TTCT - Một thị trấn ở Mỹ đang trong cuộc chiến pháp lý để ngăn chặn kế hoạch đóng cửa một nhà tù - thứ duy trì nền kinh tế địa phương hơn nửa thế kỷ qua. Lối vào thị trấn Susanville. Ảnh: Kevin Lund/FlickrThị trấn Susanville nằm ở rìa của một thung lũng được bao bọc bởi rặng núi Sierra Nevada, phía đông bắc bang California. Nơi đây tọa lạc hai nhà tù tiểu bang với khoảng 7.000 người cả tù nhân lẫn quản giáo - xấp xỉ dân số bên ngoài.Hai cơ sở này cung cấp việc làm trực tiếp cho khoảng phân nửa người trưởng thành của thị trấn. Chính vì vậy mà khi thông tin một trong hai nhà tù sẽ phải đóng cửa được công bố vào mùa xuân năm ngoái, phản ứng chung của người dân là ngơ ngác, hoang mang và bất bình. “Chúng tôi đã đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào ngôi nhà này và mảnh đất này. Chúng tôi đã góp phần tạo dựng nên thị trấn” - báo The New York Times dẫn lời cô Jessica Mauldin (39 tuổi), vợ một quản giáo làm việc tại Trung tâm cải huấn California (CCC) sắp đóng cửa. Gia đình cô Mauldin đã treo biển bán nhà với dự định chuyển đi nơi khác sinh sống sau khi nghe tin sét đánh.Khi CCC đi vào hoạt động từ những năm 1960, các xưởng mộc và trang trại gia súc từng là kế sinh nhai chính của người dân nơi đây dần biến mất và được thay thế bằng các công việc gắn liền với nhà tù. Giờ đây hầu hết mọi khía cạnh của nền kinh tế và đời sống người dân Susanville, từ bất động sản đến trường học, đều xoay quanh và phụ thuộc vào “hệ sinh thái” mà nhà tù mang lại. Dân số trong tù ảnh hưởng đến kết quả bầu cử cũng như số tiền ngân sách mà thị trấn nhận được từ chính quyền liên bang và tiểu bang.Trang trại Morning Glory Dairy của anh Josh McKernan (32 tuổi) là một trong những hộ kinh doanh sống dựa hoàn toàn vào nhà tù, cung cấp sữa, trứng gia cầm và nước đá để phục vụ suất ăn cho các phạm nhân. “Tôi chỉ đang cố gắng kiếm tiền nuôi các con của mình như bao người khác. Nếu không làm trang trại, có lẽ tôi cũng sẽ kiếm một công việc trong tù. Ở đây không có nhiều lựa chọn” - anh McKernan nói đơn giản.Câu chuyện của thị trấn Susanville chỉ là một điển hình của vô số cộng đồng nông thôn khác ở Mỹ đã từng dang rộng vòng tay chào đón các dự án xây dựng nhà tù vào nửa sau của thế kỷ trước như một sự thay thế các ngành công nghiệp địa phương đang chết dần chết mòn. Đó là thời điểm nước Mỹ trải qua cái mà báo chí gọi là “thời kỳ bùng nổ xây dựng nhà tù”. Trong buổi ra mắt CCC vào tháng 7-1963, thống đốc California khi đó là ông Edmund Brown đã gọi cơ sở này là “khái niệm mới nhất của quốc gia về cải huấn”, nơi phạm nhân được cảm hóa thông qua lao động và kết nối với thiên nhiên: giữa núi rừng hoang sơ, họ học cách dập đám cháy rừng, thuần dưỡng ngựa hoang và phát quang cây cối. Giai đoạn phát triển nóng của thị trấn Susanville diễn ra ngay sau đó: nhà cửa mọc lên để làm chỗ ở cho lực lượng lao động mới, số lượng trường học và giáo viên tăng lên, các cửa hàng được mở rộng và hầu hết mọi mặt của nền kinh tế đều bắt đầu phát triển.Tuy nhiên, cùng với sự trỗi dậy của phong trào đòi cải cách hệ thống tư pháp bị cáo buộc phân biệt chủng tộc đối với người da màu, những năm vừa qua California và nhiều bang khác của Mỹ đang hướng đến kéo giảm số lượng tù nhân và đóng dần các nhà tù. Đứng trước nguy cơ bị đe dọa lợi ích, Susanville đang chống trả gắng gượng, cố gắng ngăn chặn việc đóng cửa CCC thông qua các biện pháp pháp lý thay vì tìm kiếm các ngành công nghiệp thay thế.Năm 2021, thị trấn đã đệ đơn kiện bang California với lập luận chính quyền tiểu bang đã vi phạm các quy định môi trường (?!) khi đưa ra quyết định đóng cửa nhà tù mà không thông báo trước cho quan chức địa phương. Một thẩm phán địa phương đã ban hành lệnh tạm dừng kế hoạch đóng cửa nhà tù trong khi vụ kiện tiếp tục được thụ lý. “(Việc đóng cửa nhà tù) sẽ ảnh hưởng đến toàn thị trấn. Tôi không muốn tưởng tượng viễn cảnh đó sẽ như thế nào” - bà Mendy Schuster, thị trưởng Susanville đồng thời là vợ một quản giáo, nói với The New York Times.Còn với nhà Mauldin, họ đã gỡ biển bán nhà sau một thời gian không nhận được đề nghị hỏi mua với mức giá như mong đợi - một khó khăn chung của những gia đình đồng cảnh ngộ. Chồng bà Mauldin đang cân nhắc tìm công việc mới trong một nhà tù ở phía đông California, như vậy gia đình có thể tìm một căn nhà ở bang Arizona lân cận với mức sống rẻ hơn. Nhưng hiện tại, mọi hy vọng của họ được đặt vào nỗ lực pháp lý để cứu CCC khỏi đóng cửa. “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra và chúng tôi không biết nước đi tiếp theo của mình là gì. Nhưng (tương lai) chắc chắn sẽ rất khác” - bà Mauldin cảm thán.■ Tags: MỹKinh tếHệ sinh tháiNhà tùCalifornia
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.