Khi nào được dùng hình ảnh người khác?

TTCT - Luật pháp Việt Nam liên quan tới việc sử dụng hình ảnh cá nhân còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nhất là trong quá trình thực thi.

Do có sức hút và tầm ảnh hưởng lớn, hình ảnh cá nhân của nghệ sĩ, VĐV hay người nổi tiếng thường được các nhãn hàng sử dụng, khai thác để quảng bá sản phẩm và thương hiệu. Nhưng việc sử dụng hình ảnh cá nhân trong nhiều tình huống có thể là… không đúng luật.

Ảnh: Nguyễn Khánh

Ảnh: Nguyễn Khánh

Quyền với hình ảnh cũng có giới hạn

Trong một số trường hợp hạn hữu, quyền này sẽ bị giới hạn. Theo nhà nghiên cứu luật học nổi tiếng Herbert L. A. Hart, nhà nước chỉ hạn chế quyền của cá nhân khi chỉ ra được điều đó có lợi hơn cho mọi người. Trong đa phần các trường hợp, bao giờ lý do cũng phải nhằm đến bảo vệ lợi ích chung của xã hội và cộng đồng, bao gồm ích lợi của từng cá nhân.

Những hạn chế cũng có thể là tự nguyện, như khi thông qua thỏa thuận và hợp đồng, người nổi tiếng trao hoặc cho phép người khác thực hiện quyền thay mình. Sự hạn chế hay "từ bỏ" quyền này cũng có thể kèm theo một khoản "trả phí".

Ngoài các trường hợp đó, việc sử dụng hình ảnh cá nhân người khác mà không được phép của người đó là vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt, yêu cầu bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Sở dĩ như vậy là vì quyền đối với hình ảnh cá nhân được quy định bởi nhiều chế định khác nhau, phổ biến nhất là quy định về bí mật đời tư. Mới đây, quyền này được đề cập cả trong nghị định 13/2023/NĐ-CP về dữ liệu cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư.

Khi nhãn hàng sử dụng hình ảnh VĐV

Gần đây, chuyện khai thác hình ảnh các cầu thủ, VĐV nổi tiếng trở thành chủ đề nóng. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì bóng đá và thể thao nước nhà ngày càng tiệm cận mô hình hoạt động chuyên nghiệp. Mô hình này đương nhiên không thể thiếu kinh tài. Khi Nhà nước ngừng cấp hoặc giảm chi từ ngân sách, các đơn vị thể thao tự hoạt động thì họ cần sự tài trợ, hợp tác của nhiều đơn vị và cá nhân khác nhau.

Hợp đồng tài trợ xuất hiện và việc sử dụng hình ảnh để quảng cáo là một trong những lợi ích kèm theo. Trong các thỏa thuận này, việc sử dụng hình ảnh VĐV có thể được đề cập. 

Cần lưu ý rằng Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 quy định việc sử dụng hình ảnh từ các hoạt động thi đấu thể thao là một trong những trường hợp không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện của họ. 

Tuy nhiên, đây là hình ảnh về hoạt động thể thao chung và mang tính công khai. Quy định này không hàm ý về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của một người cho hoạt động quảng cáo, khi chưa được sự đồng ý của người đó.

Năm 2003, thế giới từng biết đến trường hợp thắng kiện của Oliver Kahn, thủ môn đội tuyển Đức lúc bấy giờ, khi Công ty Electronic Arts sử dụng tên và hình ảnh của anh tại giải trò chơi điện tử FIFA Computer Football mà chưa có sự đồng ý của cá nhân Kahn (dù EA đã đạt được thỏa thuận chung với Hiệp hội Các cầu thủ quốc gia và quốc tế tại Đức).

Như vậy, việc sử dụng hình ảnh cá nhân VĐV của nhà tài trợ chỉ không vướng mắc nếu đã có sự đồng ý của VĐV. Đơn vị tài trợ cũng có thể đã được "cấp phép" thông qua đơn vị quản lý VĐV, nhưng chỉ với điều kiện đơn vị quản lý này đã có được quyền sử dụng, khai thác hình ảnh VĐV hợp pháp qua quy chế, điều lệ hay hợp đồng. 

Mà ngay cả như vậy, cá nhân VĐV cũng phải được biết về các thỏa thuận một cách rõ ràng, tường tận, hoặc đã tự nguyện chấp nhận chuyển giao quyền sử dụng hình ảnh của mình. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận