TTCT - Quy định hiện nay "cào bằng" mức bồi thường, ban hành giá bồi thường chung trong cùng một dự án, một tuyến đường nên người bị thu hồi đất cảm thấy không thỏa đáng. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện. Ảnh: Thanh ĐạmTheo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Trường đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM), việc bảo đảm nguyên tắc tương xứng trong bồi thường cho người bị thu hồi đất đã được khẳng định trong Luật đất đai 2003 và tái khẳng định ở Luật đất đai 2013. Nhưng đến nay, giữa cam kết được cơ quan làm luật đưa ra và kết quả thực thi còn khoảng cách lớn. Các vướng mắc trong bồi thường khi thu hồi đất diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều dự án xây dựng phục vụ lợi ích chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bị chậm trễ. Ở nhiều nơi thậm chí xảy ra xung đột xã hội, gây mất trật tự và gây bất an cho người dân.Theo ông, phải bồi thường như thế nào mới là tương xứng?- Khi lấy đất làm công trình phúc lợi công cộng như sân bay, bến cảng, quảng trường hay dự án kinh tế, kinh doanh nhằm cải thiện bộ mặt đô thị...thì mỗi người bị thu hồi đất là một thực thể chịu thiệt hại, tác động từ việc thu hồi đất này ở tư cách cá nhân. Việc thu hồi không chỉ lấy đi miếng đất mà là cuộc sống của một con người, tác động đến cả gia đình. Do vậy, khi đặt vấn đề bồi thường phải đàm phán với từng con người, từng số phận. Kết quả đàm phán không phải ai cũng giống ai, có thể cùng một diện tích đất, cùng vị trí tương đồng nhưng gia đình này cần 10 đồng mới thấy tương xứng, gia đình khác chỉ cần 7 đồng. Cơ quan thu hồi đất phải làm việc với từng cá nhân đó trước khi cưỡng chế.Việc thu hồi đất là cưỡng chế để lấy đi quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản của người dân và cả những quan hệ không định giá được bằng tiền như tình làng nghĩa xóm, môi trường thân quen... Dự án của Nhà nước, doanh nghiệp đã tác động đến cuộc sống của người khác ngoài mong muốn của dân thì phải làm sao cho mức bồi thường đó có tác dụng để cuộc sống của họ không bị xáo trộn. Có thể ban đầu, những người bị thu hồi đất liên kết lại với nhau, có chung một tiếng nói để tạo thành một thế lực đủ mạnh đối đầu với cơ quan, tổ chức thu hồi đất, nhưng thực tế có thể mỗi người có một yêu cầu, hoàn cảnh khác nhau.Như vậy phải bồi thường trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu của từng người?- Hiện Nhà nước bồi thường theo kiểu áp một giá đất chung cho tất cả mọi người, buộc phải chấp nhận. Trong thực tế, nhu cầu ổn định cuộc sống và gây dựng lại sự nghiệp của ông A khác ông B, của người làm công chức khác người bán tạp hóa...mỗi nhà mỗi cảnh, không ai giống ai. Vì vậy, Nhà nước phải thương lượng giá cả với từng gia đình một, giá bồi thường cho nhà này không phụ thuộc giá bồi thường của gia đình khác. Nếu triển khai dự án vì mục đích kinh tế, thương mại thì dứt khoát quan hệ giữa chủ đầu tư và người di dời là một cuộc mua bán. Việc lấy đất ở đây phải có sự đồng thuận giữa hai bên, giá cả phải thuận mua vừa bán.Thực tế có những dự án cả ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, nếu áp dụng phương thức thương lượng với từng người thì công việc khổng lồ, chi phí bồi thường sẽ rất lớn.- Chi phí để triển khai việc thương lượng, thuyết phục với mỗi hộ dân có thể lớn hơn nhiều so với kiểu bồi thường áp một bảng giá cho tất cả mọi người như hiện nay. Nhưng so với chi phí để giải quyết khiếu nại, tố cáo hậu bồi thường thì không đáng là bao. Nhìn lại các dự án có khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng thời gian qua, chi phí để giải quyết hậu bồi thường không thể đo đếm được như dự án triển khai chậm trễ, bao nhiêu người bỏ công ăn việc làm để đi khiếu nại, nhiều cơ quan, công chức phải mất thời gian giải quyết khiếu nại kéo dài, thậm chí có dự án cả chục năm chưa giải quyết xong. Đó là chưa kể những thiệt hại về an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân...Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, TP.HCM là một trong những dự án ít bị khiếu nại, khiếu kiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng do có điều tra xã hội học kỹ trước khi di dời.Phương pháp trên sẽ phá vỡ mọi khuôn phép, quy tắc về bồi thường giải phóng mặt bằng từ trước đến nay.- Đúng, phải có sự dũng cảm và nhìn nhận sự bế tắc của cơ chế bồi thường hiện nay. Nếu không sửa sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ và sẽ tiếp tục là khiếu kiện tập thể, dai dẳng không biết đến khi nào dừng lại, chi phí tốn kém nhiều hơn.Trong quan hệ với người thu hồi đất - dù là chủ đầu tư là dự án thương mại hay ở dự án công cộng của Nhà nước - người bị thu hồi đất luôn ở thế yếu vì ít hiểu biết, ít thông tin. Vậy làm sao họ thương lượng ngang vai với những người thu hồi đất?- Người thu hồi đất phải cung cấp dịch vụ tư vấn cho người dân, phí dịch vụ do người thu hồi đất chịu. Vì tôi đang ở yên, Nhà nước, doanh nghiệp lấy đất làm xáo trộn cuộc sống của tôi, nên mọi hoạt động liên quan phải chịu chi phí. Vì phải trả tiền dịch vụ nên bên thu hồi phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất mà họ tìm được để tránh phát sinh thêm chi phí.Giá thương lượng, đàm phán để bồi thường cho các hộ dân không giống nhau có tạo nên bất công giữa những người bị thu hồi đất, đặc biệt là những khu đất có vị trí, khả năng sinh lợi tương đồng?- Không nên so đo giữa giá bồi thường của người này với giá bồi thường của người khác. Hai miếng đất liền kề nhưng giá bán có khi cũng khác nhau. Đó là quy luật. Giá của giao dịch phải là kết quả của các nỗ lực thương lượng của các bên. Công bằng đối với một người trước hết là thỏa đáng đối với chính người đó về phương diện thu lợi ích, chứ không phải là bảo đảm sự giống nhau về phân phối lợi ích cùng loại giữa các chủ thể.Thực tế có những dự án chủ đầu tư thương lượng nhiều năm nhưng hai bên vẫn chưa thỏa thuận được do người dân đòi giá cao, vậy đâu là điểm dừng?- Với các dự án Nhà nước lấy đất của dân để làm công trình công cộng là phục vụ lợi ích chung cho xã hội thì không nên so đo vì dân cũng là người được hưởng lợi. Nhưng họ có quyền nói về mất mát của mình. Nhà nước phải công nhận mất mát đó và hai bên cần đàm phán với nhau xem giá đền bù như thế nào là thỏa đáng. Nếu thương lượng không xong thì coi đấy như một vụ trưng mua mà giá cả không được thống nhất và một trong hai bên phải kiện ra tòa án để tòa phán quyết. Trường hợp hai bên đồng ý thì có thể đưa nhau ra trọng tài.Theo ông, làm sao để đảm bảo tính công bằng trong phán quyết của tòa án?- Tòa án được xác định theo lý thuyết là cơ quan nói tiếng nói chính thức, nhân danh công lý. Nếu cơ quan này còn khiếm khuyết thì tiếp tục khắc phục khuyết khuyết, hoàn thiện hệ thống.Thưa ông, có ý kiến cho rằng nên cho phép người bị thu hồi đất góp vốn vào dự án, quy đổi thành cổ phần?- Đó là sự lựa chọn của mỗi người, tùy vào quá trình thương lượng giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất. Một người nông dân quen chân lấm tay bùn thì họ có muốn trở thành cổ đông của một công ty khi họ không biết chút gì về hoạt động kinh doanh, đầu tư... của công ty? Nhưng nếu có thêm cơ chế như vậy người bị thu hồi đất sẽ có thêm sự lựa chọn.■TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:Điều tra xã hội học càng kỹ, khiếu kiện càng ítViệc tìm hiểu rõ về hoàn cảnh, điều kiện sống, nhu cầu, tâm tư nguyện vọng, thậm chí cả việc họ có nợ nần hay không, con cái đi học ở đâu... của từng người bị thu hồi đất để kịp thời hỗ trợ, có biện pháp giúp đỡ.Dự án đại lộ Đông - Tây (TP.HCM) di dời hơn 6.800 hộ. Nhà đầu tư lúc đó tổ chức nhóm điều tra xã hội học, tìm hiểu, điều tra kỹ về điều kiện sống, hoàn cảnh từng hộ dân và lắng nghe dân khi đo vẽ nhà, tính toán bồi thường. Do đó số đơn thư khiếu nại, khiếu kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng ở dự án này không nhiều, số tiền bồi thường sai số (phải chi thêm) không lớn. Tương tự, dự án Tân Hóa - Lò Gốm cũng thành lập nhóm điều tra xã hội học, tư vấn cho họ sinh kế để ổn định cuộc sống, lắng nghe dân để cùng bàn phương án tái định cư phù hợp túi tiền, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh sống của các hộ dân nên hộ khiếu nại, khiếu kiện rất ít.Ngược lại, những dự án càng ít điều tra xã hội học hoặc làm sơ sài thì người dân khiếu nại, khiếu kiện rất đông và kéo dài, tốn thời gian và tiền của để giải quyết. Có dự án ảnh hưởng hơn 15.000 hộ dân nhưng báo cáo điều tra xã hội học chỉ tám trang giấy. Họ tổ chức lấy mẫu và suy rộng rồi tính ra rằng bao nhiêu phần trăm người dân nhận tiền bồi thường, bao nhiêu phần trăm người dân muốn ở chung cư, nhận nền đất... Con số suy ra sau đó thành suy diễn chứ không có độ chính xác.Quy định buộc phải điều tra xã hội học trước khi tổ chức di dời, tổ chức lại đời sống cho người dân nhưng không có quy định cụ thể. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư lơ là, sợ tốn kém nên làm cho có. Tags: Chi phí bồi thườngBồi thường giải phóng mặt bằngThu hồi đấtKênh Tân HóaLuật đất đaiTái định cưĐiều tra xã hội học
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.