Không thể để kẻ xấu thắng được

THANH TUẤN THỰC HIỆN 13/03/2013 06:03 GMT+7

TTCT - Giới tội phạm gọi bà Leslie Crocker Snyder là “người phụ nữ rồng” (Dragon Lady) hay “213” - số năm tù bà từng tuyên cho một tay trùm ma túy.

Bà là nữ công tố viên và quan tòa huyền thoại ở New York (Mỹ) trong khoảng thời gian bạo lực nhất, tàn khốc nhất của thành phố này (những năm 1970-1990). Nhưng giờ đây, trước mặt tôi là một phụ nữ hiền hậu, có khuôn mặt trẻ hơn nhiều so với tuổi 71 với câu chuyện khởi đầu từ giấc mơ trở thành công tố viên của một cô bé 5 tuổi...

Phóng to
Bà Leslie Crocker Snyder

Điều gì khó cho bà khi là người phụ nữ đầu tiên làm công tố viên về mảng giết người, người lập ra bộ phận chống tội phạm tình dục đầu tiên của nước Mỹ và là người viết luật bảo vệ nạn nhân trong tội phạm tình dục?

Bà Leslie Crocker Snyder: Đó là một kỷ nguyên rất khác - thời điểm mà phụ nữ hoàn toàn không được thừa nhận ở New York, thậm chí là cả ở nước Mỹ. May mắn là điều đó đã được thay đổi. Công việc tôi làm rất thách thức nhưng cũng rất thú vị vì chúng tôi có cơ hội tạo ra thay đổi. Ví dụ như khi tôi truy tố vụ cưỡng hiếp đầu tiên, tôi thấy luật có quá nhiều điểm không công bằng, tôi đã cùng các phụ nữ khác thúc đẩy để thay đổi luật về tội phạm tình dục. Đương nhiên, khi là người phụ nữ đầu tiên làm nghề đó thì không dễ chút nào. Tuy vậy, sau khoảng 10 năm thì mọi thứ thay đổi và giờ ở New York có rất nhiều phụ nữ làm nghề này.

Ông công tố viên trưởng hồi đó là một người rất tuyệt vời tên là Frank Hogan. Ông nổi tiếng nhưng cũng rất gia trưởng. Ông nghĩ phụ nữ không nên tham gia xử các vụ giết người. Tôi thì thường xuyên gặp ông để xin chuyển sang bộ phận đó, còn ông luôn nói “không, không”. Cuối cùng, ông nói với tôi “nếu cô đem cho tôi lá thư cho phép của chồng thì tôi sẽ xem xét chuyện đó”. Sau khi nghe ông nói thế, mọi người đều đến gặp ông và nói muốn tôi chuyển sang bộ phận đó vì tôi có năng lực. Sau đó ông chấp nhận dù tôi chưa bao giờ nộp cái thư cho phép của chồng cả (cười).

"Với tôi thì gia đình vẫn là thành tựu quan trọng nhất trên đời. Trong lĩnh vực nghề nghiệp, tôi nghĩ việc thay đổi được luật về tội phạm tình dục và thành lập được đơn vị chuyên trách đầu tiên trong cả nước để truy tố tội phạm tình dục là thành tựu sáng tạo nhất.

Làm luật sư, làm công tố viên, làm quan tòa rồi là người mẹ, người vợ, tất cả đều khó, nhưng vai trò được đền đáp và khiến tôi hài lòng nhiều nhất chính là làm mẹ. "

* Đó là giai đoạn vô cùng hỗn loạn và nguy hiểm ở New York, khác xa với bây giờ. Đâu là những khó khăn lớn nhất cho bà khi làm việc chính ở giai đoạn đó?

- Đó là giai đoạn khó khăn nhưng tôi nghĩ nó còn khó khăn hơn khi tôi trở thành thẩm phán vì lúc đó ma túy đá (crack) và tội phạm ma túy hoàn toàn chi phối thành phố. Khi tôi là công tố viên, tình hình cũng tệ nhưng không thể tệ bằng giai đoạn sau vì crack khi đó chưa có. Ma túy đá khiến tội phạm bạo lực hơn.

Công việc của tôi giống ông bác sĩ trong phòng cấp cứu. Bạn thấy quá nhiều điều kinh khủng và dần bạn tự dựng lên một tấm lá chắn về mặt tâm lý bên trong. Không phải là bạn không quan tâm nữa, thực tế là vẫn quan tâm rất nhiều, nhưng bạn tránh không để bị ảnh hưởng bởi những gì kinh khủng mình thấy. Ví dụ tôi đã thấy quá nhiều vụ xâm hại tình dục kinh hoàng, có những vụ nạn nhân là trẻ nhỏ, những vụ giết người, xác chết... nhiều điều rất kinh khủng. Bạn rèn để giấu được cảm xúc của mình. Giống ông bác sĩ trong phòng cấp cứu, bạn phải học cách để đối phó với nó và vượt qua.

* Trong công việc bị chi phối bởi đàn ông như vậy, bà tồn tại thế nào?

- Đôi khi có vẻ không công bằng lắm khi bạn phải làm lâu hơn gấp đôi hoặc là nỗ lực gấp bội thì mới đạt được cùng một vị trí [như đàn ông]. Ví dụ như khi toàn bộ bạn nam cùng khóa công tố viên với tôi đã được thăng chức thì tôi phải đợi thêm một năm. Khi họ được giao việc tại các tòa người lớn với những vụ án lớn thì tôi phải làm thêm một năm ở tòa của trẻ vị thành niên, các vụ không nghiêm trọng bằng. Nhưng tôi luôn quyết tâm và tôi được làm việc mà tôi muốn.

* Ai là người truyền cảm hứng cho bà?

- Mẹ tôi luôn dạy tôi có thể làm bất cứ thứ gì tôi muốn, tôi có thể trở thành bất cứ ai và tôi nên giữ điều đó. Bà thông minh và thực tế, có thể rất thành công trong chính sự nghiệp của mình nhưng thời điểm đó phụ nữ lại không có cơ hội. Bà luôn khuyến khích tôi phải tự xây lấy sự nghiệp của mình, luôn tự chủ và độc lập.

* Ý nghĩ trở thành công tố viên đến với bà khi nào?

- Khi 5 tuổi tôi đã muốn trở thành công tố viên hình sự rồi. Lúc đó trên radio vào tối chủ nhật hằng tuần có chương trình tên “Những kẻ FBI muốn truy nã nhất” (FBI’s most wanted). Khi mọi người nghĩ tôi đang ngủ thì tôi lén bật radio nho nhỏ để say sưa nghe chương trình này. Ngay từ đó tôi quyết định sẽ trở thành luật sư hoặc là công tố viên.

* TP.HCM cũng là một thành phố lớn như New York. Vậy bài học cho một thành phố lớn khi đối đầu với làn sóng tội phạm là gì, thưa bà?

- New York rất thành công trong việc giảm tỉ lệ tội phạm, phần nhiều là nhờ vào các nghiệp vụ khác nhau của cảnh sát. Ví dụ, họ luôn có thiết bị công nghệ mới nhất để có thể khoanh những vùng có tỉ lệ tội phạm cao. Từ đó họ có thể tập trung nhân lực vào những khu vực trọng điểm. Mỗi khi có một điểm nóng tội phạm mới xuất hiện, họ sẽ điều thêm quân để dẹp ngay.

Nhìn tổng thể, tôi nghĩ các chính sách mới được đưa ra đều giúp ích cho quá trình trấn áp tội phạm. Tôi làm quan tòa hơn 20 năm và phải xử rất nhiều vụ nghiêm trọng vì ma túy đá khi đó chi phối thành phố hoàn toàn. Khi đó tỉ lệ giết người ở New York rất cao, rất nhiều băng nhóm ma túy cực kỳ bạo lực, đường phố thì rất nguy hiểm. Cách xử lý của chúng tôi khi đó là tóm gọn toàn bộ băng nhóm chứ không phải chỉ là vài tên tiểu tốt. Có một bộ phận đặc biệt trong văn phòng công tố viên chuyên xử lý các băng nhóm lớn này.

Khi hết nạn ma túy đá, chúng tôi tư duy chống tội phạm theo cách hiện đại hơn. Giờ chúng tôi có rất nhiều tòa chuyên trách, những tội phạm ma túy hoặc hình sự ít nghiêm trọng chúng tôi đưa vào một tòa riêng với các biện pháp cai nghiện, đào tạo nghề... Đó là cách giúp xóa rất nhiều những tội phạm nhỏ bằng cách giúp người ta thay vì chỉ đưa người ta vào tù - thực tế là nơi có thể biến mọi người thành tội phạm thậm chí nguy hiểm hơn.

Tôi là thẩm phán rất nghiêm vì tôi phải xử lý những vụ nghiêm trọng. Tuy vậy, tôi nghĩ cần có nhiều biện pháp chứ không chỉ dùng nhà tù trong đối phó với tội phạm.

* Như vậy là luật pháp nghiêm minh hay một lực lượng cảnh sát tinh nhuệ sẽ giúp trấn áp tội phạm tốt hơn?

- Tôi nghĩ cần phải có lực lượng cảnh sát hiện đại, thông minh có thể khoanh vùng tội phạm để triển khai lực lượng phù hợp. Nhưng bạn cũng cần những công tố viên có suy nghĩ độc lập, dám sử dụng các nghiệp vụ mới và có bộ phận tòa án suy nghĩ hiện đại nữa. Ví dụ như giờ chúng tôi có rất nhiều tòa chuyên trách: tòa về các tội phạm ma túy, tòa về các vấn đề thần kinh, tòa về bạo lực trong gia đình, tòa về các vấn đề cựu binh... Những tòa chuyên trách này xử lý các vấn đề rất khác nhau, đòi hỏi các kiến thức, nguồn lực, biện pháp khác nhau để có thể đi đến tận gốc của vấn đề thay vì chỉ đơn giản là ném người ta vào tù. Chúng tôi đã thay đổi các biện pháp nghiệp vụ của mình rất nhiều, học cách đối phó với tội phạm khác đi.

* Làm thế nào để người trẻ có thể trở thành thẩm phán giỏi và thành công như bà?

- Tôi nghĩ trước hết bạn phải có niềm đam mê đối với công việc mình làm. Tôi muốn làm luật sư hình sự từ khi 5 tuổi, cực kỳ kiên trì với theo đuổi đó và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Cuộc sống của tôi có rất nhiều khoảnh khắc nguy hiểm. Khi tôi làm quan tòa, gia đình tôi nhiều lần bị đe dọa. Cảnh sát đã phải bảo vệ chúng tôi trong suốt 11 năm rưỡi, lũ trẻ nhà tôi phải đến trường với cảnh sát.

Điều quan trọng là tôi luôn được làm điều tôi muốn. Nếu bạn rất muốn điều gì và nỗ lực hết sức vì công việc đó, cộng với một chút may mắn, bạn sẽ làm được.

* Bà có bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc vì những đe dọa vậy không?

- Không bao giờ.

* Bà phải rất cứng rắn mới làm được như vậy?

- Thực tế tôi rất tin tưởng lực lượng bảo vệ tôi. Và tôi cũng rất yêu công việc của mình. Giả sử tôi rút lui thì những quan tòa khác sẽ phải xử vụ đó rồi cái vòng đe dọa sẽ vẫn lại xảy ra mà thôi. Con cái tôi luôn nói “Mẹ phải tiếp tục chiến đấu vì mẹ không thể để những gã xấu chiến thắng được!”. Tôi luôn nhớ điều đó vì đó chính là điều tôi suy nghĩ. Không thể để những gã xấu chiến thắng được.

* Ai cho bà sức mạnh tinh thần lớn vậy?

- Tôi chỉ nghĩ đơn giản là bạn thật sự quan tâm đến công việc mình làm, có một gia đình hết sức hỗ trợ bạn. Trong nghề của tôi thì bạn không muốn để những kẻ xấu chi phối xã hội.

* Bà rất nổi tiếng trong hệ thống tư pháp Mỹ. Vì sao bà nổi tiếng vậy, họ còn gọi bà là “người phụ nữ rồng”?

- (cười) Có vài băng nhóm ma túy gọi tôi vậy. Tôi nghĩ tôi chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình. Tôi xử một số vụ án lớn, rất nhiều vụ nghiêm trọng được báo chí đưa tin. Tôi tích cực để thay đổi luật pháp, viết lại luật về tội phạm tình dục, về bảo vệ nạn nhân bị cưỡng hiếp... Tôi hoạt động tích cực trong công việc của mình.

* Những người phê phán bà thì chê bà là nóng tính?

- Tôi nghĩ là bất cứ khi nào họ không thích phụ nữ thì họ sẽ nói người đó nóng tính. Như cách họ phê phán Hillary Clinton - dù tôi không có ý tôi bằng với bà ấy. Đó đơn giản chỉ là điều họ hay nói về những người phụ nữ cứng rắn. Tôi phải xử rất nhiều vụ án nghiêm trọng và tôi không nghĩ là mình hành xử khác một quan tòa nam khi phải xử vụ đó.

* Bà có cảm giác là mình đã thực hiện được giấc mơ của cô bé 5 tuổi ngày nào không?

- Tôi nghĩ tôi là một trong số ít người may mắn biết là mình muốn làm gì với cuộc đời và thật sự đạt được hầu hết những điều mình muốn. Có những điều tôi không thành công như trong cuộc chạy đua vào chức tổng công tố trưởng Manhattan, nhưng nhìn chung đó là cuộc đời đầy thú vị và tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình đạt được.

Chúng tôi tin vào sự điều hành của luật pháp. Luật pháp luôn đứng trên tất cả. Khi mà mọi quốc gia tin vào điều này thì đó sẽ là bước quan trọng để tiến tới một xã hội văn minh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận