Kinh tế và đối ngoại

H.MINH 23/07/2023 09:34 GMT+7

TTCT - Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Campuchia, và điều đó nhiều khả năng sẽ chưa thay đổi với cuộc bầu cử này.

Ảnh: Financial Times

Ảnh: Financial Times

Một tháng trước cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Hun Sen đã công bố dự án hạ tầng mới nhất của Campuchia do Trung Quốc đầu tư, tuyến đường cao tốc Phnom Penh - Bavet dài 135km với chi phí dự tính 1,37 tỉ đô la, ngay sau khi cao tốc 2 tỉ đô la Phnom Penh - Sihanoukville đã thông xe vào năm ngoái.

"Hệ thống cao tốc sẽ xong trước khi tôi qua đời", ông Hun Sen nói trong lễ động thổ cao tốc Phnom Penh - Bavet hồi giữa tháng 6, theo Phnom Penh Post. "Đây là một hình thức xây dựng tính chính danh dựa trên thành tích kinh tế, với tác động kinh tế - xã hội tích cực từ làn sóng đầu tư của Trung Quốc. 

Thật đáng chú ý là khi các cuộc bầu cử tới gần, những dự án cao tốc mới này của Trung Quốc được công bố, giúp củng cố hình ảnh tích cực cho chính quyền Campuchia", Chhay Lim, nhà nghiên cứu khách mời về Đông Nam Á ở Đại học Hoàng gia Phnom Penh, nói với VOA tiếng Khmer.

Không dừng lại ở các dự án đường cao tốc đi Bavet và Sihanoukville ở phía đông và đông nam đất nước, cũng vào tháng 6, ông Hun Sen nói Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) đang nghiên cứu khả thi với các tuyến cao tốc đi Siem Reap và Poipet City giáp biên giới Thái Lan, với mức đầu tư dự kiến là 4 tỉ đô la. 

Các dự án hạ tầng lớn khác của Campuchia có nguồn vốn Trung Quốc còn phải kể các sân bay quốc tế Phnom Penh (1,5 tỉ đô la), Koh Kong (350 triệu đô la) và Siem Reap (880 triệu đô la).

Chính quyền Campuchia cũng giải thích rằng việc vay nợ của họ vẫn được kiểm soát tốt, và các dự án đường cao tốc theo hình thức BOT sẽ giúp họ tránh được "bẫy nợ". 

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, nợ nước ngoài của nước này hiện là 9,47 tỉ đô la (khoảng 35% so với GDP 27 tỉ đô la) vào năm 2022 và có thể tăng lên thành 12,62 tỉ đô la năm 2023 mà vẫn trong ngưỡng an toàn - hơn 40% là nợ Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 tuyệt đối của Campuchia, với tổng kim ngạch thương mại 11,6 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu từ Trung Quốc chiếm tới gần 90%, theo các số liệu từ Campuchia. Gần 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của Campuchia là từ Trung Quốc và thâm hụt thương mại của nước này với bạn hàng lớn phương bắc đã tăng 12,61% trong năm 2022, lên thành hơn 9,2 tỉ đô la.

Charles Dunst, chuyên gia về Đông Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Washington (Mỹ), nói với báo Hong Kong South China Morning Post rằng Campuchia cũng tìm cách gầy dựng quan hệ với Hoa Kỳ những năm gần đây, nhưng Mỹ vẫn tỏ ra nghi kỵ Phnom Penh vì sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Campuchia. 

Suốt nhiều năm, Mỹ đã cảnh báo rằng căn cứ hải quân Ream của Campuchia đang được bí mật phát triển trở thành một cứ địa hải ngoại của Trung Quốc, điều mà cả Phnom Penh và Bắc Kinh đều bác bỏ.

Campuchia cũng đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế hơn những năm gần đây, khi ký các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và UAE, cũng như đang đàm phán với Canada, Ấn Độ, và các nước Mỹ Latin. Trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Campuchia cũng đã bày tỏ lập trường cứng rắn với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine hiện tại.

Do cuộc bầu cử sắp tới chỉ là một sự chuyển giao thế hệ, các chuyên gia đều nhận định chính sách đối ngoại của Campuchia, ít ra trong ngắn hạn, sẽ không thay đổi nhiều dưới quyền lãnh đạo của ông Hun Manet so với thời ông Hun Sen.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận