Làm gì để khơi thông du lịch thể thao?

NHƯ BÌNH 24/06/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Cùng với âm nhạc, các sự kiện thể thao cũng có thể trở thành lễ hội hoặc cái cớ để ngành du lịch hút khách đến. Nhưng theo doanh nghiệp du lịch, lữ hành, ngành thể thao cần chủ động hợp tác với ngành du lịch thì hiệu ứng bổ trợ cho quảng bá điểm đến VN sẽ lớn hơn rất nhiều.

Du khách quốc tế cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam trong trận chung kết thắng U23 Thái Lan tại SEA Games 31 tối 22-5 ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Chưa biết cách khai thác mỏ vàng

Giám đốc một công ty du lịch cho biết đang vất vả để tìm kiếm những cặp vé xem trận bán kết giải World Cup năm nay tổ chức tại Qatar cho một số du khách VN có nhu cầu. 

Theo vị này, cặp vé vào sân xem đá bóng kèm tour ngủ khách sạn 5 sao một đêm có giá 20.000 USD (gần 500 triệu đồng) nhưng không dễ kiếm vì từ năm ngoái vé xem các trận đá bóng giải này đã bán sạch, du khách các nước có đội bóng vào vòng chung kết đều lên kế hoạch mua từ sớm.

“Vé xem bóng đá ở những vị trí đẹp trên khán đài thường kèm với dịch vụ phòng tương ứng là 5 sao. Du khách sẽ mua tour trọn gói để hưởng các dịch vụ này”, ông nói. 

Nhiều du khách từng đi xem World Cup ở Nga 2018 cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự. Theo đó, nếu mua tour trọn gói, họ sẽ được một combo bao gồm thẻ “Fan ID", dịch vụ phòng, đi lại… 

Với Fan ID này, du khách sẽ được gợi ý theo những hệ thống khách sạn, hãng hàng không cũng như sử dụng một số phương tiện công cộng miễn phí. Thậm chí, chỉ cần tấm thẻ này và hộ chiếu, họ có thể làm thủ tục nhập cảnh vào Nga và không cần visa.

Trong kỳ SEA Games 31 được tổ chức vừa qua, VN chưa có những sản phẩm liên kết như thế, cho dù trong mắt nhà quản lý “đây là kỳ SEA Games đắt giá cho du lịch VN" khi chào đón hàng chục ngàn lượt khách quốc tế đến trong thời gian này.

 Ông T., giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM, nhìn nhận: SEA Games 31 chưa như kỳ vọng của các doanh nghiệp là hỗ trợ cho hồi phục du lịch. Bởi không có nhiều công ty du lịch khai thác tour đưa khách đến các trận thi đấu, ngay cả loại tour cổ vũ bóng đá vốn quen thuộc và dễ bán nhất cũng chỉ có 1-2 đơn vị tổ chức.

 Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp đã biết cách tự nắm bắt, tự đẩy lên các sự kiện cho chính mình. Như Vietravel đã phối hợp với Liên đoàn Bóng đá VN tổ chức tour đi các tỉnh phía Bắc và những du khách đi tour ít nhất 3 ngày 2 đêm trong thời gian SEA Games diễn ra được tặng vé xem bóng đá.

“Nhưng không phải ai cũng may mắn để có thể tổ chức được tour như vậy khi họ phải tự bơi", ông T. chia sẻ.

Thiếu sự liên kết

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, khoảng 10% du khách trên thế giới đi du lịch gắn với thể thao. Ở VN tỉ lệ này chỉ khoảng 1,7%, do đó dư địa còn nhiều, khơi thông du lịch thể thao là rất cần thiết giúp thị trường phục hồi nhanh hơn.

 Để làm mới các sản phẩm quen thuộc, Vietravel cũng tổ chức giải chạy bộ ở Đà Lạt và cố gắng giữ đây là sự kiện thường niên để đưa khách đến một trung tâm du lịch đông khách quanh năm.

 Bà Phương Hoàng cho biết du lịch ở thời điểm diễn ra sự kiện thể thao sẽ khác về cả trải nghiệm lẫn sản phẩm. Nếu biết cách kết hợp thì khả năng quảng bá hình ảnh cho VN rất lớn do có sự tương tác cảm xúc giữa thi đấu và du ngoạn cảnh đẹp. 

Du khách quốc tế cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam trong trận chung kết thắng U23 Thái Lan tại SEA Games 31 tối 22-5 ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Nhưng điều quan trọng là phải có sự phối hợp giữa ngành du lịch và thể thao, để các sản phẩm không chỉ dành cho du khách Việt mà còn đưa hình ảnh sôi động, hiếu khách đến du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Tử Anh, CEO Nexus Sport Events, chuyên về du lịch kết hợp sự kiện, thể thao, cho biết sức hút du lịch từ các sự kiện thể thao lớn trên thế giới rất lớn. Tuy vậy, đến nay nhiều sự kiện thể thao VN tổ chức chưa thu hút được nhiều khách du lịch, trong khi ở các nước, du lịch thể thao phát triển rất mạnh. 

Như Singapore, sau hai năm bị ngưng, nay tổ chức trở lại, giá vé xem cuộc đua Công thức 1 (F1) lên đến 10.000 đôla Singapore (tương đương 7.400 USD), sau 6 giờ mở bán giữa tháng 4-2022 đã được mua hết, cho dù giải đua bắt đầu vào cuối tháng 9 tới.

Sở thích của du khách đến VN cũng khá rõ ràng. Nếu như khách Hàn Quốc ghiền chơi golf, khách Âu Mỹ là vào rừng, thích khám phá núi non, chinh phục các cung đường khó thì khách Nhật thích trải nghiệm văn hóa bản địa… Hầu hết du khách mong muốn cảm có cảm giác trải nghiệm khác biệt trong các tour. 

Do đó, tour du lịch phải được thiết kế bao gồm những hoạt động khác biệt chứ không đơn thuần là du lịch nghỉ dưỡng, đến nơi biển xanh cát trắng và đọc sách, sưởi nắng.

Tại TP.HCM một số giải đấu thể thao, chạy bộ truyền thống nếu hợp tác chặt chẽ với hãng lữ hành sẽ kéo thêm nhiều khách nước ngoài. Nhiều giải thể thao hiện nay do khách tự đến, chưa được các đơn vị chào đón như du khách.

 Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho hay vào các đợt tổ chức giải chạy marathon của TP, công suất phòng khách sạn của nhiều điểm trong thành phố tăng vọt. Kéo theo dịch vụ ăn uống, vui chơi cũng sáng đèn để phục vụ hàng ngàn vận động viên tham gia. 

Nhưng để chuyển thành tour thì chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm này.

Theo ông Tử Anh, việc tổ chức du lịch thể thao không hề đắt tiền. Lợi thế của VN là thiên nhiên đa dạng, cảnh quan đẹp đẽ nên việc tổ chức các giải chạy bộ, leo núi, đua xe đạp địa hình… rất thuận lợi. Quan trọng là phải hình thành những liên kết như cơ sở lưu trú, nhà tổ chức event, nhà điều hành tour… để cung cấp một dịch vụ trọn gói thật bài bản, quy củ.

“Công tác tổ chức của VN hiện còn thiếu chuyên nghiệp. Những người tham gia tour thể thao thường đi theo nhóm bạn, họ không phải là người khó tính nhưng không thích book tour nguyên gói. Họ muốn tự túc đi và chúng ta phải có sản phẩm dịch vụ du lịch tương ứng" - ông Phạm Hà, chủ tịch Lux Group, nói.

Theo thống kê của các tổ chức thế giới, bình quân cứ 1 vận động viên chạy sẽ có 2,7 người đi cùng. Ngoài lực lượng vận động viên tham gia chạy thì còn có bạn bè, người thân, gia đình đi cùng cổ vũ, nên du lịch thể thao sẽ rất nhiều tiềm năng cho VN.

 Ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc TST tourist, nói đa số mọi người khi đi du lịch đã quá quen với việc đến những địa điểm nổi tiếng theo kế hoạch đã lên sẵn, sau đó là thuê một phòng khách sạn để nghỉ ngơi hoặc đi theo tour trọn gói. 

Tuy nhiên loại hình này còn phù hợp và du lịch hiện nay mang tính trải nghiệm cao hơn. Du khách muốn khi đi chơi vẫn duy trì được các sở thích của cá nhân như chơi golf, câu cá, nhảy dù...

Trao đổi với TTCT, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đã nhìn thấy cơ hội, tiềm năng của du lịch thể thao, nhưng muốn phát triển thì phải có sự kết nối chặt chẽ giữa ngành thể thao và ngành du lịch. 

Thực tế có doanh nghiệp du lịch cho biết làm tour đến các sự kiện thể thao ở nước ngoài thuận lợi hơn so với việc đưa khách quốc tế vào VN bởi thông tin các sự kiện thể thao được cung cấp từ rất sớm. ■

Du lịch và thể thao đã có sự cộng hưởng

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến VN tháng 5 đạt gần 173.000 lượt người. Lượng khách quốc tế tăng cao nhờ việc mở cửa du lịch, khôi phục đường bay quốc tế và nhiều đoàn khách quốc tế đến VN tham dự SEA Games 31. 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến VN đạt hơn 365.000 lượt người. Khách quốc tế đến VN tháng 5-2022 tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019 - chưa xảy ra dịch Covid-19.

Theo Tổng cục Du lịch, du lịch VN hiện đủ khả năng phục vụ các sự kiện văn hóa thể thao tầm cỡ khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách quốc tế. Những phản ứng nhanh nhạy của các địa phương vừa qua cho thấy ngành du lịch đã thực sự cộng hưởng với thể thao cùng đón dòng khách Đông Nam Á. 

Ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhìn nhận sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều địa phương hồi phục khá nhanh, trở thành những điểm đến mới được du khách ưa thích.

Trong bối cảnh đó, địa phương nào có sự chuẩn bị tốt, công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, dịch vụ chất lượng thì sẽ thành công, thu hút khách đến đông hơn. Tuy nhiên cũng phải nhắc đến công tác xúc tiến, truyền thông mạnh mẽ để chiếm được tình cảm của du khách… 

“Du lịch VN hồi phục và đề cao sự bền vững, dù đến nay chưa có những sự cố lớn liên quan đến chặt chém hay chất lượng dịch vụ chưa như mong đợi... nhưng nó cũng đòi hỏi các địa phương phải tăng cường quản lý điểm đến hơn nữa, đặc biệt trong cao điểm hè tới đây”, ông Khánh lưu ý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận