Nếu bạn cho hai bộ óc sáng tạo hạng nhất của hai nền giải trí lớn nhất thế giới gặp nhau, họ sẽ nói chuyện gì? Giữa Akira Toriyama và Steven Spielberg có điểm gì chung? Có thể họ sẽ nói về thiết bị số đeo trên người (wearable). Những bộ óc ấy đã nói về chúng trong tác phẩm của mình từ nhiều năm về trước... Từ viễn tưởng đến tương lai Tom Cruise đứng trước màn hình lớn. Anh đeo trên tay một “con trỏ” trong hình dáng một chiếc găng và bắt đầu điều khiển màn hình. Thông tin, hình ảnh chuyển động theo những cái khoát tay đầy dứt khoát của Cruise trong không trung. Anh không phải chạm vào bất kỳ đâu để điều khiển. Cực kỳ gợi cảm. Đó là hình ảnh không một tín đồ điện ảnh nào quên: một cảnh trong Minority report (Bản báo cáo ngắn gọn) của Steven Spielberg. Và đến hôm nay thì nó không còn là chuyện viễn tưởng: năm 2015 này, bạn đã có thể làm như Tom Cruise. Với “Ring” - một chiếc nhẫn điện tử đeo ở ngón trỏ, bạn có thể điều khiển thiết bị số trong nhà mà không cần chạm vào thứ gì. Chỉ cần đưa tay lên, vẽ một hình dạng trong không trung. Một hình tam giác nằm ngang? Đó là biểu tượng của nút “Play” và âm nhạc sẽ được bật lên. Bạn lại vẽ tiếp một hình vuông - nút “Stop” - và nhạc tắt. Hoặc bất kỳ một hình dạng nào bạn đã quy ước trước với máy. Đó là thiết bị số wearable. Rất khó để Việt hóa từ “wearable” này: nghĩa đen của nó là “có thể phục sức”, tức là mang trên người dưới dạng một loại trang phục. Dòng sản phẩm này rất khác so với những thiết bị số truyền thống. Với thiết bị số kiểu cũ, cho dù có nhỏ đến đâu, bạn sẽ vẫn phải cầm, nắm, thao tác chúng như những đối tượng riêng biệt. Các thiết bị đeo trên người này gắn chặt với cơ thể bạn và hoạt động cùng với các động tác cơ thể. Chúng có thể là kính, mũ, vòng đeo tay, khuy áo... hoặc đơn giản nhất là tai nghe không dây. Đó là điều mà nhân loại đã nghĩ đến từ lâu. Không chỉ có Steven Spielberg mà rất nhiều nhà sáng tạo đã mơ về một dòng sản phẩm như thế. Khi kính thông minh Google Glass ra đời, rất nhanh, người ta liên hệ nó với những chiếc kính trong Bảy viên ngọc rồng. Trong tác phẩm huyền thoại của mình, từ cuối thập niên 1980, Akira Toriyama đã mô tả về những chiếc kính của người Sayan, cung cấp trực tiếp lên mắt về vị trí hoặc thông tin của đối tượng - tức là giống hệt cách mà Google Glass hoạt động. Thậm chí tháng 4-2014, Samsung đã đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp một chiếc kính mang tên “Earphone”, giống hệt kính của người Sayan. Với dòng sản phẩm đồng hồ thông minh, thứ mà các đại gia công nghệ từ Apple, Samsung cho đến LG đang “đầu tư trọng điểm”, người ta cũng dễ dàng liên hệ chúng đến những thiết bị đeo tay của dòng phim 5 anh em siêu nhân (Power Rangers). Trong rất nhiều tác phẩm giả tưởng, bạn sẽ gặp một chiếc đồng hồ thông minh, nơi người ta có thể thực hiện các cuộc gọi, truy cập thông tin và chụp ảnh bằng đồng hồ... Việc các thiết bị số đeo người được nghĩ đến từ nhiều thập kỷ trước chỉ chứng minh rằng chúng là một nhu cầu cơ bản. Rốt cục thì thứ duy nhất không bao giờ rời khỏi bạn chính là... cơ thể bạn. Và nếu thiết bị có thể dính vào người, sự tiện dụng được tăng lên tối đa. Nếu như trong các tác phẩm viễn tưởng kể trên, siêu nhân hay người Sayan cần phải có thiết bị “wearable” bởi vì họ là các chiến binh - không thể gặp đối thủ rồi mới lôi thiết bị cầm tay ra kiểm tra thông tin - thì con người trong xã hội hiện đại cũng không khác những chiến binh. Thiết bị đeo trên người đang được xem là công nghệ của tương lai, nơi mà nhịp sống ngày càng hối hả hơn. Một báo cáo của hãng điều tra thị trường Salesforce (Mỹ) khẳng định dòng thiết bị này có thể nâng hiệu suất làm việc lên đến 8,4% và nâng mức độ hài lòng của nhân công lên 4,3%. Hãy thử ví dụ về một người làm việc trong đại siêu thị. Anh ta sẽ phải di chuyển giữa các quầy hàng rộng hàng hecta bằng xe điện, và ở mỗi nơi cần kiểm tra thông tin sẽ phải xuống xe, móc điện thoại trong túi quần ra và... chụp ảnh mã vạch? Anh ta chỉ cần một chiếc kính thông minh và nhìn vào những gì cần kiểm tra. Nếu bạn cho rằng hình ảnh người nhân viên siêu thị chưa đủ thuyết phục, hãy nghĩ đến một công nhân xây dựng đang treo mình trên một kết cấu cao khoảng 50m và cần kiểm tra thông tin để tưởng tượng động tác móc thiết bị trong túi quần ra bất tiện như thế nào so với một cái kính hoặc đồng hồ đeo tay. Ngoài công việc, ngay cả trong việc sinh hoạt của các “chiến binh” thời kỳ hậu hiện đại cũng cần số hóa: đơn cử, những kẻ “cổ cồn trắng” cần một kế hoạch chính xác để... tập thể dục. Họ thiếu sự vận động nhưng cũng thiếu cả thời gian. Và cả một dòng sản phẩm “đeo người” ra đời để phục vụ nhu cầu ấy, khi chúng có thể gắn lên bất kỳ đâu trên cơ thể và theo dõi nhịp tim, huyết áp, đo quãng đường chạy và lượng calorie được đốt cháy. Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của dòng này là Misfit - sản phẩm của cặp vợ chồng người Việt Sonny Vu và Christy Trang Le. Nó được thiết kế như một đồng xu, có thể đeo như khuy áo hoặc đeo lên tay thành một món trang sức. Forbes.com Cách mạng trong cái chớp mắt Người ta thường dùng cụm từ “trong tầm tay” để nói về những thứ khả thi. Nhưng với thiết bị số wearable, vươn tay ra vẫn là... quá mất công. Cụm từ ấy chỉ còn thích hợp với các thiết bị cầm tay. Khi mà người ta không cần động tay để sử dụng thiết bị thì phải dùng hình ảnh cái chớp mắt để nói về tính chất của cuộc cách mạng công nghệ này. Những người Sayan của Akira Toriyama sẽ không thể tưởng tượng được rằng người Trái đất đang làm gì với một chiếc kính đeo mắt. Với kính thông minh Google Glass, các bác sĩ giờ có thể thu hình trực tiếp ca phẫu thuật mình đang thực hiện, truyền tải nó đến cho các đồng sự ở bất kỳ đâu trên thế giới và tham vấn họ. Về mặt giải pháp, các thiết bị để bàn cũng có thể làm được điều này nhưng sẽ phiền hà hơn rất nhiều, và các đoạn băng không thể có được “góc nhìn thứ nhất” - từ chính vị bác sĩ đang cầm dao mổ. Hãng Epson thậm chí đã tạo ra một chiếc kính có khả năng xác định được ven của bệnh nhân. Tạm biệt những vết bầm khi tiêm nhầm ven trên cánh tay bệnh nhân - điều có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới khi các y tá căng thẳng. Nếu bạn nghĩ rằng công nghệ nhìn xuyên tường là chuyện trong phim 007 thì đã nhầm: chiếc kính thông minh của Epson giờ có thể cho các kỹ sư xây dựng nhìn xuyên qua tường để thấy hệ thống đường ống kỹ thuật bên trong. Công nghệ “thực tế ảo” cho phép tái hiện các bản vẽ kỹ thuật ở đúng vị trí mà người quan sát đang hướng mắt tới. Trong khi nhiều cuộc cách mạng nhận được sự hoài nghi và mất thời gian khẳng định giá trị (thậm chí cả điện thoại thông minh) thì các thiết bị wearable bùng nổ với tốc độ đáng kinh ngạc. Không ai nghi ngờ giá trị của chúng. Năm 2014, iWatch - chiếc đồng hồ thông minh của Apple - được bầu chọn là sản phẩm công nghệ của năm bởi nhiều bảng xếp hạng, trong đó có tạp chí TIME danh tiếng, cho dù chưa hề được kiểm chứng bởi thị trường. Khảo sát của Salesforce cho thấy 1/3 số thanh niên Anh và Mỹ tin rằng sự nghiệp của họ có thể được cải thiện nhờ vào các thiết bị đeo trên người. Các ứng dụng của thiết bị đeo trên người cho đến giờ vẫn đang được những nhà sáng chế liên tục tìm tòi và phát triển, ngay cả những giải pháp nghe có vẻ “điên khùng” nhất. Các nhà sáng chế Nhật Bản mới đây tạo ra một thiết bị đeo ở ngón tay cho phép người ta chụp ảnh theo kiểu “giả vờ”, tức là giơ hai ngón trỏ và hai ngón cái lên xếp thành hình chữ nhật để vờ chụp ảnh như kiểu trẻ thơ, nhưng máy sẽ chụp đúng khung hình đó. Thị trường thiết bị cầm tay sau khi bị “đồng hóa” bởi Apple và Samsung thành một kiểu dáng với màn hình lớn và dẹt đã không còn là mảnh đất sáng tạo màu mỡ nữa. Bởi vì đây là “thiết bị phục sức”, nghĩa là nó vừa là thiết bị vừa lai với thời trang, nên sân chơi này không chỉ dành cho các đại gia công nghệ mà còn là địa hạt của các ông lớn thời trang. Bởi vì nói như Sonny Vu, nhà sáng lập hãng Misfit, “nếu bạn muốn người ta đeo cảm biến trên mình thì hoặc nó phải vô hình hoặc phải rất đẹp”. Hãng đồng hồ danh tiếng TAG Hauer mới đây khẳng định họ đang có kế hoạch cho ra chiếc đồng hồ thông minh của riêng mình. Google thì hợp tác với các nhà sản xuất kính mắt hàng đầu như Luxottica, Ray-Ban và Oakley. Hai đại gia ngành trang phục thể thao Nike và Adidas cũng không thể bỏ qua việc cho ra một thiết bị theo dõi thể chất đeo tay. Những thiết bị như thế thậm chí đã lên sân khấu của Tuần lễ thời trang New York. Nhà thiết kế Rebecca Minkoff cho các tín đồ thời trang cơ hội đeo một chiếc vòng trang sức vàng hào nhoáng có khả năng nhận cuộc gọi. Ralph Lauren tạo ra những chiếc áo phông có khả năng theo dõi nhịp tim. Và nếu bạn nhìn thấy một chiếc đồng hồ Withings Activité với dây da và vỏ kim loại, bạn sẽ không thể phân định được đồng hồ thông minh với đồng hồ Thụy Sĩ, vì thật ra Withings chính là một hãng đồng hồ Thụy Sĩ. Chưa bao giờ khoảng cách giữa công nghệ ứng dụng, thời trang và cuộc sống bị xóa nhòa ở mức độ hiện tại. Và người ta không thể tưởng tượng được những kịch bản nào sẽ diễn ra trong tương lai, chỉ biết nó gói trong một từ: wearable. ------------------------------ Nguồn: www.androidauthority.com www.slashgear.com www.newscientist.com Tags: Wearable
Cận cảnh nơi Hà Nội tính xây nhà hát 10.000 tỉ đồng ngay sát hồ Tây PHẠM TUẤN 29/11/2024 Hà Nội dự kiến xây nhà hát theo dạng nổi nằm trên mặt nước giữa Đầm Trị, ngay sát hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) cao hơn 38m.
Vụ 310 người ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Bệnh viện xác nhận 1 người đã tử vong ĐÔNG HÀ 29/11/2024 Một bệnh nhân dính ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu đã tử vong. Hiện sự vụ đang được báo cáo lên ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Người dân đi bộ vào các ga metro số 1 sao cho an toàn? CHÂU TUẤN 29/11/2024 Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online thắc mắc việc đi bộ vào các nhà ga dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ra sao để đảm bảo an toàn giao thông?
Nổ lớn trên đỉnh núi ở Làng Nủ, đang xác minh nguyên nhân CHÍ TUỆ 29/11/2024 Sáng 29-11, người dân nghe thấy tiếng nổ lớn kèm theo bụi mù mịt trên đỉnh núi Con Voi thuộc Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) - nơi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng hồi tháng 9-2024.