Khi gia đình chối bỏ trách nhiệm

NGUYỄN HỮU NHÂN 01/01/2016 03:12 GMT+7

TTCT - Hằng ngày P. đến trường với một chiếc cặp chứa vài ba quyển tập cho có gọi là đi học, chứ tập vở không bao giờ đúng với môn học hằng ngày ghi trên thời khóa biểu và cũng không bao giờ mang theo sách giáo khoa. Không tiết nào P. chịu ghi chép.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


Như trút được gánh nặng ngàn cân, cô giáo H., đồng nghiệp của tôi, báo tin em P. đã thôi học. P. là học sinh lớp cô chủ nhiệm, “nổi tiếng” là học sinh cá biệt nhiều năm.

Tôi có dạy lớp P. học. Sổ ghi chép hoạt động của lớp hằng ngày không trang nào không có tên P. và lúc nào P. cũng đứng đầu trong các vụ vi phạm nội quy. Do năm học trước P. từng bị kỷ luật buộc thôi học một tuần nên năm nay thầy cô dạy lớp và cô chủ nhiệm rất “quan tâm” đến P.

Hằng ngày P. đến trường với một chiếc cặp chứa vài ba quyển tập cho có gọi là đi học, chứ tập vở không bao giờ đúng với môn học hằng ngày ghi trên thời khóa biểu và cũng không bao giờ mang theo sách giáo khoa. Không tiết nào P. chịu ghi chép.

Thầy cô nhắc nhở nhiều lần, P. mới xé một trang vở ghi vài dòng rồi thôi. Chẳng những vậy, trong các tiết học P. luôn gây sự, phá phách, đánh bạn làm mất trật tự của lớp. Thầy cô ngọt nhạt đủ lời, từ giải thích, nhắc nhở đến răn đe... nhưng P. không chuyển biến gì. Có lần P. còn vo tròn giấy, dùng dây thun bắn vào một thầy giáo khi thầy đang ghi bài trên bảng.

Cô chủ nhiệm cứ tiết trống là chạy về lớp canh chừng P. và các bạn. Góp ý, nhắc nhở rồi phê bình trước lớp, trước toàn trường chẳng tác dụng gì với P.. P. xem trường lớp như một nơi đùa vui cho qua ngày, có lúc P. còn phản ứng, nói tục với cô chủ nhiệm.

Sau mấy lần gọi điện thông báo với cha mẹ P. đề nghị hợp tác dạy dỗ P. thành học sinh ngoan nhưng không có chuyển biến gì, cô chủ nhiệm gửi thư mời đến trường, mẹ em trả lời: bận quá, cô đừng làm phiền gia đình nữa! Thế là cô chủ nhiệm phải tìm đến nhà P..

Cô kể lại đã giật mình vì thấy cơ ngơi gia đình P. quá chênh lệch so với phần đông gia đình học sinh của trường tôi. Không có tiện nghi nào mà gia đình P. không có. Mẹ P. là người buôn bán nông sản ở địa phương khá tiếng tăm. Cha kinh doanh vận tải. P. chỉ có hai anh em.

Khi cô chủ nhiệm thông báo những sai phạm của P. và mong muốn gia đình cùng nhà trường tìm cách giúp em tiến bộ thì câu trả lời của cha mẹ em là: Việc dạy dỗ là của nhà trường. Nếu gia đình dạy được thì cần gì đưa em đến trường! Cuối cuộc gặp, mẹ P. bảo thôi cô cứ cho cháu đến trường, học được chữ nào hay chữ đấy!

Việc không dừng lại ở đó. Trong giờ tôi dạy, P. đã giật lấy viết không cho bạn ngồi cùng bàn chép bài. Khi tôi hỏi vì sao giật viết của bạn, P. thản nhiên nói quên mang theo. Rồi P. đứng lên đâm thẳng cây viết xuống đỉnh đầu bạn.

Tôi chỉ kịp la to một tiếng để cản ngăn P.. May mắn là em học sinh kia đã kịp tránh sang một bên, cây viết trượt xuống vai mà không gây thương tích gì. Cuối giờ, tôi gọi P. đến nghiêm khắc cảnh cáo về hành động nguy hiểm vừa qua. P. giương mắt nhìn tôi thách thức.

Ngay chiều hôm xảy ra sự việc, cô chủ nhiệm lại đến nhà P.. Cha P. buông một câu sau khi nghe chuyện: Nếu cô thấy nó làm bậy thì gọi công an bắt nó đi, đừng tới đây cho mất công. Nhà trường phải giáo dục học sinh chứ! Có thiệt hại gì tui bồi thường!

2 Gần ba tháng trôi qua, P. vi phạm nội quy ngày càng nhiều và mức độ càng trầm trọng hơn. Khi cô chủ nhiệm đến nhà cha mẹ của P. lần nữa, cha mẹ em vẫn thản nhiên: Khi nào trường đuổi học thì tính cách khác, kệ nó!

May mắn là đến gia đình P. lần này, đồng nghiệp tôi gặp được ông nội của P.. Khi nghe cô chủ nhiệm trao đổi về khuyết điểm của cháu mình, ông có một quyết định bất ngờ: ông sẽ xin cho cháu tạm thôi học trong năm nay.

Ông bảo thà cháu học chậm hơn các bạn một năm nhưng còn hơn chậm cả một đời. Bấy lâu nay do cả nhà bận làm ăn nên bỏ bê con cái, không uốn nắn dạy dỗ con nên người. Thời gian nghỉ học một năm này, ông và cha mẹ cháu sẽ cận kề để sửa sai cho P.. Ông tin sự gần gũi của gia đình sẽ giúp P. tiến bộ.

Để việc học của P. không bị ảnh hưởng nhiều, hằng ngày ông sẽ đưa P. vào học tại các trung tâm bồi dưỡng kiến thức ở địa phương. Ngoài giờ học, P. cùng tham gia công việc tại nhà như phụ tiếp mẹ việc đóng gói bao bì gạo thóc, giao hàng cho khách. Gia đình sẽ bên em...

Tuy có muộn nhưng vẫn còn cơ hội khắc phục. Cha mẹ của P. cũng đồng ý khi hiểu ra nếu cứ phó mặc cho nhà trường thì không thể trông mong P. tiến bộ.

Về phần nhà trường, chúng tôi hoàn toàn không xem đây là sự “thoát nạn” trong công tác giáo dục. Chúng tôi cho rằng vẫn cần làm cho P. thoát khỏi mặc cảm nặng nề là học sinh cá biệt, bị đuổi học. Cô giáo cũng thông báo cho cả lớp về việc chủ động xin tạm nghỉ một năm của gia đình P. là quyết định của gia đình để P. có cơ hội sửa đổi bản thân, chứ không phải quyết định kỷ luật mà P. phải nhận.

3 Nếu cha mẹ P. thấy được sự cần thiết phải phối hợp cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh, không thờ ơ, thậm chí bao che các sai phạm của P. thì P. không phải chậm mất một năm học. Nhà trường không thể thành công trong giảng dạy học sinh nếu thiếu sự hợp tác của gia đình. Tôi tin năm học tới P. sẽ vào trường với một tâm thế tốt hơn bao giờ hết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận