Kho tư liệu lớn nhất về chiến tranh Việt Nam: "Chúng tôi lưu giữ khía cạnh con người của cuộc chiến"

H.MINH (THỰC HIỆN) 30/04/2023 10:15 GMT+7

TTCT - Trung tâm Lưu trữ Việt Nam (VNCA) ở Đại học Texas Tech (TTU), thành phố Lubbock, tiểu bang Texas, hiện là kho tư liệu, bộ sưu tập hiện vật, và dữ liệu truyền thông đa phương tiện về chiến tranh Việt Nam vào loại lớn nhất thế giới.

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với Giám đốc VNCA, tiến sĩ Steve Maxner, về những nỗ lực không mệt mỏi ở đây suốt bao năm qua để gìn giữ một phần lịch sử quan trọng của cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.

Trước hết, xin ông mô tả sơ qua về VNCA. Trung tâm khởi đầu ra sao và đã hoạt động được bao lâu? Ông có thể nêu vài con số để cho thấy quy mô của trung tâm?

VNCA được tiến sĩ Jim Reckner thành lập năm 1989. Tiến sĩ Reckner là giáo sư lịch sử ở TTU và là cựu binh hải quân từng tham gia chiến tranh Việt Nam. 

Từ đó tới nay, trong 34 năm, chúng tôi đã thu thập được hơn 30 triệu trang tài liệu và khoảng 40.000 cuốn sách đã xuất bản về chiến tranh và lịch sử Việt Nam cũng như Đông Nam Á.

Ông có thể nói qua về sự nghiệp của ông ở VNCA? Có lý do cá nhân nào khiến ông lựa chọn sự nghiệp hiện giờ?

Tôi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở TTU năm 1995, chuyên về lịch sử quân sự và lịch sử chiến tranh Việt Nam, do tiến sĩ Reckner hướng dẫn. Mỗi mùa hè, tôi làm trợ lý nghiên cứu ở kho lưu trữ, giúp phân loại tài liệu và tìm nguồn tài trợ. 

Cũng vào thời học tiến sĩ, tôi đã sang Việt Nam để nghiên cứu, có dịp thăm đất nước tươi đẹp của các bạn trong vài tuần lễ mùa hè năm 1998. Đó là trải nghiệm vĩnh viễn thay đổi nhìn nhận của tôi về cuộc chiến, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Một năm sau, VNCA thành lập dự án Lịch sử truyền miệng, tôi nộp đơn xin việc ở đó và được nhận vào mùa thu năm 1999. Sau đó sự nghiệp của tôi cơ bản là làm trợ lý giám đốc, rồi chuyên gia lưu trữ, phó giám đốc, và giám đốc VNCA từ năm 2007.

Đam mê với lịch sử chiến tranh Việt Nam của tôi xuất phát từ trước đó. Sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi phục vụ trong lục quân Hoa Kỳ, đóng ở Fort Bragg, North Carolina, trong hơn ba năm. Thời gian đó, tôi được huấn luyện và làm việc với nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. 

Họ chủ yếu thuộc các lực lượng đặc biệt và có nhiều kinh nghiệm cá nhân với Việt Nam. Tôi thấy hứng thú với những gì họ đã trải qua - không chỉ là cuộc chiến, mà cả mối quan hệ của họ với quân nhân lẫn giới dân sự Việt Nam.

Trải nghiệm thứ hai tạo ra đam mê nơi tôi là lớp cử nhân lịch sử quân sự ở Đại học North Carolina, Wilmington. Giáo sư giảng dạy là cựu binh Việt Nam, kiến thức của ông cả trong vai trò học giả lẫn cựu binh và nhiều cuộc thảo luận với ông khiến tôi thay đổi ngành học từ lịch sử quân sự Mỹ sang lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Sứ mệnh của VNCA là gì? Trung tâm phổ biến ra sao với giới nghiên cứu Việt Nam và người Mỹ bình thường?

Tiến sĩ Jim Reckner lập nên VNCA vì hai lý do chính.

Một, ông muốn mở các lớp dạy về chiến tranh Việt Nam, nhưng thư viện TTU thiếu tài liệu, nhất là để giảng dạy trình độ sau đại học. Ông đã nghĩ tới việc sưu tập tài liệu lịch sử từ các cựu binh trong cộng đồng địa phương để có nguồn tư liệu gốc cho sinh viên học tập. 

Ông cũng muốn huy động tiền để mua thêm các nguồn tư liệu thứ cấp - sách vở, các ấn phẩm, và tư liệu của chính quyền dưới dạng microfilm.

Tiến sĩ Steve Maxner. Ảnh: NPR

Tiến sĩ Steve Maxner. Ảnh: NPR

Lý do thứ hai xuất phát từ những suy nghĩ sau khi ông ghé thăm Đài tưởng niệm cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam tại Washington, D.C. 

Khi đọc những cái tên khắc trên đó, ông nhận ra tầm quan trọng của việc lưu giữ ký ức với những cựu binh còn sống và gia đình những người đã ngã xuống. Đồng thời, để trả lời cho rất nhiều câu hỏi về các biến cố của thời kỳ 1955 - 1975, ta cần tiếp cận nhiều tư liệu và thông tin lịch sử. Chính vì vậy, Jim đã lập nên VNCA.

Ảnh hưởng của VNCA với nghiên cứu chiến tranh Việt Nam là rất sâu rộng, chủ yếu sau khi chúng tôi lập ra kho lưu trữ ảo về Việt Nam năm 2001. 

Tới nay chúng tôi đã số hóa được hơn 10 triệu trang tài liệu, bao gồm tư liệu của cá nhân, quân đội, và chính quyền, hình ảnh, các đoạn phim và băng ghi âm, bản đồ và nhiều loại tài liệu khác. Mỗi năm kho lưu trữ ảo có hàng triệu lượt truy cập từ hơn 100 quốc gia. Nhiều học giả về cuộc chiến và về Việt Nam biết tới kho lưu trữ của chúng tôi.

Bên ngoài giới học thuật, dự án của chúng tôi rất nổi tiếng trong cộng đồng cựu binh Mỹ và cũng được người dân Mỹ bình thường biết tới ngày một nhiều hơn, nhưng chưa nhiều như chúng tôi mong muốn.

Ông có thể nêu một số hiện vật ưa thích nhất của ông ở VNCA, thưa ông?

Điều khiến tôi tự hào bậc nhất là chúng tôi có nhiều hiện vật và tư liệu từ góc nhìn cá nhân của cả người lính và dân thường trong thời chiến. Chúng tôi cũng có tài liệu chính thức của quân đội và chính phủ, nhưng điều chúng tôi muốn tập trung vào là trải nghiệm cá nhân của những người tham chiến.

Giám đốc VNCA Steve Maxner (phải) cho hạ nghị sĩ Mỹ Sam Johson (ngồi) xem một số hiện vật vào tháng 10-2017. Nghị sĩ Johnson có 29 năm phục vụ trong không quân Mỹ và là người đóng góp rất tích cực và thiết thực cho VNCA. Ảnh: ttu.edu

Giám đốc VNCA Steve Maxner (phải) cho hạ nghị sĩ Mỹ Sam Johson (ngồi) xem một số hiện vật vào tháng 10-2017. Nghị sĩ Johnson có 29 năm phục vụ trong không quân Mỹ và là người đóng góp rất tích cực và thiết thực cho VNCA. Ảnh: ttu.edu

Một chuyện nữa cũng đáng tự hào là chúng tôi nỗ lực gìn giữ lịch sử về cuộc chiến từ mọi góc nhìn: của Mỹ và các đồng minh, như Úc, New Zealand, Hàn Quốc và những nước khác. 

Về phía Việt Nam, chúng tôi có tư liệu của cả Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng và Việt Nam Cộng hòa.

Chúng tôi có cả tư liệu và hiện vật liên quan tới Liên Xô và Trung Quốc. Chúng tôi còn có tư liệu và hiện vật từ phong trào phản chiến và chống quân dịch ở Mỹ. 

Sứ mệnh của chúng tôi là lưu trữ càng nhiều càng tốt phần lịch sử quan trọng này cho học sinh sinh viên, giới học giả, cựu chiến binh, các gia đình và công chúng nói chung, cho ngày nay và cả tương lai.

Ông có thể chia sẻ thêm về bộ sưu tập Công báo Việt Nam Cộng hòa ở VNCA?

Chúng tôi tin rằng bộ sưu tập Công báo Việt Nam Cộng hòa đầy đủ của chúng tôi là rất quý giá về mặt lịch sử. Chúng tôi đã có kế hoạch số hóa hết, nhưng tiếc là chưa được. Khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, chủ nhân bộ sưu tập đấy đã cất nó trong một nhà kho. 

Trong khi tình trạng bảo quản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, giấy in thời đấy có hàm lượng a xít cao. Theo thời gian, giấy trở nên rất giòn, để đáp ứng công tác bảo quản hiện giờ, việc số hóa bộ sưu tập đòi hỏi thiết bị đặc biệt, nhân công chuyên biệt, rất nhiều thời gian và tiền bạc. Tiếc là chúng tôi hiện thiếu nguồn ngân quỹ cần thiết.

Chúng tôi may mắn nhận được hỗ trợ từ các tổ chức như Quỹ Niên liễm quốc gia về khoa học xã hội (NEH) cho một số dự án khác, nhưng khó thuyết phục NEH và các cơ quan tương tự ở Mỹ hơn bởi những người có nhu cầu lớn nhất với Công báo Việt Nam Cộng hòa không phải là công chúng Mỹ, mà là giới học giả quốc tế và Việt Nam. 

Tôi hy vọng chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề ngân quỹ này trong tương lai gần, để có thể công bố những tài liệu khó tin này với giới nghiên cứu trên toàn thế giới.

Mỗi năm VNCA đón tiếp bao nhiêu khách thăm? Và ông có ý định mở triển lãm ở Việt Nam không?

VNCA hiện không có nhiều nhà nghiên cứu hay khách thăm trực tiếp, con số khá khiêm tốn vào khoảng 300 người mỗi năm. Nhưng chúng tôi có rất nhiều khách thăm thư khố ảo, lên tới nhiều triệu lượt mỗi năm. 

Tất nhiên, chúng tôi muốn được chào đón thêm nhiều nhà nghiên cứu và cả người Việt Nam bình thường đến với trung tâm, nhưng cũng hiểu những khó khăn về chi phí. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều học sinh sinh viên, nhà nghiên cứu, học giả, cựu chiến binh Việt Nam hơn ghé thăm kho tư liệu trên mạng của chúng tôi.

Còn về chuyện triển lãm ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã tham gia một số hoạt động trước dịch COVID, như cung cấp tư liệu về cựu tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm cho một triển lãm ở hội trường Thống Nhất, TP.HCM. 

Chúng tôi rất mong có cơ hội hợp tác với những bảo tàng, đại học, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác để tổ chức triển lãm ở cả hai nước.

Hỗ trợ tài chính lớn nhất cho chúng tôi là tiểu bang Texas và TTU. Tiểu bang cung cấp nguồn ngân quỹ hoạt động tối quan trọng giúp chúng tôi trả lương nhân viên và tiến hành nhiều dự án. Trường nhà của chúng tôi trong hệ thống TTU là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, TTU. Hiệu trưởng Tosha Dupras đã cung cấp nguồn ngân quỹ hoạt động hào phóng cho chúng tôi. Ngoài ra, văn phòng chủ tịch TTU cũng có hỗ trợ. Chúng tôi còn có tiền từ liên bang qua Viện Bảo tàng và thư viện quốc gia, nơi tài trợ cho thư khố ảo. Tất nhiên cũng phải kể đến NEH và nhiều tổ chức cả quốc gia lẫn địa phương khác.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chọn VNCA tham gia dự án chung để lập cơ sở dữ liệu tìm kiếm di hài người Việt Nam mất tích trong cuộc chiến. Ông có thể nói thêm về dự án này?

Chúng tôi cố gắng tận dụng tư liệu của trung tâm có thông tin tương ứng để tìm kiếm người còn mất tích trong cuộc chiến của tất cả các bên. Có tầm quan trọng đặc biệt với sứ mệnh này là tư liệu ở CDEC (xem khung).

Ngoài thư từ, nhật ký và sổ tay, CDEC còn có nhật ký hành quân của các đơn vị ở Việt Nam, một số có cả địa điểm chôn cất bộ đội Việt Nam. 

Hoàn cảnh của hoạt động chôn cất người chết thời chiến rất khác thường, có khi ngay trên đường hành quân, hay ở những bệnh viện dã chiến, những nghĩa trang tạm, và những nấm mồ đào vội vã ngay sau trận đánh, khi không có phương tiện vận tải nào khác. 

Những người lính thường ghi chép tỉ mỉ các địa điểm như vậy. Thông tin này sau đó được báo cáo lại cho chỉ huy đơn vị và bổ sung vào nhật ký hành quân. 

Chúng tôi đã hỗ trợ chính quyền Việt Nam tìm kiếm địa điểm chôn cất hơn 60 người Việt Nam và đang chuẩn bị thêm nhiều tài liệu hỗ trợ tương tự, nhất là cho các trận đánh lớn như Khe Sanh 1968.

Sẽ cần nhân lực và thời gian rất lớn để rà soát hết 2,7 triệu trang tài liệu hiện trong kho lưu trữ của CDEC. 

Chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là huy động nguồn lực trên mạng - hợp tác với sinh viên các đại học Việt Nam và tình nguyện viên để cùng rà soát tư liệu có thể giúp lần ra thông tin quan trọng về những địa điểm có khả năng có di hài người đã mất.

Một vấn đề quan trọng khác là xây dựng bộ dữ liệu đầy đủ về người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Hợp tác cởi mở và minh bạch là tối quan trọng để những dự án như vậy thành công, và chúng tôi hy vọng có thể tìm được các đối tác ở Việt Nam để công cuộc này trở nên khả thi.

Về phần mình, chúng tôi đã xây dựng một kho dữ liệu công cộng, nơi các gia đình Việt Nam có thể cung cấp thông tin về người thân đã mất trong cuộc chiến còn chưa tìm thấy. 

Bước tiếp theo sẽ là công khai dữ liệu đó để những gia đình và cựu binh có thể hỗ trợ cung cấp thông tin. Còn rất nhiều việc phải làm với sứ mệnh nhân đạo quan trọng này, và chúng tôi vinh hạnh được đóng góp một phần khiêm nhường.

Trong vai trò giám đốc VNCA, ông nghĩ gì về tầm quan trọng của việc gìn giữ lịch sử cho các thế hệ sau, cả ở Việt Nam, Mỹ và những nơi khác?

Cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ là sự kiện gây tranh cãi nhất với nước Mỹ trong cả thế kỷ 20. Nó vẫn là một phần sinh động trong ký ức của chúng tôi, trên truyền thông đại chúng, trong phim ảnh, âm nhạc, và vẫn ảnh hưởng lên chính sách quân sự và ngoại giao của Mỹ. 

Cuộc chiến cũng là biến cố tàn phá ghê gớm nhất trong thế kỷ 20 với người Việt Nam, Lào và Campuchia, hàng triệu sinh mạng đã mất đi vì cuộc chiến.

Nhiều thế hệ ngày nay và trong tương lai có nghĩa vụ phải ghi nhớ những gì đã xảy ra, học hỏi từ đó, và phải biết về những hành động đã làm tổn thất quá nhiều sinh mạng vô tội. 

Tôi hy vọng rằng các thế hệ người Mỹ và Việt Nam hiện giờ và trong tương lai sẽ hiểu tốt hơn quá khứ qua nghiên cứu lịch sử. Tư liệu của nhà nước và quân đội là quan trọng, nhưng thường lạnh lẽo và thiếu khuôn mặt con người. 

VNCA tự hào tham gia vào nỗ lực quốc tế để gìn giữ khía cạnh con người đó, về những ai đã chiến đấu, sống và chết, trong cuộc chiến đấy. 

Hy vọng rằng những bài học chúng ta học được sẽ đủ để ngăn không cho xung đột xảy ra trong tương lai, như triết gia George Santayana từng viết vào năm 1905: "Những kẻ không ghi nhớ quá khứ ắt sẽ lặp lại quá khứ".■

Một góc VNCA. Ảnh: ttu.edu

Một góc VNCA. Ảnh: ttu.edu

Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một báu vật của chúng tôi

Trong số những người đã tặng lại tư liệu và hiện vật cho trung tâm, trước hết tôi muốn nói rằng chúng tôi rất may mắn vì có được nhiều bộ sưu tập độc nhất vô nhị của rất nhiều người thuộc mọi phía trong cuộc chiến.

Những người này có thể không nổi tiếng với công chúng, nhưng những phụng sự, hy sinh và trải nghiệm của họ trong cuộc chiến khiến các hiện vật trở thành kho báu lịch sử cho cả ngày nay và các thế hệ tương lai.

Về phía Mỹ, khi nói tới quy mô và tầm mức của một bộ sưu tập, tôi đặc biệt muốn nói tới bộ sưu tập Douglas Pike - tập hợp hiện vật rất ấn tượng gồm hơn 600 hộp tư liệu của tất cả các bên trong cuộc chiến, bao quát gần như mọi đề tài, từ chiến dịch quân sự và chính sách của chính quyền tới các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa.

Về phía Việt Nam, chúng tôi có trong tay nhiều bộ sưu tập tư liệu quan trọng. Như chúng ta đã nói, chúng tôi có gần như đầy đủ trọn bộ Công báo Việt Nam Cộng hòa, một kho tư liệu hết sức đặc biệt.

Ngoài ra, chúng tôi có bộ sưu tập của Trung tâm Khai thác tài liệu hỗn hợp (CDEC). Đây là bộ sưu tập microfilm chúng tôi mua lại của Thư khố Quốc gia Hoa Kỳ, gồm 2,7 triệu trang tài liệu thu được ở chiến trường từ phía Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng dân tộc, cùng các báo cáo liên quan.

Những tài liệu này do phía Mỹ, Nam Việt Nam và các đơn vị đồng minh bắt được và chuyển về Sài Gòn để xử lý và chụp film bằng hệ thống mã hóa máy tính cũ. Chúng tôi đã số hóa toàn bộ số microfilm này, và hiện có thể xem trên mạng trong thư khố ảo về Việt Nam của chúng tôi.

CDEC hết sức đặc biệt vì gồm nhiều thư từ, nhật ký và ghi chú cá nhân của bộ đội Việt Nam, ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của họ trên đường vào Nam. Các tài liệu còn ghi lại sinh hoạt thường nhật, tình yêu quê hương và cả nỗi nhớ gia đình và bè bạn ở quê nhà, cũng như quyết tâm sắt đá của họ trước vô vàn thử thách.

Với nhiều người, những thư từ, nhật ký và sổ tay này ghi lại những suy nghĩ cuối cùng trước khi đối mặt với cái chết trên chiến trường, và chúng tôi hiện đang hợp tác với các đối tác ở Việt Nam để trả lại những tài liệu này cho các cựu binh còn sống và người thân của những người đã khuất.

Chúng tôi rất hy vọng được mở rộng dự án hơn để mời thêm sinh viên Việt Nam tham gia nhằm giúp chúng tôi phân loại bộ sưu tập rất lớn này, xác định thư từ, nhật ký, ghi chép chúng tôi đang có, xác minh và tìm những người thân còn lại để chúng tôi chuyển cho họ những báu vật này.

Cuối cùng, một bộ sưu tập rất đặc biệt với chúng tôi là nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Gần như mọi người Việt Nam đều biết Đặng Thùy Trâm, và bà đã để lại những dòng nhật ký tuyệt đẹp kể lại nhiều suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân cho tới khi bà qua đời.

Chúng tôi tự hào được hợp tác với gia đình bà để gìn giữ những nhật ký tuyệt vời đấy, chúng tôi coi nhật ký Đặng Thùy Trâm là hiện vật vào loại quý giá nhất trong kho lưu trữ của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận