Không phải để chơi sang

HẢI MINH 19/11/2013 10:11 GMT+7

TTCT - Ngày 5-11, Cơ quan Hàng không vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phóng một tên lửa vũ trụ mang tàu thăm dò sao Hỏa không người lái Mangalyaan. Dự kiến vào cuối tháng này, tàu thăm dò sẽ bắt đầu sứ mệnh chín tháng nghiên cứu hành tinh đỏ.

Phóng to
Chương trình không gian của Ấn Độ được thiết kế để đảm bảo chi phí rất tiết kiệm - Ảnh: hindustantimes.com

Với Trái đất, đó sẽ là một cuộc tìm hiểu hành tinh láng giềng quan trọng nữa, nhưng với riêng Ấn Độ, ngoài mục đích khoa học, cường quốc Nam Á này còn muốn chứng minh một điều quan trọng: chương trình vũ trụ của họ hoàn toàn vượt hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay khi Mangalyaan bắt đầu hành trình đã dấy lên tranh luận dữ dội về việc tại sao một quốc gia vẫn còn người thiếu đói như Ấn Độ lại bỏ tiền cho một sứ mệnh sao Hỏa.

Với những người chỉ trích, tham vọng không gian của Ấn Độ có vẻ là sự lãng phí nguồn lực quý giá: 2/5 trẻ em Ấn Độ suy dinh dưỡng và một nửa dân số không có nhà vệ sinh tự hoại.

Theo tiêu chuẩn Mỹ (hay Trung Quốc), chương trình sao Hỏa của Ấn Độ rất rẻ: 74 triệu USD, nhưng toàn bộ chương trình không gian của nước này tiêu tốn 1 tỉ USD mỗi năm, theo báo The Economist. Đó là một con số không hề nhỏ, ngay cả với một nền kinh tế 2.000 tỉ USD, khi mà chi tiêu cho y tế công chỉ vào khoảng 1,2% GDP.

Những câu hỏi là rất nhức nhối. Sẽ ra sao nếu 16.000 nhà khoa học và kỹ sư không gian của Ấn Độ thay vì nghiên cứu vũ trụ thì giải quyết những vấn đề mặt đất? Tại sao các nhà tài trợ cả trong và ngoài nước phải nỗ lực xóa bỏ đói nghèo khi mà chính phủ vẫn còn đủ tiền chi cho chương trình không gian? Phải chăng những chuyến đi tới Mặt trăng và sao Hỏa chỉ là để phô trương và ghi điểm chính trị?

Câu trả lời là không, không và không. Thứ nhất, hầu hết chương trình không gian nhắm vào mục tiêu đưa các vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất để cải thiện khả năng thông tin liên lạc, vẽ bản đồ, quan sát thời tiết và quân sự của nước phóng. Tất cả điều đó đều mang lại lợi ích lớn cho phần đông dân chúng.

Nhờ có vệ tinh thời tiết, một cơn bão khủng khiếp đổ vào bờ biển phía đông Ấn Độ tháng trước đã gây ra ít thiệt hại về người hơn, trong khi một cơn bão với cường độ tương tự ở cùng điểm đó vào năm 1999 khiến hơn 10.000 người thiệt mạng. Một ví dụ khác là dữ liệu về lượng mưa thu thập được đã giúp chương trình khuyến nông quốc gia đưa ra nhiều lời khuyên cực kỳ giá trị cho các gia đình nông dân nghèo nhất.

Thêm nữa, ISRO luôn giữ chi phí ở mức kiểm soát được và không cho phép sự xa xỉ nào. Sứ mệnh sao Hỏa của Ấn Độ sẽ tiêu tốn 74 triệu USD, chỉ là số lẻ so với chi phí cho chương trình sao Hỏa tiếp theo của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA): 671 triệu USD.

Thật ra, người sáng lập của ISRO, tiến sĩ Vikram A. Sarabhai, đã dự báo trước những chỉ trích và tuyên bố vài thập kỷ trước, theo isro.org: “Sẽ có những người đặt dấu hỏi về tính hợp lý của chương trình không gian ở một quốc gia đang phát triển.

Với chúng tôi, mục đích là không hề mơ hồ. Chúng tôi không có ảo tưởng cạnh tranh với các nước kinh tế phát triển trong khám phá Mặt trăng hay các hành tinh hoặc các chuyến bay có người lái. Nhưng chúng tôi tin... sẽ không xếp thứ hai trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào giải quyết những vấn đề hiện thực của con người và xã hội”.

Chính tinh thần đó đã giúp Ấn Độ vươn lên là một cường quốc về công nghệ thông tin và kỹ thuật ứng dụng, những lĩnh vực mà sự đầu tư chắc chắn không gây ra nhiều tranh cãi như chương trình không gian. Thêm nữa, 74 triệu USD cho Mangalyaan không có nghĩa là Ấn Độ lấy thức ăn khỏi miệng trẻ em nghèo để phóng lên sao Hỏa.

Hai tháng trước, Chính phủ Ấn Độ đã ký ban hành luật an ninh lương thực, trợ cấp lương thực cho khoảng 800 triệu người dân, một chương trình dự kiến tiêu tốn 20 tỉ USD mỗi năm. Thật trớ trêu, chương trình này cũng bị chỉ trích là lãng phí và để ghi điểm chính trị!

Ấn Độ không phải là quốc gia đang phát triển duy nhất có tham vọng vũ trụ. Nigeria đã có khá nhiều vệ tinh bay quanh Trái đất (dù do nước khác phóng). Tùy theo định nghĩa về chương trình vũ trụ, ngay cả quốc gia nhỏ bé như Sri Lanka, Bolivia hay Belarus cũng có các kế hoạch không gian của riêng họ.

Tính cả các chương trình hợp tác, hiện thế giới có khoảng 70 chương trình không gian, dù chỉ có hơn một chục chương trình là thật sự có khả năng phóng gì đó lên vũ trụ. Trung Quốc cũng đã đầu tư nguồn lực rất lớn: năm ngoái họ có người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian và tháng 12 tới sẽ phóng tàu thăm dò Mặt trăng không người lái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận