Kinh doanh và thời thế: Một cơ hội khác cho Đà Nẵng

LƯU VĨ LÂN 24/09/2013 03:09 GMT+7

TTCT - Nói về Đà Nẵng, phải nhìn nhận rằng những gì thành phố này làm được hơn mười năm qua là rất ấn tượng, ai cũng tấm tắc về bộ mặt của thành phố hiện nay.

Nhưng một số người Đà Nẵng kỳ cựu có quá trình theo dõi sự thay đổi này lại không giấu nỗi băn khoăn: chẳng hiểu dựa vào nền tảng nào mà đột biến nhanh cả phần xác lẫn phần hồn như thế?


Bản thiết kế với tham vọng biến Tourane thành “Trung tâm sản xuất tơ lụa An Nam” do kiến trúc sư Louis-Joseph Rousselot vẽ năm 1904, dưới sự bảo trợ của các nhà sản xuất tơ lụa Lyon. Bản vẽ không chọn cửa sông Hàn làm trung tâm thành phố mà chuyển hướng về vịnh Đà Nẵng với một đê chắn sóng dài 3km. Đây có lẽ là dự án kỹ nghệ hóa đầu tiên của Đà Nẵng

Hơn hai năm qua, việc biến mất của dòng vốn từ khắp nơi đổ vào đất đai, bất động sản làm kinh tế Đà Nẵng lộ rõ những điểm yếu đã cho thấy những băn khoăn đó là có cơ sở.

Cuộc “tháo chạy” lần thứ nhất

Trước năm 1954 Đà Nẵng chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ, phong cách khiêm tốn và cứ chầm chậm sống như thế cho đến đầu những năm 1960. Từ thời điểm này, bỗng nhiên có một đột biến mạnh tạo nên một nguồn của cải lớn diễn ra tại đây. Một dòng tiền đổ vào Đà Nẵng tạo ra sự thịnh vượng cho thành phố khoảng nửa đầu thập niên 1960, đạt cao trào từ năm 1965 khi quân đội Mỹ đặt chân lên bãi cát biển Nam Ô, bắt đầu trực tiếp dính líu vào cuộc chiến. 

Có thể nói một cách khá buồn: sự giàu có đưa thành phố này lên vị trí thành phố lớn thứ nhì của Việt Nam cộng hòa chính là nhờ chiến tranh.

Các nhà thầu xây dựng cả Mỹ lẫn Việt xuất hiện với nào là công trình thi công đường sá, cầu cống (cầu Trịnh Minh Thế nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây lúc này để nối với cảng Tiên Sa - nơi tiếp liệu từ khắp nơi đổ về cần sử dụng cầu này để đi ra tận Quảng Trị, Bến Hải, Khe Sanh...); rồi cảng biển, sân bay; rồi nâng cấp đường qua đèo Hải Vân kéo dài ra tận Bến Hải lên đường 9 - Khe Sanh...; rồi cao ốc cho Mỹ thuê, khách sạn cho quan khách khắp nơi lục đục ra đây kiếm hợp đồng;

Rồi các nhà hàng Tây, Tàu, Ấn... xuất hiện; rồi tiệm nhảy, bar cho Mỹ, bar cho quân đội miền Nam; rồi các dịch vụ ăn chơi kèm theo bắt đầu xuất hiện. 

Kế tiếp là các dịch vụ phục vụ các căn cứ khổng lồ với hàng chục ngàn quân Mỹ, nhiều người giàu to nhờ thầu giặt ủi, thầu đổ rác, thầu mua lại quân trang quân dụng (xe jeep, máy móc thiết bị...) mà người Mỹ hoang phí bỏ đi.

Gia đình của người viết bài này chính là một thành phần được đẩy lên bởi ngọn sóng của dòng tiền khổng lồ này: sở hữu một công ty xe tải chuyên chở hàng hóa quân tiếp vụ: dầu ăn, thực phẩm quân đội, quần áo viện trợ... vào cung cấp cho thị trường miền Nam đang rất cần loại hàng hóa này;

Một nhà hàng nổi ngay trên sông Hàn sang trọng bậc nhất lúc đó (nay là quán cà phê Memory vừa được xây dựng lại) là nơi giới thượng lưu Đà Nẵng thường đến và thường được chọn để tiếp đón các quan chức Mỹ - Việt đến công cán tại đây; thân sinh của người viết cũng là người Việt đầu tiên làm quản lý cho Hãng Sea Land, một hãng vận tải container đầu tiên của thế giới, đang sử dụng cảng Tiên Sa...

Tất cả “vinh hoa - phú quý” này sụp đổ ngay tức khắc sau năm 1973 - thời điểm người Mỹ rút khỏi Việt Nam và Đà Nẵng là nơi bị tác động nặng nề nhất. Ngành nhà hàng, khách sạn sụp đổ trước tiên, rồi các hợp đồng xây dựng biến mất, hàng hóa quân tiếp vụ không còn, Hãng Sea Land chính thức rời bỏ cảng Tiên Sa và rút về Tân Cảng Sài Gòn vì không còn hàng hóa gì để vận chuyển ra đây nữa... Từ năm 1973-1975, kinh tế Đà Nẵng hoàn toàn suy sụp.

 Như một máy vi tính, 10 năm qua Đà Nẵng đã xây được một phần cứng mạnh, giờ đây nó cần một phần mềm thật thông minh, tinh tế để chạy trên nền của phần cứng ấy và làm chiếc máy phát huy tác dụng của mình.

Cập nhật “phần mềm” để tạo cơ hội khác

Kể câu chuyện cũ trên chỉ để minh chứng rằng quá lệ thuộc vào một dòng tiền đột biến là một kinh nghiệm kinh tế đã có tiền lệ ở đây. Việc chỉ dùng tiền từ bán đất để phát triển rồi ngay lập tức gặp khó khăn khi dòng cung ấy bị cắt, về mặt kinh tế chính là điều mà người còn giữ những ký ức của Đà Nẵng băn khoăn từ mười năm qua. 

Nhưng để giải quyết vấn đề, vội vàng bảo phải quay lại với phát triển công nghiệp thì rất không ổn.

Tại sao? Một là, hình như thành phố này ít có duyên với công nghiệp: khu công nghiệp ấp ủ nhiều tham vọng nhất ở đây được lên kế hoạch từ năm 1959, theo một khuyến nghị của các chuyên viên phát triển của Liên Hiệp Quốc. 

Sau đó, Chính phủ Pháp cử một đoàn chuyên gia khảo sát đến đây (gọi là phái đoàn Mercier) và khuyến nghị thành lập khu kỹ nghệ An Hòa chuyên sản xuất phân đạm, đất đèn, xút... dự định đặt ở vùng đồng bằng giáp ranh núi của hai xã Đại An và Đại Hòa thuộc huyện Đại Lộc, cách Đà Nẵng 20 cây số về phía tây nam và cách mỏ than Nông Sơn 12 cây số.

Địa lợi ở đây là có than Nông Sơn để chạy máy điện, có vôi Long Thọ từ Huế chở vào để làm nguyên liệu, có sông Thu Bồn để vận chuyển hàng hóa, có nhân công của các vùng đất Quảng Nam xung quanh và sản phẩm dùng phục vụ nông nghiệp cả miền Trung. 

Kế hoạch này bị ngưng trệ hoàn toàn vào năm 1963 dù các máy móc đã nhập về đến cảng Sài Gòn.

Bây giờ, ở thời điểm gần nửa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, khi mà ai cũng muốn lập khu công nghiệp, khi mà chỉ non 100km cách Đà Nẵng đã có hàng loạt khu công nghiệp Chu Lai, Dung Quất, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Quảng Ngãi, rồi tiến dần vào Quy Nhơn, Bình Định... thì cơ hội quay về lại với công nghiệp của Đà Nẵng thật không còn dễ dàng.

Và hai là, đây là vùng đất nhô ra biển Đông trên dải bờ biển cong chữ S của lãnh thổ Việt Nam, tự nó như một tiếp điểm, một đầu cầu để đặt chân lên miền Trung từ phía biển. Có lẽ đặc điểm này đã tạo nên số phận của thành phố.

Từ năm 1567, khi nhà Minh ở Trung Hoa cấm không cho giao thương với Nhật Bản thì Cửa Đại - Hội An (chỉ cách Đà Nẵng 30 cây số) trở thành một điểm giao thương của tàu buôn Trung Hoa - Nhật Bản đến gặp gỡ mua bán để “lách” lệnh cấm trên, đây là yếu tố quan trọng tạo nên một Hội An phồn thịnh thuở xưa.

Năm 1835, khi Hội An suy tàn thì bằng một chỉ dụ, vua Minh Mạng thành lập thương cảng Cửa Hàn như một đầu cầu để các thuyền buôn nước ngoài đến mua bán hoặc “chờ” vào kinh đô Huế.

Năm 1858, người Pháp đánh đầu cầu này để bắt đầu tiến trình xâm chiếm nước Nam, và năm 1889 họ tách hẳn Cửa Hàn ra khỏi đất Quảng Nam để lập thành phố Tourane, một nhượng địa của người Pháp để làm điểm tiếp cận với phần đất bảo hộ vẫn ít nhiều còn thuộc quyền nước Nam. 

Và tháng 3-1965, lịch sử lặp lại khi người Mỹ đổ quân lên đầu cầu Đà Nẵng để tiến lên Trường Sơn và ra vĩ tuyến 17.

Theo một nghĩa nào đó, Đà Nẵng phải hướng ra bên ngoài, ra phía biển, ra giao thương buôn bán để tìm sự thịnh vượng. Đà Nẵng chắc chắn không thể quay vào trong được, đất đai ít ỏi, khô cằn, rừng núi thì hiểm trở và đã cạn kiệt, sau lưng là dãy Trường Sơn cách trở, còn thị trường Lào còn xa lắm (với diện tích 1.283km² thì vùng rừng núi, hải đảo của huyện Hòa Vang và huyện Hoàng Sa đã chiếm hơn 1.000km², vùng đất của thành phố cũ gồm quận Hải Châu và Thanh Khê chỉ tròm trèm 30km², còn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ là đất vùng ven mới đô thị hóa mười năm qua.

Tổng cộng hết đất đai của các “quận” này cũng chỉ hơn 230km², quá ít ỏi nếu so với thành phố cảng tương tự là Hải Phòng với diện tích 1.520km2 không có núi rừng, hoặc chỉ bằng vài ba quận của TP.HCM hợp lại).

Vấn đề dường như là vẫn phải đi theo con đường hiện nay với “tinh thần Quảng Nam - Đà Nẵng” hơn. Người Đà Nẵng - Quảng Nam nói riêng và người vùng đất có chữ “Quảng” của khúc ruột miền Trung cày lên sỏi đá nói chung không có lối sống khoa trương, hào nhoáng.

Họ là những người ăn chắc mặc bền, sống trầm lắng, khiêm cung nhưng mãnh liệt. Mười năm qua trong cơn thăng hoa bay bổng của đất đai tăng giá, hình như Đà Nẵng đã bắt đầu có chút “hoang tưởng” và sống trên sức thật của mình.

Bây giờ họ phải “về thu xếp lại”, cắt giảm chi phí, bỏ bớt những kế hoạch quá lớn và đừng quên rằng “một thành phố đáng sống” không nhất thiết phải tráng ximăng tất cả, mở đường thật rộng mà không có bóng cây che nắng, quảng trường thật lớn mà không để làm gì cả.

Đừng quên rằng chỉ hơn một thập niên trước, từ phố thị Đà Nẵng bước ra con đường đi Đò Xu (nay là đường Núi Thành - Cách Mạng Tháng Tám thuộc quận Cẩm Lệ) là thấy một quê hương yên bình thơm ngát mùi lúa chín, hoặc trên đường đi Non Nước (cách người Đà Nẵng xưa gọi Ngũ Hành Sơn) là những cánh rừng bạt ngàn và đồi cát trắng mịn - nơi từng đoàn hướng đạo sinh cắm trại hoặc vùng ven biển Mỹ Khê được đệm bởi các cánh rừng phi lao hoang sơ...

Tất cả chính là những tài sản mà các thành phố đáng sống trên thế giới luôn phải giữ để trở thành “đáng sống” hơn.

Trong trạng thái “hưng phấn” đất đai ngày nào, có lúc ta thấy Đà Nẵng đã mơ giấc mơ “đại nhảy vọt” chỉ dựa trên vốn liếng đất đai để trong vòng mươi năm trở thành một trung tâm, một hình mẫu của phát triển.

Đây chính là điều mà ai từng gắn bó với Đà Nẵng đều rất ngạc nhiên, vì thực chất sau lưng thành phố không có một thị trường đại lục mênh mông để chống lưng như Hong Kong, Macau, Thâm Quyến; cũng không nằm ở vị trí giao thương quan trọng và lâu đời như Singapore; gần hơn, nó khó sánh với Hải Phòng là cửa ngõ đi vào đồng bằng Bắc bộ giàu có, Nha Trang bốn mùa yên gió với đất đai Nam Trung bộ rộng rãi hơn...

Như một máy vi tính, 10 năm qua Đà Nẵng đã xây được một phần cứng mạnh, giờ đây nó cần một phần mềm thật thông minh, tinh tế để chạy trên nền của phần cứng ấy và làm chiếc máy phát huy tác dụng của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận