Lại một chu kỳ mới trên Biển Đông?

DANH ĐỨC 06/03/2023 05:57 GMT+7

TTCT - Những tin tức về các vụ "chạm trán" trên Biển Đông dồn dập một tuần qua. Có vẻ như một chu kỳ mới nữa trên Biển Đông đang bắt đầu, với nhiều bên can dự.

Thứ sáu 24-2, đài Mỹ CNN đưa tin: "Máy bay chiến đấu của Trung Quốc đối đầu với máy bay của Hải quân Hoa Kỳ có nhóm phóng viên CNN trên đó vào lúc căng thẳng sôi sục ở Biển Đông". 

Ba phóng viên của CNN thuật lại đầu đuôi câu chuyện: "Máy bay trinh sát của Hải quân Hoa Kỳ bay ở độ cao 21.500 bộ [khoảng 6.550m] trên Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa tranh chấp 30 dặm [48km]. Chỉ trong vài phút, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc được trang bị tên lửa không đối không đã chặn máy bay Mỹ, áp sát mạn trái chiếc này khoảng 500 bộ [150m]". 

Bản tin CNN có kèm theo video ghi lại cảnh "chặn xét".

Máy bay P8A Poseidon và tàu chiến HMAS Adelaide của Úc trên biển Đông. Ảnh: news.com.au

Máy bay P8A Poseidon và tàu chiến HMAS Adelaide của Úc trên biển Đông. Ảnh: news.com.au

Hai cách làm tin

Các phóng viên CNN mô tả cảnh chiếc máy bay Trung Quốc áp sát máy bay của họ: "Máy bay chiến đấu của Trung Quốc ở rất gần, kíp CNN có thể thấy các phi công quay đầu lại nhìn họ, và có thể nhìn thấy ngôi sao đỏ trên đuôi máy bay và tên lửa mà nó được trang bị". 

Họ cũng thuật lại tường tận cuộc "xét giấy": "Một giọng nói, cho biết là phát đi từ một sân bay của Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA), rè rè qua điện đài chiếc P-8 Poseidon của hải quân Hoa Kỳ: "Máy bay Mỹ. Không phận Trung Quốc là 12 hải lý. Không đến gần nữa hoặc sẽ phải chịu mọi trách nhiệm"".

"Trung úy Nikki Slaughter, phi công lái chiếc máy bay Mỹ, chào hỏi chiếc máy bay hai động cơ, hai chỗ ngồi của PLA: "Máy bay chiến đấu của PLA, đây là chiếc P-8A của Hải quân Hoa Kỳ… Tôi có các bạn ở cánh trái của tôi và định tiến về phía tây. Tôi yêu cầu các bạn cũng làm như vậy, kết thúc"". 

Theo các phóng viên CNN, không có phản hồi từ máy bay chiến đấu Trung Quốc vốn đã tiếp tục "hộ tống" máy bay Mỹ trong 15 phút rồi bỏ đi. 

Bài báo kết luận rằng với nhóm phóng viên CNN trên chiếc máy bay phản lực của Mỹ, lần đầu chứng kiến cảnh "chạm trán" này, là "bằng chứng rõ ràng về những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc".

Hai ngày sau khi CNN loan tin, báo Trung Quốc Global Times 26-2 "phúc đáp" bằng bản tin: "Đoạn phim của CNN cho thấy phản ứng hiệu quả chuyên nghiệp của PLA khi truyền thông Hoa Kỳ thổi phồng căng thẳng ở Biển Đông".

Global Times thuật lại bản tin của CNN không che đậy, thậm chí còn thêm nhiều chi tiết cụ thể hơn: 

"Trong đoạn phim do CNN quay vào thứ sáu trên một máy bay trinh sát P-8A, cất cánh từ căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản, máy bay Mỹ đã nhận được cảnh báo từ PLA khi ở cách quần đảo Tây Sa của Trung Quốc khoảng 48km [Tây Sa là cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa]… 

Sau đó, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc, được nhân viên Hoa Kỳ xác định là J-11 nhưng thực chất là Su-27, trang bị tên lửa không đối không, đã chặn máy bay Mỹ, áp sát ở khoảng 156 mét cách mạn trái". 

Kết quả, theo Global Times: "Máy bay của Trung Quốc đã bỏ đi khi máy bay Mỹ trực chỉ hướng nam".

Về diễn tiến tình hình, hai bản tin của CNN và Global Times không khác nhau mấy, nhưng nhận định thì hoàn toàn khác. 

Trong khi CNN cảnh báo "những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc", Global Times lớn tiếng cáo buộc: "Kẻ xâm lược thực sự là quân đội Mỹ, vốn thường xuyên phái máy bay do thám đến ngưỡng cửa Trung Quốc để do thám cho thật gần". 

Global Times cũng gián tiếp bác bỏ việc CNN nói là máy bay Trung Quốc áp sát đến 3m bằng cách vỗ ngực khoe rằng các phi công PLA đã "phản ứng hiệu quả chuyên nghiệp".

"Xét giấy" có hệ thống

Với trung tá hải quân Marc Hines, người chỉ huy nhiệm vụ này của Hải quân Hoa Kỳ, chuyện này có một ý nghĩa khác: "Tôi muốn nói rằng đó lại là một buổi chiều thứ sáu khác nữa trên Biển Đông", tức đó là "chuyện thường ngày ở huyện".

Mà có vẻ đúng như vậy. Trước vụ chặn trên không "xét giấy" hôm

24-2, từng xảy ra một vụ "xét giấy" khác hôm 21-12 mới cuối năm rồi. Lần đó, một máy bay quân sự Trung Quốc áp sát một máy bay Mỹ ở khoảng cách 20 bộ (6m) trên biển Đông, nguồn tin Hải quân Mỹ (USNI) loan tin hôm 30-12-2022. 

Theo đó, một phi công chiến đấu cơ J-11 của Hải quân PLA đã thực hiện thao tác không an toàn trong khi chặn một máy bay RC-135 của Không quân Hoa Kỳ đang tiến hành một cách hợp pháp các hoạt động thường lệ trên Biển Đông trong không phận quốc tế.

Trong một tuyên bố, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ cho biết phi công PLA đã bay phía trước và trong phạm vi chỉ cách 20 bộ (6m) tính từ mũi chiếc RC-135, buộc chiếc này phải thực hiện các thao tác né tránh va chạm. 

Hãng thông tấn Anh Reuters còn ghi chú thêm là một người phát ngôn quân sự Mỹ cho biết chiếc J-11 của Trung Quốc đã bay cách chiếc RC-135 của Mỹ chỉ 3m, còn khoảng cách 6m là tính tới mũi máy bay.

Cái kiểu bay áp sát cực gần để vừa thị uy vừa khẳng định chủ quyền này không chỉ xảy ra với máy bay Mỹ mà cả với máy bay các nước khác chung quanh như Úc, qua vụ một chiếc J-16 "xét giấy" một chiếc P-8 Poseidon hồi đầu tháng 6-2022. 

Trong một phỏng vấn trên kênh 9News của Úc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Richard Marles thuật lại rằng chiếc J-16 bay rất sát chiếc P-8, đột ngột tăng tốc và cắt ngang mũi chiếc P-8 ở khoảng cách rất gần, rồi thả ra một chùm pháo sáng chứa các mảnh nhôm nhỏ mà một số đã lọt vào động cơ chiếc P-8.

"Rõ ràng là rất nguy hiểm", ông Marles nhận định. Không chỉ là nguy hiểm mà còn đe dọa cả chiếc máy bay lẫn tính mạng nhân viên phi hành khi các mảnh nhôm lọt vô động cơ máy bay có thể phá nát lưỡi chong chóng, làm máy bay có thể tê liệt, thậm chí gây cháy nổ. 

Lần đó, Bộ Quốc phòng Úc ra thông cáo phản đối. Mức độ nghiêm trọng của sự cố thể hiện qua việc đích thân Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã nêu vấn đề với Bắc Kinh. 

Ông Albanese cũng nói máy bay Úc đang bay "phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển và không phận quốc tế".

Đó cũng không phải lần đầu Trung Quốc xua đuổi máy bay Úc. Trước đó 4 tháng, vào tháng 2-2022, một tàu chiến Trung Quốc đã chiếu đèn laser quân sự lên một chiếc P-8 khác của Úc, lần này ngay ở ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Úc. 

