TTCT - Hội thương mại của người Hoa ở Chợ Lớn được đề cập trong thư tịch cổ Việt Nam sớm nhất có lẽ là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 của Lê Quang Định. Trịnh Chiêu Minh (trên cùng, chụp lại trong Việt Nam Hoa kiều thương nghiệp niên giám 1953). Tư liệu của Phạm Hoàng Quân Sách này chép “Miếu Quan Đế do Hội thương mại phố Sài Gòn lập, thờ thần Quan Vũ đời Hán”, phố Sài Gòn thời ấy chỉ vùng Chợ Lớn, còn miếu Quan Đế tức Thất Phủ Võ Miếu, là nơi làm trụ sở chung cho 7 bang người Hoa. Miếu này nay không còn, nền cũ ở góc đường Nguyễn Trãi - Triệu Quang Phục (nối góc sau với Tam Sơn Hội Quán).Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ, Sài Gòn - Chợ Lớn bắt đầu mở rộng doanh thương với tác động trực tiếp từ việc người Pháp mở bến cảng Sài Gòn, bên cạnh đó là sự thông đồng giữa các nhà buôn Pháp và nhà buôn Trung Hoa.Việc mua bán, vận chuyển lúa gạo bằng đường biển từ trước đến nay của Hoa thương từ Nam Kỳ đi các nơi vốn bị hạn chế do chính sách của nhà Nguyễn. Người Pháp đến, đặt ra thuế xuất khẩu và áp dụng trước tiên cho việc xuất khẩu lúa gạo, việc phân chia lợi ích rõ ràng giữa chính quyền thuộc địa và Hoa thương đã kích động nền thương mãi, nhiều thương gia phất lên nhanh chóng.Đầu thế kỷ 20, các thương gia Lưu Lục (tức Lưu Ái Xuân), Huỳnh Văn Hoa (chú Hỏa), Từ Nhuận Đức, Lý Trường (hiệu Hựu Tông, chủ hiệu Phú Nhuận), Lý Lập (hiệu Trọng Trác, chủ hiệu An Xương, con của Lý Trường), Phùng Dần Sơ (tức Phùng Nhựt), Quách Diệm (Quách Đàm), Tạ Ma Diên (thường gọi má Chín Dảnh), Lưu Lễ Đình, Tào Duẫn Trạch, Lương Thọ Đường... là những tên tuổi kinh thương phát đạt trên nhiều lãnh vực, danh tiếng vang dội.Những thành công của số đông Hoa kiều trên thương trường cùng với thực tế cạnh tranh càng lúc càng gay gắt với các lực lượng tư bản phương Tây khiến một số đông thương gia nghĩ đến việc xúc tiến thành lập thương hội.Hội trưởng sáng lập Trịnh Chiêu MinhNăm 1904, Trịnh Chiêu Minh (Tay Chow Ben, 1860-1911) đứng ra triệu tập hội nghị thành lập thương hội, được tán thành và Trịnh được cử làm tổng lý (hội trưởng) liên tiếp hai nhiệm kỳ đầu (1904-1907).Tính ra thương hội của người Hoa ở Sài Gòn lập sớm hơn ở Singapore 2 năm. Khi thành lập lấy tên Nam Việt Trung Hoa Thương vụ tổng hội. Hội sở đặt tại Thất Phủ công sở (Thất Phủ Võ Miếu) trên đường Quảng Đông (nay là đường Triệu Quang Phục), địa chỉ này tức là nơi mà Lê Quang Định đã nói đến hồi năm 1806.Những nghiên cứu về lịch sử Hoa kiều có đề cập đến Thương hội Nam Kỳ như Hoa kiều chí - Tổng chí (Đài Bắc, 1956), Việt Nam Hoa kiều chí (Trần Dĩ Lệnh, Đài Bắc, 1958), Les Chinois Au Sud-Vietnam (Tsai Maw Kuey/Thái Mao Quý, Paris, 1968), Việt Nam Hoa kiều sử thoại (Trương Văn Hòa, Đài Bắc, 1975) hầu như đều dựa vào những tư liệu trong Tây Đề niên giám 1949 và Việt Nam Hoa kiều thương nghiệp niên giám 1953 (Niên giám 1953) vốn là những công trình do Tổ chức Tổng thương hội chủ trì thực hiện, xuất bản ở Chợ Lớn, cùng ghi nhận năm thành lập là 1904.Nhưng cũng có vài nguồn khác chép năm thành lập thương hội là 1903, như trong Lãng tích thập niên (Trần Đạt, Thượng Hải, 1946) hay Việt Nam - Cao Miên Hoa kiều sự nghiệp (Trần Cực Tinh, Chợ Lớn, 1955). Về sau này, thấy đa số nghiên cứu lấy năm 1904 là năm thành lập thương hội.Tiểu sử Trịnh Chiêu Minh được chép sớm nhất có lẽ trong Niên giám 1953 (sách do các tác giả Ô Tăng Hậu, Vương Vĩnh Kiện, Trương Văn Hòa và Đỗ Thiết Dân biên soạn, trong đó dành một thiên viết về lịch sử Tổng thương hội).Niên giám 1953 viết rằng Trịnh thời trẻ đến Singapore làm ăn một thời gian, rồi sau sang Việt Nam. Ở Chợ Lớn, ban đầu Trịnh đầu tư lập xưởng xay lúa nhưng không thành công, quay sang lập cơ sở kiến trúc xây dựng cũng không thành, cuối cùng mở xưởng rượu và kinh doanh chuyên về rượu.Trịnh lập xưởng rượu Vạn Liên không bao lâu thì người Pháp lập Nhà máy rượu Bình Tây (của Tập đoàn Société Francaise des Distilleries de Indochine - SFDIC), hai bên cạnh tranh gay gắt. Một mặt, Trịnh vận động các xưởng rượu ở các tỉnh thành lập “Nam Kỳ lục tỉnh Hòa Hợp tửu hướng công ty” để điều độ thị trường, mặt khác là cải tiến hệ thống lò chưng cất để tăng sản lượng.Trịnh được tả là người hào hiệp trượng nghĩa, thường dùng lý lẽ để dàn xếp những tranh chấp trong cộng đồng. Trước Cách mạng Tân Hợi, khi Tôn Trung Sơn sang Chợ Lớn vận động tài chánh, Trịnh quyên góp một số tiền lớn và gia nhập Đồng Minh Hội.Trịnh có người con là Học Tài cũng là nghiệp chủ có tiếng (thiên 18, chương 3 - Lược truyện các hội trưởng).Thất Phủ Võ Miếu còn gọi Thất Phủ Công Sở hay Quan Đế Miếu - hội sở đầu tiên (ảnh Ngô Thanh Phủ, in trong sách ảnh Tây Đề đại quan, Chợ Lớn, 1950). Tư liệu của Phạm Hoàng Quân Thương nhân Nam Kỳ - thất phẩm Trung Nghị đại phu nhà ThanhMột vài chi tiết đáng lưu ý trong tiểu sử nói trên có lẽ là việc vận động liên kết các chủ hãng rượu Hoa kiều hợp thành một tổ chức để đối đầu với một đối thủ mạnh.Những thành công trong việc vận động các nghiệp chủ đồng hương đoàn kết nhất trí tuân thủ theo giá ấn định của nhóm và mặt khác, những thành công trong việc thương thảo với Chính phủ Pháp đã khiến Trịnh đủ uy tín và kinh nghiệm nắm giữ địa vị khai mở thương hội.Vài chi tiết từ những du ký đương thời không thấy Niên giám 1953 đề cập, có thể kể thêm ghi chép của Nghiêm Cừ trong Việt Nam du lịch ký (1905). Sách này nói lúc ấy Trịnh đương nhiệm bang trưởng bang Phước Kiến và nói “Trịnh Chiêu Minh người châu Vĩnh Xuân, tỉnh Phước Kiến, sinh ở Tân Gia Ba, thông thạo Anh ngữ, Pháp ngữ.Mở xưởng rượu Vạn Liên ở Chợ Lớn và xưởng rượu Vạn Hòa Thành ở Phú Xuân (Huế), xưởng Vạn Liên do người cháu là Trịnh Vũ Trụ quản lý”.Trần Cung Tam (Tan Keong Sum) trong Vãng An Nam nhật ký (1890) chép rằng vào năm 1886, Trịnh làm mãi biện cho một vựa gạo ở Chợ Lớn và lúc này cùng Ngô Hiền Khánh (Goh Yen Keng, phó tổng giám đốc Công ty hải vận W. Hale and Company ở Sài Gòn), Tăng Vĩnh Mộc (Chan Eng Bok, đang làm nhân viên cho Th. Speidel) và một số người khác (như Chan Cheng Tee, Tan Toan Khat) lập Câu lạc bộ “Những người Trung Hoa quốc tịch Anh/cercle de Chinois sujets anglais”, điểm họp tại nhà số 105 Rue des Marins (Thủy Binh/Đồng Khánh/Trần Hưng Đạo B).Tiểu sử Trịnh Chiêu Minh do Niên giám 1953 viết còn có vài chi tiết đáng lưu ý, như việc Thanh triều phong Trịnh Chiêu Minh hàm thất phẩm và tặng hiệu “Trung nghị đại phu” sau hai kỳ liên nhậm tổng lý thương hội.Về việc các thương nhân Hoa kiều mua quan hàm của Thanh triều, theo một thống kê của tác giả Nhan Thanh Hoàng cho thấy ở Mã Lai và Singapore, trong khoảng từ năm 1877 đến 1911 có 47 thương nhân nộp tiền cho nhà Thanh để mua phẩm hàm và hơn trăm thương gia mua các chức quan (Người Hoa hải ngoại với truyền thống và hiện đại hóa, Singapore, 2010).Những phẩm/chức này tuy là hư vị nhưng phần nào khẳng định vị trí xã hội của một số thương nhân, ở Việt Nam, ngoài Trịnh, còn có vài người mua hàm như Huỳnh Văn Hoa, Tạ Ma Diên, Quách Diệm (Đàm).Sự thành công để đạt đến mức độ giàu có và uy tín bao trùm thương giới qua nghề nấu rượu và bán rượu của hội trưởng Trịnh Chiêu Minh không khỏi khiến người ta liên tưởng đến nghề kinh doanh độc quyền thuốc phiện của Ban Hạp trước đây.Tuy nhiên, trong những trang sử Hoa kiều ở Nam Kỳ do chính những tác giả Hoa kiều như Ô Tăng Hậu, Thi Đạt Chí biên soạn, nhân vật Ban Hạp không được nhắc đến, còn Trịnh Chiêu Minh thì được ghi nhận rất trân trọng.Trong Việt Nam Hoa kiều chí, ở chương 10 với đề mục “Hoa kiều tiên hiền sáng nghiệp sử lược”, nhóm biên soạn chọn chép về 9 nhân vật có sự nghiệp và ảnh hưởng lớn trong lịch sử Hoa kiều gồm Mạc Cửu, Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản, Trịnh Chiêu Minh, Nguyễn Lục, Phùng Nhựt, Quách Diệm, Diệp Bá Hành, Hồng Đường Vân. Trong 9 người ấy, ngoài Trịnh Chiêu Minh thì Nguyễn Lục, Phùng Nhựt, Diệp Bá Hành, Hồng Đường Vân đều là tổng lý Tổng thương hội ở các nhiệm kỳ sau.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thương hội hoa kiều nam kỳ nửa đầu thế kỷ 20 Tiếp theo Tags: Thương hội Trung HoaThương hội Trung Hoa sài GònHội thương mại của người Hoa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.