TTCT - Trong nhiều buổi nói chuyện về nghề nghiệp với sinh viên, một câu hỏi trở đi trở lại của các bạn là: Em nên làm thuê sau khi ra trường hay khởi nghiệp? Câu trả lời tôi dành cho các bạn là: Không hỏi lại câu đó nữa. Vấn đề không phải là làm thuê hay khởi nghiệp, mà bạn phải trở thành một Người dựng xây. Tốt mà không phù hợp “Em rất tốt mà tôi rất tiếc” là một câu buồn nhất mà người sử dụng nhân sự phải nói. Nhưng hầu hết chúng tôi đều phải nói đi nói lại câu này rất nhiều lần. Bởi rất nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất là dù em rất tốt, nhưng em không phải là Người dựng xây. Mỗi doanh nghiệp, mỗi mô hình khởi nghiệp, mỗi môi trường làm việc đều cần nhiều Người dựng xây. Tiêu chí của Người dựng xây đối với mỗi mô hình là rất khác nhau, nhưng tựu trung lại, khi đã lựa chọn để trở thành một Người dựng xây cho một nơi nào đó, bạn phải tự hỏi mình: nơi đó, mô hình đó, cộng đồng đó, cần một Người dựng xây như thế nào? Điều này dẫn đến một câu hỏi cốt lõi hơn nữa: Bạn sẽ phù hợp với một môi trường/mô hình nào/cộng đồng nào? Và câu hỏi này lại dẫn đến một câu hỏi khác nữa: Bạn có giá trị cốt lõi như thế nào? Có những dạng năng lực nào? Có kiểu tính cách nào? Có mong muốn nào? Việc đầu tiên để có thể trở thành một Người dựng xây là bạn phải trả lời tất cả những câu hỏi này. Giống như một rãnh nước tìm đường ra sông, một dòng sông tìm đường ra biển rộng, bạn không thể cứ thảy mình đại vào một dòng sông bất cứ nào nếu chưa xác định được dòng sông có thể phù hợp - chấp nhận - dung hòa và làm cho bạn thăng hoa. Và trước khi định vị được dòng sông đó, bạn phải định vị được bản thân mình. Tôi đã chứng kiến nhiều nước mắt của nhiều người về chuyện này. Em nói muốn làm một thứ gì đó về marketing, em nghĩ em làm được. Em muốn thoát khỏi sự phụ thuộc của mình vào người thân, bằng cách ra ngoài để làm một công việc gì đấy, không làm cửa hàng trưởng trong một cửa hàng bán thực phẩm chức năng mà người cô của em đã sắp đặt cho em. Tôi hỏi, em được đào tạo ở ngành gì? Em bảo rằng em học kế toán. Tôi lại hỏi, vậy là em thích làm kế toán? Em nói không hẳn. Em thích làm một ngành giống như chị, kiểu như là marketing. Tôi lại hỏi, vậy tại sao em học kế toán? Em nói hồi đó cô em bảo là nên học kế toán để mai mốt dễ làm việc với cô. Mà giờ đây em không muốn làm việc cho cô nữa. Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp này? Dĩ nhiên nếu nhận em vào bộ phận marketing, chúng tôi phải đào tạo em từ đầu. Muốn đào tạo một nhân sự từ đầu, chúng tôi phải tìm thấy ở em những tố chất của Người dựng xây. Vì nếu không có tố chất đó, tôi phí thời gian của mình cho em để làm gì? Xây cái gì, xây thế nào? Vì sao phải xây? Không ai hoàn hảo, và... Từ kinh nghiệm của mình, tôi tạm liệt kê một số yếu tố như sau về Người dựng xây để cùng tham khảo: • Là người biết rõ năng lực lõi của mình và có thể nói về nó. Bạn không thể trở thành một người làm marketing khi bạn không thể trung thực với chính mình. Một người không trung thực với chính mình thì không thể hiểu được những ước muốn, suy nghĩ ẩn sâu trong tâm tư người khác. Mà đã không hiểu người khác thì sao có thể làm marketing? Vì vậy, cản trở lớn nhất của em gái đã kể phía trên là em không trung thực với ước muốn của chính mình, em thậm chí đã không dám can đảm đấu tranh cho ý muốn của mình, sao có thể đấu tranh hay nỗ lực vì ước muốn của nhiều người khác? • Là người biết rõ tổ chức - cộng đồng nơi mình tham gia vào cần năng lực lõi nào và hiểu rằng mình có hay không có - phù hợp với nó. • Là người biết về tương lai thế giới đang vận hành và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào nó. • Là người học hỏi có chủ đích, có chọn lọc. • Là người quan sát và gạn lọc dựa trên giá trị lõi của chính mình. • Là người biết tôn trọng góc nhìn của người khác. Là người biết tìm hiểu “bạn ấy đến từ đâu” khi bắt đầu cuộc hội thoại và một hợp tác. • Là người biết đấu tranh - thẳng thắn chỉ rõ những điểm chưa hợp lý với tinh thần xây dựng và thể hiện được tinh thần xây dựng của mình ngay cả khi đang đấu tranh. • Là người biết cách kết thúc công việc của mình. Khả năng hoàn thành công việc một cách trọn vẹn và tạo ra một “hành lang” thông thoáng cho các công việc kế tiếp từ công việc đó. Nhưng lớn hơn hết thảy, chúng tôi chọn để đào tạo một Người dựng xây dựa trên niềm tin của họ vào chính họ, và niềm tin của họ với con người. Chúng ta được sinh ra để sống trong một cộng đồng bất toàn. Thế giới này không hề có một cộng đồng toàn hảo, một quốc gia toàn hảo hay một gia đình toàn hảo. Người dựng xây là người đã biết chấp nhận sự bất toàn trong đời sống, không đau khổ vật vã với nó, mà bình thản đối diện với nó. Chỉ khi bạn đã bình thản đối diện với nó, bạn mới biết cách trở nên sáng tạo, linh hoạt và cởi mở, khi đó bạn sẽ vượt qua mọi chướng ngại để hoàn thành mục tiêu của mình. Và vì có một niềm tin trọn vẹn, bạn làm tất cả những việc đó với tâm hồn lành lặn và không gây ra thêm những thương tổn cho chính mình và những người có liên quan. Bởi, chúng tôi đã gặp rất nhiều người đạt đến mục tiêu của mình bằng cách phá tan hoang tâm hồn của chính họ, và vung vẩy nỗi hận thù đời bằng nhiều cái tên mỹ miều khác nhau, lên cuộc đời của những người khác. Dựng xây cho chính mình Có bao giờ bạn tự hỏi, bạn phù hợp với cuộc sống như thế nào? Tại sao và làm sao để có được cuộc sống đó? Một buổi tối cuối năm, chị, một cô giáo dạy cấp III có ánh nhìn mệt mỏi, tâm sự rằng: “Cuộc đời của em (chỉ tôi) là một cuộc sống vất vả nhưng ý nghĩa. Còn chị, chị cứ tự hỏi là mình có thật sự còn yêu thích công việc này không? Chị không biết chị còn yêu thích cái công việc mà từ nhỏ chị đã từng mơ ước này hay không? Ngày qua ngày, chị tới lớp, làm hết phần việc của mình mà vẫn luôn tự hỏi là mình có thật sự còn yêu thích công việc này hay không?”. Tôi nhìn chị, và nhớ lại hình ảnh thanh xuân của chị mà tôi từng may mắn chứng kiến. Ngày đó, chị là một cô gái có lý tưởng, tươi vui, hăng hái tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và giúp đỡ bạn bè. Chị còn là cô gái hát hay, có nụ cười lấp lánh. Câu nói của chị khiến tôi nhớ lại cái ngày tôi đứng trước gương năm 29 tuổi. Tôi đã không thể tung tăng như bây giờ, không thể đọc mỗi tuần hai cuốn sách như bây giờ, cũng không thể thoải mái trêu đùa với các con như bây giờ, nếu tôi không quyết định tái cấu trúc đời mình. Ở ngoài kia, cuộc đời phía trước không có bất kỳ cam kết nào: không tiền, không ai làm bệ đỡ, không nhan sắc, cũng chẳng có tài năng xuất chúng, không được đào tạo bài bản trong ngành, lại càng không có chút kinh nghiệm nào của ngành. Họ nói số không là không đúng, tôi xuất phát ở số âm. Hồi đó, tôi còn phải nuôi ba đứa con, đứa lớn nhất 7 tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Tôi còn cha mẹ già trên vai và tài sản chỉ vài bộ quần áo của mình và các con. Nếu ngày đó tôi sợ hãi, tôi vẫn sẽ là một phụ nữ có ba đứa con với đầy nỗi buồn, mở cánh cửa sắt của cái cửa hàng điện thoại mà mình làm chủ, và không hiểu mình ở đây để làm gì, sinh ra để làm gì, lòng đầy trống trải chán chường, dù vẫn có một gia đình, một cơ ngơi. Tái cấu trúc, tái dựng xây đời mình là một công việc đòi hỏi lòng dũng cảm. Mỗi thời điểm, mình sống một cuộc đời khác nhau do hoàn cảnh tạo nên, vì mình không thể chọn cha mẹ, trường học, dòng họ, quốc gia khi mình còn nhỏ. Nhưng chồng vợ, nhà cửa, nơi làm việc, thời gian làm việc, cách thức tương tác trong công việc, cách sáng tạo trong đó, cách đấu tranh, cách từ bỏ, cách xoay chuyển tình huống, hoàn cảnh, tâm tư con người... là có thể. Điều này cũng giản dị như việc bạn hiểu ra rằng “gọt chân cho vừa giày” là cụm từ gây đau đớn cho biết bao nhiêu lớp người. Thay vì dũng cảm, kiên trì, không ngừng tìm kiếm một đôi giày phù hợp bằng việc hiểu rõ kích cỡ chân, thể lực, địa hình nơi mình sẽ đi qua và muốn đến, và tin vào ước muốn chính đáng đó của mình, thì bạn lại ngậm ngùi và đau đớn tìm cách gọt bàn chân. Không có một Người dựng xây nào có thể tạo ra một công trình đáng giá bằng cách “gọt bàn chân”.■ Không có ai bảo với bạn thế nào là hạnh phúc và bạn nên như thế nào để đạt được hạnh phúc. Tất cả những lời khuyên đều là võ đoán từ kinh nghiệm của chính họ, những người đang khuyên bạn. Thật sự chỉ có chính bạn mới biết là mình nên làm gì với cuộc đời mình. Và bạn cần phải hỏi chính mình, tìm hiểu chính mình và lắng nghe chính mình. Một kiến trúc sư không thể thành công với một công trình mà không lắng nghe ý muốn của chủ nhân ngôi nhà, phải không? Tags: Xu hướng tự làm chủ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.