Tin tức về các loại vaccine COVID-19 đã “ra lò” đi kèm niềm vui khấp khởi trên toàn cầu, nhưng để những “cứu tinh nhân loại” này tới được với người cần cứu vẫn còn là một hành trình hết sức chông gai. Ảnh: The New York TimesKhi một thùng cà rem rời khỏi kho lạnh âm 18 độ của cơ sở sản xuất đến kho trung chuyển của chú Hai (âm 12 độ) rồi được chở tiếp tới tủ đông của cô Ba bán lẻ có nhiệt độ âm 6, thì vấn đề nan giải nhất là quãng đường tổng cộng 25 cây số trên xe ôm bác Tư dưới trời nắng dương 38 độ của Sài Gòn, chưa kể trung bình 90 phút đứng đợi kẹt xe - chuyện thường ngày trên cả thế giới. Đó chính là nỗi lo của các nhà cung cấp như BioNTech/Pfizer. Đầu tiên họ lo không kịp chế ra vaccine cứu nhân loại khỏi móng vuốt virus corona, đến khi có thuốc rồi thì lại lo không được cấp phép đủ sớm, có phép rồi đến lượt lo chuyện bảo quản và chuyên chở. Ví dụ thuốc ngừa của BioNTech/Pfizer chẳng hạn, phải bảo quản để ở nhiệt độ âm 70, điều khiến những đất nước cả tỉ dân như Ấn Độ hoặc nhiều vùng sâu vùng xa khác của thế giới thứ ba có thể bị loại khỏi chiến dịch chích ngừa toàn cầu.Trong lịch sử nhân loại, chưa có đại dịch nào khiến người ta nghĩ nhiều đến ngày tận thế như dịch corona. Ít nhất thì sau ngót một năm thấp thỏm, nay hầu như mỗi tuần lại có một tia sáng le lói cuối đường hầm, nuôi hi vọng vào một vài loại vaccine đầu tiên. Trong khi các vận động viên sáng giá nhất vừa tới gần vạch đích thì ở Nga, Trung Quốc và Brazil, đã hoặc đang có kế hoạch tiêm trực tiếp cho người dân như một dạng “ăn cơm trước kẻng” hay thí nghiệm lâm sàng trên người không tự nguyện. Nhưng ngay cả người dân chịu tiêm, vẫn còn những khó khăn chồng chất chưa hình dung được hết.Các ứng viênBrazil đứng thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ) về số người nhiễm bệnh và chết vì COVID-19, nhưng sự bất đồng về chiến lược chống dịch giữa tổng thống thiên hữu và các thống đốc bang khiến dân chúng đang ngày càng sôi sục. Sau khi trên 173.000 người đã chết vì COVID-19 ở Brazil, nhiều hơn cả Ấn Độ 1,3 tỉ dân, bang Sao Paolo quyết định từ tháng này sẽ tổ chức tiêm chủng đại trà, dù chưa biết đó chỉ là khuyến cáo hay bắt buộc. Brazil mua thuốc chích ngừa từ 6 cơ sở sản xuất, nhưng trước đó đã có tranh cãi lớn ở đây về vaccine đầu tiên trên thế giới - Sputnik V của Nga.Theo thỏa thuận, Nga sẽ thí nghiệm đợt ba trên người tình nguyện ở Brazil. Bang Bahia đã vội ký hợp đồng mua 50 triệu liều, nhưng không thể cấp phép vì Nga không nộp các thông số khoa học cơ bản vào tháng 10 như trong hợp đồng. Một lần nữa Tổng thống Jair Bolsonaro lại thọc gậy bánh xe: ông tuyên bố chỉ tín nhiệm thuốc của Oxford (Anh), và sẽ không bỏ một xu mua vaccine của Trung Quốc, dù trước đó thống đốc Sao Paolo đã đặt mua 46 triệu liều từ Bắc Kinh.Khác với thử nghiệm giai đoạn ba ở Brazil và các nước khác, việc tiêm chủng phòng COVID-19 của Trung Quốc không chịu sự giám sát của các tổ chức khoa học quốc tế, do đó hiện không được tin tưởng lắm. Bản thân Trung Quốc thông báo có bốn loại vaccine, trong đó “xài được” nhất là sản phẩm của Sinovac, tuy chưa xong thử nghiệm giai đoạn ba nhưng đã tiêm cho công nhân nước này trước khi bay sang Trung Đông làm thuê ở các giàn khoan, theo tờ Los Angeles Times.Một phụ nữ Bắc Kinh, do không muốn bị mất việc ở Chile, đã tin vào đồn đại trên Internet và bay hơn 1.000 cây số nội địa đến thành phố Nghĩa Ô xin được chích ngừa, với hi vọng được tái nhập cảnh Nam Mỹ. Giá mỗi mũi tiêm 25 euro không hẳn quá cao, nhưng Nghĩa Ô buộc phải làm cô thất vọng vì… không có thuốc. Đầu tháng 10, Tập đoàn công nghệ hóa sinh quốc gia China National Biotech Group (CNBG) thông báo đã thử tiêm thuốc cho 350.000 quân nhân và công chức nhà nước.Ảnh minh họa: Getty ImagesCác tập đoàn “xe ôm”Nói “xe ôm” chỉ là để nhấn mạnh vị thế của công tác vận chuyển thuốc, một khi thuốc được cấp phép sử dụng để chống lại con virus nguy hiểm nhất xưa nay. Vì giống như phải làm sao để cây cà rem không chảy vữa và méo mó lúc đến tay thực khách, liều vaccine chỉ không biến thành thuốc độc khi chuỗi thiết bị bảo quản lạnh ổn định - từ âm 2 đến 15 độ, có loại cần đến âm 70 độ - không bị gián đoạn trên đường từ Đức sang Ấn Độ hay từ Mỹ đến sa mạc Sahara. Hãng thông tấn AP tính ra 3 tỉ người, non nửa dân số trái đất, sẽ không thể tiếp cận vaccine chống COVID-19 vì thiếu kho lạnh cần thiết, tập trung ở các vùng Trung Á, Đông Nam Á, Ấn Độ, Nam Mỹ, và hầu hết châu Phi.Hôm nay, một trong những vaccine sáng giá nhất là BNT162b2 còn chưa có giấy phép, vì vậy hãy thử tập trung vào vài con tính kho vận đơn giản với hàng tỉ liều thuốc dự tính được gửi đi khắp thế giới. Trước hết, đây là một nhiệm vụ mà, nói ví dụ, sân bay Frankfurt chưa bao giờ gặp từ khi thành lập. Không chỉ là sân bay lớn nhất nước Đức, Frankfurt còn là điểm trung chuyển lớn nhất châu Âu.Rào cản đầu tiên là BNT162b2 phải liên tục được lưu kho và vận chuyển ổn định ở âm 70 độ, mọi lệch lạc đều làm giảm hoặc triệt tiêu hiệu quả của thuốc. Kho hàng của sân bay Frankfurt hiện có chừng 12.000 mét vuông với thiết bị làm lạnh tối đa âm 20 độ, chỉ bằng cái móng tay so với lượng thuốc cần lưu trữ và vận chuyển. Nước Đức, vốn lo xa, hiện đã phải mở rộng sản xuất container lạnh sâu, loại có thể cắt điện tối đa 120 tiếng liền mà vẫn chạy được nhờ băng khô. Giá mỗi container này chừng 20.000 euro (hơn 554 triệu đồng).Sự thiếu hụt không chỉ dừng lại ở đó. Các công ty vận tải lớn nhất như DHL và UPS đang tự hỏi lấy đâu ra cùng lúc 200.000 pallet (giá đỡ) chở hàng. Rồi cho đến giữa năm 2022, dự tính sẽ phải chuyên chở 10 tỉ liều thuốc - đi kèm là thiếu thốn đủ thứ, từ cái khổng lồ như máy bay vận tải cỡ lớn cho tới cái tí xíu như lọ thủy tinh đặc dụng đựng vaccine. Lọ đựng vaccine là loại sản phẩm vốn chỉ được một số ít công ty chế tạo, không phải là hàng dễ tính, và tính chất sản phẩm không cho phép nâng cao sản lượng nhanh chóng, chưa kể nếu muốn nâng, thì mức đầu tư rất lớn. Cho đến nay chỉ có vài tên tuổi như Corning (Mỹ) và Schott (Đức) trong sân chơi này. Fabian Stocker, phó chủ tịch Tập đoàn Schott phụ trách dược phẩm, cho biết sẽ phải đầu tư 1 tỉ đôla để sản xuất thêm 7 tỉ lọ thủy tinh - và mốc này chỉ đạt được vào năm… 2025!Những cảnh báo trên đây không mới, mà đã được giới chuyên gia đưa ra tối thiểu là từ tháng 5. Mỗi trục trặc, dù nhỏ hay lớn, trong dây chuyền này đều ngăn cản nỗ lực chặn đứng đại dịch. Người ta đành tiếp tục mong đợi các phát kiến tiếp theo, như vaccine bảo quản và chuyên chở được bằng tủ lạnh thông thường, hay thậm chí ở dạng viên nhộng không cần giữ lạnh.Câu hỏi “đầu tiên”Con người đã vượt qua nhiều thảm họa, từ núi lửa đến sóng thần, từ bom nguyên tử đến đủ loại dịch bệnh, rồi sẽ có ngày chữa được cả AIDS lẫn ung thư, corona rồi cũng sẽ qua. Nhưng đi kèm mỗi tai ương luôn là chuyện tiền nong thường nhật. Tháng 6 vừa rồi, trước làn sóng corona thứ hai, Tổ chức OECD của các nước giàu dự đoán đại dịch sẽ gây ra thoái trào kinh tế trong thời bình lớn nhất trong 100 năm qua. Suy giảm kinh tế của các nước công nghiệp bình quân sẽ vào khoảng 6-8%.Ngoài ra, tuy còn quá sớm, cũng không thể quên khía cạnh kinh tế thứ hai của dịch bệnh: không ai “hi sinh quên mình”, tự dưng bỏ công bỏ sức ra cứu rỗi thế giới. Để cả nhân loại được tiêm chủng hoặc chữa trị, ắt sẽ có kẻ giàu lên gấp bội, và 5% đó giàu lên thì 95% còn lại sẽ phải thanh toán hóa đơn. Hi vọng vào thành công của BioNTech/Pfizer sẽ biến thành con số cụ thể; trước đây một năm trái phiếu BioNTech còn là 20 đôla, nay đã trên 100. Tập đoàn Moderna của Hoa Kỳ cũng thế: sau khi hứa cung cấp vaccine cho EU vào cuối tháng 12 với hiệu quả 94,5%, trái phiếu của họ cũng từ 20 vọt lên 109 đôla.CureVac, một ứng viên sáng giá khác của Đức và một thời gian dài được coi là số 1, nay tuy tụt lại và hẹn đến giữa năm 2021 mới có sản phẩm - bù lại họ chỉ cần lượng hoạt chất cực nhỏ, nói cách khác dự kiến giá thành sẽ rẻ hơn nhiều. Ai mua trái phiếu của CureVac hồi đầu năm 2020 với giá 16 euro, nay có thể vui mừng với lãi suất 400%.Như đã nói, khi 5% giàu lên như thổi, 95% sẽ còn rên xiết dưới hậu quả của virus corona chưa biết đến bao giờ. Đó là còn chưa kể vấn đề ở các lĩnh vực khác: học đường rối loạn làm tăng bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội, cơ quan lập pháp bị áp lực thời gian và kinh tế mà phải phẩy tay cho qua một số đề đạt thiếu dân chủ của cơ quan hành pháp, văn hóa nghệ thuật chạy cầm chừng vì mất khán giả, bệnh nhân bị hoãn điều trị hoặc không được quỹ bảo hiểm hỗ trợ vì ngành y tế phải dồn sức chống dịch… Những người ấy có thể sẽ không bị bỏ rơi, nhưng họ phải xếp hàng tận cuối cùng. Hôm nay quan trọng là tìm cách chế thuốc và chuyên chở nó cho cả thế giới, số thuốc mà chưa ai rõ sẽ thanh toán ra sao. ■Ở Nga, hồi tháng 8, Sputnik V được cấp phép. Phương Tây tỏ vẻ nghi ngờ tốc độ cấp phép quá nhanh để lấy tiếng, hệt như cái tên Sputnik của vệ tinh nhân tạo đầu tiên từng làm Mỹ choáng váng. Tuần trước, Nga mới nộp đơn xin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép khẩn cấp cho Sputnik V, vào lúc trong nước đã cho phép lưu hành vaccine thứ hai là EpiVacCorona. Cuối tháng này, và chậm nhất đầu năm 2021, thị trưởng Matxcơva tuyên bố sẽ tiêm chủng hàng loạt cho dân thủ đô, tin tức đi kèm kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu dư luận Levada cho thấy 59% người dân không chịu tiêm. Tags: Lùng hiện vật
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.