Kinh tế bóng đá lao đao

HUY ĐĂNG 03/12/2023 09:35 GMT+7

TTCT - Một báo cáo về dòng tiền doanh nghiệp (OCF) cho thấy chỉ một nửa các đội bóng ở giải đấu giàu có nhất thế giới, Premier League, thực sự bền vững về tài chính.

Một báo cáo về dòng tiền doanh nghiệp (OCF) cho thấy chỉ một nửa các đội bóng ở giải đấu giàu có nhất thế giới, Premier League, thực sự bền vững về tài chính. Giải hạng nhất Anh (EFL), còn tệ hơn: chỉ có một đội duy nhất đạt chuẩn đó.

Khảo sát này thực sự khiến làng bóng đá choáng váng, bởi Premier League vẫn luôn được xem là giải bóng đá hấp dẫn và phát đạt nhất hành tinh.

Đội nào cũng khó khăn tài chính

Tiến sĩ Christina Philippou, giáo sư ngành quản lý tài chính của Đại học Portsmouth (Anh), giải thích: "Sự bền vững về mặt tài chính của bóng đá Anh vẫn ở mức trung bình. 

Nếu xét chỉ số OCF, hầu hết các đội ở bốn giải đấu hàng đầu châu Âu còn lại (La Liga, Bundesliga, Serie A và Ligue 1) đều có tình hình tài chính ở mức rất tệ. Và gần một nửa Premier League hiện có dòng tiền âm vào cuối mùa giải 2021-2022. Kết quả này là do họ phụ thuộc quá nhiều vào các ông chủ giàu có".

Giàu có nhưng Man City lại không hẳn là một CLB bền vững về kinh doanh. Ảnh: REUTERS

Giàu có nhưng Man City lại không hẳn là một CLB bền vững về kinh doanh. Ảnh: REUTERS

Premier League là giải bóng đá doanh thu cao nhất thế giới. Báo cáo tài chính mùa giải 2021-2022 cho thấy doanh thu của giải đấu số 1 nước Anh là 6,4 tỉ euro, gấp ba lần La Liga và gấp hai lần Bundesliga. 

Nhưng đồng thời những khoản chi của bóng đá Anh cũng cao gấp nhiều lần so với các giải còn lại. Hằng năm họ liên tục phá các kỷ lục về chuyển nhượng và quỹ lương. Cơ sở cho sự bạo chi đó vẫn là các ông chủ với hầu bao không đáy.

Nhưng cũng vì vậy một năm qua làng bóng đá Anh liên tục lao đao vì vi phạm Luật Công bằng tài chính (FFP). Everton đã lãnh án trừ điểm khá nặng (10 điểm) mùa giải này, giờ tới lượt Manchester City và Chelsea chuẩn bị đối mặt án phạt có thể khiến họ rớt hạng. FFP ra đời với mục đích ngăn ngừa các CLB sống hoàn toàn dựa vào những ông chủ giàu có, khiến bóng đá đỉnh cao trở nên không bền vững.

Man City, Chelsea, Newcastle và nhiều đội Premier League khác (80% các ông chủ Premier League là tỉ phú USD và quá nửa có tài sản hơn 5 tỉ USD) chi đậm không phải nhờ nguồn thu từ tài trợ hay cổ động viên, mà từ tiền túi của giới chủ, núp bóng dưới các hình thức "đầu tư" hay "cho vay". 

Man City chẳng hạn, đang bị cáo buộc lách luật FFP khi các ông chủ Ả Rập bơm tiền cho đội bóng qua những hợp đồng tài trợ với bên bỏ tiền là các công ty ma. FFP có mục đích để các đội bóng không vận hành với mức thua lỗ quá lớn, những khoản thu của họ phải là hoạt động kinh doanh thực sự, mang tính nội tại chứ không phải tiền của các ông chủ, vốn cũng thất thường theo hứng thú của họ.

Một thủ thuật quen thuộc khác để các đội nhà giàu lách FFP là chia nhỏ hợp đồng chuyển nhượng thành nhiều khoản trải qua nhiều năm tài khóa để khi hạch toán, chi phí của họ trong một mùa giải không bị đội lên quá nhiều. 

Ví dụ, Chelsea chi ra 80 triệu euro để mua tiền vệ người Ukraine Mykhailo Mudryk nhưng ký hợp đồng với thời hạn thanh toán lên đến 8 năm rưỡi (ít có hợp đồng mua cầu thủ nào có thời hạn thanh toán dài như vậy), tức mỗi năm họ chỉ phải hạch toán chi phí dưới 10 triệu euro cho thương vụ này.

Ảnh: lboro.ac.uk

Ảnh: lboro.ac.uk

Bằng cách đẩy vấn đề tuân thủ FFP về tương lai, các đội Premier League chỉ đang câu giờ. Hai năm qua, Chelsea đã chi khoảng 1 tỉ euro mua sắm cầu thủ và dù trải dài hợp đồng theo những thời hạn 5-8 năm, họ vẫn sẽ phải sớm hạch toán các khoản thua lỗ và khi đó sẽ bị coi là vi phạm FFP.

"Chơi bóng đá" khác với kinh doanh

Nhiều khó khăn của làng bóng hiện xuất phát từ đại dịch COVID-19. Mùa giải 2018-2019, Manchester United thu về 130 triệu euro từ bán vé và kinh doanh trong trận đấu. Đại dịch nổ ra, con số này về zero trong hơn một mùa giải. 

Doanh thu từ bản quyền truyền hình (khoảng 180 triệu euro/năm) không giảm nhưng vẫn không đủ chi trả cho quỹ lương khổng lồ của đội - Man United là một trong những đội có quỹ lương lớn nhất châu Âu: vào khoảng 380 triệu euro (riêng lương cầu thủ khoảng 250 triệu euro).

Những đội nhỏ còn bết bát hơn nữa. Bournemouth, một trong những CLB nghèo nhất Premier League, là một ví dụ. Ngay cả sau dịch, đội này cũng chỉ kiếm được vỏn vẹn 10 triệu euro từ doanh thu thương mại, bằng 9,1% tổng doanh thu và 8% quỹ lương. 

Không giống như Man United, Bournemouth khó lòng tổ chức tour du đấu hay thu tiền qua hoạt động quảng bá, nâng cao hình ảnh. Bán bớt cầu thủ ngôi sao và tiền từ ông chủ là các nguồn chính giúp các đội như Bournemouth tồn tại ở Premier League. Bill Foley, chủ tịch Bournemouth, có tổng tài sản khoảng 1,5 tỉ euro.

Ban tổ chức Premier League đã cố gắng duy trì được mức phân chia tiền bản quyền truyền hình công bằng nhiều năm qua (những đội mạnh nhất chỉ nhận gấp rưỡi những đội yếu nhất). 

Nhưng cái mác "giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh" không cho phép các đội bóng trả lương quá thấp. Theo chuyên gia tài chính Kieran Maguire, tiền lương cầu thủ Premier League đã tăng đến 36 lần trong 40 năm qua (3.600%) so với mức tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của nước Anh chỉ là 94%.

Bóc ngắn cắn dài, mùa giải năm nay sẽ là cột mốc quan trọng với tồn vong của nhiều CLB truyền thống ở Anh. Vì ảnh hưởng đại dịch, năm 2021 Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) đã tung ra gói cứu trợ 250 triệu bảng Anh dành cho các giải hạng nhất, hạng nhì và hạng ba ở Anh. Mùa hè 2024 là thời điểm họ phải trả nợ. Rất nhiều đội bóng giàu truyền thống ở Anh đang lâm vào tình cảnh khủng hoảng tài chính và không biết lần đâu ra tiền.■

La Liga được công nhận không chính thức là giải đấu số 2 của châu Âu. Cho tới giờ ở đó vẫn duy trì hình thức CĐV làm chủ đội bóng, chủ tịch chỉ là người làm thuê. Năm 2019, 20 CLB La Liga thu về 1,04 tỉ euro từ việc bán cầu thủ, đồng thời chi ra 1,38 tỉ euro để mua cầu thủ.

Dòng tiền tỉ đó giảm còn 1/4 trong giai đoạn đại dịch và đến nay mới khôi phục được một nửa. Mùa hè rồi, các CLB La Liga chi 440 triệu euro mua cầu thủ và thu về 582 triệu euro theo chiều bán.

Khoản thu này một phần đáng kể nhờ vào Saudi Arabia - thiên đường mới của làng bóng đá, nơi các tỉ phú dầu mỏ tiếp tục cho thấy bóng đá là một thú vui quan trọng với họ.

Real Madrid, đội bóng vĩ đại nhất lịch sử châu Âu, đã thắt chặt chi tiêu ba năm qua. Còn Barcelona lâm vào tình cảnh nợ nần túng quẫn đến mức phải bán tên sân vận động, quyền khai thác thương mại, thậm chí là mang sân bóng cho thuê tổ chức… tiệc cưới.

Chủ tịch Real Florentino Perez và chủ tịch Barca Joan Laporta có lý khi khởi xướng dự án Super League. Vì nhóm các đội bóng lớn châu Âu cần một cú hích để thúc đẩy tình hình kinh doanh thay vì cứ mãi trông chờ vào những ông chủ tỉ phú. Sẽ thế nào nếu đến một ngày các hoàng thân Ả Rập đột ngột không còn yêu bóng đá?


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận