Khi châu Phi chơi bóng quá châu Âu

LÊ TẤN LƯỢC DỊCH 07/07/2010 00:07 GMT+7

TTCT - Ngoại trừ Ghana, tất cả các đội bóng châu Phi đều bị loại từ vòng đầu. Theo đánh giá của cựu cầu thủ nhà nghề Vicente Engongo trên tờ El Pais, các đội tuyển lục địa đen đã sai lầm khi tìm cách áp dụng sơ đồ thi đấu không phù hợp với họ.

Phóng to
Các đội tuyển châu Phi đã thất bại trong việc tìm được sự cân bằng giữa chiến thuật và kỹ thuật. Trong ảnh là pha đi bóng của Samuel Eto’o của Cameroon giữa vòng vây các cầu thủ Hà Lan - Ảnh: Reuters

Chỉ mới gần đây thôi, bất cứ khán giả xem một đội tuyển châu Phi thi đấu đều không biết đến ba từ này: nhàm chán, buồn bã và sợ hãi. Nhưng World Cup đang diễn ra lại chứng minh những dự báo xấu về trình độ và lối chơi mà các chuyên gia đã nhìn thấy tại cúp bóng đá châu Phi 2010 gần đây nhất.

Tại lục địa đen, chơi bóng đá đồng nghĩa với niềm vui, tính tự phát, ngày hội... Nhưng tất cả đang rơi vào cái bẫy khi các đội từ bỏ gốc rễ của mình để bắt chước lối chơi đang áp dụng ở các châu lục khác. Ở đây có ba yếu tố chính dẫn đến sự thay đổi chỉ mang đến sự tệ hại cho bóng đá châu Phi.

“Các đội bóng châu Phi rơi vào cái bẫy khi từ bỏ gốc rễ của mình để bắt chước lối chơi của các châu lục khác”

Trước tiên, sự xuất hiện của các huấn luyện viên châu Âu và Nam Mỹ đã mang đến sự cải tiến chiến thuật của cầu thủ châu Phi, nhưng để được như vậy, cái giá phải trả là họ tự hạn chế tính sáng tạo và năng động vốn có. Điều dễ nhận thấy nhất là các đội tuyển châu Phi đã thất bại trong việc tìm được sự cân bằng giữa chiến thuật và kỹ thuật. Huấn luyện viên thì tìm cách áp dụng triệt để mệnh lệnh tuân thủ chiến thuật lên các cầu thủ nên cũng hạn chế tính cơ động của họ.

Có thể các cầu thủ châu Phi còn nhiều khiếm khuyết, nhưng họ có khả năng tỏ ra cực kỳ vâng lời khi phải bảo vệ màu cờ sắc áo quốc gia và giành chiến thắng. Vì vậy, người ta có cảm giác rằng họ thi đấu mà chỉ nghĩ phải thực hiện mệnh lệnh chiến thuật chứ không phải bản năng bóng đá giúp họ hoàn thành công việc. Cameroon đã sớm bỏ dở cuộc chơi và Bờ Biển Ngà sau đó cùng minh chứng cho điều này: nhiều tiềm năng nhưng cũng quá nhiều chiến thuật.

Thứ hai, các lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá châu Phi từ nhiều năm qua chạy theo bắt chước mô hình châu Âu khi liên tục chỉ định sa thải các huấn luyện viên trưởng quá dễ dàng và thiếu suy xét nhiều hơn ở các câu lạc bộ châu Âu. Họ luôn cho rằng đội tuyển của mình là xuất sắc nhất, trong khi thực tế đội bóng chẳng bằng ai.

Đa số các nhà lãnh đạo bóng đá này đều kiêu ngạo đến mức tin rằng chỉ họ là người điều hành đội bóng chứ không phải ban huấn luyện. Họ bắt huấn luyện viên trưởng và các cầu thủ phải chịu sức ép của công chúng bằng cách tạo ra những hi vọng viển vông (đội nào cũng tin rằng mình sẽ đoạt cúp).

Yếu tố cuối cùng mang tính quyết định và quan trọng nhất là bản thân cầu thủ. Hầu hết các cầu thủ châu Phi đều thi đấu và sống ở châu Âu. Một số chơi ở đỉnh cao tại các câu lạc bộ hàng đầu thế giới và có cuộc sống cá nhân cũng như người thân được đảm bảo quá tốt. Họ có lý do để chơi hay, nhưng ở đây họ lại thiếu tố chất khiến họ thường thất bại khi chơi cho đội tuyển quốc gia: sự khiêm tốn cần có trong lao động tập thể. Chỉ khi mọi việc bắt đầu xấu đi thì cầu thủ châu Phi mới nhớ đến đức tính này và quên đi cá nhân để chơi toàn tâm toàn ý cho đội tuyển.

Khi xem xét vai trò của các cầu thủ chủ lực trong từng đội tuyển, người ta nhận thấy chẳng ngôi sao nào đạt phong độ cao nhất. Chính các cầu thủ ít được biết đến, khao khát chiến thắng và muốn tiến bộ mới tạo nên bất ngờ. Chỉ mong sao đại diện còn lại của châu Phi nới lỏng đai nịt chiến thuật và hướng đến bóng đá đẹp mắt trong vài phút (biết đâu nhiều hơn thế) tại World Cup tổ chức trên lục địa của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận