TTCT- ... ở cái tuổi sáu mươi, má vẫn có quyền đi lạc vào khoảng thời gian nào đó trong ngày, tùy má chọn nhưng không được đi qua đêm vì “cháu không quen ngủ thiếu hơi bà”... Minh họa: La Khuê Má của mày đi lạc! Dì Tư rau cải ép người sát sạp đưa ra bó rau mùng tơi, tay kia móc trong túi áo mớ tiền lẻ thối lại cho Hà. Má chồng! Đứa cháu gái ngồi kế bên dì chen ngang với giọng khó chịu vô cớ. Hà giả như không nghe thấy lời nó, ra dấu cho dì để bó rau vào rổ xe. Bó rau mùng tơi không biết nằm trên sạp từ lúc nào, chỉ được phủ bên ngoài vài đọt tươi, còn lại đều héo quăn. Nhìn nó, Hà không nén được tiếng thở dài. Rủi thay, dì Tư bắt được tiếng thở dài ấy, dì nhắc lại và nhấn nhá, thêm thắt thêm: Má mày đi lạc, bả mới nói với tao lúc sáu giờ sáng nay. Má chồng thôi mà! Đứa cháu gái của dì Tư vẫn loay hoay bên cạnh, đầu cúi gằm, xóc xóc mớ rau. Nó cố tình ngân nga, chì chiết. Mày có tin tao úp nguyên thau nước lên đầu không, con quỷ nhỏ? Câu hỏi nhuốm mùi bạo lực này, Hà biết dì Tư dành cho cháu nội của mình. Bao năm qua, Hà chưa bao giờ nhìn thấy hai bà cháu nói chuyện một cách tử tế với nhau. Bao giờ cuộc nói chuyện giữa các thành viên trong gia đình dì Tư cũng diễn ra và kết thúc theo kiểu đó, chỉ cần có người châm ngòi. Khi thì là dì Tư, kế đó là đứa cháu gái, còn cô con dâu thì thỉnh thoảng, chỉ khi ở vào giữa hai khoảng tỉnh - ngây mới nhớ đường về nhà. Nhà Hà ở cuối hẻm. Một ngõ cụt lột xác thành hẻm chưa đầy chục năm. Vẫn còn đó con kênh bị lấp bít bùng hai đầu, trước đây nó từng là nơi cho tụi nhỏ hay lén cha mẹ để vẫy vùng, hầu vơi niềm đam mê sông nước; là chỗ cho người lớn bơi xuồng thả câu, giăng lưới tiếp nối nhau nhận về ân huệ của đồng quê mà cho tới giờ, trong những chiều tụ tập, người ta vẫn nhắc suốt về nó với giọng điệu tiếc nuối của kẻ trót hoang phí đến cạn sạch khoản vay cuối cùng. Ở chỗ chiếc sàn lãn chồm ra mé kênh trước mặt mỗi ngôi nhà, còn là chỗ khỏa chân ngượng ngùng của đôi trai gái lần đầu tập tành chuyện yêu đương, hò hẹn. Nhưng bây giờ, con kênh cụt chỉ còn nhiệm vụ làm nơi chứa nước thải của vài chục hộ dân trong hẻm; là chỗ trú ngụ cho đám muỗi vằn, kèm vô số lềnh bềnh rác rến mà ai cũng tự cho mình cái quyền thuận tay vứt xuống. Mặc cho những bạc bẽo đang hứng chịu, con kênh cụt ấy vẫn chắt mót từ cơ thể suy nhược của mình chút dưỡng chất còn lại để nuôi xanh rờn đám rau muống đồng, mà chẳng có ai dám lội xuống để hái về ăn, ngoại trừ dì Tư rau cải thường xuyên đánh tráo chúng thành rau nhà trồng, bán cho khách vãng lai. Thỉnh thoảng tới mùa, lác đác vài bụi lúa rày mọc xen kẽ cỏ dại, chín vàng, đãi đằng đám chim sẻ trú trên mái nhà. Sau vài trận mưa đầu mùa, tụi cá rô, cá trê đen đúa dài thõng bất ngờ xuất hiện từ miệng cống ngập ngụa rác rưởi nào đó trườn dọc hẻm, mong mót được chút trong trẻo khí trời. Dấu tích của cuộc lột xác ấy tươi rói nhất ở chỗ dì Tư bán rau đầu hẻm. Với cái sạp đặt trước cửa nhà mình, dì bày lên đó vài mớ rau tự trồng ở thẻo đất sót lại bên hè, tính luôn mớ rau muống mà dì hái hồi nhập nhoạng tối ở dưới kênh thì sạp rau của dì ngó sơ cũng tươi ngon không kém mấy cái sạp rau chật chội ngoài chợ tỉnh. Phường hoặc khóm có việc gì chỉ cần ghé qua chỗ dì Tư, dĩ nhiên, hết thảy thông tin mà dì cung cấp cũng giống như rau cải trên sạp, muốn đem về dùng thì phải bỏ công ra lựa chọn, nhặt nhạnh cho kỹ lưỡng. Má chồng Hà không phải mới đi lạc lúc gần đây, cũng không phải đột ngột đi lạc. Ngay từ khi Hà về làm dâu, má đã chuẩn bị cho những chuyến đi lạc sau này của mình bằng cách báo trước với Hà: Càng ngày, má càng cảm thấy mình như người đi mà chẳng biết đi đâu! Hà thuật lại cho chồng nghe nguyên văn câu của má, chồng nhăn mặt: Má già sinh lẩm cẩm, để ý làm gì! Biết đâu má nhớ ba? Ổng lạc chân theo gái hồi má vừa sinh ra anh, hận thì có chớ nhớ nhung gì! Chồng gắt gỏng làm Hà thôi không hỏi nữa, mà lại đâm ra lo, biết đâu chừng chồng cũng đang thừa hưởng cặp gen lạc chân từ ba, chỉ là nó vẫn còn đang âm thầm chui dần ra khỏi nơi ẩn náu sau những lần chếnh choáng về khuya. Sau những lần thức khuya chờ cửa ấy, đôi lúc Hà lâm vào trạng thái lơ mơ về viễn cảnh khi mình đến tuổi của má bây giờ. Có thể lúc ấy, Hà cũng không cần phải bước chân ra đường như má mới bị lạc, mà chỉ cần quanh quẩn đâu đó trong chính ngôi nhà của mình. Lần đầu tiên má thực hiện cuộc đi lạc là khi vừa bước qua tuổi sáu mươi, lúc cháu gái vừa giáp thôi nôi. Sáng hôm đó, sau khi chơi với cháu gái xong, má xách giỏ bước ra khỏi cửa và nói vói lại: Hà à, ở nhà nghen con! Hà đang bận chuẩn bị đồ ăn sáng sau bếp, nên chỉ “dạ” một tiếng. Tới xế, chưa thấy má về, hai vợ chồng quýnh quáng đi kiếm khắp cùng trong hẻm, ra tới những nhà ở ngoài đường cái. Nhưng vô ích, người ở ngoài đường cái thú thiệt rằng lâu rồi họ đã không nhìn thấy người già nào, chứ đừng nói đến mặt mũi, vóc dáng của má Hà. “Bộ ở trong hẻm có người đi lạc thiệt hả?”. Với lòng hiếu kỳ vô hạn, họ vừa hỏi ngược lại Hà vừa lăm lăm điện thoại trên tay, như sẵn sàng chụp ảnh bất cứ người nào đi ngang nhà để đăng lên Facebook với status: Cần tìm đường về nhà, ai biết chỉ giùm! Hà từ chối thỏa mãn tất cả bọn họ, rồi hối chồng cố gắng chạy thêm một đoạn xa nữa để tìm, dù biết chắc chắn sẽ chỉ nhận lại được những câu hỏi giống nhau. Khi hai vợ chồng trở về đã thấy má nằm đung đưa trên võng, con gái Hà rúc đầu vào dưới áo bà nội, nút chùn chụt. Má đi đâu từ sáng tới giờ mà không cho tụi con hay vậy trời? Hà tức đến muốn khóc, vì suốt mấy tiếng đồng hồ đi tìm trong ánh mắt phát lửa của chồng. Ủa, hồi sáng, trước khi đi má cho con hay rồi mà? Vợ chồng bây cũng ngộ, gửi con cho hàng xóm hoài, phiền người ta! Nhưng má đi đâu? Tới phiên chồng Hà sắp không còn bình tĩnh. Má đi lạc! Bà trả lời tỉnh rụi rồi bày từ trong giỏ ra nải chuối xiêm, vài trái bình bát chín, chục trứng gà... Vẻ mặt má hớn hở lạ lùng như đứa trẻ tình cờ chộp được những món quà ngon lành trong vườn, sau một chuyến mải mê lục lọi. Má thôi nói kiểu đó đi, mới sáu mươi tuổi mà làm gì lẩn thẩn đến mức phải đi lạc! Chồng kéo cháu gái ra khỏi ngực bà nội, mạnh gần như là giật, làm nó chới với khóc thét. Má ngỡ ngàng, miệng mấp máy nhưng không thành lời, rồi cúi xuống lượm mớ đồ đạc vừa bày ra trước mặt, run run cất trở lại giỏ. Hà đón con gái từ tay chồng, vỗ nhè nhẹ vào mông nó, đứa nhỏ dần dịu lại nhưng nước mắt vẫn đầm đìa. Trong lòng Hà cảm thấy bất nhẫn nên ngồi xuống phụ má lượm mớ trứng, ngồi sát nên nghe loáng thoáng, hình như má đang thầm thì chỉ với chính mình: Bốn mươi người ta vẫn đi lạc như thường! Hà nhớ có lần chồng nói trong cơn say rằng: nhà này từng có người bốn mươi tuổi bỏ nhà đi, khi con trai còn chưa biết gọi tiếng cha! Từ đó, má đi lạc thường xuyên hơn, và những chuyến đi lạc của má cũng dần trở nên bình thường trong mắt vợ chồng Hà. Không trực tiếp, nhưng hai vợ chồng đã ngấm ngầm thỏa hiệp rằng: ở cái tuổi sáu mươi, má vẫn có quyền đi lạc vào khoảng thời gian nào đó trong ngày, tùy má chọn nhưng không được đi qua đêm vì “cháu không quen ngủ thiếu hơi bà”. Trước khi đi, bao giờ má cũng cho hay, hoặc chưa kịp cho hay thì Hà cũng hỏi: Sáng nay má có định đi lạc không? Con nhỏ này ngộ, sáng nào mà không vậy! Vậy trễ nhất là sáu giờ chiều má phải có mặt ở nhà ăn cơm với tụi con! Má chưa bao giờ trễ cái hẹn sáu giờ chiều với con dâu. Vậy mà chiều nay, má trễ nửa tiếng. Chồng kẹt tiệc tùng với bạn, nhắn tin: Em với má ăn cơm trước, đừng chờ! Tin nhắn quen thuộc được soạn sẵn. Thêm mười lăm phút nữa, Hà ẵm con gái đang ríu mắt buồn ngủ cho vào chiếc địu đeo trước bụng rồi đóng cửa, dắt xe ra khỏi nhà. Sạp rau dì Tư chưa dọn. Hà phóng xe nhanh qua, nhưng vẫn loáng thoáng nghe tiếng dì vọng theo: Thấy chưa, tao đã nói hồi sáng rồi mà! Mới bảy giờ tối nhưng đã vắng hoe. Vài ngọn đèn yếu ớt không đủ bắt sáng xuống mặt đường, chỉ làm vàng vọt thêm những đám cây úa lá. Má đang đi lạc ở đâu trên khoảng đường hun hút này, má ơi! Hà chống xe xuống đường, thõng tay kiệt sức. Phải chi mình đưa má đi khám bệnh. Ước gì mình đi theo má ngay từ đầu... Đúng lúc Hà hụt hơi bởi những “phải chi”, “ước gì” đang thi nhau giằng níu thì má đột ngột xuất hiện bên cạnh Hà, giọng ngạc nhiên: Ủa, con Hà, không ở nhà lo cơm nước, ra đây làm chi? Con đi lạc! Bộ má tưởng chỉ mỗi mình má thôi sao? Hà tuôn ra một tràng rồi bật khóc ngon lành. Trên đường về, Hà chạy xe chầm chậm, chờ má giải thích cho lần trễ hẹn của mình. Nhưng không, má chỉ liên tục kể về một khu vườn nào đó đầy lá xanh và trái chín, vô vàn thanh âm và mùi vị khiến người ta không khéo cũng dễ quên mất tháng ngày. Hà im lặng cầm lái mà không gạn hỏi về khu vườn của má. Má ngồi đằng sau, choàng tay lên phía trước, đưa sát mũi Hà. Mùi ổi chín - như là bằng chứng cho khu vườn nào đó mà má kể suốt về nó từ nãy giờ, nó có thật chứ không phải do trí óc của người sáu mươi tuổi tạo ra bằng cách tự huyễn hoặc mình trong lúc đi lạc. Ngang qua sạp rau của dì Tư, Hà nghe tiếng con dâu của dì lanh lảnh, cộng thêm âm thanh chát chúa từ chiếc thau nhôm mà dì đập xuống nền nhà. Hà cố tình rồ ga để họ nhìn thấy, đúng là dì Tư có ngó ra thật, bởi dì đột ngột đổi giọng: Má mày đi lạc, thấy chưa! Dì Tư vừa dứt lời, thì má vỗ lên vai Hà, biểu lớn: “Con nhỏ này, kiếm chuyện gì vui vui kể nghe chơi coi. Nín thinh suốt, chán thấy bà!”. Cháu gái của dì Tư cũng ngóng theo, nhưng lần này nó không sửa lưng bà nội mình bằng hai tiếng “má chồng” như mọi khi, thay vào đó là giọng như ca vọng cổ của cô con dâu: Con trai của bà ở ác với tui, giờ tui hành lại bà tới khi nào xuôi tay nhắm mắt... ớ... ớ... ơ. Công nhận giọng con nhỏ này ngọt lịm như nghệ sĩ, lâu rồi mới thấy mặt, nếu không tại thằng chồng... uổng thiệt! Hà nghe tiếng chép miệng đầy tiếc nuối của má từ phía sau, cứ như cô con dâu ấy từng vuột mất cơ hội thăng hoa trên sân khấu trong hình hài một nghệ sĩ thực thụ. Sau tiếng chép miệng thì má không hề nói thêm gì về chuyện mình đã đi lạc tới những đâu, làm gì, hay gặp gỡ những ai trong cả ngày vừa qua. Có lẽ má sợ tiết lộ, dù chỉ một chút nào về cuộc đi lạc, thì khu vườn ấy (nếu có) sẽ không còn là bí mật của riêng mình. Hà vừa tò mò, nhưng cũng vừa sợ hãi khi nghĩ đến một ngày được má san sẻ cho khu vườn đang náu mình đâu đó. Biết đâu ngoài việc đem lại sự phấn khích như đã thấy ở má sau những lần đi lạc, nhưng đồng thời trong âm thầm nó cũng gieo cả gánh nặng truyền đời. Sau này chưa biết ra sao, nhưng chắc chắn một điều: sáng mai, Hà sẽ lén thử lạc một lần theo má. Có hai người, rủi lạc thiệt cũng vui.■ Tags: Đi lạcLạcMá đi lạc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.