Khi chăm sóc sức khỏe là hàng tiêu dùng

YÊN LAM 21/01/2022 20:30 GMT+7

TTCT - Chăm sóc y tế đang dần trở thành một sản phẩm tiêu dùng (consumer product), và như nhận định của The Economist, “một đợt bùng nổ công nghệ mới đang thay đổi ngành kinh doanh y tế”.


 
 Ảnh: Deloitte

Ngoài các thiết bị “ôsin” hiện đại, CES 2022 cũng là sân khấu cho những sản phẩm liên quan đến y tế. Triển lãm năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên có một bài phát biểu quan trọng về lĩnh vực y tế, do CEO Hãng Abbott Robert Ford trình bày.

Omron Healthcare ra mắt công cụ theo dõi bệnh nhân từ xa VitalSight, gồm một máy đo huyết áp được kết nối có thể gửi dữ liệu về một trung tâm dữ liệu chung nhằm thúc đẩy sự tham gia và điều trị của các bác sĩ. Hãng Avokad trình làng thiết bị cảm biến nano, phân tích hơi thở để gợi ý chế độ ăn dinh dưỡng. Ngoài ra còn có Circular Ring, thiết bị đeo (wearables) giúp người dùng theo dõi hoạt động thể chất, phân tích “tín hiệu sinh học” khi đang ngủ, đi kèm ứng dụng với thông tin chi tiết về sức khỏe.

Điểm chung của các sản phẩm kể trên và các thiết bị, công nghệ triển lãm tại CES 2022 là chúng tương tác trực tiếp với người dùng, không thông qua trung gian như bác sĩ hay cơ sở y tế. Nói cách khác, chăm sóc y tế đang dần trở thành một sản phẩm tiêu dùng (consumer product), và như nhận định của The Economist, “một đợt bùng nổ công nghệ mới đang thay đổi ngành kinh doanh y tế”.

Một chỉ dấu khác cho xu hướng này là việc y tế tiêu dùng cũng là chủ đề của hội nghị thường niên về chăm sóc sức khỏe JPMorgan Chase vào trung tuần tháng 1, với các bài thuyết trình liên quan đến AI, chẩn đoán số và chăm sóc sức khỏe từ xa.

Theo The Economist, hệ thống y tế lộn xộn, tốn kém, được quản lý chặt chẽ và thường bị chi phối bởi các bên trung gian đang bị lung lay bởi các công ty nhắm mục tiêu trực tiếp đến bệnh nhân, mọi lúc mọi nơi và cho họ nhiều quyền quyết định hơn với việc nên tiếp cận dịch vụ chăm sóc thế nào.

Đại dịch COVID-19 đã làm cho nhiều người quen thuộc hơn với các dịch vụ trực tuyến liên quan đến sức khỏe và các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đánh hơi thấy tiềm năng của thị trường này. Đầu tư vào các startup liên quan đến sức khỏe số đã tăng gần gấp đôi trong năm 2021, đạt 57 tỉ USD, số startup chưa niêm yết nhưng được định giá ít nhất 1 tỉ USD (mức “kỳ lân”) hiện vào khoảng 90, gấp 4 lần năm 2017, theo Hãng dữ liệu CB Insights.

Những “kỳ lân” này đang thách thức các công ty y tế truyền thống với mục tiêu tăng cường sức khỏe con người, giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, hay tốt nhất là giúp họ không đổ bệnh ngay từ đầu, quá trình mà The Economist gọi là “biến bệnh nhân thành người tiêu dùng”.

 
 "Nhà thuốc online" Truepill.

Sản phẩm y tế tiêu dùng trước nay đơn giản chỉ là thuốc nhức đầu hay bông băng mua ở hiệu thuốc. Cuộc chơi giờ đa dạng và phức tạp hơn với các nhà thuốc online như Truepill (Mỹ) đáp ứng 20.000 đơn thuốc mỗi ngày; nền tảng khám bệnh từ xa Teladoc đạt doanh thu 520 triệu USD trong quý 3-2021, tăng 80% so với 1 năm trước đó; hay Skin + Me (Anh) cung cấp dịch vụ chăm sóc da thông qua chẩn đoán từ ảnh selfie của người dùng.

Các ông lớn trong ngành dược lẫn công nghệ đều không muốn đứng ngoài cuộc. Johnson & Johnson (Mỹ) và GlaxoSmithKline (Anh) đã tách các bộ phận sản phẩm tiêu dùng vốn không đổi mới và đã trở thành lực cản cho cả tập đoàn ra thành các đơn vị riêng, với hy vọng họ sẽ có động lực để phát triển và sáng tạo hơn khi bị ngắt khỏi bầu sữa khổng lồ từ tiền bán dược phẩm của công ty mẹ. Những gã khổng lồ công nghệ như Google, Apple, Samsung, Amazon đều tham gia cuộc chơi wearables y tế và đầu tư các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên đám mây.

Công nghệ tiêu dùng trước đây chưa thể lấn sâu vào mảng y tế bởi đây là lĩnh vực được quy định và kiểm soát nghiêm ngặt. Tình hình đã thay đổi trong những ngăm gần đây, và bản thân các tay chơi cũng có nhiều chiến thuật để “lách luật”. Chẳng hạn, Hãng Thriva (Anh) cung cấp kit tự lấy máu và phân tích nồng độ cholesterol cho rằng sản phẩm của họ chỉ cung cấp "thông tin chi tiết" chứ không đưa ra chẩn đoán chính thức. Nhiều hãng khác thận trọng hơn, xin đủ giấy phép liên quan để bán sản phẩm y tế chứ không phải sản phẩm tiêu dùng.

Ở chiều ngược lại, các cơ quan quản lý cũng muốn luật đi nhanh hơn mức phát triển của các sản phẩm sức khỏe tiêu dùng. Úc, Nhật Bản, Singapore và EU đã đề ra các chiến lược y tế kỹ thuật số nhằm đặt tiêu chuẩn xác định chất lượng, độ an toàn và giá trị lâm sàng của các thiết bị y tế mới.

Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu sôi động. Tựu trung, sự bùng nổ của các sản phẩm tiêu dùng liên quan đến sức khỏe có thể là tin khó nuốt với ngành công nghiệp điều trị, có bệnh mới có lời nhưng với tất cả số còn lại, đấy lại là điều hay. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận