Làm gì để cạnh tranh với hàng Trung Quốc?

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 07/03/2009 20:03 GMT+7

TTCT - Với một thị trường bán lẻ có tổng doanh thu lên đến 54 tỉ USD/năm nhưng hiện tại các doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, quyền viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng lý do chính là bị cạnh tranh bởi đối thủ mạnh là hàng Trung Quốc.

Nếu không học, có chiến lược và cách ứng phó trước mắt với đối thủ này, không những VN khó tận dụng cơ hội từ kích cầu nội địa mà sau này sẽ bị lấn át trên chính sân nhà. Ông Thiên nói:

- Có thể thấy Trung Quốc đang gặp những khó khăn lớn và chiến lược tăng cường xuất khẩu đang khiến hàng Trung Quốc xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Ngay nước Mỹ, với khả năng cạnh tranh hàng đầu, cũng đã gặp khó khăn với hàng Trung Quốc và họ có ý thức rất rõ về điều này.

Hiện tại có thông tin hàng tồn Trung Quốc đang được tập kết ở đường biên, sẵn sàng bán đại hạ giá vào VN. Đây có thể là một nguy cơ đối với các doanh nghiệp sản xuất VN nếu họ không sớm tìm bước đi thích hợp. Lâu nay hàng Trung Quốc đã ào ạt vào VN qua cả đường chính và tiểu ngạch khiến nhiều doanh nghiệp của chúng ta lao đao vì chúng rẻ hơn, đa dạng hơn.

* Theo ông, hàng Trung Quốc là cơ hội hay là một nguy cơ cho các nền sản xuất non trẻ như VN?

- Trước đây, khi VN còn khó khăn, hàng hóa khan hiếm, hàng Trung Quốc đã giúp đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân với giá rẻ. Nhưng khi nền sản xuất hàng hóa phát triển, khi doanh nghiệp phải bỏ tiền quảng cáo để bán hàng thì các mặt hàng sản xuất tại VN đã nhanh chóng nhìn ra áp lực từ hàng Trung Quốc. Không thể nói hàng Trung Quốc không tạo khó khăn cho hàng trong nước. Ngay cả nền sản xuất hiện đại như Mỹ còn bị ảnh hưởng với thâm hụt cán cân thương mại nặng nề. Và chúng ta cũng thấy dù tôn trọng thương mại tự do nhưng Mỹ đã có những phản ứng mạnh.

Hàng Trung Quốc đang làm thị trường hàng hóa VN thêm đa dạng, nhiều sự lựa chọn nhưng bên cạnh đó, nó đang khiến thâm hụt cán cân thương mại giữa VN và Trung Quốc ngày càng nới rộng ra. Người già thì có răng giả Trung Quốc, trẻ em thì có đồ chơi Trung Quốc với giá rẻ, chủng loại đa dạng, rõ ràng khó khăn cho các nhà sản xuất VN làm những mặt hàng tương tự là không nhỏ.

* Vậy nên ứng xử với hàng Trung Quốc thế nào?

- Chúng ta phải chấp nhận nó như một bài toán của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không thể chấp nhận cạnh tranh không cân sức giữa hàng hóa sản xuất trong nước đang phải chịu nhiều khó khăn với hàng Trung Quốc được nhập lậu qua biên giới. Và các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng cũng phải tính bài, chứ không thể chỉ yêu cầu Trung Quốc cho nhập một số mặt hàng để giảm thâm hụt.

* Ông có đồng ý với quan niệm cho rằng nếu hàng VN muốn hướng vào thị trường nội địa, việc đầu tiên là... nghiên cứu hàng Trung Quốc với chủ trương nhanh, bền, tốt, rẻ... của họ?

- Có thể nói hàng hóa Trung Quốc đã khá thành công ở VN. Hàng hóa của họ xuất hiện từ trong siêu thị tới tít tận vùng sâu vùng xa. Sự phổ biến của hàng Trung Quốc, theo tôi, đã đạt mức rất cao, thậm chí nhiều thứ vượt trội hàng VN. Cứ thử vào bất cứ gia đình VN nào, thật hiếm có nhà nào không có đồ Trung Quốc. Thiết bị ít tiền thì có ấm chén, quần áo, giày dép, chăn màn, nhiều tiền thì có xe máy, vật liệu xây dựng, hàng điện tử, thiết bị nhà tắm...

Hàng Trung Quốc dễ được chọn, theo tôi, không chỉ vì giá rẻ, mà vì sự tiện dụng, hình thức bắt mắt, lại có khả năng đáp ứng sự đa dạng của nhu cầu. Muốn rẻ có, muốn đẹp cũng có, và rẻ nhưng có nhãn mác xịn cũng có... Đây là điều không phải ai muốn học cũng được. Doanh nghiệp VN bây giờ học làm theo kiểu nhanh, nhiều, tốt, rẻ một cách cấp thời để cạnh tranh “nóng” với hàng Trung Quốc trên thị trường nội địa có thể sẽ thất bại. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự chuẩn bị, rèn luyện trong nhiều năm, và phải có cả chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Với sự xuất hiện rất phong phú của hàng Trung Quốc ở VN, việc các doanh nghiệp VN, tùy đặc điểm của mình, muốn hướng vào thị trường nội địa cũng nên chọn những điều thiết thực, cụ thể để học họ. Theo tôi, điều quan trọng nhất nên học doanh nghiệp Trung Quốc là cách bán hàng, đa dạng hóa sản phẩm. Họ có nhiều mặt hàng nhưng mỗi mặt hàng khai thác một đối tượng khác nhau khiến hiện nay trong nhà nghèo có hàng Trung Quốc và nhà giàu cũng có.

* Muốn quay lại thị trường nội địa, theo ông, đâu là chìa khóa cho doanh nghiệp?

- Thị trường nội địa còn bỏ ngỏ chủ yếu là thị trường nông thôn. Muốn về đây thì hàng phải rẻ, đa dạng và sát sườn với nhu cầu của người dân. Doanh nghiệp VN có thể học hàng Trung Quốc, nhưng nếu tạo thêm sự khác biệt bằng chất lượng tiếp thị, dịch vụ hậu mãi, bảo hành, chất lượng ổn định hơn... thì cơ may thành công sẽ cao hơn.

Theo tôi, một số doanh nghiệp thay vì đơn giản sa thải công nhân khi khó khăn, trả cho họ ít tiền để họ về quê thì có thể khuyến khích họ về quê mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Như vậy vừa không mất phí tìm đại lý, lại có nhiều kênh bán hàng rất linh động.

* Ông vừa nói doanh nghiệp cần giảm giá. Thật ra ai cũng muốn giảm giá để bán nhưng làm sao giảm được khi chi phí đầu vào vẫn cao?

- Tiềm năng giảm giá tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp, vào chiến lược phát triển, nợ và lợi nhuận kỳ vọng của họ. Nhiều doanh nghiệp nên bắt tay nhau để cùng khai thác tốt nhất lợi thế. Có thể nói liên kết là lối ra đối với các doanh nghiệp hiện nay. Giảm thiểu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận là mục đích của liên kết mà các nước đã làm tốt chứ không phải đơn giản để... dễ kêu ca như ở ta.

* Nhiều doanh nghiệp VN xuất khẩu khá tốt nhưng khi quay lại thị trường nội địa không bán được hàng vì gặp khó về giá và phân phối. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu?

- Nhiều doanh nghiệp VN vẫn quen làm hàng gia công xuất khẩu. Tâm lý bán cái mình có chứ không bán cái người ta cần vẫn còn. Tuy nhiên, để hàng VN có thể thâm nhập tốt hơn thị trường nội địa, chống buôn lậu phải làm thật triệt để. Hàng Trung Quốc được lợi về thị trường có thể sản xuất quy mô lớn nên dễ hạ thấp chi phí. Chính sách tỉ giá của Trung Quốc lại mang tính khuyến khích xuất khẩu nên nếu để hàng Trung Quốc tràn ngập, nhất là hàng lậu, thì hàng VN khó lòng vươn dậy.

Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, nếu muốn giúp hàng VN tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà không ngăn được hàng lậu thì doanh nghiệp khó làm gì được. Chính phủ cần tính kỹ hơn đến chính sách tỉ giá theo hướng tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu, ít khuyến khích nhập khẩu. Cũng cần xem lại các sắc thuế sao cho phù hợp WTO, nhưng vẫn khuyến khích cho hàng nội phát triển. Đặc biệt là các hàng nông sản, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng...

* Theo ông, công tác xúc tiến thương mại đã thật sự khuyến khích xuất khẩu hàng VN, hay chính sách hiện tại đã đủ giúp hàng nội lên ngôi chưa?

- Theo tôi, các cơ quan nhà nước nên chủ động, đa dạng hóa hơn nữa các cách tiếp cận, xúc tiến để hàng hóa VN xuất khẩu được nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp vẫn khó tìm được thông tin từ Nhà nước. Nhà nước nên chủ động mở cửa thị trường ngoại để giúp hàng VN tiêu thụ được nhiều hơn.

* Hiện tại, theo ông, Nhà nước nên đa dạng hóa hình thức kích cầu như thế nào để giúp hàng Việt?

- Khi khó khăn thì nên tận dụng mọi cơ hội. Chính phủ hỗ trợ người nghèo có thêm tiền mua sắm tết là cách kích cầu ở nông thôn tốt. Số tiền hỗ trợ được trực tiếp chi để mua hàng hóa. Kích cầu trước hết là tính đến biện pháp cụ thể, trực tiếp như thế. Nếu khuyến khích doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa thì Nhà nước cũng nên có chính sách, đặt trọng tâm vào một số mặt hàng tiêu dùng cụ thể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận