Khi quý ông phân bì

TRẦN VĂN NGHĨA 13/07/2012 01:07 GMT+7

TTCT - “Giải thưởng ở các Grand Slam dành cho nữ không xứng đáng tương đương với giải thưởng của nam”.

Phát biểu của tay vợt người Pháp đứng thứ 13 thế giới Gilles Simon, người mới được bầu vào Hội đồng các tay vợt ATP, đã châm ngòi nổ cho cuộc tranh luận về tiền thưởng ở Wimbledon đang diễn ra.

Phóng to
Xem Sharapova thi đấu chắc chắn “hot” hơn Simon - Ảnh: Reuters

Simon nêu nhiều lý do khá xác đáng, chẳng hạn cánh mày râu đã cống hiến nhiều trận đấu ngoạn mục, kịch tính hơn nên họ phải được tưởng thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Để bảo vệ quan điểm của mình, Simon nói chắc như đinh đóng cột là 128 tay vợt nam tranh tài ở Wimbledon đều có suy nghĩ giống anh, nếu ai đó không tin cứ hỏi họ thì sẽ rõ.

Anh lý giải: “Cách nhìn của tôi chủ yếu thiên về lĩnh vực kinh doanh giải trí, tôi cảm thấy các trận đấu giữa những tay vợt nam lúc nào cũng tạo nên nhiều điều thú vị cho khán giả hơn các trận đấu của nữ, giá vé trận chung kết đơn nam lên đến 185 USD, trong khi trận chung kết đơn nữ chỉ có 160 USD. Trong bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng vậy, bạn phải được trả công tương xứng với mọi thứ. Tôi khẳng định cách nhìn của tôi trong kinh doanh giải trí chứ không phải vì các tay vợt nam phải thi đấu trong năm ván, còn giải nữ chỉ có ba ván”.

Qúy bà lên tiếng

Hai ngôi sao quần vợt nữ là Maria Sharapova và Serena Williams đã phản bác lập luận trên. Sharapova, tay vợt vừa mất vị trí số 1 thế giới sau khi bị loại ở vòng bốn, đã “đập” lại ngay: “Hãy nhìn xem cánh phụ nữ của chúng tôi đã chiến đấu dài lâu như thế nào trong việc đòi hỏi công bằng tiền thưởng. Đó là một thử thách lớn và không có ai thật sự ủng hộ chúng tôi. Tất cả cánh phụ nữ chúng tôi rất hãnh diện vì tiền thưởng đã “bình đẳng”, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển quần vợt nữ ngày càng lớn mạnh hơn nữa”.

Tay vợt lừng danh Serena Williams cũng phụ họa: “Chắc chắn là khán giả xem Maria thi đấu nhiều hơn xem Simon vì cô ấy “hot” hơn. Tôi thấy quần vợt nữ thật sự tuyệt vời… Cuộc chiến đòi hỏi “sự bình đẳng” là một cuộc chiến vĩ đại”.

Ai ủng hộ Simon?

Thật ra, những ngôi sao ủng hộ Simon cũng rất dè dặt. Andy Roddick cho rằng quần vợt là một lĩnh vực kinh doanh, không nên để cuộc tranh luận này trở thành một cuộc chiến giới tính. “Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để nhận ra khán giả đến xem ai thi đấu nhiều nhất là kiểm tra mức độ rating trên truyền hình, giống như những ngành kinh doanh khác, khi nhìn vào các con số bạn sẽ quyết định nơi bạn sẽ đến” - anh nói.

Tay vợt số 1 Vương quốc Anh Andy Murray có vẻ đồng tình với Simon hơn khi cho rằng phái nữ có thể vừa thi đấu giải đơn và giải đôi ở các Grand Slam cùng lúc dễ hơn nam bởi vì họ chỉ thi đấu tối đa ba ván, trong khi các ông phải chiến đấu cật lực trong năm ván dài hơn 3-4 giờ. Đó là sự khác biệt của một giải đấu trong khi tiền thưởng ngang bằng nhau. Ôn hòa nhất có lẽ là Roger Federer khi anh kết luận hết sức ngắn gọn: “Đây chỉ là chuyện ai tin vào cái gì và sau đó nên kết thúc cuộc tranh luận”.

Vâng, tiền bạc luôn là một tranh luận không bao giờ chấm dứt đối với các vận động viên chuyên nghiệp. Ngay cả ban tổ chức các giải Grand Slam cũng không thống nhất với nhau về tiền thưởng của nam và nữ đến nỗi Wimbledon là giải Grand Slam cuối cùng quyết định nâng mức tiền thưởng nam, nữ ngang bằng nhau từ năm 2007, sau Mỹ mở rộng, Roland Garros và Úc mở rộng. Nhưng cuộc bút chiến xung quanh phát biểu của Simon hẳn sẽ chưa kết thúc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận