TTCT - Cuối năm 2014, Quảng Ngãi sẽ đưa vào hoạt động khu di tích văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời ở địa bàn các xã Phổ Thạnh và Phổ Khánh, huyện Đức Phổ. Đây là khu di tích văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời đầu tiên của Việt Nam. Hố khai quật số 8 trên gò Ma Vương, xã Phổ Thạnh đang thi công - Ảnh: Võ Quý Cầu Phòng trưng bày văn hóa Sa Huỳnh ở khu di tích ngoài trời tại xóm Cát, thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) - Ảnh: Võ Quý Cầu Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời (tên dự án là Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh) rộng đến 20.000m2, nhưng điểm trọng tâm nằm ở xóm Cát, thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh. Nhà trưng bày hiện đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh có ba cổng ra vào. Phía cổng chính nhìn ra rừng cây xanh ngút ngàn, chếch về hướng đông bắc là đầm nước ngọt An Khê mà bao quanh là dải cát ven biển với rừng phi lao xanh ngắt. Một con đường nối từ quốc lộ 1A vòng xuống ngay trước mặt khu di tích ngoài trời cũng đã được tính toán xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan. Từ lịch sử phát hiện đến nghiên cứu văn hóa... Theo đề cương được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt hồi tháng 10-2013, tại nhà trưng bày bổ sung của khu di tích văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời sẽ trưng bày theo từng chủ đề gồm: lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Ở phần thứ hai này giới thiệu niên đại, đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh bao gồm bản so sánh đối chiếu về kích thước của người cổ, tài liệu nghiên cứu về ngôn ngữ, nhân chủng học, di cốt song táng được khai quật ở Xóm Ốc, huyện đảo Lý Sơn, thung lũng sông Tang... Những hiện vật trưng bày gồm các mộ chum, mộ vò, các bàn mài, bàn nghiên, hòn kê, rìu, các loại đồ đồng Đông Sơn... Từ nhà trưng bày bổ sung theo con đường mới mở thẳng về hướng đông là gò Ma Vương, nằm bên bờ biển. Nơi đây, năm 1934, bà Madeleine Colani người Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành khai quật phát hiện những mộ chum và đến năm 1978, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khai quật phát hiện nhiều hiện vật thuộc giai đoạn tiền Sa Huỳnh có niên đại cách nay khoảng 3.000 năm với tầng văn hóa khá dày đến 2m. Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, sau khi người Pháp khai quật, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với một số nhà nghiên cứu khảo cổ nước ngoài và Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đã nhiều lần tiến hành thăm dò khai quật ở nơi đây. Những hiện vật tìm thấy minh chứng một điều: văn hóa Sa Huỳnh đã phát triển từ thời sơ kỳ đồng thau đến thời kỳ Sa Huỳnh sắt. Điều này chứng tỏ văn hóa Sa Huỳnh là của cư dân bản địa chứ không phải du nhập từ nước ngoài. Cũng theo tiến sĩ Khôi, cư dân thời Sa Huỳnh cổ thường chọn ở những nơi có phong cảnh đẹp và thuận lợi cho cuộc mưu sinh. Như ở thung lũng sông Tang thuộc địa bàn huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), khu vực cư trú của cư dân Sa Huỳnh cổ là một dải đất bồi giữa bốn bề núi dựng, thuận lợi về nguồn nước và đánh bắt hải sản. Dù bên ngoài là biển mặn, nhưng bên trong là đầm nước ngọt có nhiều loài cá, nhuyễn thể nên phong cảnh vừa đẹp lại vừa rất thuận lợi cho cuộc mưu sinh. Du khách đến tham quan khu di tích ngoài trời này có thể ngắm nhìn biển xanh và các loài cây cỏ lạ. Cư dân bản địa cho rằng sở dĩ gò cao nằm trong khu vực di tích gọi là gò Ma Vương vì ở nơi này có những bụi cây ma vương lá tròn có gai và khá thấp, mọc rậm rì và hiệu quả chắn cát còn hơn cả phi lao. Cùng với cây ma vương, cây từ bi lá tròn, hoa tím thơm mùi dầu khuynh diệp mọc đầy nên rất hữu ích trong việc chữa trị một số bệnh thông thường. Tại gò Ma Vương, hiện đơn vị thi công đã phục dựng hai hố khai quật với diện tích chừng 223m2 và nhà bao che diện tích rộng 320m2. Tại hai hố khai quật này sẽ trưng bày hiện vật thu được từ các đợt khai quật trước, cùng các hiện vật sẽ tiếp tục khai quật và để phát lộ ngay tại điểm khai quật. Điều này sẽ giúp nhà nghiên cứu và khách tham quan đến xem hiện vật ngay tại điểm khai quật chứ không phải trong bảo tàng. Và như thế, tính thuyết phục của bảo tàng ngoài trời sẽ cao hơn. Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân cho biết công trình nằm bên bờ biển nên sẽ chịu tác động rất lớn từ thiên nhiên. Do vậy, những hạng mục công trình được xây dựng kỹ càng hơn. Ngoài ra, tại khu di tích văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời này cũng sẽ xây dựng bia bản, mở đường đến các di tích tháp Cầu Đá nằm ở phía bắc đầm An Khê, giếng, bia kỳ Champa ở vũng Thạnh Đức 1 và đền thờ bà Thiên Y A Na ở vùng cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh để phục vụ du khách tham quan. Ảnh: Võ Quý Cầu Những hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh hiện trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi sẽ bổ sung cho nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời - Ảnh: Võ Quý Cầu Hướng đến di tích quốc gia đặc biệt Tiến sĩ Khôi, người hầu như cả đời gắn bó với văn hóa Sa Huỳnh, cho biết những đợt khai quật từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã chứng minh một điều: văn hóa Sa Huỳnh trải dài từ vùng Cổ Giang, Cư Hà (Quảng Bình) đến vùng Suối Chình (Bình Thuận). Hai năm trước, giới khảo cổ học còn phát hiện dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh ở vùng Bãi Cọi (Hà Tĩnh) hay vùng Dông Cá Vồ, Cần Giờ (TP.HCM). Thế nhưng, cốt lõi của văn hóa Sa Huỳnh vẫn nằm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tại Quảng Ngãi, qua nhiều đợt khai quật ở Thạnh Đức (Đức Phổ), Xóm Ốc, Suối Chình (Lý Sơn), Bình Châu (Bình Sơn) và thung lũng sông Tang (Tây Trà) đã thu được nhiều hiện vật. Riêng ở vùng Phổ Thạnh và Phổ Khánh, nền văn hóa Sa Huỳnh có tầng văn hóa khá dày. Chỉ tính từ sau ngày thống nhất đất nước đã có nhiều đợt khai quật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Quốc gia), Viện Khoa học xã hội TP.HCM (nay là Viện Phát triển bền vững Nam bộ), Viện Nghiên cứu chung và so sánh (Đức)... Những hiện vật thu được tại khu vực này cho thấy văn hóa Sa Huỳnh tồn tại cách nay 3.000 năm. Mặt khác, vùng Phổ Thạnh, Phổ Khánh là điểm được M. Vinet người Pháp phát hiện đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1909 với 200 mộ chum nên việc chọn nơi này để xây dựng bảo tàng ngoài trời là chuẩn xác. Tuy vậy, phải chờ đến cuộc hội thảo về 100 năm văn hóa Sa Huỳnh vào năm 2010, việc xây dựng một khu bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời mới được tỉnh Quảng Ngãi đề xuất và nhanh chóng được cấp trên chấp thuận. Mới đây, theo gợi ý của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Quảng Ngãi không chỉ dừng lại với di tích văn hóa quốc gia (từ năm 1997) mà đang lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt để trình công nhận. Di tích này sẽ mở rộng không gian không chỉ ở vùng thôn Phú Khương mà đến tận khu vực Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh. Tuy vậy, đó là chuyện tương lai. Trước mắt, theo tiến sĩ Khôi, ngoài việc hoàn thành thi công nhà trưng bày bổ sung, hai hố khai quật, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức thăm dò khai quật thêm và chuyển những hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh về nơi đây trưng bày. Tags: Quảng Ngãi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.