TTCT - Có một chi tiết thú vị trong cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu với người đồng cấp Anh Ben Wallace hôm 11-2 tại Matxcơva. Theo quan sát của nhà báo A. Kots, tờ Sự thật Komsomol, trước khi ngồi vào bàn đàm phán, ông Shoigu đã đưa ông Wallace tới xem một trưng bày nhỏ về hợp tác quân sự giữa Liên Xô và các đồng minh trong Thế chiến II tại Bộ Quốc phòng Nga. Ông Shoigu (phải) đón ông Wallace với cái bắt tay, bức tranh ở phần nền mô tả bốn chỉ huy quân sự Bernard Montgomery (Anh), Dwight Eisenhower (Mỹ), Georgy Zhukov (Liên Xô), và Jean de Tassigny (Pháp) - theo thứ tự từ trái sang, vào thời 4 nước còn hợp tác mặn nồng cùng chống phát xít trong Thế chiến II. Ảnh: Sputnik News “Đây là những chiếc xe tăng do Anh cung cấp cho Liên Xô. Xe tăng Anh có một nhược điểm - chúng bị trượt trên tuyết. Do đó, các nhà thiết kế của chúng tôi cùng các đồng nghiệp Anh đã nghĩ ra một thiết bị để xe tăng không bị trượt - Shoigu đóng vai trò là người hướng dẫn, giới thiệu - Xe tăng của chúng ta đây!”.“Khi còn nhỏ, chúng tôi luôn nói về T-34 trong lớp của mình”, ông Wallace nhớ lại.“Họ hàng của ông có thể ở đây”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga chỉ cuốn album với những bức ảnh những năm chiến tranh.Ông Shoigu bảo đảm sẽ mời người đồng cấp của mình đến công viên “Người yêu nước”, nơi đặt tượng đài tất cả những ai từng hỗ trợ Liên Xô, trong đó có tượng đài thủy thủ các đoàn tàu vận tải Anh. Đáp lại, ông Wallace nhắc rằng hợp tác quân sự của Anh với Nga đã có từ thế kỷ 15.Mục đích của cuộc “triển lãm” mini này không gì khác hơn là để so sánh với mức độ hợp tác hiện nay, mà theo đánh giá của ông Shoigu, “là bằng 0 và chẳng bao lâu nữa sẽ xuống âm”. Tuy nhiên, với những người quan tâm thời cuộc, những hình ảnh được giới thiệu trên truyền thông này còn nhắc họ về sự quan trọng của lịch sử và công tác ngoại giao. Bởi những ngày qua, cuộc khủng hoảng Ukraine đã hé lộ sự thiếu chuyên nghiệp ngoại giao, khi không ai khác mà chính những đại diện đối ngoại của một đất nước vô tình bộc lộ sự thiếu hiểu biết lịch sử về đất nước họ đang đối thoại.Chẳng hạn tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Elizabeth Truss trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 11-2 tại Matxcơva rằng “Ukraine là một đất nước đáng tự hào với lịch sử lâu đời. Họ đã biết đến các cuộc xâm lược trước đây - từ người Mông Cổ đến người Tatar”. Nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov bình luận: “Ngoại trưởng Anh đã để lộ ra rằng bà không biết Kiev là mẹ của các thành phố Nga, từng là thủ đô của Nga trong vài thế kỷ, rằng Ukraine không chiến đấu chống ách xâm lược của ngoại bang Mông Cổ vì khi đó chưa có quốc gia Ukraine, thậm chí kể cả vài thế kỷ sau đó cũng chưa có, mà chỉ có nước Nga. (Ách xâm lược của Tatar - Mông Cổ lên đất Nga kéo dài từ năm 1243 đến 1480, trong khi Ukraine - như một quốc gia tự trị - chỉ bắt đầu được nói đến từ năm 1917). Bà cũng không biết là ngôn ngữ mà đa số công dân Ukraine nói chính là tiếng Nga”.Nhưng đây chưa phải là sai sót duy nhất. Đoạn rò rỉ tiếp theo trong cuộc đàm phán của hai ngoại trưởng đã trở thành chuyện tiếu lâm trên mạng xã hội. Sau khi bà Truss kêu gọi Nga rút các đơn vị vũ trang khỏi biên giới với Ukraine, ông Lavrov đã hỏi bà Truss “có công nhận chủ quyền của Nga với Rostov và Voronhezh không?” thì bà đáp: “Vương quốc Anh sẽ không bao giờ công nhận chủ quyền của Nga đối với những khu vực này”, khiến sau đó đại sứ Anh tại Matxcơva Deborah Bronnert phải bỏ nhỏ với bà Truss rằng họ đang nói không phải về Ukraine, không phải về Donetsk với Lugansk, mà là về hai lãnh thổ Nga, Voronhezh và Rostov, nơi các cuộc tập kết quân đang diễn ra. Vì vậy nhà phân tích Markov viết: “Không am tường lịch sử và địa lý của các nước này, ấy vậy mà bà ta muốn quyết định số phận của chúng”.Tổng kết cuộc gặp với người đồng cấp, Ngoại trưởng Lavrov nói ông có cảm tưởng đó là cuộc trò chuyện “của người câm với người điếc”. Thế giới ngoại giao như thế đã làm thất vọng chính người làm công tác ngoại giao; nói chi đến những người “ngoại đạo”.Những trục trặc tiếp theo trên nền diễn biến trên xem ra chẳng còn gây thất vọng. Chẳng hạn câu đùa của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trả lời báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Putin đã nói về sự cần thiết Kiev phải thực hiện thỏa thuận Minsk họ từng ký kết, dù muốn hay không. Ông Putin đã dùng một câu vè dân gian Nga để trả lời: “Thích hay không thích, phải chịu đựng thôi, người đẹp của tôi. Cần phải thực thi”, thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki đã gọi câu nói của ông Putin là “trò đùa về cưỡng hiếp (joke about rape)”, bởi hiểu câu vè này theo nghĩa đen. (Theo các chuyên gia Nga, câu đùa lấy từ bài vè Nga Người yêu tôi trong quan tài nội dung chính là có những việc người ta vẫn phải cam chịu dù muốn hay không).Hay chuyện tinh tế hơn như cách ăn mặc của Ngoại trưởng Truss ở Matxcơva, khiến nhà báo người Ireland Bryan McDonald nhắc nhở trên Twitter của mình: “Bà Truss mặc thế này vào hôm nay ở Matxcơva, nơi nhiệt độ hiện là +2oC, ấm hơn cả London tối nay. Loại trang phục này người địa phương chỉ mặc khi nhiệt độ khoảng –14oC. Dân bản địa đang cười bà ta”. Hoặc việc Nga chọn thực đơn chiêu đãi tổng thống Pháp, để tránh gây khó khăn cho ông Macron, đã không dùng rượu vang Crimea, mà chọn vang vùng Krasnodar. Tất cả những tinh tế trong lễ tân, ngoại giao này trên nền những diễn biến đã nêu, dường như đã là… xa xỉ.Nhưng rõ ràng những “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” này không đơn giản xuất phát từ “chủ nghĩa lấy NATO làm trung tâm”, như ông Lavrov ta thán sau cuộc gặp với người đồng cấp Truss: “Người Anh lo ngại về việc triển khai quân Nga gần biên giới Ukraine, nhưng hoàn toàn không lo lắng về việc triển khai ở các nước Baltic hàng trăm và hàng ngàn quân Anh”.Nó còn có nguồn gốc sâu xa hơn, từ lịch sử và văn hóa. Có thể cho rằng quan điểm của ông Putin về cội rễ chung của các dân tộc Nga, Ukraine và Belarus là tuyên truyền, nhưng không thể không lưu ý đến luận giải của A. Solzhenitsyn, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng thời Liên Xô, Nobel văn chương 1970.Trong một dẫn luận mang tên "Tái thiết nước Nga" về người Ukraine và Belarus, ra đời một năm trước khi Liên Xô sụp đổ, ông đã viết: “… dân tộc chúng tôi [Nga, Belarus, Ukraine] bị chia thành ba nhánh chỉ vì nỗi bất hạnh khủng khiếp của cuộc xâm lược của Mông Cổ và sự đô hộ của Ba Lan. Tất cả mọi điều ấy chỉ là sự giả dối được phát minh gần đây, rằng cứ như từ thế kỷ thứ 9 đã có một dân tộc Ukraine đặc biệt với một ngôn ngữ đặc biệt không phải tiếng Nga. Tất cả chúng tôi đều khởi nguồn từ Kiev ngọc ngà, “từ nơi đất Nga bắt đầu tồn tại”, theo biên niên sử của Nestor, nơi mà Cơ Đốc giáo đã khai sáng chúng tôi. Nơi mà chính các hoàng tử cùng cai trị chúng tôi: Yaroslav Mudryi đã chia cho các con trai trị vì Kiev, Novgorod và toàn bộ vùng từ Chernigov đến Ryazan, Murom và Belozero; Vladimir Monomakh vừa là vương công của Kiev vừa là vương công của Rostov-Suzdal; và sự hiệp nhất giống nhau trong mục vụ của các đại giáo chủ…”.Thời điểm nước sôi lửa bỏng hiện nay - khi “cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể nổ ra bất cứ lúc nào” như một số chính khách phương Tây khẳng định - hẳn không phải lúc để nói về văn hóa và lịch sử. Nhưng chính sự nguy cấp của tình huống cho thấy đã đến lúc “những cái đầu nóng” cần lùi lại xa hơn để nhìn vào toàn cảnh, vào cội rễ, trước khi nổ súng! Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Xung đột nga - ukraine: những gì bạn cần biết Tiếp theo Tags: UkraineNgaNgoại giaoCrimeaCăng thẳng Nga-UkraineSolzhenitsyn
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Hai ngày tới, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang đều mưa lớn LÊ PHAN 15/09/2024 Trong hai ngày tới Nam Bộ mưa to nhiều nơi, đây là đợt mưa diện rộng dài ngày.
Mua ròng ở Indonesia, Malaysia, sao khối ngoại vẫn bán ròng chứng khoán ở Việt Nam? BÌNH KHÁNH 15/09/2024 Tỉ giá đã giảm hơn kỳ vọng do đồng USD suy yếu, lộ trình nâng hạng tích cực, Fed sắp hạ lãi suất... Dù vậy, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành đang sửa cầu, tiếp tục ùn ứ ngày cuối tuần MINH HÒA 15/09/2024 Chiều cuối tuần, lượng xe từ các nơi bắt đầu dồn về cao tốc TP.HCM - Long Thành, cộng một làn đường trên cầu Long Thành được rào chắn để sửa khe co giãn nên xảy ra ùn ứ kéo dài.
Streamer IshowSpeed bị 'chặt chém', TP.HCM cần thiết lập dịch vụ du lịch quy củ hơn NHƯ BÌNH 15/09/2024 Một streamer quốc tế bị 'chặt chém' trước hàng trăm ống kính máy quay, ngay tại trung tâm TP.HCM làm xấu đi hình ảnh du lịch, điểm đến Viết Nam. Cần siết thêm quy định niêm yết giá, thiết lập lại các dịch vụ du lịch một cách quy củ.