Kích cầu tiếp hay không: Có nhiều cách làm!

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 31/10/2009 21:10 GMT+7

TTCT - Trước các băn khoăn từ diễn đàn Quốc hội về gói kích cầu, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành phân tích:

Kích cầu tiếp hay không: Có nhiều cách làm!

TTCT - Trước các băn khoăn từ diễn đàn Quốc hội về gói kích cầu, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành phân tích:

Ông Bùi Kiến Thành - Ảnh: C.V.K.

>> Gói kích thích kinh tế thứ hai: Giảm mức hỗ trợ lãi suất còn 2%/năm
>> Tiếp tục chính sách kích thích kinh tế có điều chỉnh
>> Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Có gói kích cầu thứ hai sẽ tốt cho nền kinh tế
>> Tiếp tục kích thích để giữ đà tăng trưởng

- Gói kích cầu sắp hết hạn thực chất không phải là kích cầu vì nó không làm tăng cầu mà chỉ giúp các doanh nghiệp có vốn lãi suất thấp để họ vượt qua khó khăn. Gói kích cầu trên là cách làm riêng của VN: Nhà nước dùng tiền ngân sách bù cho các ngân hàng để doanh nghiệp được vay mức lãi suất mà họ mong muốn. Nhà nước đã khoanh các đối tượng được vay chứ không chọn dự án và yêu cầu họ không được đảo nợ, phải kinh doanh đúng mục đích để phục vụ mục tiêu chống suy giảm kinh tế.

* Nhiều đại biểu cho rằng trước khi triển khai gói kích cầu mới nên khảo sát lại hiệu quả gói kích cầu cũ, ông nghĩ thế nào?

- Qua một thời gian thực hiện gói kích cầu của Chính phủ đã giải ngân được số tiền lớn và đó có thể coi là thành công của nhiều ngân hàng. Gói kích cầu này cũng đã góp phần giúp nền kinh tế có những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, cũng đã có không ít cảnh báo được nêu ra ngay ở diễn đàn Quốc hội kỳ họp trước cả về tính pháp lý cũng như những hệ quả mà gói kích cầu có thể gây ra.

Vì tung ra một lượng tiền lớn như thế có gây lạm phát vào các năm sau và tại sao khu vực nông thôn rất khó tiếp cận vốn kích cầu? Liệu vốn kích cầu có được đem đi đảo nợ? Nó có rót vào đúng đối tượng hay một phần đã bị đem đi đầu tư chứng khoán, bất động sản?...

Những câu hỏi trên thực chất chúng ta chưa có nghiên cứu nào để trả lời rốt ráo. Những câu hỏi đó vẫn chưa được báo cáo đầy đủ nên việc Quốc hội đòi hỏi tổng kết, đánh giá về gói kích cầu là hoàn toàn hợp lý. Đã đến lúc nhìn nhận lại toàn diện gói kích cầu bù lãi suất đó của Chính phủ.

* Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng nếu tiếp tục tung gói kích cầu tiếp theo lạm phát sẽ tăng, nên họ đề nghị Chính phủ không triển khai mà tập trung lo ổn định vĩ mô. Ông đánh giá thế nào về lo ngại này?

- Nếu tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ hai đúng là hệ quả phải giải quyết sẽ rất lớn. Mức thâm hụt ngân sách đang rất cao, gần 8% rồi. Bù lãi suất tiếp lấy tiền ở đâu? Nếu đem tiếp dự trữ ngoại hối ra thì đó cũng là ngân sách, mức thâm hụt có thể trên 10%. Mà 10% đã là báo động cấp 3 về nguy hiểm tài chính, nó có thể ảnh hưởng đến tỉ giá, đến sự vững mạnh của đồng tiền, đến lạm phát...

Khi đó VN sẽ không dễ vay tiền vì các tổ chức tài chính lớn quốc tế đều phải xem mức độ tín nhiệm quốc gia mới quyết định cho vay. Khi mức độ tín nhiệm quốc gia giảm thì khả năng đầu tư nước ngoài, các khoản cho vay, ODA... rất có thể sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, vừa giải quyết lạm phát, vừa giải quyết các vấn đề đối ngoại kể trên sẽ cực kỳ khó khăn và cái giá phải trả để thoát ra sẽ rất lớn.

* Đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về việc có nên đưa ra gói kích thích kinh tế thứ hai. Ông có thể phân tích thiệt hơn nếu đưa ra gói này?

- Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn thật. Nhiều nơi vừa ra khỏi khó khăn nhờ gói kích thích kinh tế sẽ ngay lập tức đối mặt với câu hỏi lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng khi thời hiệu gói kích cầu thứ nhất kết thúc. Nếu không trả được nợ, họ sẽ bị liệt vào nợ khó đòi và không được vay nữa.

Với nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính thế giới, tôi nghĩ không nên có một gói kích cầu kiểu cũ nào nữa. Khi thực hiện một chính sách, ngoài tính cấp thiết phải có chính sách đó và những mục đích cần phải đạt, chúng ta nên đưa ra những câu hỏi liệu có cách làm nào hay hơn nhưng ít tốn kém hơn không. Chỉ cần đưa ra mục tiêu, sẽ có nhiều cách làm và cách làm tốt nhất bao giờ cũng là cách làm đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Với gói kích cầu thứ hai đã được đưa ra Quốc hội bàn thảo, theo tôi, nếu phải thực hiện cũng không nên theo cách cũ mà nên theo cách thế giới vẫn làm. Nên chuyển từ hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sang dạng chính sách phát triển kinh tế nói chung.  

Nên chọn dự án thay vì đối tượng

Để công bằng hơn cho các doanh nghiệp, nếu có gói hỗ trợ doanh nghiệp thứ hai, theo tôi, không nên khoanh vùng đối tượng như gói kích cầu thứ nhất mà nên cho vay theo dự án, vì chỉ dự án tốt mới giúp kinh tế đi lên chứ không phải các đối tượng tốt.

Gói kích cầu thứ nhất định ra những đối tượng được vay, cho rằng các ngân hàng sẽ phải tự chọn dự án tốt để còn thu hồi được nợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể móc ngoặc với một số cán bộ ngân hàng để có vốn giá rẻ đưa vào các phi vụ ngắn hạn. Đặc biệt, việc phân biệt đối tượng sẽ loại ra nhiều doanh nghiệp đang cần vốn nhưng lại không được vay.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận