Không thể có can thiệp nửa vời

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 13/11/2010 13:11 GMT+7

TTCT - Tuyên bố tung dự trữ ngoại tệ - được công nhận là không lớn - để bình ổn tỉ giá VND/USD đã được đưa ra, nhiều ngày sau là những diễn biến nóng lạnh liên tục trên thị trường.

Bình luận về quyết định này, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội), cho rằng tuy đã phát đi quyết tâm bình ổn thị trường song sẽ khá nguy hiểm nếu biện pháp can thiệp của Chính phủ không đủ mạnh.

Bơm dự trữ ngoại hối để bình ổn tỉ giá VND/USD, theo ông Thành, là cần làm trong giai đoạn thị trường có dấu hiệu bị giới đầu cơ thao túng hoặc tâm lý bầy đàn chi phối. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của việc bơm ngoại tệ đến đâu, có như mong muốn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là liều lượng và hành xử chính sách đi kèm.

Trong năm 2009, chúng ta liên tục bơm USD ra để bình ổn thị trường nhưng không kèm theo các tuyên bố thể hiện quyết tâm can thiệp nên không tạo được hiệu ứng tâm lý cần thiết. Kết quả là chúng ta đã tốn khá nhiều dự trữ trong khi mục tiêu bình ổn tỉ giá cuối cùng vẫn không đạt được vào những tháng cuối năm.

Cần nhận thức rõ rằng tình trạng của VN hiện nay cần những giải pháp dài hạn là chủ yếu, không nên chỉ tập trung giải quyết tình huống. Và câu hỏi đặt ra là trong ngắn hạn có nhất thiết phải luôn giữ một tỉ giá cố định hay không?

* Như vậy, theo ông, về ngắn hạn quan trọng nhất là gói bình ổn phải đủ mạnh và đi liền một thông điệp rõ ràng? Nếu chỉ bơm ra 500 triệu - 1 tỉ USD sẽ khó giải quyết được tình hình?

- Nếu giới đầu cơ thấy Chính phủ thể hiện quyết tâm cung ứng đủ USD cho nhu cầu thị trường, khả năng giá USD không thể tăng tiếp, thậm chí sẽ giảm, thì nguồn cung ngoại tệ sẽ rất nhanh chóng quay lại thị trường. Như vậy cùng với khoản ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước bơm ra, nó sẽ tạo sức ép giảm giá USD. Song để đạt được điều này về lâu dài là không dễ.

Thị trường, nhà đầu cơ, thậm chí ngay cả doanh nghiệp sẽ tìm hiểu, nghe ngóng rất kỹ khả năng tung USD của Chính phủ ra đến đâu để có quyết định tiếp tục giữ hay bán ngoại tệ đang găm giữ.

Đặc thù của VN là mỗi người dân đều có thể thành một nhà đầu cơ USD, nên chỉ cần có dấu hiệu ngừng bơm USD hay mức độ bơm không đủ, tâm lý lo USD tăng giá tiếp sẽ quay trở lại, người đang giữ sẽ tiếp tục giữ, người chưa đến lúc phải dùng USD cũng mua để đề phòng... Như thế, số dự trữ ngoại hối mà Chính phủ tung ra có thể sẽ bị hấp thu hết trong khi tỉ giá vẫn không giữ được.

Yếu tố tâm lý là cực kỳ quan trọng nên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động cho dân chúng biết sự can thiệp của mình.

* Nghĩa là việc tung dự trữ ngoại hối bình ổn giá USD không thể có giải pháp nửa vời?

- Đúng vậy. Hoặc không can thiệp, hoặc đã can thiệp thì phải dứt khoát, đủ mạnh. Đây thực chất là giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ với thị trường tự do để giữ giá đồng tiền Việt. Dự trữ ngoại hối của VN hiện không nhiều, đã bị giảm mạnh trong năm 2009... là những thông tin đã được nói nhiều trên thị trường.

Việc của Chính phủ là phải xóa tan những lo ngại này bằng hành động thực tế. Tung dự trữ ngoại hối ra bình ổn tỉ giá giống như cho người bệnh uống thuốc kháng sinh. Nếu uống không đủ liều thì không những vô tác dụng mà còn có thể khiến bệnh bùng phát nặng hơn sau đó.

Nhưng cũng phải lưu ý rằng để giữ tỉ giá còn một cách khác là tăng lãi suất đồng tiền Việt so với đồng USD. Hiện chúng ta đã chọn đưa ra giải pháp này trước khi dùng đến biện pháp bơm ngoại tệ. Giải pháp này tạm thời không làm giảm dự trữ của Ngân hàng Nhà nước, nhưng đặt chi phí bình ổn tỉ giá lên người đi vay.

* Nếu sự can thiệp giữ tỉ giá lần này thành công thì nhìn xa hơn, VN cần làm gì để vực dậy lòng tin vào đồng tiền Việt?

- Nếu Chính phủ tung ra 1-2 tỉ USD với những tuyên bố rõ ràng thì có thể bình ổn thị trường từ nay đến tết, nhưng do dự trữ hiện không nhiều, sau đó sẽ lại phải mua vào bằng cách này hay cách khác. Vì vậy cùng giải pháp ngắn hạn, mang tính tình thế là tung dự trữ can thiệp, chắc chắn cần giải pháp dài hạn - điều mà các chuyên gia đã nói đến rất nhiều - như bình ổn kinh tế vĩ mô để lạm phát thấp, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, giảm nhập siêu...

Chính phủ đã nêu ra những việc này, vấn đề là thực hiện thế nào. Nếu không, những khó khăn, căng thẳng, bất ổn năm nay dù có tạm qua đi cũng chỉ là chuyển căng thẳng sang năm sau, thời điểm khác mà thôi. Nói về lòng tin vào đồng nội tệ của VN hiện nay, theo tôi, không thể Chính phủ chỉ nói là họ tin ngay, mà phải bằng thực tế can thiệp.

Diễn biến thị trường từ ngày 4 đến 10-11:

- Ngày 4-11, Chính phủ chính thức tuyên bố sẽ bơm mạnh ngoại tệ để ổn định thị trường ngoại hối, đồng thời dừng triển khai kế hoạch hạ lãi suất “vào 10, ra 12” trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Trước đó, vào tháng 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán can thiệp khoảng 200 triệu USD.

- Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết chính thức triển khai các biện pháp để bình ổn thị trường ngoại tệ “áp dụng có chọn lọc” từ ngày 5-11 song không cho biết số lượng cụ thể ngoại tệ, thời điểm được bán ra và đối tượng thụ hưởng chính sách.

- Thị trường USD tự do “hạ nhiệt” ngay lập tức sau tuyên bố này. Giá USD mua vào đầu giờ sáng được niêm yết 21.000 đồng/USD, đầu giờ chiều 4-11 giá mua vào còn 20.800 đồng/USD.

- Sáng 5-11, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phát đi thông điệp cho phép các ngân hàng thương mại được huy động và cho vay theo lãi suất thị trường nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát đang có xu hướng gia tăng.

- Trong ba ngày tiếp theo, giá USD trên thị trường tự do tăng trở lại, sáng 9-11 tại TP.HCM dao động từ 20.850-21.050 đồng/USD, trưa 9-11 tiếp tục tăng, dao động từ 21.000-21.500 đồng/USD.

- Ngày 9-11, thống đốc NHNN tuyên bố lập tức cấp quota nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường. Thị trường USD tự do “giảm nhiệt”, chiều 9-11 giá bán chỉ còn 21.300 đồng/USD, mua phổ biến ở mức 21.100 đồng/USD, có nơi chỉ còn 20.850 đồng/USD. Các ngân hàng bắt đầu nộp hồ sơ lên NHNN xin mua ngoại tệ và NHNN cho hay sẽ “xem xét để quyết định” tùy đối tượng.

- Sáng 10-11, giá USD trên thị trường tự do mua vào 20.900 đồng/USD, bán ra 21.300 đồng/USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận