TTCT - Mỗi năm có hơn 100.000 lao động VN ra nước ngoài làm việc hợp pháp. Hiện có khoảng 580.000 lao động đang làm việc ở 40 quốc gia. Nhưng vẫn còn quá nhiều lao động, nhất là ở các vùng quê nghèo, vì thiếu thông tin, vì muốn đi nhanh trong khi ngoại ngữ và tay nghề đều yếu nên đã “nhắm mắt” đi th Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đồ họa: L.T. 2-2,5 tỈ USD/năm Tại một hội nghị về xuất khẩu lao động (XKLĐ) hồi đầu tháng 10-2019 ở Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đánh giá: công tác XKLĐ những năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2017, XKLĐ đạt được con số kỷ lục với trên 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (vượt 28,3% so với kế hoạch năm). Năm 2018, tổng số lao động VN đi làm việc tại nước ngoài đạt gần 143.000 người (vượt 30% so với kế hoạch)… Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2018 thị trường đứng đầu về lượng tiếp nhận lao động VN là Nhật Bản (gần 70.000 lao động), tiếp đến là Đài Loan (hơn 60.000 lao động), Hàn Quốc (trên 6.500 lao động)... Ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết báo cáo kết quả giám sát chuyên đề XKLĐ giai đoạn 2010-2017 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đánh giá “bức tranh XKLĐ có nhiều chuyển biến”. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm lao động đi làm việc nước ngoài đạt hơn 102.000 người/năm, chiếm 7% số người được giải quyết việc làm mới của cả nước, có xu hướng tăng rõ rệt. Cũng theo kết quả giám sát, lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ. “Bình quân thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 500 USD/người/tháng ở thị trường Trung Đông; 800-1.000 USD/người/tháng ở thị trường Đài Loan; 1.300-1.400 USD/người/tháng ở thị trường Nhật Bản; 1.700 USD/người/tháng ở Hàn Quốc. Một số thị trường châu Âu mức thu nhập của người lao động cũng đạt 700-1.000 USD/người/tháng. Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa VN trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm lượng tiền người lao động gửi về nước 2-2,5 tỉ USD, với mức tăng trung bình mỗi năm là 6-7%” - ông Liêm cho biết. Ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH. -Ảnh: VIỆT DŨNG Cần cảnh giác, tránh bị lừa Trao đổi với TTCT về các kênh chính thức để người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông NGUYỄN GIA LIÊM cho biết: - Theo Luật về người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài, hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có các hình thức hợp pháp: thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và kênh người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân. Tức là cá nhân cũng có thể tự đi XKLĐ? - Đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp dịch vụ là hình thức phổ biến nhất. Người lao động cần lưu ý hoạt động đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, chỉ các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ mới được phép tuyển chọn, đào tạo, thu tiền và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Còn việc người lao động ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân thì trong luật đã có quy định. Theo đó, người lao động được phép đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân, nhưng phải đăng ký hợp đồng cá nhân đó tại sở LĐ-TB&XH, nơi người lao động thường trú và phải đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự VN tại nước mà người lao động đến làm việc. Khi đó, người lao động mới được cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự VN ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật VN, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích quy định trong hợp đồng cá nhân. Có thực tế là ở các tỉnh biên giới, công dân VN vẫn sang Trung Quốc, Lào, Campuchia làm việc theo mùa vụ? - Cục cũng nhận được thông tin của các địa phương hỏi về các trường hợp người dân ở khu vực biên giới chỉ bằng giấy thông hành đã sang bên kia biên giới với tư cách đi du lịch, thăm thân nhưng ở lại làm việc trong thời gian ngắn, mang tính chất mùa vụ trong một tuần, một tháng. Cục đã trả lời và hướng dẫn các địa phương cần thực hiện quản lý lao động theo đúng quy định của Luật đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài. Việc người lao động đi XKLĐ theo hình thức cá nhân như vậy nếu không quản chặt sẽ có hệ lụy, như việc mượn cớ đi du lịch, thăm thân nhân rồi bỏ trốn ở lại nước đó làm việc bất hợp pháp? - Với giấy thông hành này, với lý do thăm thân hay du lịch mà ở lại làm việc thì lại sai quy định, trở thành người cư trú bất hợp pháp. Người lao động nếu thiếu thông tin, hiểu biết còn hạn chế thì khi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro. Trước hết là không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện. Hoặc do không có hợp đồng lao động hợp pháp nên việc làm và thu nhập không bảo đảm, không được hưởng các chế độ bảo hiểm và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ. Bên cạnh đó, do không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến, không được trang bị kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ nên những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ. Ngoài ra, do công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài không đăng ký với các cơ quan chức năng của VN, không đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự VN tại nước mà họ đến làm việc nên trong trường hợp gặp khó khăn, có phát sinh các vụ việc trong thời gian cư trú và làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của VN sẽ rất khó trong việc tiếp cận, nắm bắt tình hình, tư vấn hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật VN, pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế. Nhiều người lao động đăng ký kỳ thi tuyển tiếng Hàn để tìm cơ hội được làm việc ở Hàn Quốc. Ảnh: Đ.BÌNH Vậy Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tuyên truyền, giám sát thế nào để người dân đỡ bị lừa? - Để tránh bị các đối tượng rủ rê, lôi kéo đi làm việc sai quy định, Cục Quản lý lao động ngoài nước thường xuyên thông tin đến người lao động qua nhiều kênh: báo chí, tờ rơi, các thông tin hướng dẫn đăng công khai trên các website của Bộ LĐ-TB&XH (molisa.gov.vn), của Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn)… Nhưng có thể người lao động ở vùng miền núi, vùng nông thôn chưa tiếp cận, chưa nắm bắt được hết những thông tin, chính sách về XKLĐ nên những đối tượng cò mồi, công ty XKLĐ “chui” vẫn có đất để lừa đảo người lao động. Vẫn có người lao động có thể vì thiếu thông tin, muốn đi nhanh trong khi ngoại ngữ và tay nghề đều yếu nên đã “nhắm mắt” đi theo các kênh bất hợp pháp để rồi “tiền mất tật mang”. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khuyến cáo các địa phương về tình hình trên và đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân các rủi ro của việc đi nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp. Chúng tôi làm thường xuyên, nhưng tới đây sẽ tăng cường công tác thông tin, đồng thời đề nghị các sở LĐ-TB&XH tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình đi làm việc ở nước ngoài của dân tại địa phương nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại đang môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người đi trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.■ Nhiều lao động trái phép ở Nhật Bản Hiện có khoảng 300.000 người VN đang lưu trú tại Nhật Bản. VN đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài và số thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn tại Nhật. Nguyên nhân do một số công ty phái cử và công ty tư vấn du học lừa gạt người VN để thu phí môi giới cao, quảng cáo sai sự thật về các chương trình vừa học vừa làm thu nhập cao. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều người mang gánh nặng kinh tế khi ra đi và dễ bỏ trốn, phạm tội tại Nhật Bản. Cũng có những doanh nghiệp Nhật Bản không thực hiện đúng luật lao động đối với thực tập sinh: không trả lương làm thêm cho người lao động và có những công ty môi giới dụ dỗ người lao động ra ngoài làm thêm được trả lương cao và để người lao động bỏ trốn. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "DI CƯ LAO ĐỘNG, NẠN BUÔN NGƯỜI & TRÁCH NHIỆM TỐI THƯỢNG Tiếp theo Tags: Xuất khẩu lao độngLao động ở nước ngoàiThị trường lao động ngoài nước
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.