Lạc quan với "Thế hệ tôi"

LAN HƯƠNG 07/08/2013 08:08 GMT+7

TTCT - Câu chuyện về những người trẻ - những kẻ đang tác động vào xã hội với tất cả sự sung mãn nhất của lứa tuổi ở thời điểm nào cũng có. Những con người ích kỷ, mê công nghệ và lười lao động - đó là phác thảo sơ nét về thế hệ Tôi - Tôi - Tôi. Nhưng có nên bi quan về họ?

Minh họa: Vũ Đình Giang

Ở góc độ rộng lớn đã từng có những định nghĩa về thế hệ X (sinh ra sau Thế chiến thứ hai, trong giai đoạn bùng nổ trẻ em những năm 1960-1980), thế hệ Y (sinh từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000). Nhỏ hơn trong cộng đồng có thế hệ Peter Pan (sống với cha mẹ lâu hơn, trì hoãn việc trưởng thành), thế hệ “chuối” (chỉ những đứa trẻ gốc châu Á, da vàng nhưng mang văn hóa của người da trắng)...

Trong những cách nhìn về thế hệ này, không thiếu những đánh giá một chiều và lo ngại về sự phá hủy những trật tự xã hội vốn đã định hình sẵn.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực hơn, với suy nghĩ kẻ phá hủy là kẻ xây dựng, sự xuất hiện của những thế hệ mới hàm chứa trong nó không ít nét tích cực. Câu chuyện của Times về thế hệ Millennial (như TTCT số ra ngày 7-7 trích giới thiệu) không là hiện tượng cá biệt của nước Mỹ, trong không gian phẳng hiện nay.

“Khái niệm thành công của xã hội hiện đại chủ yếu hình thành từ hai yếu tố: tiền bạc và quyền lực... Nhưng nó chỉ là hai chân của một cái ghế, bạn trẻ có thể tạm đứng trên chiếc ghế đó một thời gian, nhưng sẽ khó giữ thăng bằng nếu thiếu một thước đo thứ ba, đó là sự khỏe mạnh, thông thái, biết tự đặt câu hỏi và biết cho đi”. 

Arianna Huffington

2. Trong những lo ngại về nhóm trẻ tự đề cao cái tôi cá nhân quá mức, tôi nhìn thấy những hình ảnh người trẻ độc lập hơn thế hệ cha anh của họ. Họ dám phản biện, dám thể hiện cái tôi vốn khép kín của một xã hội phương Đông truyền thống.

Trong tiến trình phát triển, xã hội Việt Nam đã từng có thời kỳ đóng hộp tất cả mọi nhu cầu. Sự giống nhau khiến xã hội chỉ tồn tại một màu. Điều tốt đẹp là không có khoảng cách giữa những người trong xã hội, nhưng vì ai cũng như ai nên không ai có động lực để lao động, năng lực sản xuất đi xuống, đất nước trì trệ trong một thời gian dài.

Quá trình cải cách những năm 1990 đã tạo ra động lực thay đổi, những người sinh năm 1980 trở về sau lớn lên với những điều kiện tốt hơn thế hệ cha anh mình. Họ dám lăn xả và nắm bắt những cơ hội mới của thời kỳ mở cửa. Họ là một phần của “Thế hệ Tôi”.

“Thế hệ Tôi” thích những sự mới lạ, thích thể hiện cái tôi. Điều này trái với quy tắc thứ bậc trong xã hội. Nhưng sự đổi mới nào không cần đến phá cách?

Tôi nhớ cách đây một vài năm, báo chí rầm rộ đưa tin trang web của Bộ Giáo dục - đào tạo bị xâm nhập. Người làm việc đó là một học sinh cấp III. Em làm vì bản thân phát hiện lỗ hổng trong hệ thống dữ liệu của trang web. Sau những cố gắng thông báo cho người quản trị mà không được hồi đáp, em đã tự mình thâm nhập vào lỗi mạng đó và chiếm quyền kiểm soát, không quên để lại tên và thông tin liên hệ.

Trong câu chuyện về em học sinh đó, những người ở thế hệ ba mẹ tôi trầm ngâm bảo rằng em dại dột, nhưng những thanh niên ở tuổi em lại cảm thấy một chút đồng cảm, pha chút tự hào về thành tích này. Sự mâu thuẫn trong nhìn nhận một vấn đề luôn tồn tại khi còn tồn tại khoảng cách giữa các thế hệ.

3. Bên cạnh đó, thế hệ sau luôn là sản phẩm kế thừa của thế hệ trước. Những người phàn nàn về sự ích kỷ của “Thế hệ Tôi” chỉ nhìn vào kết quả mà quên đi nguyên nhân tạo ra họ. Có nhiều yếu tố tác động đến nhóm người của thế hệ Tôi - Tôi - Tôi. Sự phát triển của công nghệ thay đổi mô thức giao tiếp, thay đổi cơ chế thăng tiến, tạo ra một thế hệ thụ hưởng mới. “Thế hệ Tôi” nghiễm nhiên được tiếp cận với những phát kiến của thế hệ cha anh.

Đầy đủ tiện nghi và vật chất, thiếu vắng sự quan tâm của gia đình, tất nhiên sẽ nảy sinh sự ích kỷ và cái tôi quá lớn. Điều này lý giải cho câu chuyện hiện thực xã hội quyết định tính cách của một thế hệ.

Tại Mỹ, thế hệ vĩ đại (The greatest generation) (*) đã xây dựng nên một nước Mỹ siêu cường sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Còn ở Việt Nam, cuộc chiến tranh giải phóng đất nước cũng làm nên một lớp thanh niên đầy chất lý tưởng và cống hiến.

Hiện tượng một số thanh niên chỉ biết đến lợi ích cá nhân, sống ỷ lại sau những năm 1990 cho thấy thế hệ này đã được cung cấp vật chất quá mức như một hình thức bù đắp cho những năm tháng thiếu thốn. Người bù đắp không ai khác là những người cha, người mẹ đã đi qua những năm gian khó của đất nước.

Sự bùng phát kinh tế như một cỗ xe không phanh cuốn mọi người vào chuyến hành trình đến với của cải, bỏ rơi bên đường các giá trị đạo đức, nhân phẩm của con người. Có thể dễ dàng thấy sự khác biệt về nỗ lực và sự kiên nhẫn khi so sánh giữa một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn với một đứa trẻ lớn lên ở thành phố.

4. Như vậy, với cái nhìn lạc quan về sự phát triển của các thế hệ, tôi tin sự xuất hiện của “Thế hệ Tôi” là một sự tất yếu. Chúng ta đã tạo ra thế hệ Tôi - Tôi - Tôi thì hãy chấp nhận nó như là một phần của cuộc sống, và tin rằng họ sẽ tìm ra “thước đo thứ ba” cho thành công của họ.

Trò chuyện với các sinh viên Đại học Smith (một đại học tư về khoa học xã hội cho nữ sinh viên ở Northampton, bang Massachusetts), bà Arianna Huffington, tổng biên tập báo The Huffington Post, đã nói về “thước đo thứ ba” này.

Theo bà, khái niệm thành công của xã hội hiện đại chủ yếu hình thành từ hai yếu tố: tiền bạc và quyền lực... Nhưng nó chỉ là hai chân của một cái ghế, bạn trẻ có thể tạm đứng trên chiếc ghế đó một thời gian, nhưng sẽ khó giữ thăng bằng nếu thiếu một thước đo thứ ba, mà theo bà, đó là “sự khỏe mạnh, thông thái, biết tự đặt câu hỏi và biết cho đi”.

Và qua tâm sự của tác giả Bảo Nhi, Vĩ Anh (trên TTCT số đề ra ngày 21-7-2013), chúng ta đã thấy không ít bạn trẻ Việt sở hữu “thước đo thứ ba” này của thành công.

Hi vọng vào sự ổn định của xã hội về đời sống vật chất và tinh thần sẽ góp phần tạo nên một thế hệ người Việt trẻ khắc phục được những nhược điểm của thế hệ trước: tự tin nhưng không ích kỷ, IQ phát triển cùng EQ, xây dựng mục tiêu cá nhân trong sự tổng hòa mục tiêu xã hội và cộng đồng.

___________

(*): The greatest generation là một thuật ngữ của nhà báo Tom Brokaw, nhằm chỉ những người sinh ra và lớn lên sau cuộc đại khủng hoảng, liền sau đó là Chiến tranh thế giới thứ 2. Họ tham gia cuộc chiến không vì danh tiếng hay để được công nhận mà xem đó như một bổn phận phải làm (http://en.wikipedia.org/wiki/Greatest_Generation)

___________

Khi công nghệ phủ sóng khắp hành tinh, việc gửi một thư điện tử từ trên lầu xuống tầng dưới rất nhanh, nhưng chỉ cần một chút trục trặc thì có khi bạn cầm thư (bằng tay) chạy (bằng chân) xuống gửi tận tay người nhận có khi còn nhanh hơn. 

Tuy nhiên trường hợp dễ nhận thấy là chúng ta sẽ la lối mắng nhiếc không tiếc lời cái đường truyền chết tiệt hay cái máy tính ”cùi bắp” nào đó.

Những người máy sinh học?

Giờ đây không hiếm người tư duy theo quan điểm “Tôi sành điệu - tôi hiện đại tức tôi tồn tại”, vì vậy họ sẵn sàng thức đêm thức hôm để mua bằng được điện thoại đời mới, hãnh diện khi trang bị cả dàn “xinê trong nhà”, hạnh phúc biến mình thành cái giá đeo lủng lẳng đủ thứ công nghệ nghe nhìn kỹ thuật số mới nhất, chí thú với những kết nối trên mạng, hào hứng đăng vài cảm nhận cá nhân, sung sướng với vài lời khen ngợi từ những người không quen biết...

Sao cũng được, bởi chúng ta không thể ngăn được sự phát triển của khoa học công nghệ và nói chung là không nên làm thế vì điều đó đi ngược lại quy luật của cuộc sống trí tuệ và mục tiêu của nhân loại. Dù không ai tiên đoán chính xác con người sẽ phát triển đến mức nào nhưng chắc chắn không ai muốn giới hạn khả năng của mình, và nếu có phải trả một cái giá nào đó hẳn con người cũng sẵn sàng thử vì thật ra chẳng ai biết rõ ràng điều gì sẽ xảy ra.

Với đủ mọi hình thái phát triển từ suy diễn, tưởng tượng trên màn ảnh đến những nghiên cứu khoa học, rất nhiều người trẻ được cảnh báo đủ thứ về các thảm họa có thể có khi họ đánh mất sự tương tác thật sự với cuộc sống. Nhưng ai cũng nghĩ không phải tại họ và hi vọng sự trừng phạt hay trả giá nếu có sẽ... chừa mình ra vì mình tốt, mình đâu có lạm dụng gì, chẳng qua là vì mình sinh... nhầm thời đại, mở mắt ra là đã thế rồi, không xài thì lạc hậu sao (?).

Với sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ hiện đại, biết đâu chúng ta sẽ phát cuồng chào đón viễn cảnh có thể tiến đến một thế hệ “người máy sinh học”, khi mà chúng ta sống để phục vụ máy móc hoạt động chứ không phải máy móc hoạt động để phục vụ chúng ta sống!

“Tác dụng phụ” của công nghệ?

Và như thế, ngoài việc chịu sự chi phối từ máy móc ra, con người giờ đây còn bị ảnh hưởng bởi những “tác dụng phụ” như là một sản phẩm khác của thời đại máy móc: họ yêu nhanh, chia tay dễ dàng, sợ ràng buộc nhưng lại xem đó là sự dứt khoát; thiếu kiên nhẫn với những đòi hỏi của công việc nhưng lại xem chuyện nhảy cóc hai ba việc trong một năm là thành tích; đổ lỗi cho khách quan để che giấu những khuyết điểm bản thân.

Tất cả đều cho thấy sự sợ hãi, thiếu hay yếu khả năng giải quyết vấn đề, chúng khác xa chân dung tự họa đầy kiêu hãnh của bạn trẻ trước cuộc sống.

Khi sở hữu công nghệ cao, không ít bạn trẻ đã cho mình là “đỉnh” thay vì tìm hiểu nên dùng công nghệ đó vào việc gì. Ngay cả cách nhìn nhận của “Thế hệ Tôi” về sự tách rời của bản thân với xã hội và người thân dường như cũng nhuốm màu tự hãnh kiểu như “Sao tôi có mọi thứ (đẹp, tốt, có tài, năng động, hiện đại) mà cuộc sống lại vô vị thế này?”.

Thay vì ngồi đó tự vấn như vậy, có lẽ chúng ta nên tự nhấc mình ra khỏi những ngộ nhận về cái tôi để đừng tự đóng kén mình trong những comment quanh quẩn. Chẳng ai buộc bạn phải chọn lựa giữa công nghệ hay cuộc sống thực tế, bạn vẫn có thể kết hợp hai thứ đó với tinh thần chấp nhận rủi ro và sẵn sàng trải nghiệm hơn là tự đặt quá nhiều câu hỏi mà chẳng chịu động tay vào việc gì.

Nếu bạn cứ mãi giậm chân mà không chịu nhảy vì sợ bị gãy chân thì một cách nào đó bạn cũng đã tự làm gãy chân mình rồi đấy!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận