dụng được New Shepard, đánh dấu một bước nữa đến gần hơn với mục tiêu đưa du khách vào không gian. “(Việc phóng thử thành công này) là một bước nữa trong việc xác nhận khả năng dùng New Shepard cho các chuyến bay đưa con người vào vũ trụ, khi chúng tôi tiếp tục hoàn thiện tính an toàn và độ tin cậy của phương tiện này” - Blue Origin nói trong một thông cáo. Blue Origin dự kiến đưa du khách vào không gian trong năm 2020, nhưng hiện vẫn chưa công bố thời điểm chính xác cũng như giá vé. Nhưng cái giá để du hành vào không gian để ngoạn cảnh chắc chắn sẽ không rẻ. Hãng Virgin Galactic (do Richard Branson, cũng là một tỉ phú, sở hữu) dự kiến thu 250.000 USD/chuyến cho dịch vụ của mình, dù vẫn chưa có lịch khởi hành dự kiến. Kể từ cuối năm 2018 đến nay, tàu thăm dò Osiris-Rex của NASA đã liên tục quan sát tiểu hành tinh Bennu trong hệ Mặt trời và dự kiến tiến hành nhiệm vụ chính của nó - thu thập mẫu vật trên bề mặt tinh cầu này vào tháng 8 năm nay. Theo Los Angeles Times, cánh tay robot của Osiris-Rex sẽ tiếp xúc với bề mặt Bennu và cố gắng “xúc” các mẫu vật trong thời gian chỉ 5 giây. Osiris-Rex dự kiến mang “chiến lợi phẩm” về đến Trái đất vào năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên một dự án của Mỹ mang được vật chất từ không gian về địa cầu. Tags: Khám pháThập kỷChạy trốnKhám phá vũ trụ
Mới mẻ bảo hiểm an ninh mạng BÌNH KHÁNH 08/10/2024 Lừa đảo, tấn công mạng ngày càng tinh vi nên đã xuất hiện "bảo hiểm an ninh mạng". Hình thức này còn khá mới trên thị trường Việt Nam, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán tung hàng, nhưng nhiều nơi vẫn ngại.
Tin thế giới 8-10: Triều Tiên lại cảnh báo dùng vũ khí hạt nhân, gọi tên Hàn Quốc MINH KHÔI 08/10/2024 Tên lửa Nga tấn công tàu treo cờ nước ngoài tại cảng Odessa; Bão Milton nhắm thẳng hướng bang Florida của Mỹ.
Rùa biển xuất hiện trở lại trên vịnh Nha Trang TRẦN HOÀI 08/10/2024 Sự xuất hiện của rùa biển cho thấy chất lượng môi trường biển vịnh Nha Trang đang có chuyển biến tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói gì về đoàn xổ số kiến thiết đi nước ngoài? BỬU ĐẤU 07/10/2024 Liên quan đến việc Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng thành lập hai đoàn đi nước ngoài học tập kinh nghiệm ở châu Âu làm xôn xao dư luận, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói gì?