Chính phủ Úc phản kháng và gọi hành động này là "nguy hiểm" và "liều lĩnh". Chuyện rọi đèn laser quân sự để làm chói mắt đối phương này cũng là điều mà Trung Quốc mới làm với một tiểu đĩnh Philiipines hôm 6-2 vừa rồi gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) trong khu vực Trường Sa.

Cả một quá trình

Cần nhắc, máy bay chiến đấu Trung Quốc lần đầu tiên "làm luật", đòi "xét giấy" một máy bay trinh sát Mỹ bên ngoài khu vực đảo Hải Nam là vào năm 2001, khi Trung Quốc mới nổi lên và sự hiện diện ở Biển Đông của họ còn chưa dày đặc như bây giờ. 

Bấy giờ mới là khởi đầu của giai đoạn "cạnh tranh trên Biển Đông" mà Trung Quốc còn ở thế rượt đuổi. Lần hồi, nay thì Trung Quốc có vẻ đang dần "qua mặt không thèm bóp còi" với những vụ việc tương tự ngày càng thường xuyên.

Ở khu vực Biển Đông rộng 3,5 triệu km2, một thực tế đang diễn ra là Trung Quốc ngày càng khẳng định một cách cụ thể cái gọi là đường chín đoạn - vốn đến nay vẫn không được xác định rõ ràng, chỉ đại khái chiếm đến 75% diện tích một vùng biển thiết yếu với giao thương quốc tế lẫn đời sống của hàng trăm triệu người của hàng chục quốc gia xung quanh. 

Trong khi các nước vẫn trông cậy vào một sự tài phán quốc tế thì Trung Quốc đến nay vẫn không công nhận. Mới đây nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố: ""Trọng tài Biển Đông" là trò hề chính trị do Mỹ tạo chế. Cái gọi là "phán quyết" đó là bất hợp pháp và không hợp lệ và sẽ không có bất kỳ tác động nào với các yêu sách về quyền của Trung Quốc ở Nam Hải" (Global Times 14-2).

Đặc biệt, nay Trung Quốc nhấn mạnh "chủ quyền" khu vực quanh đảo Hoàng Sa và Trường Sa 12 hải lý, vì những lý do quân sự và nguồn lợi chiến lược, và buộc các nước tránh xa như đã thấy qua các vụ trên hết năm này qua năm khác. 

Không phải chỉ để hiện diện quân sự tại đây mà Trung Quốc đã xây dựng các rạn san hô và bãi cát nhỏ cách xa bờ biển của mình thành các đảo nhân tạo, củng cố bằng tên lửa, đường băng và hệ thống vũ khí. 

Trong thực tế trên không, khu vực này đã trở thành một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc dù không tuyên bố.

Trung Quốc dùng các biện pháp "tác động vật lý" ngày càng thô bạo hơn để áp đặt chủ quyền tự xưng đó. Các vụ "làm luật" có thể dẫn tới va chạm hay đụng độ này không chỉ là giữa Trung Quốc với Mỹ mà là với nhiều nước khác nữa. Thế cho nên không thể đơn giản cứ nghĩ rằng chẳng qua chỉ có "Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh".■

Trong bản tin nói trên, CNN cũng đưa ra lập luận pháp lý nhằm chứng minh máy bay Mỹ không vi phạm chủ quyền nước nào:

(1) "Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán lịch sử với gần như toàn bộ vùng biển rộng lớn, và kể từ năm 2014 đã xây dựng các rạn san hô và bãi cát nhỏ thành đảo nhân tạo được củng cố mạnh bằng tên lửa, đường băng và hệ thống vũ khí - gây ra sự phản đối kịch liệt từ các bên yêu sách khác. Bao quanh chúng là không phận 12 hải lý mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hôm thứ sáu - yêu sách này Washington không công nhận".

Và (2) "Năm 2016, trong vụ kiện do Philippines khởi kiện, một tòa án quốc tế ở The Hague đã phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử với phần lớn vùng biển là không có cơ sở pháp lý. Nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết của tòa và tiếp tục tăng cường quân sự, xây dựng căn cứ ở Trường Sa mà họ gọi là quần đảo Nam Sa".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận