Không phải cứ đô con là khỏe

HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG 03/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Hơn một năm trước, người hâm mộ Việt Nam trầm trồ chiêm ngưỡng thân hình cuồn cuộn cơ bắp của Đoàn Văn Hậu - người đã tập luyện không ngừng để tăng hơn 10kg cơ bắp khi sang Hà Lan chơi bóng.

Nhưng cuối cùng, việc sang châu Âu chơi bóng trở thành nước đi sai lầm trong sự nghiệp hậu vệ người Thái Bình. Không chỉ vậy, anh còn lâm vào tình cảnh chấn thương triền miên kể từ khi trở về nước.

Nhiều cơ bắp vẫn chấn thương

Nhiều CĐV thắc mắc về tình cảnh tréo ngoe của Văn Hậu “ít đá sao lại chấn thương?”, hay “người to, dày vậy sao lại chấn thương?”. 

Trở về từ Hà Lan, Đoàn Văn Hậu to khỏe hơn nhưng cũng dễ dính chấn thương hơn. -Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Thật ra, đây là một vấn đề được chú ý khá nhiều trong y học thể thao, khi nhiều VĐV bắt đầu bị chấn thương hành hạ sau khi tăng cơ bắp. Theo cách nói nôm na của nhiều người, cơ thịt tăng quá nhiều, mà cơ địa vốn chỉ có thế nên không thể chịu nổi. 

Nói vậy cũng không hẳn là sai, và đây có thể là vấn đề của Văn Hậu cũng như nhiều VĐV khác trong làng thể thao đỉnh cao. 

Bobby Esbrandt, bác sĩ chuyên ngành vật lý trị liệu ở Đại học Maryland (Mỹ), cho biết tình trạng chấn thương này thường do ba nguyên do: sự mất cân bằng cơ bắp, thiếu ổn định phần lõi, và/hoặc khả năng kiểm soát cơ thần kinh kém. 

“Các chương trình tập luyện chỉ giới hạn trong việc rèn luyện sức mạnh cơ bắp có thể gây ra tình trạng chấn thương này. Vì vậy tôi luôn nói rằng việc tập luyện sức mạnh không đồng nghĩa với giúp VĐV thực sự khỏe mạnh trên sân đấu”, bác sĩ Esbrandt nói. 

Mất cân bằng cơ bắp là vấn đề cơ bản nhất, khi việc tập luyện không toàn diện, phát triển các cơ không đều. Dù vậy, với các VĐV đỉnh cao thì vấn đề này thường không xuất hiện khi họ có HLV theo sát. 

Trong 3 nguyên do chính mà bác sĩ Esbrandt chỉ ra, sự kém phát triển của phần lõi cơ là một nguyên nhân rất thường gặp, tương tự nhận xét “cơ thịt tăng, cơ địa vẫn kém” mà chúng ta vẫn thường nói.

“Phần lõi cơ liên quan đến các cơ hông, xương chậu và cột sống. Nhìn chung, khả năng hoạt động của phần lõi giúp tạo ra lực, giảm tốc và ổn định trước các lực nén, lực xoắn và lực cắt. Nó thực sự là nền tảng của cơ thể con người". 

"Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu ổn định lõi cơ dẫn đến sự sa sút thành tích thể thao và tăng nguy cơ chấn thương, đặc biệt là ở chi trên và chi dưới. Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng các VĐV bị bong gân mắt cá chân, đau đầu gối và căng cơ thường mắc chứng rối loạn lõi cơ”, bác sĩ Esbrandt nói.

Khả năng kiểm soát thần kinh cơ cũng là một vấn đề mà các VĐV khó lòng cải thiện thông qua việc tập luyện thể hình. 

Bác sĩ Mike Clark, người sáng lập Học viện Y học thể thao Mỹ, giải thích: “Hãy tưởng tượng một chiếc xe có thể đi với tốc độ 150 dặm/giờ, nhưng phanh chỉ dừng ở mức 50 dặm/giờ. Vậy bạn sẽ lái chiếc xe với tốc độ bao nhiêu?”. 

Trong so sánh của bác sĩ Clark, cơ thể người tương ứng với chiếc xe, và hệ thống phanh là hệ thần kinh cơ. Cơ bắp phát triển có thể giúp VĐV nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng khả năng kiểm soát cơ thần kinh kém sẽ dẫn đến những chấn thương.

Sẽ tốt hơn nếu tập từ sớm

Bác sĩ thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, HLV thể chất của CLB bóng rổ Hanoi Buffaloes, còn cho rằng cốt lõi dẫn đến những chấn thương dạng này là bởi VĐV VN không được tiếp cận với khoa học thể thao từ nhỏ như ở các nước phát triển.

“Có thể để ý rằng rất nhiều VĐV trẻ khi lên tuyến trên đều có thể hình “siêu mỏng cơm”, và mang sẵn trong mình một cơn đau nào đó (thường là gối, cổ chân, lưng)". 

"Khi tiếp cận với cường độ thi đấu lớn hơn, yêu cầu cao hơn hoặc bắt đầu xây dựng cơ bắp nhiều hơn thì không hề có chút nền tảng cơ thể nào (bao gồm động tác, cách chuyển động...) cùng các điều kiện y tế thiếu thốn là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc chấn thương nặng hơn và giải nghệ sớm". 

"Chúng ta có thể thấy ở VN các VĐV chỉ thi đấu đến khoảng 31 - 32 tuổi là bắt đầu giải nghệ dần vì các chấn thương suốt sự nghiệp”, bác sĩ Tuấn nói.

Thêm vào đó, rất ít VĐV VN có điều kiện được làm việc riêng với những bác sĩ giỏi, được xây dựng chế độ tập luyện, dinh dưỡng riêng để phát triển theo hướng phù hợp. 

Bác sĩ Tuấn lấy ví dụ trường hợp VĐV bóng rổ lừng danh Kobe Bryant. Anh gia nhập Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA từ tuổi 17, sau vài năm thì gối của anh không chịu nổi nữa vì phải làm việc nặng khi cơ thể chưa thật sự phát triển toàn diện. 

Bryant đã tìm tới HLV thể chất riêng của huyền thoại Michael Jordan, và việc đầu tiên mà HLV này làm là xây dựng lại “nền tảng thể chất” cho cậu VĐV trẻ tuổi. Bryant được học lại từ đầu từ những chuyển động cơ bản, cách phát lực, điều chỉnh những sai lệch do thói quen xấu, từ đó trở thành một VĐV lừng lẫy.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của bác sĩ Tuấn, mỗi môn thể thao, mỗi vị trí thi đấu và mỗi môi trường thi đấu lại đòi hỏi những yếu tố cơ bắp khác nhau. Như Cristiano Ronaldo khi còn ở Anh đã tăng cân, cơ bắp phát triển lớn rõ rệt để chịu đựng lối đá va chạm đòi hỏi thể lực của Premier League.

Nhưng dần dần, cơ thể của siêu sao bóng đá người Bồ Đào Nha trở nên gọn gàng hơn, “nạc” hơn khi sang Real Madrid và sau này ở Juventus, vì đặc điểm thi đấu của anh lúc này chỉ còn là săn bàn, ở những giải đấu không đòi hỏi về thể lực khắc nghiệt như Tây Ban Nha và Ý, chứ không phải kiểu chơi di chuyển nhiều, tranh cướp bóng quyết liệt như ở Anh nữa. 

Việc cơ thể gọn lại, ít mỡ đi giúp Ronaldo tăng tốc quãng ngắn nhanh hơn, gọn hơn và ít mất sức hơn, nhất là khi độ tuổi anh ngày một lớn.

Từ trường hợp của Ronaldo có thể nhìn lại Văn Hậu. Chưa chắc “đô con” đến vậy đã phù hợp với môi trường chơi bóng Đông Nam Á lúc này. 

Trong làng bóng đá đỉnh cao cũng có nhiều trường hợp như Văn Hậu, to khỏe, 6 múi nhưng lại rất dễ chấn thương. Một số cầu thủ thuộc loại gầy như Sergio Busquets (cao 1,89m, nhưng chỉ nặng 79kg) có thể thi đấu miệt mài liên tục trên dưới 50 trận/năm suốt nhiều năm. 

Đó là vì họ đã chọn được một cơ thể phù hợp nhất cho lối chơi, môi trường và sự cân bằng sinh học, những yếu tố mang tính cá nhân cao độ.

Đôi lúc sự tự ti “thấp bé nhẹ cân” khiến nhiều VĐV có bước đi sai lệch. To khỏe tất nhiên mang lại nhiều lợi thế, nhưng để thực sự phát huy hết năng lực của mình cũng như tránh được rủi ro chấn thương, cầu thủ VN nói riêng và VĐV nói chung sẽ cần sự hỗ trợ toàn diện hơn hiện giờ rất nhiều.

Lựa chọn bài tập phù hợp

Sau quá trình điều trị chấn thương, các VĐV thường trực nỗi ám ảnh tăng cân, tăng tỉ lệ mỡ cơ thể. Nỗi ám ảnh này đôi lúc dẫn đến những kiểu tập luyện quá “nặng đô”, không hợp lý, dễ khiến VĐV tái phát chấn thương. 

Theo kinh nghiệm từ HLV thể lực tại một trung tâm bóng đá hàng đầu, hầu hết các VĐV quay trở lại tập luyện chọn các giáo án HIIT (High Intensive Interval Training - tập cường độ cao ngắt quãng). 

Tuy nhiên, việc chọn bài tập trong giáo án có thể đã có những sự hiểu nhầm trong tác dụng đối với cơ thể. Các bài tập này vẫn giúp các VĐV đốt lượng mỡ dư thừa, nhưng cường độ và tính đặc thù lại không phù hợp với các môn thể thao khác nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận