Kinh tế Triều Tiên: Thực trạng và triển vọng

HẢI MINH 02/03/2019 17:03 GMT+7

TTCT - Những bước đi mang tính hòa giải trên bán đảo Triều Tiên đồng thời đã mở ra triển vọng về khả năng tự do hóa nền kinh tế chỉ huy của Bình Nhưỡng.

Trong một siêu thị ở Bình Nhưỡng, ảnh chụp tháng 12-2018. Ảnh: AP
Trong một siêu thị ở Bình Nhưỡng, ảnh chụp tháng 12-2018. Ảnh: AP

 Nếu điều đó xảy ra, hòa bình trên bán đảo thậm chí sẽ được bảo đảm tốt hơn so với bất cứ cuộc gặp thượng đỉnh nào, bởi các lãnh đạo chính trị đến rồi đi, chính sách đối ngoại thay đổi, nhưng sự cải thiện đời sống của người dân chắc chắn luôn được chào đón.

Dễ hiểu là đủ kiểu phân tích, dự báo, thậm chí là đồn thổi, xuất hiện trên truyền thông cả Đông lẫn Tây về tương lai kinh tế của CHDCND Triều Tiên.

Quan điểm có thể từ chỗ bi quan, như “Triều Tiên không thể là Việt Nam tiếp theo” (Washington Times 6-2), tới hơi lạc quan quá, như: “Liệu ông Kim Jong Un có thể trở thành Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên” (South China Morning Post 19-12-2018). Sự thật có lẽ nằm đâu đó ở giữa khi nền kinh tế Triều Tiên, dù đã có những bước đầu mở cửa, về cơ bản vẫn ở trong mô hình kiểu cũ.

Thực trạng

Vài tuần trước, đồng won Triều Tiên đã giảm giá khá mạnh so với đồng USD. Ở mức 1 USD ăn 8.500 won, đồng won xuống giá thấp nhất trong khoảng hai năm qua, theo trang web chuyên theo dõi kinh tế miền bắc bán đảo, nkeconwatch.com.

Trang này giải thích sự giảm giá đồng nội tệ của Triều Tiên là do thâm hụt thương mại lớn, và yêu cầu phải tiếp tục chi tiêu ngoại tệ cho nhiên liệu (được mua với giá cao hơn qua các kênh bất hợp pháp vì lệnh cấm vận) và những hàng hóa khác.

Tin tốt là giá gạo - lương thực chủ lực của người dân Triều Tiên - vẫn ổn định, thực ra là ổn định hơn, trong năm vừa rồi, ở mức 4.500-5.000 won/kg. Dẫu vậy, như mọi khi, an toàn lương thực thực phẩm ở Triều Tiên vẫn chưa được đảm bảo chắc chắn.

Hạn hán năm vừa rồi được cho là đã ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch cùng các khó khăn trong việc nhập khẩu phân bón, nền kinh tế đóng cửa Triều Tiên vẫn đang vất vả tự nuôi sống.

Nói ngắn gọn, dựa trên các con số, những điều kiện kinh tế nội bộ của Triều Tiên có vẻ ổn định, nhưng còn khá khó khăn - nkeconwatch.com kết luận - Không nhìn thấy khủng hoảng diện rộng, rõ ràng, qua số liệu, nhưng chính quyền vẫn sẽ chịu nhiều áp lực liên quan tới nền kinh tế”.

Một trong những vấn đề lớn nhất khi bình luận về nền kinh tế Triều Tiên là sự thiếu số liệu và thông tin ở thực địa bởi bất chấp những nỗ lực ngoại giao gần đây, đó vẫn là một trong những quốc gia bí mật nhất thế giới.

Hiện giờ, giới phân tích bên ngoài chủ yếu dựa vào các nguồn thứ cấp, mà một trong những nguồn được coi là quan trọng và khả tín nhất là nhóm nghiên cứu Triều Tiên của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đóng tại Seoul, do ông Cho Tae Hyoung đứng đầu.

Cho và các đồng nghiệp của ông dựa vào dữ liệu cứng, nhưng cả những giả định và phỏng đoán, để ước tính quy mô nền kinh tế láng giềng. Họ cho rằng GDP Triều Tiên năm 2017 đã sụt giảm 3,5%, xuống còn mức 32,3 tỉ USD - ít hơn 40 lần so với GDP Hàn Quốc, và đó là số liệu gần nhất. Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên, như thế, vào khoảng 1.300 USD, không tới 1/20 của Hàn Quốc và bằng khoảng một nửa Việt Nam.

Phải tới giữa năm nay mới có con số của năm 2018 nhưng theo ông Cho chia sẻ với Bloomberg, viễn cảnh không mấy sáng sủa. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 13-2, ông giải thích cho nhận định của mình là các lệnh cấm vận đã khiến xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc giảm khoảng 90% trong năm 2018.

Thiếu các con số chính thức, nhóm của ông Cho dò dẫm qua số liệu do các cơ quan chính phủ và tình báo Hàn Quốc, phân tích hình ảnh vệ tinh, dữ liệu thương mại của Trung Quốc và cả các bài phát biểu cũng như tin tức trên truyền thông đại chúng của Bình Nhưỡng.

Mô hình Việt Nam?

Lần gặp nhau gần nhất của hai ông Donald Trump và Kim Jong Un ở Singapore năm ngoái, tổng thống Mỹ đã cho nhà lãnh đạo Triều Tiên xem một đoạn video tưởng tượng viễn cảnh tương lai của Triều Tiên nếu họ hợp tác với Mỹ - lời mời chào đậm chất “trình diễn” của một người đã lão luyện trong ngành truyền thông giải trí như ông Trump.

Lần này, phần lớn truyền thông nước ngoài nhất trí rằng việc lựa chọn Hà Nội làm nơi gặp nhau lần thứ hai có nhiều ngụ ý hơn là chỉ một địa điểm trung gian, trung lập.

Từ phía Mỹ, chúng ta muốn cho Triều Tiên thấy mọi chuyện sẽ ra sao nếu họ phi hạt nhân hóa - ông Zachary Abuza, giáo sư về chính trị và an ninh Đông Nam Á ở Đại học Chiến tranh quốc gia, Washington, D.C., nói với The Atlantic - Chúng ta muốn trình diễn trường hợp Việt Nam như hình mẫu một nước xã hội chủ nghĩa đã cải cách giờ là một phần của cộng đồng các quốc gia đang thịnh vượng trong nền kinh tế toàn cầu”.

Cụ thể hơn, trang 38north.org phân tích những tương đồng giữa Việt Nam và Triều Tiên trong thời kỳ trước khi Việt Nam đổi mới:

Trong khi điều kiện tự nhiên, cấu trúc dân số và nhân khẩu học rất khác nhau giữa hai nước, có một số phương diện trong kinh nghiệm chuyển đổi nền kinh tế thời kỳ đầu ở Việt Nam tương ứng với Triều Tiên ngày nay, bất chấp các khác biệt năm tháng, bao gồm: quyết tâm cải thiện nền kinh tế, thử nghiệm với các cải cách, tìm kiếm quan điểm và sự hỗ trợ từ bên ngoài, mong muốn giữ vững chế độ chính trị, vai trò của tư bản miền nam”.

Trong bài phát biểu năm mới 2012, ông Kim Jong Un từng nhấn mạnh việc cải thiện đời sống kinh tế của toàn bộ người dân Triều Tiên, và sau đó đã có những động thái thực tế để triển khai chính sách mới.

Ở Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 năm 2016, Bình Nhưỡng chính thức áp dụng đường lối mới cân bằng giữa an ninh quốc gia - nhấn mạnh vào năng lực hạt nhân và tên lửa - với phát triển kinh tế. Trong các thử nghiệm cải cách dưới thời ông Kim Jong Un, đáng chú ý nhất là Đặc khu kinh tế Rason ở gần biên giới với Trung Quốc và Nga.

Rồi năm 2014 là các cải cách mang tính thử nghiệm với lĩnh vực nông nghiệp: giảm quy mô các hợp tác xã, cho phép các hộ gia đình giữ lại một phần nông sản làm ra và bán ngoài thị trường, và nới rộng quyền hạn cho giám đốc các doanh nghiệp nhà nước. Kể từ năm 2016, các cải cách này ngày càng nhấn mạnh vào việc phi tập trung hóa nền kinh tế, hướng tới thị trường.

Vào cuối năm 2018, trên các kênh truyền thông chính thức của Triều Tiên - Hãng tin KCNA, Đài truyền hình trung ương và nhật báo Đảng Rodong Sinmun - đã dồn dập xuất hiện tin tức về việc Triều Tiên đang theo đuổi một nền kinh tế “công nghệ cao” trong bối cảnh “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Đài Truyền hình trung ương Triều Tiên có phóng sự đặc biệt về điện thoại thông minh do Triều Tiên tự sản xuất, Arirang 171. Trang web tuyên truyền DPRK Today cho biết ngày 21-11-2018 rằng những chuyên gia ở Đại học Kim Nhật Thành đã phát triển được các hệ thống trí thông minh nhân tạo, bao gồm chương trình nhận diện giọng nói tiếng Triều Tiên (tiếng Hàn).

Trong một bài báo được cho là khá khác thường trên tờ Rodong Sinmun ngày 29-10-2018, Ri Ki Song, giáo sư Viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Triều Tiên, nói nền kinh tế nước này cần phải cân nhắc chuyển đổi dần sang “kinh tế tri thức công nghệ cao”.

Một điểm mà Triều Tiên còn chưa cho thấy sự thay đổi là các tương tác kinh tế với bên ngoài. Tuy nhiên, họ đã tham gia với tư cách quan sát viên một tổ chức nhỏ của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và gần đây được nêu tên trong kế hoạch “Vành đai-con đường” của Trung Quốc.

Những cải thiện trong quan hệ liên Triều cũng mang tới những cơ hội mới để Triều Tiên hưởng lợi từ kinh nghiệm và chuyên môn quản trị kinh tế rất phong phú của Hàn Quốc, cũng như trong đầu tư và thương mại.

Phó thủ tướng phụ trách kinh tế của Bình Nhưỡng Ri Ryong Nam có cuộc gặp đáng chú ý với những lãnh đạo các siêu tập đoàn Hàn Quốc (chaebol) trong hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng vào tháng 9-2018, và sau đó đã được mời tham dự một sự kiện về hợp tác kinh tế liên Triều tại Seoul.

Sự xuất hiện nhiều hơn và quy mô lớn của những khu chợ mới là một dấu ấn rõ ràng. Chẳng hạn chợ Sunam ở thành phố Chongjin, tỉnh Bắc Hamyong, được cho là lớn gấp đôi chợ Dongdaemun tại Seoul, nơi có 30.000 gian hàng mua sắm.

Ở Bình Nhưỡng, khu chợ lớn nhất là ở đường Thống Nhất, cũng lớn hơn Dongdaemun. Trong khi đó, khu chợ bán sỉ quần áo lớn nhất Triều Tiên Okjon ở Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan có thể có tới 100.000 người tụ tập buôn bán mỗi ngày, theo lời những người trốn khỏi Triều Tiên kể lại với hani.co.kr. Cả ba khu chợ đó đều là những khu mua sắm hợp pháp được chính quyền công nhận.

Chính những chuyển động nhỏ, nhưng rất nhiều ý nghĩa đó, có thể còn thúc đẩy cuộc hòa giải nhanh hơn các tính toán chính trị và quân sự.

Những khu chợ “đóng vai trò quyết định trong việc duy trì đời sống người dân và tăng nguồn thu cho chính quyền, tạo ra tiền mặt, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm và dịch vụ” - một báo cáo tháng 12-2016 của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc (KINU) viết.

Tất cả những chuyển động là lời khẳng định rằng nền kinh tế đã thị trường hóa của Triều Tiên bước vào giai đoạn “không thể đảo ngược”, hani.co.kr dẫn lời giáo sư Yang Mun Su ở Đại học Nghiên cứu Triều Tiên.■

Tháng 12-2016, Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc (KINU) cho biết có ít nhất 404 khu chợ tổng hợp ở Triều Tiên, dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh và lời kể của những người bỏ trốn. Con số của Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) là 439, trong một phiên điều trần trước Ủy ban tình báo Quốc hội vào tháng 2-2017.

Ước tính số lượng các khu chợ vào năm 2010 chỉ là 200. Dựa trên quy mô và số lượng các gian hàng, KINU cũng ước tính ở Triều Tiên có hơn 1 triệu người làm nghề thương nghiệp. Với quy mô trung bình 1 hộ gia đình là 4 người (điều tra dân số năm 2008), hiện có khoảng 4,4 triệu người Triều Tiên, tương đương 18% dân số 25 triệu người, về cơ bản sống dựa vào các khu chợ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận