Khi còn má

TRỊNH THỊ CẨM 29/09/2017 01:09 GMT+7

TTCT- Chừng nào nó biết nâng niu mớ rau dại mọc trong kẹt đá mỗi sớm mai cho má nụ cười bình yên?

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Má bệnh!

Nó về tới nhà đâu cũng chạng vạng. Nhà tối thui trong ánh sáng lờ mờ của cái bóng đèn sắp tới tuổi. Má nằm trên ghế bố, nếu không có tiếng ho nó cũng chưa nhận ra.

Má hỏi: Bây đi xe mấy giờ mà về tối vậy, tắm rửa rồi đi ăn cơm đi. Những tràng ho dài ngắt quãng từng chữ nghe thật đuối. Tự nhiên nó bực ngang: Lo gì mà lo hoài, sao má hổng lo nằm nghỉ cho khỏe!

Câu chữ vừa rớt ra khỏi miệng là nó hối hận. Hồi đó bà ngoại hay nói nó với má khắc khẩu, nên hễ nói chuyện chỉ câu trước câu sau là đã muốn gây.

Nó biết mình ngụy biện. Bởi má có mình nó nên nó làm mình làm mẩy kiểu gì, má cũng cho qua. Rõ ràng khi nó lớn, đi ra khỏi vòng tay của má, nó cũng phải biết tự điều chỉnh bản thân để tồn tại.

Nhưng mỗi lần về nhà, kiềm chế cách gì, trước sau nó không quạu quọ cũng cằn nhằn hoặc làm má buồn mới chịu.

Hôm kia dì Út gọi điện nói: “Má mầy bệnh nhiều, coi về thăm bả cái!”. Lúc đó nó và đám bạn đang ở cách má một quãng khá xa, tung tăng chụp ảnh tự sướng trong một vườn bí ngô khổng lồ.

Hôm trước nó về, có nghe má ho húng hắng, nó hỏi thì má nói má khỏe, đâu có sao đâu. Má là vậy: bệnh thì giấu giếm, cứ lo cày cuốc chắt mót để dành cho nó, thành ra nhiều khi tính già ra non.

Má sợ nói nó nghe, nó lại bắt đi khám, uống thuốc, “tốn tiền!”. Nhiều khi nó tức mà không nói được. Với má, làm mẹ xưa nay là phải hi sinh.

Ngày ba bỏ má theo người mới, hai mẹ con về núi dựng chòi. Chòi nằm trên xẻo đất nhỏ xíu lưng chừng núi, khuất sau những tàn cây. Đi hết con dốc dựng đứng giữa âm thanh róc rách tiếng nước chảy, thở hào hển ba bốn bận nghỉ chân... là tới nơi.

Có nhiều ngày má đi vắng nhưng cửa vẫn mở toang. Lắm lúc nó dẫn bạn bè về chỉ thấy con mèo nhỏ lim dim cuộn mình dưới chân cầu thang sơ sài làm bằng gỗ tạp. Bếp nhà không đỏ lửa, nhưng củi đuốc đã xếp sẵn dưới gầm.

Chỉ cần nhóm lửa bắc ấm nước pha trà, mở tủ lấy gạo, vòng ra sau hè xắn măng, lấy rổ hái một mớ rau rừng... là có ngay một bữa cơm đạm bạc nhuốm mùi núi non không giống bất cứ nơi nào bạn bè nó từng đặt chân tới.

Mùa mưa, gió không ngớt thổi từ dãy núi trước mặt và mây sà xuống thấp báo hiệu những cơn dông ngoài xa, nhưng cảm giác ấm áp tỏa ra từ tiếng củi tre lép bép, từ tiếng cười nói rộn ràng của tuổi trẻ làm bọn nó thấy lòng nhẹ nhõm bình an: những giây phút hiếm hoi của những người quanh năm bận rộn.

Mùa mưa trên núi bao giờ cũng lạnh. Sau mớ mền gối tinh tươm má để sẵn vẫn nghe tiếng ai đó xuýt xoa.

Nó có khi nào nhớ má đã sống một mình ra sao với tuổi tác già nua trong lúc nó lăng xăng bận rộn nơi khác? Nó có khi nào hình dung nỗi sợ hãi qua tiếng những cành khô gãy rụng trên mái tôn giữa khuya cứa vào giấc ngủ của má những âm thanh hoảng hốt?

Chỉ biết tiếng chim xa lạ gieo vào đêm tĩnh mịch làm nó đôi lúc buồn nẫu người. Giữa cơn gió thốc tháo, va đập từng hồi vào vách tôn xập xệ của gian nhà chắp vá khắp nơi, nó gặp nỗi quạnh hiu của má bên tiếng con mèo yếu ớt cào sột soạt sau cánh cửa tìm hơi ấm.

“Khi biến nỗi đau thành nụ cười, con sẽ khám phá được nhiều điều thú vị!”. Chừng nào nó biết sống tự nhiên như đói ăn khát uống, ai cần gì thì giúp, là vui... như má?

Chừng nào nó biết nâng niu mớ rau dại mọc trong kẹt đá mỗi sớm mai cho má nụ cười bình yên? Hay đợi khi không còn má, nó mới nhớ làn khói mỏng của tách trà nửa khuya, bên chiếc xích đu gỗ tự chế má thường ngồi ngóng trông mỗi khi nghe nó nói sắp về?

Má là vậy. Mà sao tiếng thương má nó chưa bao giờ hở môi, kể cả khi má bệnh?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận