TTCT - Năm mới 2022 mang đến kỳ vọng về một tiến trình phục hồi rộng lớn hậu đại dịch. Dù vậy, các thách thức mà nền kinh tế đối mặt là không hề nhỏ. Sẽ không có một chiếc lò xo dồn nén nào bật tung ra, nhưng 2022 có thể đánh dấu điểm khởi đầu cho hành trình phục hồi bền vững hơn của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, một số quyết sách lớn được triển khai hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và chi tiêu của người dân đang mang đến tâm lý tích cực.Việt Nam là một trong số ít các nước ở khu vực châu Á tăng trưởng GDP trong cả ba năm 2019, 2020, và 2021. Ảnh: Ngân hàng Phát triển châu Á Điểm tựa gói kích thích và xuất khẩuĐó là chính sách giảm thuế suất VAT từ 10% xuống còn 8% ở hầu hết nhóm hàng hóa và dịch vụ, tương đương quy mô 49.400 tỉ đồng được giảm. Nhà nước dự kiến sẽ bơm thêm hàng trăm nghìn tỉ vào nền kinh tế thông qua các chương trình đầu tư hạ tầng giao thông, y tế. Đặc biệt, Chính phủ triển khai thêm gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có triển vọng phục hồi.Tính ra, quy mô gói kích thích lần này lên tới 4% GDP và xét về tỉ phần chỉ đứng sau gói kích thích tương tự năm 2009 (5,6% GDP). Nếu được triển khai đúng chủ trương, trúng đối tượng và hiệu quả, chương trình kích thích này sẽ là niềm hy vọng lớn nhất cho bức tranh kinh tế năm nay.Sau thời gian dài về quê tạm lánh, dự kiến công nhân sẽ quay lại các khu công nghiệp TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thành khác ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này được kỳ vọng giúp giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn lực, giúp các doanh nghiệp dần quay trở lại công suất trước dịch.Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings nhận định Việt Nam sẽ lấy lại đà phục hồi vào năm 2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và hoạt động xuất khẩu vẫn mạnh mẽ. Việc cải thiện mức độ tiêm chủng sẽ làm giảm nguy cơ phải gián đoạn sản xuất vì các đợt bùng phát COVID-19 tiếp theo, mặc dù diễn biến của đại dịch vẫn chưa chắc chắn lắm.Tăng trưởng sẽ được dẫn dắt bởi xuất khẩu, vốn đã tăng 19% vào năm 2021. Nhu cầu hàng hóa thực sẽ giảm tốc ở các nước phát triển vào năm 2022, khi các sinh hoạt trở lại bình thường và nhu cầu dịch vụ tăng lên. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn vượt trội trong khu vực nhờ hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh về chi phí, sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc và một loạt hiệp định thương mại quan trọng.Sự gián đoạn nguồn cung tạm thời trong quý 3-2021 dường như không làm suy yếu sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến xuất khẩu. Đầu tư nước ngoài vẫn mạnh mẽ trong năm 2021, ở mức 19,7 tỉ USD, chỉ giảm nhẹ so với 20 tỉ USD vào năm 2020. Hiệu quả xuất khẩu sẽ tạo ra công ăn việc làm, thu nhập, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước, từ đó tạo ra hiện tượng sóng lan tích cực cho cả nền kinh tế.Trong trường hợp suôn sẻ, Fitch kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,9% năm nay và 6,5% năm 2023 khi sự phục hồi được thiết lập. Mức tăng trưởng dự báo khá cao này phần nào phản ánh mức cơ sở thấp của các năm 2020 và 2021 (2,91% và 2,58%). Việt Nam cũng có vị thế tốt hơn so với nhiều thị trường mới nổi vì là một trong số ít các quốc gia không bị suy giảm GDP.Giai đoạn ảm đạm hai năm qua còn là cơ hội để giới doanh nghiệp đánh giá lại mô hình hoạt động, từ đó cải tổ và sáng tạo hơn để thích nghi với môi trường mới. Ví dụ Hãng bán lẻ Thế Giới Di Động tung ra loạt chuỗi mới như AVA Sport, AVA Fashion, AVA Kids, AVA Ji và AVA Cycle. Đây là động thái mở rộng mạnh mẽ sang các mặt hàng thời trang, thể thao, vàng trang sức, đồ dùng cho mẹ và bé… thay vì chỉ tập trung vào những sản phẩm điện tử, điện máy như trước, giúp hãng đa dạng hóa rủi ro và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.Hay thị trường du lịch dự kiến sẽ có những thay đổi lớn lao với sự xuất hiện của những khái niệm mới rất hứa hẹn như workcation (du lịch kết hợp làm việc từ xa), staycation (du lịch - nghỉ dưỡng gần nơi ở). Mô hình du lịch hướng đến cải thiện sức khỏe cũng có thể tăng tốc nhờ nhu cầu ngày càng lớn. Các loại hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ, như Fintech, Proptech, HealthTech, EdTech… cũng sẽ có nhiều đất diễn và thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư từ thế giới.Quỹ Vina Capital dự báo chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2022, trong đó tập trung vào các sản phẩm dịch vụ cho sức khỏe. Quỹ này kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng khoảng 24% trong năm 2022, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán đạt được mốc cao hơn. Các lĩnh vực được đánh giá lạc quan là nơi hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, bao gồm các cổ phiếu nhóm ngành tiêu dùng, tài chính, bất động sản, nguyên vật liệu…Nhìn xa hơn, giới quan sát cho rằng cấu trúc dân số trẻ có thu nhập ngày càng cao sẽ giúp Việt Nam có thể viết nên các câu chuyện thần kỳ mới. Theo Hãng tư vấn chiến lược McKinsey, Việt Nam có vị trí tốt để trở thành một động lực quan trọng trong chương tiếp theo của câu chuyện tiêu dùng của châu Á. Trong thập niên tới, thêm 36 triệu người tiêu dùng có thể gia nhập tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam (được định nghĩa là những người tiêu dùng chi tiêu ít nhất 11 USD mỗi ngày theo sức mua tương đương PPP).Đây là một thay đổi lớn vì vào năm 2000 có chưa đến 10% dân số Việt Nam là thành viên của tầng lớp tiêu dùng, còn ngày nay đã là 40%. Đến 2030, con số này dự báo có thể tăng đến gần 75%. Sức mạnh tiêu dùng đang xuất hiện không chỉ từ những người lần đầu tiên bước vào tầng lớp tiêu dùng, mà còn từ sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp tiêu dùng trong kim tự tháp thu nhập. Hai tầng lớp tiêu dùng cao nhất (những người chi tiêu từ 30 USD trở lên mỗi ngày) đang tăng nhanh nhất và có thể chiếm 20% dân số Việt Nam vào năm 2030. Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam nằm trong số các nước được dự báo sẽ có dân số trung lưu tăng thêm nhiều nhất thế giới giai đoạn 2020-2030. Ảnh: World Data Lab/Bloomberg Mối lo lạm phát và nợ xấuChặng đường tăng trưởng khả quan hơn, nhưng không phải không có ổ gà. Đáng chú ý, bài toán quản lý chi phí tiếp tục gây đau đầu cho các doanh nghiệp. Năm 2021, giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 55%, cước vận tải biển ở mức rất cao do khan hiếm container rỗng và thiếu hụt nhân công làm việc tại các cảng khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sản xuất bị bào mòn.Nguy cơ lạm phát trên bình diện toàn cầu trùng với thời điểm Việt Nam tung ra gói kích thích kinh tế có thể gây khó khăn cho mục tiêu kích cầu. Hành động kiềm chế nguy cơ sốt giá của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada, EU có thể ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Dòng vốn đầu tư ngắn hạn cũng có thể rời bỏ các thị trường mới nổi, gây áp lực lên giá trị tiền đồng.Thực tế con số lạm phát đã tăng cao hơn một năm nay, nhưng trong phần lớn thời gian đầu năm 2021, các chủ ngân hàng, nhà đầu tư và chính trị gia dường như phủ nhận hoặc bác bỏ khả năng thiệt hại của nó. Ban đầu lạm phát cao được cho là do tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau COVID-19, nhưng đến cuối năm 2021, các ý kiến chuyên gia lại cho rằng đợt tăng giá cả trên diện rộng hiện nay không phải là một hiện tượng nhất thời. Câu hỏi lớn đặt ra vào năm nay cho các nhà đầu tư và thị trường là lạm phát sẽ diễn biến như thế nào.Đối với hệ thống ngân hàng, áp lực xử lý nợ xấu đã gia tăng đáng kể hai năm qua, trở thành một thách thức đáng ngại với sức khỏe của cả nền kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu tính cả các khoản nợ đến hạn mà chưa trả được cơ cấu theo các thông tư 01, 03, 14 cũng như các khoản nợ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu có thể tăng lên 7,31% tính đến cuối 2021. Việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% thời gian tới sẽ là rất khó khăn, nếu Chính phủ có động thái nâng lãi suất để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng hòng đối phó lạm phát và đảm bảo giá trị tiền đồng.Sự xung đột đó đang đòi hỏi những tính toán và quyết sách phải hết sức xác đáng từ những người cầm cân nảy mực để năm con Hổ đầy kỳ vọng này không trở thành một cơ hội bị bỏ lỡ nữa với nền kinh tế quốc gia.Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) - gồm 10 nước ASEAN và 3 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khối sẽ là 4,9%. Trong đó, Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực - 7,5% - trong năm 2022. Hai nước tăng trưởng nhanh tiếp theo là Malaysia (6,7%) và Campuchia (6,6%). AMRO giải thích cơ sở cho dự báo của họ là tốc độ bao phủ vắc xin nhanh, chính sách linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi phục nền kinh tế, cùng hoạt động xuất khẩu ổn định của Việt Nam. Trước đó, Ngân hàng HSBC dự báo Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2022. Tags: GDPKinh tếKinh tế Việt NamTăng trưởngKinh tế Việt Nam 2022
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ông Trump lần 2 được Time bình chọn là 'Nhân vật của năm' NGHI VŨ 12/12/2024 Trong vòng chưa đến 10 năm, ông Trump hai lần được bình chọn là 'Nhân vật của năm' đầy danh giá của tạp chí Time.
Bộ trưởng Phan Văn Giang: Bảo đảm an toàn tuyệt đối lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội NAM TRẦN 12/12/2024 Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu phải làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối.
Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng liên quan nội dung đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy là không chính xác.
UBND TP.HCM chốt cho học sinh nghỉ Tết thêm 2 ngày HOÀNG HƯƠNG 12/12/2024 UBND TP.HCM vừa có văn bản tăng ngày nghỉ Tết Ất Tỵ cho học sinh các cấp thêm 2 ngày thành 11 ngày.