Lạc lối trong những giấc mơ không thành

THANH VÂN 11/05/2014 05:05 GMT+7

TTCT - Trong cuốn sách nhỏ 150 trang, bạn sẽ không mong đợi tìm thấy một câu chuyện dày dặn, nhiều tình huống hay mô tả tâm lý chi tiết.

Cuốn sách Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối - Ảnh: M.N.

Điều mà Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (*) cung cấp là một bầu không khí và những lối rẽ, ở đó mỗi người đọc tự tạo nên hành trình của mình.

Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện được xây dựng qua lời kể của bốn người: một sinh viên, một thám tử, nữ nhân vật trung tâm và người yêu của cô. Cô gái - mà những người ở quán cà phê gọi bằng cái tên Louki - suốt chiều dài cuốn sách đã đi qua những phần khác nhau của Paris và để lại những kỷ niệm ở mỗi nơi: một quán cà phê ở tả ngạn sông Seine mang tên Le Condé, một cuộc hôn nhân buồn tẻ kết thúc với việc cô bỏ nhà ra đi, một tuổi trẻ u buồn với ma túy và những chuyến đi lang thang.

Trong mắt những người nhớ về cô, Louki được bao phủ trong một tấm màn bí ẩn. Bí ẩn này không đến từ bí mật. Cô được mô tả về ngoại hình, thói quen, quá khứ và cũng tự bộc lộ suy nghĩ của mình. Nhưng người ta lại không thể định hình cô hay nhớ về cô theo cách thông thường.

Cũng như những người khách trong quán Le Condé, từ độ tuổi 19 đến 25 hoặc người ta đã quên bẵng mất tuổi, cô xuất hiện và gặp gỡ nhiều người, nhưng tới một ngày mọi người biến mất và ta nhận ra mình chẳng biết chút gì về họ, ngay cả lai lịch thực của họ cũng không.

“Những chi tiết cụ thể nhưng chẳng có nghĩa lý gì” là một thủ pháp mà Patrick Modiano ưa sử dụng để tạo ra không gian và thời gian đặc trưng. Tâm điểm của cách nhìn này nằm ở câu hỏi: cái gì làm nên chúng ta, quá khứ, hiện tại, vẻ ngoài, tâm hồn hay sự lựa chọn của chúng ta? Hay là những địa điểm mà chúng ta xuất hiện? Và cuối cùng, điều đó có quan trọng hay không?

Hàng chục năm qua, trong các tác phẩm của mình ông đã luôn quan sát cuộc sống bằng cách nhìn qua bên trên sự hiển hiện thực tế của các địa điểm và con người, để tìm đến cái cốt lõi - sự bí ẩn của hiện tồn.

Chân dung những con người ở quán Le Condé chỉ là từng mẩu quá vãng được chắp nối, và người ta biết ngay từ đầu rằng tương lai họ sẽ xoay chuyển tệ hại, sẽ mãi mãi là những cuộc tìm kiếm mà một quán cà phê chỉ là địa điểm trung gian để bước vào và tạo thành cuộc gặp gỡ, sau đó biến mất để đến một cuộc gặp gỡ khác, tạo thành vòng quay không ngừng.

Không chỉ buổi tối, mà cả vào quãng hoang vu những chiều hè lúc bạn không còn biết rõ mình đang sống ở năm nào. Mọi thứ sẽ bắt đầu trở lại giống như trước. Cùng những ngày ấy, cùng những đêm ấy, cùng những địa điểm ấy, cùng những cuộc gặp ấy. Quy hồi vĩnh cửu.

Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối nhắc tới rất nhiều địa điểm có thật của Paris, thậm chí mô tả những lộ trình, rồi phân loại chúng theo những cách đặc biệt để tạo thành một Paris rất khác. Có những địa điểm nam châm và bạn bị hút về phía chúng nếu đang bước đi quanh đó mà không rõ tại sao. Còn có các vùng trung gian, các vùng đất không người, nơi người ta ở bên rìa tất thảy, ở chế độ trung chuyển hoặc thậm chí trong trạng thái treo lơ lửng.

Ở cuối cuốn sách, có lẽ người ta nhận ra rằng quán Le Condé là một địa điểm nam châm thuộc một vùng trung gian - đó là điểm giao cắt số phận của các nhân vật, nơi họ xuất hiện, ở lại để rồi biến mất.

Bắt nguồn từ lý tưởng “trôi dạt” của triết gia Pháp Guy Debord, Modiano đã tạo thành một cuốn sách tuyệt đẹp và buồn. Những nhân vật của ông chấp chới giữa mới và cũ, trôi qua Paris để tìm kiếm những giấc mơ không thành. Có thể hạnh phúc của họ nằm trong chính cuộc trốn chạy đó, họ di chuyển chỉ để lấp đầy, hoặc chạm vào một thứ khoái lạc mà không ai hiểu.

Đậm chất Pháp và chất thơ, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là cuốn sách mang không khí của quá khứ nhưng vẫn cực kỳ gần gũi với tâm hồn của nhiều con người hiện đại. Đây là cuốn sách dành cho sự đọc chậm, để thưởng thức một giọng văn đặc biệt và khám phá ngay cả những hình ảnh quá khứ được tạo thành sau khi lật mỗi trang.

Phóng to

Patrick Modiano sinh năm 1945 tại Boulogne-Billancourt, bố là người Ý gốc Do Thái và mẹ là người Bỉ gốc Flamand - được coi là một trong những trụ cột của văn chương Pháp đương đại. Ông không theo học bất kỳ trường lớp đại học nào sau khi lấy bằng tú tài và kể từ năm 1967, khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông Quảng trường Ngôi Sao được Gallimard xuất bản, thì ông chẳng hoạt động gì khác ngoài viết lách.

Năm 1978, ông nhận giải Goncourt cho tiểu thuyết Phố những cửa hiệu u tối và đến năm 2000 thì nhận Giải thưởng Văn học trọn đời Paul-Morand.

(*): Tiểu thuyết của Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn Học, 2014

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận