TTCT - Một trong những vấn đề “đình đám” của thế giới ảo 2014 là “quyền được quên”, sau khi Tòa án công lý châu Âu hồi tháng 5 ra phán quyết về quyền của người dùng được yêu cầu trang mạng gỡ bỏ những thông tin nhạy cảm. Không còn nữa những mối riêng tư của con người trước những ứng dụng mới của Google và Facebook? - Biếm họa của ArenVan Dam Thử nhìn lại quyền này được thực thi ra sao?Tập đoàn công nghệ khổng lồ Google đã thông báo những kết quả đầu tiên của họ trong việc chấp hành “quyền được quên” của người dùng Internet theo phán quyết của Tòa án công lý châu Âu.Cụ thể, những người lo ngại về quyền riêng tư của họ trên mạng có quyền yêu cầu Google và các trang mạng tìm kiếm khác dỡ bỏ những địa chỉ liên kết nhạy cảm khi tìm kiếm tên và nhân thân của họ. Nhưng các hãng công nghệ có quyền từ chối đề nghị nếu họ cho rằng các liên kết bị yêu cầu dỡ bỏ có thể phục vụ lợi ích của công chúng dùng Internet.Theo thông báo từ Google, trong số 144.954 yêu cầu họ nhận được liên quan tới 497.695 địa chỉ mạng, chỉ 42% là được dỡ bỏ trong khi 58% đã được giữ lại.“Khi đánh giá một yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét các kết quả đó có bao gồm những thông tin đã lỗi thời hoặc không chính xác về người liên quan hay không - thông báo của Google đăng trong báo cáo về chính sách minh bạch của họ - Chúng tôi cũng cân nhắc liệu các thông tin trong những kết quả tìm kiếm có phục vụ cho lợi ích của công chúng hay không, chẳng hạn như nếu đó là thông tin liên quan tới các vụ lừa đảo tài chính, các hành vi lừa đảo, phạm tội hay hành vi khi người yêu cầu là một quan chức chính phủ”.Những vụ điển hìnhQuy trình của GoogleDavid Price, luật sư đang làm việc cho Google, giải thích với tạp chí The New Yorker về quy trình gỡ bỏ các liên kết. Công việc gồm hai phần. Phần đầu chỉ là kỹ thuật: tạo ra một phần mềm giúp gỡ bỏ những liên kết.“Phần thứ hai mới quan trọng - Price giải thích - Chúng tôi phải tạo ra một cơ chế và các tiêu chuẩn xử lý những yêu cầu... Để đề nghị gỡ bỏ đường dẫn, người đề nghị phải cung cấp tên thật, đường dẫn mà họ muốn biến mất và giải thích tại sao họ muốn xóa đường dẫn đó”. Nếu một yêu cầu được chấp thuận, Google sẽ gửi cho chủ quản các trang web có đường dẫn thông báo rằng họ đã biến mất khỏi các kết quả tìm kiếm của Google.Để thực hiện quy trình đó, Google phải tập hợp hàng chục luật sư và chuyên gia pháp lý để đánh giá các yêu cầu. Price sẽ gặp nhóm của ông hai lần một tuần để thảo luận xem các quyết định của họ có nhất quán với những tiêu chuẩn đề ra hay không. Các thảo luận chính là nhân vật liên quan là người của công chúng hay chỉ là người thường, đường dẫn là từ một trang có uy tín hay không, liệu có phải chính cá nhân đó đã đăng tải thông tin hay không, liệu thông tin đó có phải là quan điểm chính trị hay liên quan tới tội phạm hình sự hay không...“Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm” - Price nói.Google đã đưa ra một số ví dụ rất cụ thể. Chẳng hạn ở Đức, nạn nhân một vụ cưỡng hiếp yêu cầu Google dỡ bỏ liên kết tới một bài báo về tội ác đó. Giờ thì trang nói trên không còn xuất hiện nữa nếu như người dùng chỉ gõ vào tên của nạn nhân.Nhưng ở Thụy Sĩ, một người làm việc trong ngành tài chính yêu cầu Google dỡ bỏ hơn 10 liên kết liên quan tới việc ông này bị bắt giữ và kết án với các tội danh tài chính. Yêu cầu đã không được chấp thuận.Tiến trình và thủ tục dỡ bỏ các đường dẫn trong kết quả tìm kiếm của Google vẫn còn gây nhiều tranh cãi, khi nhiều nhà vận động cho quyền tự do ngôn luận nói phán quyết của tòa đã trao quá nhiều quyền lực cho các trang tìm kiếm.Những công cụ tìm kiếm mạnh như Google ngày nay đã khiến đời tư, không chỉ của những người nổi tiếng mà ngay cả những người bình thường, không còn được bảo đảm.“Không hề có sự giám sát về mặt pháp lý hay thủ tục pháp lý trong phán quyết của tòa án châu Âu - Jodie Ginsberg của tổ chức chuyên về tự do ngôn luận Index on Censorship, viết trên CNN - Tòa án đơn giản để cho Google và các hãng công nghệ tự ý quyết định (độc lập với nhau, một nguyên nhân khác sẽ dẫn tới rối loạn và nhầm lẫn) rằng điều gì là tốt và không tốt cho lợi ích chung”.Những lý do để được quên đi trên Internet là rất khác nhau. Mario Costeja Gonzalez, người Tây Ban Nha, muốn Google xóa một kết quả tìm kiếm cho thấy nhà của ông từng bị rao bán sau khi ông nợ nần đầm đìa, nhưng đó đã là 16 năm trước.Paris Brown, người Anh, sắp có một tương lai tươi sáng trong ngành cảnh sát, muốn xóa những bình luận đăng trên Twitter khi cô 14-16 tuổi có thể bị coi là phân biệt chủng tộc và kỳ thị người đồng tính. Brown sau đó đã phải bỏ ngành, nhưng bác bỏ việc cô có lập trường như thế và nói lúc đó cô chỉ “rơi vào cái bẫy của tâm lý đám đông trên mạng xã hội”.Nhiều người đang đi xin việc cũng muốn Google xóa các đường dẫn có thể dẫn tới quá khứ không hay của họ mà những nhà tuyển dụng mới có thể đọc được. Một nghiên cứu mới đây của Viện Nhân sự và phát triển Anh (CIPD) cho thấy tới 40% các nhà tuyển dụng hiện xem xét các hồ sơ trên mạng xã hội của ứng viên rồi mới ra quyết định tuyển người. Một sinh viên đại học giấu tên ở Anh đang xin việc nói “quyền được quên” là rất cần thiết và phải được áp dụng dễ dàng hơn.“Mọi người thường nói các nhà tuyển dụng sẽ tra trên Google hay Facebook tên của bạn - người này nói với BBC - Họ sẽ tìm thấy những bức ảnh tôi đang ôm một bồn cầu nôn mửa hay tiệc tùng ở các hộp đêm. Những thứ đó lên mạng là ngoài ý muốn của tôi, và tôi không muốn nhà tuyển dụng hay các đối tác nhìn thấy”.Còn có những nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn triển vọng việc làm. Các nạn nhân của nạn bạo hành gia đình sẽ không muốn bị người yêu hay chồng, vợ cũ tìm thấy trên mạng.“Chúng tôi cần các thay đổi để những người sống sót sau các vụ bạo hành gia đình có thể kiểm soát đời sống riêng tư trên mạng của họ tốt hơn” - Polly Neate của quỹ từ thiện chống bạo hành với phụ nữ Women’s Aid nói. Ngày càng nhiều người muốn được quên trên Google - Ảnh: noggin.bi“Quyền được quên” cần được mở rộngĐiều đáng tiếc nữa với “quyền được quên” là chỉ công dân một số nước châu Âu hiện có quyền pháp lý đòi hỏi Google xóa tên họ trên mạng. Ngay cả ở Mỹ điều đó vẫn là chưa thể, dù các tiếng nói đòi một quyền tương tự đang ngày càng lớn.Những người như gia đình Catsouras sẽ rất muốn có quyền đó. Ngày 31-10-2006, con gái 18 tuổi của nhà Catsouras, Nikki, đâm xe hơi vào một trạm thu phí ở hạt Orange, California. Nikki qua đời. Cơ quan quản lý đường cao tốc California (CHP) chụp ảnh hiện trường, nhưng cơ thể Nikki bị tàn phá tới mức nhà chức trách không dám để bố mẹ cô gái nhận mặt người thân.Vậy mà hai tuần sau tai nạn, những bức ảnh về thi thể tan nát của cô lan tràn trên mạng. Hai nhân viên của CHP sau đó thừa nhận họ đã gửi các bức ảnh cho người thân và bạn bè trong dịp lễ Halloween. Ông Christos Catsouras, bố của Nikki, sau đó cấm ba con gái của mình lên mạng vì sợ chúng sẽ nhìn thấy hình ảnh của chị, nhưng đó là tất cả những gì ông có thể làm.Sự khác biệt về quan điểm pháp luật giữa Mỹ và châu Âu là rất quan trọng. Ở Mỹ, quyền tự do ngôn luận theo tu chính án thứ nhất của hiến pháp khiến những vụ như Costeja sẽ khó được thông qua dễ dàng.Việc ông vỡ nợ và phải rao bán nhà là những tin tức chính xác được tờ báo đưa lại công khai, và hiến pháp Mỹ cấm việc cản trở đăng tải những tin tức như thế. Tuy nhiên châu Âu luôn rất nhạy cảm với quyền được riêng tư. Google, với thị phần áp đảo khoảng 90% ở châu Âu, càng là một con quái vật đáng sợ.Nhà chức trách ở châu Âu nói chung không thể áp đặt các quy định của họ với Google tại những thị trường khác bên ngoài châu Âu, nhưng đã nỗ lực làm cả điều đó.Trong những diễn biến mới nhất đầu tháng 12, Cơ quan Giám sát quyền riêng tư trên mạng của EU đã ban hành bộ hướng dẫn kêu gọi Google áp dụng “quyền được quên” hiện giờ chỉ áp dụng ở châu Âu, với hoạt động của công ty này trên toàn cầu.Bản hướng dẫn này khuyến nghị Google và các trang web tìm kiếm khác cho phép người dùng được xóa những tìm kiếm liên quan tới họ cả ở ngoài châu Âu.“Theo luật châu Âu, mỗi người đều có quyền bảo vệ thông tin cá nhân. Các quyết định của chúng tôi phải được thực thi theo cách mà họ có thể bảo đảm quyền đó hiệu quả và trọn vẹn”, bản hướng dẫn viết. Mặt trận mới đòi “quyền được quên” cũng đã được mở ở Mỹ khi mới đây, một tòa án tại British Columbia đã yêu cầu Google gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm cụ thể trên quy mô toàn thế giới liên quan tới một vụ tranh cãi về bản quyền sở hữu trí tuệ ở Canada.Google đã kháng cáo phán quyết đó lên tòa án cấp cao hơn. Tại Pháp, hồi tháng 9 một tòa án cũng lệnh cho Google phải gỡ bỏ những bài báo có tính lăng mạ trong các kết quả tìm kiếm của họ về một luật sư địa phương.“Sẽ luôn có xung đột giữa hai giá trị xã hội cơ bản, quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận - phó giám đốc đối ngoại của Facebook kết luận với The New Yorker - Câu hỏi đặt ra là các xã hội đánh giá những quyền xung đột này như thế nào. Công nghệ không tạo ra sự xung đột, chỉ làm nó lộ rõ với xã hội mà thôi”. Tags: GoogleFacebookInternetThế giới ảoThông tin nhạy cảm
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng sử dụng điện thoại trong lớp tùy tiện VĨNH HÀ 12/10/2024 Sở GD-ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các nhà trường chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong lớp không phục vụ cho việc học tập.