TTCT - Thấy tôi giảm cân, nhiều người hỏi thăm bí quyết, nhưng khi nghe kể lý do, câu than thở tôi nhận lại rất nhiều là: “Em còn trẻ, tha hồ chơi thể thao, chứ chị không có thời gian tập!”. Tác giả leo núi ở công viên quốc gia Red Rock, Las Vegas, Mỹ. Ảnh: Tác giả cung cấp Không có thời gian là nguyên cớ chung để người ta trì hoãn thể thao. Những nhu cầu cấp bách hơn của cuộc sống không thể chờ: chăm sóc con cái, làm việc kiếm tiền, lo cho gia đình hai bên, ăn uống cùng bạn bè, người thân... Thể thao nằm cuối danh sách việc cần làm. Chúng bị xếp xó hoặc bỏ qua luôn nếu có việc gì khác chen ngang.Thời gian tôi làm việc ở một tòa nhà tại quận 1, TP.HCM, trong khuôn viên tòa nhà có hẳn một phòng tập thể thao. Nhân viên quảng cáo phòng tập lên từng văn phòng mời: “Các anh chị cứ đăng ký cả gói tập nguyên năm, đi làm xong việc rồi đi bộ hai tầng lầu xuống tập, chẳng cần ra ngoài kẹt xe, thay đồ hay đi xa”.Nghe có lý, nhiều đồng nghiệp bỏ chừng 10-15 triệu đồng cho các gói dài hạn. Nhưng chỉ một tháng sau, cả văn phòng chỉ còn một người đi tập. Tất cả đều rao bán lại gói tập trên mạng cho bạn bè. Văn phòng làm việc muộn, xong việc là các lớp tập đều gần như kết thúc.Có hôm cả công ty đi ăn chung, nên mọi người rủ nhau nghỉ tập. Có buổi chiều sếp bên vùng qua, họp xong gần 10h tối, không ai còn hơi sức tập luyện gì nữa. Vì không có thời gian, phòng tập có cách văn phòng hai tầng lầu thì cũng không ai đi tập.Tôi là một trong số những người kể trên. Tệ hơn, trong 10 năm đi làm, chưa bao giờ tôi lê bước đi chơi một môn thể thao nào.Mọi thứ thay đổi vô cùng đột ngột. Tôi bị rơi vào tình trạng kiệt sức do công việc. Nhân viên trị liệu tâm lý của công ty đề nghị tôi thử chơi thể thao xem có cải thiện gì không. Cùng thời điểm, một người bạn tôi nói chị bắt đầu tập luyện, và hỏi tôi có muốn tập chung không.Chị sống ở Sài Gòn. Tôi làm việc ở Bangkok. “Tập chung” có nghĩa là tôi tự xem các bài tập qua YouTube chị giao, tập tại nhà, và cứ tập xong thì gửi tin nhắn báo cáo.Có người tập chung, có sự động viên mỗi ngày, tôi nhìn thấy sự tiến bộ của cơ thể mình gần như sau từng buổi tập. Tôi luôn thấy buổi sáng đi làm vui hơn.Tôi có thể chạy bộ về nhà sau khi tan sở thay vì đi tàu điện. Sáng thức dậy, tôi không chìm vào mệt mỏi, khổ sở, buồn ngủ nữa. Đó là khi tôi biết: mình sẽ dành thời gian để tập một môn nào đó.“Có thời gian” dành cho thể thao là một não trạng mơ hồ. Nó giúp ta lần lữa, thỏa hiệp và sau đó từ bỏ khi giờ tập gần đến. Nó cho phép ta quay lưng với kỷ luật buổi tập vì lỡ hẹn ăn tối. Nó giúp ta có cớ để nghỉ thêm một ngày vì nghĩ rằng ta đi đón con về muộn. Thời gian không tự có. Thời gian là thứ trong tay - và ta điều khiển thời gian vì nhu cầu cuộc sống của mình.Tôi biết một chị chăm con còn rất bé, và chị có chừng 15-30 phút khi con ngủ hay có người thân dỗ dành giùm, và chị tập để lấy lại dáng sau khi sinh nhờ những “khoảng hở” thời gian đó. Chị thường có sẵn tạ tay, dây kháng lực (các dụng cụ này giá chỉ vài chục ngàn đồng một món) để trong phòng, tập theo video trên YouTube mà bạn chị gửi, nên không hề mất thời gian hay tiền bạc để ra phòng tập hay đi xa.Tôi cũng quen một bạn làm nghề quảng cáo. Thời gian công việc này thường được liệt vào nhóm “độc hại” vì có khi phải làm việc khuya tại văn phòng hay thức cả đêm dựng phim. Tuy nhiên, bạn không dùng những lý do trên để không chơi thể thao.Mỗi sáng bạn dậy từ 6h để tập một tiếng đồng hồ ở phòng tập giá rẻ ngay bên cạnh nhà. Buổi tối, sau khi ở công ty về, tắm rửa và ăn uống xong, bạn tập yoga nửa tiếng ngay trong phòng, rồi làm tiếp các việc dang dở và đi ngủ.Người huấn luyện cùng tôi khi ở Bangkok là một nhân viên văn phòng. Chị thường phải ngồi ở công ty đến 9h tối, hoặc phải đưa con đi học thêm. Nhưng sáng nào chị cũng tập một giờ rưỡi ở phòng tập cách nhà chỉ 5 phút chạy xe. Chị cũng tự nấu ăn để kiểm soát dinh dưỡng và giữ gìn sức khỏe.Tất cả những người tôi vừa kể đều tuân theo quy tắc chung: thể thao là một phần cuộc sống của họ, giống như ăn cơm hay đi ngủ. Dù muốn hay không họ cũng phải dành thời gian cho nó.Họ sắp xếp giờ tập tránh xa giờ làm việc quan trọng, giờ đón con, giờ chơi cùng con, để không tự “lấy cớ” bỏ tập. Nếu bạn xếp giờ tập trước giờ đón con hai tiếng, bạn chẳng có lý do gì để bỏ tập.Nếu bạn biết chắc công ty mình luôn xong việc trễ, bạn không bao giờ xếp giờ tập vào lúc 6h30 tối. Nếu bạn biết mình có thói quen đi bar, đi tiệc ban đêm, bạn hãy xếp giờ tập vào sáng sớm - khi chẳng có cuộc hẹn nào. ■Giờ đây, mỗi khi có ai đó nói: “Em còn trẻ, có thời gian, chứ tụi chị có đâu thời gian mà tập tành!”, thì tôi đều đáp: “Tôi không muốn dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời mình để chữa bệnh, đau lưng, nhức mỏi hoặc không thể tận hưởng cuộc sống”. Tôi luôn có thời gian để khỏe mạnh hơn mỗi ngày. Tags: Chữa bệnhThời gianChơi thể thao
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.