TTCT - Nhiều cá nhân và tổ chức khởi nghiệp kỳ vọng có thể biến Mặt trăng thành "thế giới sôi động và nhộn nhịp của các dịch vụ kinh doanh". Ảnh: satellitetoday.comViệc người Mỹ trở lại Mặt trăng lần đầu sau hơn 50 năm làm rộn ràng trở lại những dự báo về "kinh tế mặt trăng", với nhiều dự án, hợp đồng, việc làm được tạo ra từ chuyện con người lên thăm chị Hằng thường xuyên hơn, thông qua các dự án tư nhân, sử dụng trang thiết bị tư nhân.Ngày 22-2, tàu đổ bộ Odysseus của Intuitive Machines, một công ty tư nhân có trụ sở ở Houston, Texas, hạ cánh an toàn xuống Mặt trăng. "Thành công của nhiệm vụ này sẽ đặt nền móng cho nền kinh tế mặt trăng đang phát triển, mở ra những khả năng mới cho nghiên cứu, thương mại và khám phá" - Intuitive Machines tuyên bố trong thông cáo gửi báo giới.Odysseus, mang theo 6 thiết bị nghiên cứu từ NASA, dự kiến sẽ hoạt động trong 7-10 ngày bằng năng lượng mặt trời, song tới ngày 27-2, Intuitive Machines thông báo có thể sớm mất liên lạc với nó vì một số trục trặc trong quá trình đổ bộ. Odysseus vì thế sẽ "hoàn thành nhiệm vụ" chỉ sau 5 ngày.Dù vậy đây vẫn là dấu mốc quan trọng: Odysseus là tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ đáp xuống Mặt trăng kể từ khi nhiệm vụ Apollo cuối cùng của NASA năm 1972. Nó cũng được cho là sẽ "gieo mầm cho một nền kinh tế mặt trăng phát triển và rộng lớn hơn, với các công ty kinh doanh các dịch vụ như vận tải, thông tin liên lạc và năng lượng", theo NASA.Chuyến bay của Odysseus nằm trong chương trình Commercial Lunar Payload Services (CLPS, dịch vụ vận chuyển thương mại lên Mặt trăng) của NASA, trong đó cơ quan này sẽ thuê các công ty vũ trụ tư nhân để chở thiết bị lên Mặt trăng (Odysseus đã đến đích nhờ tên lửa Falcon 9 của SpaceX). Theo Time, từ đây đến năm 2026, NASA đã lên kế hoạch cho ít nhất 8 chuyến bay CLPS khác, gồm hai chuyến của Intuitive Machines và một của Astrobotic.Cuộc chơi không phải của riêng người Mỹ. Công ty start-up ispace (Nhật) đang bận rộn cải tiến phần mềm và lắp ráp tàu đổ bộ mặt trăng cho lần phóng vào mùa đông này, sau lần đầu thất bại mùa xuân năm ngoái (tàu phải hạ cánh khẩn cấp do lỗi đo độ cao). Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ phóng tàu thăm dò Hằng Nga 6 (Chang'e-6) trong nửa đầu năm nay.Mặt trăng, do vậy, đang là điểm đến sôi động hơn bao giờ hết, và triển vọng kinh tế thì vô cùng lạc quan. Theo Axios, trong thập niên qua, ít nhất 781 triệu USD đầu tư tư nhân đã đổ vào ngành công nghiệp mặt trăng; chủ yếu rót vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải - chẳng hạn tàu thăm dò và tàu đổ bộ. Khi vấn đề đi lại giữa Trái đất và Mặt trăng không còn là rào cản lớn, các ngành kinh doanh khác sẽ sớm hình thành: năng lượng mặt trăng, thông tin liên lạc, khai thác tài nguyên và xây dựng môi trường sống. Tất cả đúng như kỳ vọng "biến Mặt trăng thành thế giới sôi động và nhộn nhịp của các dịch vụ kinh doanh" của nhiều cá nhân và tổ chức khởi nghiệp, theo trang space.com.Con người từng mơ những thứ như thế về sao Hỏa, nhưng ngày dân Trái đất dọn lên hành tinh đỏ vẫn chưa tới. Với kinh tế mặt trăng, câu hỏi thiết thực hơn cần trả lời lúc này là: nếu thực sự thành hình, liệu nó có bền vững được không. "Liệu có đủ hoạt động trên Mặt trăng để bù đắp cho những nhà đầu tư đã mạo hiểm vung tiền xây dựng hạ tầng trên đó không?" - cây bút khoa học Jonathan Amos viết cho BBC. Trong tương lai gần, nguồn tài trợ của chính phủ sẽ phải hỗ trợ ngành công nghiệp này. Điều này đồng nghĩa có thể phải mất khá nhiều thời gian trước khi nền kinh tế mặt trăng có thể tự hình thành và thịnh vượng.Tàu đổ bộ Odysseus đi qua phía gần Mặt trăng ngày 22-2-2024. Ảnh: Intuitive MachinesTheo The Guardian, Intuitive Machines đã chi khoảng 100 triệu USD cho Odysseus, và nhận được 118 triệu USD từ NASA theo chương trình CLPS. Nhiều chuyên gia tin rằng số tiền chi ra hôm nay sẽ mang lại nhiều quả ngọt, không chỉ về kinh tế mà còn về khoa học kỹ thuật trong mai sau. "CLPS đang thay đổi cách khoa học lên Mặt trăng. Bằng cách dựa vào các đối tác thương mại, NASA có thể gửi nhiều thành tựu khoa học lên bề mặt Mặt trăng và với tốc độ nhanh hơn" - Jim Gregory, trưởng khoa kỹ thuật Đại học Hàng không Embry Riddle, nói.Đổi lại, các khoản đầu tư cho Mặt trăng của NASA sẽ nhỏ (trickle down) xuống kinh tế "dưới đất", ít nhất là với Space Coast - khu vực ven biển ở Florida, gần Trung tâm vũ trụ Kennedy, cũng là nơi phóng Odysseus. "Các [chuyến bay lên Mặt trăng] đang tạo ra những công ty mới, chưa từng xuất hiện, các công ty này lại mang tới những việc làm chưa từng có trước đây" - ông nói với đài phát thanh địa phương WMFE.Cũng theo Gregory, khoa học phục vụ chinh phục Mặt trăng sẽ đến ngày có ích cho chính Trái đất, như pin mặt trời: "Khi phát triển các tấm pin mặt trời tốt hơn cho tàu vũ trụ, những cải tiến và công nghệ liên quan sẽ giúp việc sản xuất những tấm pin mặt trời rẻ và hiệu quả hơn, để người dân dễ dàng lắp lên mái nhà và giảm hóa đơn tiền điện".Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế và tác động đến năng lực cạnh tranh quốc gia của chương trình đưa con người trở lại Mặt trăng (Artemis), NASA cũng đưa ra các con số rất lung linh: tạo ra hơn 69.000 việc làm, tăng tổng sản lượng kinh tế thêm 14 tỉ USD, thu thuế liên bang, tiểu bang và địa phương 1,5 tỉ USD. Tags: Làm kinh tếMặt trăngĐổ bộ Mặt trăngThám hiểm Mặt trăngKinh tế
Quốc vương Campuchia: Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em, bạn bè lâu đời DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nhấn mạnh Campuchia có quyết tâm cao để tiếp tục vun đắp mối quan hệ này.
Nga nói sẽ 'tất tay' nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 28/11/2024 Tổng thống Vladimir Putin hôm nay cho biết Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay để đánh Ukraine nếu Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng mong hai tân bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với Chính phủ NGỌC AN 28/11/2024 Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với tập thể Chính phủ, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của Chính phủ qua các thời kỳ.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.